Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/230

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

TƯỚI DƯA CHO NGƯỜI

Tống Tựu làm quan Roãn một huyện biên thuỳ nước Lương, chỗ giáp giới với nước Sở.

Người đình trưởng ở biên thuỳ nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thuỳ nước Sở hai người cùng giồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa được tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa mọc xấu.

Quan Roãn ở huyện chỗ biên thuỳ nước Sở thấy dưa bên lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức giận lắm.

Người đình trưởng nước Sở thây dưa bên Lương tốt hơn dưa bên mình cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang vào vò dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.

Sau người đình trưởng nước Lương biết, có nói với người trưởng lại trong huyện, ý cũng muốn lẻn sang cào vò dưa bên Sở.

Người trưởng lại đem việc ấy nói vói Tống Tựu.

Tống Tựu bảo:

- Ôi! Sao lại thế! Thế chỉ là cách gây oán, chuốc vạ thôi. Này ta bảo ngươi chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta mà đừng để cho người ta biết.

Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.

Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương làm giúp.

Quan Roãn nước Sở biết rõ việc ấy lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.

Vua Sở biết chuyện buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.

Vua bèn lấy nhiều của đưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu.

Vua Lương cúng tin lòng. Thành hai nước giao hoan với nhau được lâu.

Cô ngữ có câu: "Chuyển bại nhi vi công, nhân hoạ nhi vi phúc” (1) nghĩa là xoay cái bại mà làm nên công, nhân cái hoạ mà làm nên phúc. Lão Tử có nói: "Báo oán dí đức” (2) nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy tức như truyện này.

Ôi! Người ta đã làm không phải, sao ta lại còn bắt chước người ta!

"GIẢ TỬ TÂN THƯ"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Quan Roãn: quan cai trị một địa hạt tức như chức tri huyện ngày nay.

- Lương: một nước mạnh đời Chiến quốc tức là nước Nguy ở vào phía bắc Hà Nam, phía tây nam Sơn Tây ngày nay.

- Biên thuỳ: chỗ đất chia giới hạn hai nước giáp nhau.

- Sở: một nước mạnh đời Chiến quốc ở vào Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang và phía nam tỉnh Hà Nam ngày nay.

- Đình trưởng người chủ coi cái quán hành khách qua lại ở trọ. Đời cổ đường dài mười dặm đặt một cái đình để cho hành khách ở đấy, nên người coi cái đình ấy gọi là đình trưởng.

- Trưởng lại: người đầu một nha giúp việc quan tức như đề lại ngày nay.

- Gây oán chuốc vạ: gây nên thù oán, chuốc lấy tai vạ.

- Giao hiếu: hai bên đi lại hoà hợp với nhau.

- Giao hoan: đi lại vui vẻ với nhau.

NHỜI BÀN[sửa]

Thói thường ở đời, mình dở không ưa người hay, mình lười không ưa người chăm, mình trái không ưa người phải, mình xấu không ưa người tốt... Cho nên người ở với người thường hay sinh sự.

Gia dĩ những người lại ở vào chỗ đất phân ra hai nước, chia làm biên thuỳ, thì sự chiến tranh lúc nào cũng nằm sẵn ở đó. Như đây, vì chuyện dưa mà hai người giồng thù hằn, hai quan uý ghen ghét. Nếu không có Tống Tựu khéo khu xử thì biết đâu máu chảy chẳng thành sông, xương chất chẳng thành núi: ở đời những việc ẩu đả, kiện tụng, tranh chiến, tàn phá thảm hại vô cùng, thường hay do tự những việc rắt nhỏ mọn mà ra.

Ta đọc câu chuyện này, ta rất cẩm phục Tống Tựu thật là người có lượng bao dong đủ hoá được cái lòng quan hoạnh nghịch, biết cách khéo xử đủ biến được cái dở ở đời. Nếu người đã không phải với ta, ta lại không phải với người nữa, thì hai bên có khác gì nhau, mà cái không phải cứ liên miên theo mãi thì sinh ra bao nhiêu câu chuyện đáng thương, đáng tiếc! Cho nên dĩ oán báo oán không phải là cách người quân tử đối với đời. Người quân tử nếu không dĩ trực báo oán, thì dĩ đức báo oán, có thế mới mong chuyển bại nhi vi công, nhân hoạ nhi vi phúc được.

Liên kết đến đây