Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/249
NGU CÔNG DỌN NÚI
Phía nam châu Ký, có hai quả núi Thái hàng và Vương Ốc to bảy trăm dặm, cao hơn muôn thước, cây cối rậm, ác thú nhiều, đi lại khó.
Ở chân núi có một cái nhà của ông lão tên là Ngu Công tuổi đã chín mươi.
Ngu Công thấy vì núi mà nhà ở chướng ngại, đường đi bất tiện, lấy làm bực tức. Một hôm, cụ họp cả vợ con, người nhà lại bàn rằng:
- Ta muốn cùng lũ ngươi hết sức bạt phang hai quả núi này thì có nên không?
Ai nấy đều thuận. Chỉ có người vợ ngần ngại, hỏi vặn rằng:
- Sức ông không bạt nổi một cái gò, thì làm thế nào bạt được những hai quả núi? Mà dù cho có sức bạt được nữa, thì đất, đá định đem đổ đi đâu?
Ngu Công nói:
- Khuân đổ ra bể Đông.
Đoạn Ngu Công đem con cháu cùng cả họ ra phá núi, kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày ấy sang tháng khác. Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà hoá, cũng xin đi làm giúp, hàng năm mới về một lần...
Gần miền có một ông lão khác, tên là Trí tẩu thấy vậy, cười Ngu Công và can rằng:
- Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao nhớn, phá thế nào nổi!
Ngu Công thở dài nói:
- Ngươi không bền lòng. Bền lòng thì việc gì cũng phải được. Ngươi không bằng người đàn bà hoá, đứa trẻ con thơ. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi.
Trí tẩu nghe nói, nín lặng, không giả nhời.
Sau này vùng Nam châu Ký không có núi non chướng ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công.
LIỆT TỬ
GIẢI NGHĨA[sửa]
- Ký: một châu của chín châu đời cổ, tức là vùng Trực Lệ, Sơn Tây cùng phía bắc sông Hoàng Hà, tỉnh Hà Nam, phía tây sông Liêu Hà, tỉnh Phụng Thiên.
- Dặm: đời cổ cho một quãng dài trông con trâu bằng con dê là một dặm.
- Ác thú: các thú dữ như hùm, beo, gấu, lợn lòi.
- Chướng ngại: ngăn chở vướng vít không được thuận tiện.
- Sinh hạ: cũng nghĩa như đẻ ra, tiếng nói lịch sự.
NHỜI BÀN[sửa]
Ta không tưởng tượng rõ núi Thái hàng và núi Vương Ốc to nhớn thế nào. Ta chỉ biết ở cái đời Ngu Công bấy giờ chắc chưa có máy móc tinh xảo như bây giờ, mà đã bạt được núi, thì lạ quá. Lại không kể phải thuê từng hàng nghìn vạn phu để làm, chỉ người trong một nhà, một họ và ít người lân cận giúp tay vào mà cũng làm nổi. Ôi! Nếu quả như vậy, thì cái gương kiên nhẫn của Ngu Công thực đáng để truyền lại mãi cho trăm đời về sau này. Vả chăng chỉ một câu Ngu Công nói với Trí Tẩu, cũng nên ghi nhớ lắm. Sự kiên tâm không phải chỉ chế hạn trong một đời, nhưng cứ tiếp luôn đời ấy, đời khác, theo đuổi mãi, thì ở đời còn có gì gọi là khó được nữa.