Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/208

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TỰ XÉT LẠI MÌNH

Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm đến việc "Nhân”, để tâm đến việc "Lễ".

Đã là người có nhân, thì yêu người; đã là người có lễ, thì kính người. Mà theo nhẽ thường, yêu người thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.

Người quân tử ăn ở như vậy, mà gián hoặc còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại, thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới xử với mình như thế, chớ tự dưng thì có khi nào họ lại ngang ngược với mình được.

Nếu người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước, thì tất lại xét lại mình ta nhân, ta lễ thật nhưng ta chưa được hết lòng chăng.

Nếu người quân tử xét rằng thật đã hết lòng mà thói người ngang ngược vẫn như trước, thì bấy giờ người quân tử nói:

"Hạng này thật là hạng càn dỡ. Người mà đến như vậy thì khác gì loài vật. Đối với loài vật thì ta còn so kè làm gì!"

MẠNH TỬ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Quân tử: Người tài đức hơn người.

- Sở dĩ: Bởi lẽ gì mà...

- Nhân: thương yêu.

- Lễ: quí trọng.

- Gián hoặc: thỉnh thoảng còn, có khi...

NHỜI BÀN[sửa]

Ai cũng đều là người cả. Nhưng người quân tử chỉ khác người vì cái tâm không tàn ác, không bỉ bạc. Tâm đã như thế thì thường yêu người, quí người. Yêu quí người, mà người yêu quí lại, là lý chi thường. Song ở đời có nhiều việc bất ngờ, đã không đem điều phải ăn ở lại với việc phải, lại còn dở lối cường bạo vô lý. Thế mà người quân tử xử với bọn ngu ngoan ấy vẫn ân cần tự xét mình đến ba lần; thật là vẫn sẵn lòng thương xót, hết cách an toàn, không có ý gì tự cho mình là phải mà tuyệt bỏ người đời cả.

Cái học trách kỷ, trong làm cho mình hay thêm, ngoài làm cho người dễ theo điều phải, thật là hay lắm vậy.

Liên kết đến đây