Cứu cây lô hội đang có nguy cơ chết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lô hội là một loài cây rất tuyệt khi trồng ngoài trời hoặc trong nhà. Đây cũng là loài thảo mộc rất hữu ích nhờ các đặc tính chữa lành của nó. Là loài cây mọng nước, lô hội có thể mắc bệnh do tưới nước quá nhiều hoặc quá ít và do các yếu tố khác của môi trường. Thối rễ là một trong những bệnh phổ biến nhất mà cây lô hội thường gặp, nhưng chúng cũng có thể bị bệnh cháy lá. Nếu cây lô hội của bạn có vẻ như bị bệnh, bạn cũng đừng mất hy vọng! Vẫn có cách để bạn cứu được nó!

Các bước[sửa]

Trồng lại cây bị thối rễ[sửa]

  1. Lấy cây lô hội ra khỏi chậu đang trồng. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cây lô hội bị chết là bệnh thối rễ. Để xác định bệnh này, việc đầu tiên bạn cần làm là lấy cây ra khỏi chậu.[1]
    • Nhẹ nhàng dùng tay giữ ở gốc cây và đáy chậu. Dốc ngược chậu và tiếp tục giữ cây bằng tay kia. Dùng bàn tay vỗ vào đáy chậu hoặc gõ vào cạnh bàn (hoặc bề mặt cứng khác).[2]
    • Tùy vào kích thước của cây, có thể bạn cần người trợ giúp. Một người sẽ giữ gốc cây bằng cả hai tay, trong khi người kia dốc chậu cây xuống và vỗ đáy chậu.[2]. Bạn cũng có thể lắc chậu nhiều lần cho đến khi cây lỏng ra.
    • Nếu thấy vẫn khó lấy cây ra với cả hai đôi bàn tay, bạn có thể dùng bay hoặc dao cạo vòng quanh bên trong thành chậu và thử lấy cây ra lần nữa, hoặc đẩy bớt đất ra ngoài qua lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Nếu vẫn không được, có lẽ bạn phải đập vỡ chậu, nhưng chỉ nên làm điều này nếu không còn cách nào khác.[2]
    • Khi lấy cây lô hội ra khỏi chậu, bạn cần cố gắng không tác động vào cây. Mọi thao tác chỉ nên tập trung vào chậu mà không làm động chạm nhiều đến cây. Nói cách khác, bạn có thể giữ nhưng không được kéo cây. Việc vỗ vào đáy chậu sẽ giúp bạn giữ cho bộ rễ còn nguyên vẹn, và trọng lực sẽ đẩy cây xuống.
  2. Chăm sóc rễ cây. Kiểm tra bộ rễ và xác định xem còn bao nhiêu rễ khỏe mạnh. Rễ mủn ra là đặc điểm của bệnh thối rễ và cần phải loại bỏ.[1] Những sợi rễ nào không chuyển màu đen, không bị mủn nghĩa là vẫn còn khỏe mạnh và có thể giữ lại.
    • Nếu phần lớn bộ rễ vẫn còn lành lặn và chỉ có một phần nhỏ rễ cây bị chết hoặc mủn thì bạn có thể cứu được cây khá dễ dàng, nhưng phần rễ hỏng cần phải cắt bỏ.[1] Bạn có thể dùng dao sắc đã khử trùng để cắt bỏ phần rễ chết,[2] nhưng nhớ cắt thật sạch.
    • Nếu phần lớn bộ rễ cây đã hỏng, bạn sẽ phải mất nhiều công sức hơn, thậm chí có thể không cứu được cây. Trong trường hợp này, bạn có thể cắt bỏ những chiếc lá to nhất (dùng dao). Cắt đi khoảng nửa cây. Phương pháp này khá mạo hiểm, nhưng nếu chỉ còn ít lá thì phần rễ khỏe mạnh ít ỏi còn lại vẫn đủ sức vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi cây.[1]
  3. Chọn chậu lớn hơn gấp rưỡi bộ rễ cây. Bất cứ lượng đất thừa nào cũng sẽ giữ nước và gây thối rễ cây về sau, vì vậy dùng chậu nhỏ sẽ tốt hơn chậu lớn.[3]
    • Rễ cây lô hội phát triển theo chiều ngang hơn chiều dọc.[3] Cây lô hội cũng có thể sẽ phát triển khá nặng và làm lật đổ chậu nhỏ. Vì vậy bạn nên dùng chậu rộng thay vì chậu hẹp hoặc sâu.[4]
    • Chọn chậu có nhiều lỗ thoát nước dưới đáy để tránh nước đọng trong đất.[5]
    • Chậu nhựa là tốt nhất nếu bạn sống trong vùng khí hậu khô, trong khi đó chậu sành hoặc chậu đất sét là lý tưởng trong vùng lạnh và có độ ẩm cao.[5]
  4. Dùng đất trồng cây thích hợp với cây xương rồng hoặc cây mọng nước. Loại đất này có thành phần cát cao hơn và có thể tạo môi trường thoát nước tốt cho cây. Bạn có thể tìm được loại đất này ở các trung tâm làm vườn.[6]
    • Bạn cũng có thể tự làm đất cho cây lô hội bằng cách trộn cát, sỏi hoặc đá bọt và đất với tỷ lệ bằng nhau.[6] Đảm bảo dùng loại cát thô (cát xây dựng) thay vì cát mịn. Cát mịn có thể đóng chắc lại và giữ nước thay vì để nước thoát ra khỏi chậu.[3]
    • Mặc dù có thể dùng đất trồng cây trong chậu để trồng lô hội, nhưng cây sẽ phát triển tốt hơn với đất pha trộn.[6] Đất trồng cây trong chậu thường giữ độ ẩm và gây thối rễ.
  5. Trồng lại cây lô hội. Đổ hỗn hợp đất vào chậu và lắc nhẹ cây để giũ bớt một phần ba đất dính trong bộ rễ.[2] Đặt cây vào chậu đất mới chuẩn bị và phủ thêm hỗn hợp đất lên trên, nhưng không chôn cây sâu hơn so với chậu cũ.[6]
    • Bạn cũng có thể rải một lớp sỏi hoặc đá nhỏ lên mặt đất để giúp giảm độ bốc hơi nước.[6]
  6. Không tưới nước ngay sau khi trồng lại cây vào chậu. Cây lô hội cần vài ngày để thích nghi với chậu mới và sửa chữa lại các rễ bị đứt.[6]

Theo dõi lượng nước tưới[sửa]

  1. Kiểm tra đất. Bạn có thể biết lúc nào cần tưới cây bằng cách chọc ngón tay xuống đất khoảng vài cm. Đất khô có nghĩa là cây cần được tưới. Lô hội là loài cây mọng nước và không phải tưới quá thường xuyên. Việc tưới quá nhiều nước có thể giết chết cây![7]
    • Nếu để cây ngoài trời, bạn có thể tưới cây hai tuần một lần là đủ.[7]
    • Nếu cây trồng trong nhà, ba hoặc bốn tuần mới cần tưới một lần.[7]
  2. Điều chỉnh lượng nước tưới tùy theo mùa. Cây lô hội cần nhiều nước hơn trong những tháng nóng và ít nước hơn trong mùa lạnh. Tưới ít hơn vào mùa thu và mùa đông, nhất là khi cây sống trong vùng lạnh.[4]
  3. Kiểm tra lá cây. Là một loài cây mọng nước, lô hội trữ nước trong các lá cây. Nếu bạn để ý thấy lá cây rũ xuống và gần như trong suốt thì có lẽ cây của bạn đang cần nước.[4]
    • Tuy nhiên, hiện tượng thối rễ cũng có dấu hiệu tương tự nhưng là do tưới quá nhiều nước. Hãy nhớ lại xem lần cuối bạn tưới cây là khi nào. Nếu mới tưới gần đây, có lẽ bạn nên lấy cây ra khỏi chậu và kiểm tra rễ cây.[4]
  4. Tưới nước cho đến khi đất chỉ đủ ẩm. Không nên để nước còn đọng trên mặt đất, do đó bạn nên tưới ít thôi. Tiếp tục kiểm tra cây hàng tuần hoặc cách tuần bằng cách thử độ ẩm trong đất xem có cần tưới không.

Chăm sóc cây bị cháy lá[sửa]

  1. Kiểm tra lá cây. Nếu lá cây lô hội chuyển sang nâu hoặc đỏ thì nghĩa là cây có thể đã bị cháy nắng.[8]
  2. Chuyển chỗ cho cây. Dời cây ra nơi có ánh nắng gián tiếp thay cho nắng trực tiếp từ mặt trời.[8]
    • Nếu cây thường đặt dưới ánh sáng nhân tạo, bạn hãy dời cây ra xa nguồn sáng. Bạn cũng có thể đem cây ra ngoài trời để cây nhận một chút ánh sáng tự nhiên gián tiếp thay vì ánh đèn.[8]
  3. Tưới cây. Kiểm tra đất để biết cây có cần tưới nước không. Thông thường đất sẽ khô nếu có quá nhiều ánh nắng do nước sẽ bốc hơi nhanh hơn.[8]
  4. Loại bỏ lá héo úa. Dùng dao sắc đã khử trùng cắt bỏ lá tại gốc cây. Những chiếc lá héo úa lấy mất chất dinh dưỡng từ các bộ phận khác trên cây, do đó bạn cần cắt bỏ chúng để phần còn lại của cây không bị ảnh hưởng.[9]

Lời khuyên[sửa]

  • Thay vì ngắt lá mỗi khi cần dùng lô hội, bạn nên dùng dao sắc cắt lá sát gốc cây. Cây sẽ lành nhanh hơn nếu vết cắt gọn gàng hơn.[7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]