Cửu Chân là khái niệm Xích đạo trong cổ thư?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, sau khi xâm lăng Nam Việt, Hán Vũ đế lấy Lĩnh Nam chia thành chín quận. Đến Hán Thư mới chú rõ tên hai quận cực nam là Cửu Chân và Nhật Nam. Đây là văn bản cổ xưa nhất nói đến Cửu Chân và Nhật Nam. Các sách sử ra sau như Thủy Kinh chú viết Triệu Đà đặt tên Cửu Chân, hoặc sử Việt cho rằng Cửu Chân là một tên gọi có từ thời Hùng Vương, e rằng thiếu căn cứ.

Chữ Cửu ít nhất có ba lần nằm trong địa danh cổ phía ngoài trung lưu Hoàng Hà, nơi phát tích của văn minh Hoa Hạ, đó là Cửu Nghi (九嶷, dãy núi phía nam Trường Giang), Cửu Châu (九州, một đảo chính gần lục địa Á Đông nhất của Nhật Bản) và Cửu Chân (九真). Cửu trong Cửu Nghi và Cửu Châu xưa nay đều được hiểu là (số) Chín. Riêng Cửu Chân thì sử học lưỡng lự, không hiểu nó mang nghĩa gì. Có ý kiến cho rằng Chân ở đây nói về khái niệm “chân nhân – lão tiên” trong Đạo giáo.

Là một người đi biển, có chút ít kiến thức thiên văn thực hành, tôi nghiệm ra rằng ba địa danh ở trên có liên quan đến thiên văn, cụ thể nó là hệ quả của quá trình quan sát mặt trời trong hằng ngàn năm của người Trung Hoa cổ. Có thể tin rằng một trong những nghĩa của từ Cửu là (mặt) trời. Thuyết văn (quyển tự điển từ thời Đông Hán) chú giải: “Cửu là chữ Dương (mặt trời) biến ra”. Số Chín là ngôi cao nhất thường được gán cho vua chúa, dân gian có Chín tầng trời. Số Chín từng biểu trưng cho vua (thiên tử) thì cũng không phải không có khả năng nó tượng trưng cho trời, mang nghĩa khác là mặt trời.

Tại vùng Hoa Bắc mặt trời mọc chếch ở hướng Đông nam và lặn xiên qua phía Tây nam. Để nhìn thấy mặt trời ở bất cứ thời điểm ban ngày nào, trừ một số ít ngày trước và sau Hạ chí, cơ bản người ta phải quay mặt về phương Nam. Việc đồng hóa vua là con (mặt) trời có lẽ xuất phát từ tục thờ mặt trời phổ biến ở bất cứ nền văn minh nào trên quả đất. Do đó dẫn tới các qui chế hành lễ như vua quay về hướng nam tế trời, ngồi nghe chầu, huyệt mộ hoàng đế mở cửa phía nam .v.v..

Mặt trời chuyển động tương đối xung quanh quả đất theo hai qui luật: Hằng ngày là từ Đông sang Tây, hằng năm thì từ Nam chí tuyến đến Bắc chí tuyến và ngược lại.

Rõ ràng hằng ngày mặt trời với người Trung Quốc dường như mọc từ hòn đảo Cửu Châu, nước Nhật. Nếu ta áp nghĩa Cửu là mặt trời ở đây thì sẽ bật ra sự thống nhất xuyên suốt trong nội hàm tên gọi nước Nhật: Cửu Châu (xứ sở của mặt trời) = Nhật Bản (gốc của mặt trời) = Phù Tang (Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt trời mọc).

Từ đó ta sẽ cảm thấy có lý nếu cho rằng từ qui luật chuyển động hằng năm của mặt trời, trên hướng nam tính từ các kinh đô cổ Trung Quốc, sẽ xuất hiện ít nhất hai mốc mang nghĩa “gốc của mặt trời”. Tôi luận “ít nhất hai mốc” ở đây là vì, khác với hướng Đông (đi qua Cửu Châu) văn minh Hoa Hạ luôn tiến về phía nam, càng ngày càng hiểu hơn vùng đất phương nam thì các “gốc của mặt trời” có thể cũng dịch chuyển và thay đổi để chính xác hơn.

Trước tiên xin xét đến Cửu Nghi (九嶷): Sử Ký chỉ ghi tên, không giải thích. Đến thời Ngụy (Tam quốc) sách Tập giải Hoàng Lãm cho rằng dãy núi này có chín dòng suối giống nhau nên gọi là Cửu Nghi. Sau nữa đến Thủy Kinh chú thì bảo núi có chín ngọn nên mang danh Cửu Nghi. Thử hỏi một dãy núi ngăn cách cả vùng Lĩnh Nam với phía bắc thì có thể đếm được mấy con suối, mấy đỉnh nhọn? Sự mâu thuẫn này phải chăng xuất hiện do lỗ hổng kiến thức của các tác giả chú giải? Từ Nghi trong Cửu Nghi bỏ đi chữ “núi” trên đầu vẫn đọc là Nghi (疑) nghĩa là ngờ vực, nghi hoặc. Tôi cho rằng những vị quan xem thiên văn, ghi chép sự di chuyển mặt trời hằng năm ở Hoa bắc trước Tư Mã Thiên, vì chưa có dịp đến thực địa ở phương nam, đã nghi ngờ rằng “gốc mặt trời” ở đâu đó sau dãy núi này.

Dẫn luận ấy sẽ làm rõ nghĩa một cách hoàn hảo từ Cửu Chân, mặc dù bản thân Cửu Chân hoàn toàn có thể đứng riêng để biểu thị “gốc mặt trời” vì Chân mang một nghĩa rất rõ ràng là Gốc (qui chân là trở về gốc).

***

Tóm lại, nếu dùng một số kiến thức thiên văn cơ bản cùng với khả năng chỉ mặt trời của chữ Cửu, ta có thể đưa ra một số kết luận bất ngờ sau đây: Trong ngôn ngữ Trung Hoa cổ đại, Cửu Châu mang nghĩa là gốc của mặt trời theo qui luật chuyển động hằng ngày và Cửu Chân chính là gốc của mặt trời theo qui luật chuyển động hằng năm. Cửu Châu, Cửu Nghi và Cửu Chân xuất phát đều là những tên gọi định tính, ước đoán và hoàn toàn là khái niệm. Sau này các khái niệm chuyển đổi mục đích sử dụng thành địa danh, cộng với những đứt đoạn kiến thức trong xã hội, phải chăng người ta đã đánh mất ý nghĩa ban đầu của chúng?

Nếu thiên văn học hiện đại xem “gốc mặt trời” hằng năm là vị trí mặt trời trên xích đạo vào ngày Thu phân và Xuân phân thì Cửu Chân chính là Xích đạo, trong khả năng chính xác còn hạn chế của thiên văn Trung Hoa cách đây hơn 2000 năm. Bằng chứng là sau khái niệm Cửu Chân đã rất gần với thiên văn học hiện đại (chỉ sai lệch trong khoảng 15 đến 18 độ vĩ, vì rằng khu vực bắc trung bộ Việt Nam từng được xác định là Cửu Chân), ta còn có khái niệm Nhật Nam(日南)tiếp nối. Nhật Nam chính là (vùng đất) phía nam mặt trời, nơi các sử quan Trung Hoa đoán con người khi xây nhà phải quay cửa về hướng bắc để đón ánh mặt trời (Sử Ký), không như nguyên tắc phổ thông ở Hoa Bắc. Ngày nay ta thấy những vùng đất ấy là ở phía nam châu Phi, Nam Mỹ hoặc châu Úc. Nói cách khác Nhật Nam tương đương với khái niệm Bán cầu nam trong thiên văn hiện đại.

Kết hợp kiến thức thiên văn với văn hóa, cũng như lối ký âm Lĩnh Nam bằng Hán tự, tôi cũng đã bước đầu đề nghị một vài cách hiểu các thuật ngữ cổ sử Việt Nam như Giao Chỉ, Âu Lạc, Tượng Quận. Những vấn đề này xin hẹn bạn đọc trong bài báo sau. Chỉ mong hướng đi này sẽ được các nhà khảo sử chuyên nghiệp tham khảo và phản biện, hầu góp phần khai mở những góc hẹp chưa sáng tỏ trong các trang sử nước nhà.

Box minh họa: Hình trên mô tả chuyển động tương đối hằng năm giữa mặt trời và trái đất. Đường Hoàng đạo (Ecliptic) là tập hợp vị trí mặt trời mọc thay đổi hằng ngày trong chu kỳ một năm. Mặt phẳng chứa đường Hoàng đạo tạo thành một góc 23 độ rưỡi với mặt phẳng xích đạo (Celestial equator). Hai mặt phẳng này giao nhau tại đường thẳng nối điểm Xuân phân (Vernal equinox) và Thu phân (Autumnal equinox). Khi mặt trời đi đến điểm Hạ chí, ở bắc bán cầu mặt trời giữa trưa nằm trên đỉnh đầu người quan sát tại vĩ độ 23 độ rưỡi (vĩ tuyến 23 độ rưỡi gọi là Bắc chí tuyến, nó đi qua thành phố Quảng Châu tức Phiên Ngung trong Sử Ký). Mặt phẳng xích đạo (Celestial equator) chia trái đất làm hai nửa là Bán cầu bắc và Bán cầu nam.

Chữ Cửu trong kinh điển: Tên gọi Cửu Chân xuất hiện lần đầu tiên trong Hán Thư. Hán Thư dùng chữ Hán thế kỷ thứ I, vì gia tộc họ Ban (Ban Bưu, Ban Cố, Ban Chiêu) biên soạn Hán Thư đều sinh ra, lớn lên và mất đi trong thế kỷ này. Thuyết Văn giải tự, quyển tự điển chữ Hán đầu tiên của Hứa Thận bắt đầu được viết vào năm 100. Cho nên có thể kết luận không có sự lệch pha đáng kể nào trong ngôn ngữ của Hán Thư và Thuyết Văn.

Hán Vũ đế đặt tên chín quận phía nam, trong đó có Cửu Chân vào năm Nguyên Phong nguyên niên (110 TCN). Không lâu sau đó, học giả Lưu Hướng (77 TCN – 6 TCN) đã sưu tầm, biên soạn, dẫn dịch và hiệu đính các trước tác của Khuất Nguyên. Tôi nhắc đến Khuất Nguyên vì trong các tác phẩm của ông do Lưu Hướng khảo dẫn, chữ Cửu xuất hiện tương đối dày đặc: Cửu ca, Cửu chương, Cửu biện, Cửu hoài, Cửu thán, Cửu tư… Chỉ duy nhất tập Cửu chương là có Chín bài thơ (chín chương), còn các tựa khác mang chữ Cửu có vẻ gần gũi với chữ Thiên trong bài thơ Thiên Vấn của Khuất Nguyên hơn. Như một hệ quả tất yếu, chúng tôi cũng tìm thấy từ Cửu Châu trong bài Thiên Vấn của Khuất Nguyên:

九州安錯 川穀何洿


東流不溢 孰知其故

(Âm Hán Việt: Cửu châu an thác / Xuyên cốc hà ô / Đông lưu bất dật / Thục tri kỳ cố).

Cửu Châu ở đây nghĩa là Chín Châu tạo nên Trung Nguyên, một cơ sở địa lý Hoa Hạ thời Xuân thu – Chiến quốc. Cho nên trong từ Cửu Châu của người Nhật, ít khả năng Cửu lại là (số) Chín.

Lưu ý đặc biệt ở đây là, các tác phẩm của Khuất Nguyên bằng chữ Hán chắc chắn là bản dịch từ ngôn ngữ nước Sở, chúng được gọi chung là Sở từ cũng vì lý do ấy. Vậy, chữ Cửu của Lưu Hướng và của Hán Vũ đế có tương quan nào với nhau hay không, có khía cạnh nào đó chỉ Trời như định nghĩa của Thuyết văn sau này hay không, là một câu hỏi thú vị cần giải đáp. Sử dụng cả ba nghĩa hướng của chữ Cửu là (số) Chín, Trời (thiên), Vua (thiên tử) trong Sở Từ , ta sẽ thấy sự thống nhất và mạch lạc trong nhiều tầng ẩn dụ của tư tưởng và tình cảm Khuất Nguyên.

Tác giả[sửa]

  • Trương Thái Du (tác giả đã đồng ý cho phép Thư viện Khoa học VLOS đăng lại bài).

Liên kết ngoài[sửa]