Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/63

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

BÀ HUYỆN CAN ĐẢM

Đời nhà Đường, giặc Lý Hy Liệt đã đánh được Châu Biện, kéo đến đánh huyện Hạng Thành. Quan huyện Hạng Thành là Lý Khản muôn chạy trốn. Bà huyện người họ Dương, nói: "Giặc đến cướp thành thì phải hết sức giữ thành, giữ nước không được thì phải liều chết với thành, nay ông lại chực trốn, là nghĩa làm sao? Bây giờ cứ mộ quân cho nhiều, khao thưởng cho to, thiếp tưởng còn có thể giữ được thành."

Nói rồi, chính bà huyện hội họp cả nha lệ sĩ dân lại mà hiểu dụ rằng:

"Quan huyện là chủ các ngươi thật, song chẳng qua chỉ ở đây độ năm, ba năm, rồi cũng thiên đi nơi khác, không liên can lắm bằng các ngươi sinh trưởng ở đất này, gây dựng cơ nghiệp ở đất này, mồ mả ông cha cúng ở đất này. Vậy sống, chết, các ngươi cũng phải hết sức mà giữ lấy thành thì mới được".

Ai nấy nghe đều cảm động, rơm rớm nước mắt và đoan xin liều chết để cố giữ thành. Bà huyện hạ lệnh rằng:

"Ai lấy gạch đá đánh được giặc, thưởng tiền một nghìn, ai lấy gươm giáo giết được giặc, thưởng tiền một muôn".

Tất cả được hơn một trăm người kéo nhau ra giữ thành, chống lại với giặc. Bà huyện thân đi trông nom lương thực cho quân lính. Khi giao chiến, quan huyện phải một mũi tên, lùi về, ý không muốn đánh nữa. Bà huyện giận nói:

"Ông không ở đây, thì ai chịu liều chết? Cho ông giữ thành mà có chết nữa lại chẳng hơn chết ở xó giường ư!"

Ông huyện nghe cảm kích, hăng hái hơn trước, lại chạy lên thành, liều đánh một trận nữa, quân giặc núng thế phải kéo đi. Huyện Hạng Thành nhờ thế được an toàn.

ĐƯỜNG THƯ LIỆT NỮ TRUYỆN

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Đường: xem bài số 46.

- Lý Hy Liệt: người Liêu Tây đời vua Đức Tôn nhà Đường làm quan Tiết độ sứ, vua sai đánh giặc, sau cùng với giặc làm loạn.

- Khao thưởng: cho ăn uống rồi ban đồ vật gì để khen ngợi quan quân.

- Thiếp: tiếng vợ tự xưng mình khi nói với chồng.

- Nha lệ: nha: nhữhg lại làm việc công giúp quan; lệ: lính các đội để sai đi việc quan.

- Sĩ dân: những dân có học tập chữ nghĩa.

- Hiểu dụ: nói rõ cho ai nấy đều hiểu.

- Thiên: đổi đi nơi khác.

- Sinh trưởng: đẻ ra, nhớn lên.

- Cơ nghiệp: cơ là căn cơ; nghiệp là nghề nghiệp, nói gồm của cải ruộng đất mình có, mình lấy nghề của mình mà gây nên.

- Hạ lệnh: ra một phép, một luật, một đạo công văn cáo giới gì mà bắt phải tuân theo.

- Lương thực: thóc gạo, đồ ãn nuôi quân lính.

- Giao chiến: hai bên đánh nhau.

- Cảm kích: ngắm nghía phát ra tư tưởng hay và hăng hái thêm lên.

NHỜI BÀN[sửa]

Làm quan không che chở cho dân, lúc có giặc đến, lại sợ chết, muốn trốn tránh, thi chẳng là nhút nhát không hiểu cái nghĩa tận tâm với chức vụ là gì ư! Một ông huyện như thế đáng khinh bao nhiêu, thì một bà huyện như vợ ông huyện ấy lại đáng trọng bấy nhiêu. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Chỉ nhờ cái lòng can đảm của bà mà dân phải quả quyết, mà chồng phải cảm kích, mà huyện được an toàn. Nhất câu bà nói: "Giữ thành mà chết còn hơn chết ở xó giường" thì cái chí khí có kém gì ông quắc thước hay không!

Liên kết đến đây