Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/59

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

CHỮ TÍN

I. Cái Đỉnh[sửa]

Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.

Vua Tề bảo: "Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang nói, thì ta mới tin".

Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.

Nhạc Chính Tử hỏi: "Sao không đưa cái đỉnh thật?"

Vua Lỗ nói: Ta quí cái đỉnh ấy lắm.

Nhạc Chính Tử thưa: Nhà vua quí cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi quí cái đức "Tín" của tôi như thế".

Sau vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

HÀN TỬ

II. Thanh Gươm[sửa]

Quí Trát là con vua nước Ngô đi du lịch các nước. Khi qua nước Từ vào chơi. Vua Từ thấy Quí Trát có thanh gươm báu, muốn xin, mà chưa dám nói, Quí Trát trong bụng cũng định cho, mà chưa dâng được, vì cuộc du lịch chưa xong. Khi ở nước Tấn về, thì vua Từ đã chết rồi. Qui Trát không biết làm thế nào, đành phải đem thanh gươm đến treo chỗ gốc cây, mộ vua Từ rồi mới về.

SỬ KÝ

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Lỗ: (xem bài số 5).

- Tề: (xem bài số 5).

- Nhạc Chính Tử: người nước Lỗ thời Xuân Thu, học trò giỏi thầy Tăng Tử.

- Quí Trát: con út vua Ngô, một bực danh nhân thời Xuân Thu.

- Du lịch: đi chơi trải qua nhiều nơi để xem nhân dân phong tục.

- Ngô: (xem bài số 54).

- Tấn: (xem bài số 45).

NHỜI BÀN[sửa]

Nhạc Chính Tử không chịu đem cái đỉnh giả, Quí Trát không chịu về không cho gươm, đều là những người biết trọng chữ “Tín“ cả. Giả không nói là thật đã là quí, mới hứa trong bụng mà cố làm cho được, lại quí hơn nữa. Ôi! Xưa nay chữ tín có giá biết ngần nào! Chữ tín liệt rõ trong ngũ thường, người ở đời giao thiệp cốt lấy chữ tín làm chủ. Cho nên cổ nhân có những câu như: "Nhân vô tín bất lập" (Khổng Tử) nghĩa là người không có tín thì không đứng được ở đời, "Tín vi quốc chi bảo" (Tấn Văn Công) nghĩa là tín là cái của báu của cả nước.

Liên kết đến đây