Cao Xuân Hạo
Giáo sư Cao Xuân Hạo (sinh năm 1930) là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng thế giới với những đóng góp suất sắc trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ông còn là dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác.
Mục lục
Tiểu sử[sửa]
Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh năm 1930 tại Hà Nội [1], trong gia đình mang dòng họ Cao Xuân nổi tiếng khoa bảng. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng với giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học tổng hợp Hà Nội, hiện nay ông sống ở Sài Gòn và thành viên của Hội nhà văn Việt Nam. Tuy nổi tiếng như một nhà ngôn ngữ học, dịch giả, ông còn nổi tiếng như một nhà văn. Năm 1985 giáo sư Cao Xuân Hạo đã được trao tặng giải thưởng về dịch thuật 1985 của Hội nhà văn Việt Nam.
Những đóng góp ngôn ngữ học và dịch thuật[sửa]
Tác phẩm dịch đã xuất bản[sửa]
- Người con gái viên đại uý (truyện 1959);
- Chiến tranh và hòa bình (tiểu thuyết 1962);
- Chuyện núi đồi và thảo nguyên (truyện ngắn 1963);
- Trên những nẻo đường chiến tranh (tiểu thuyết 1964);
- Truyện ngắn Goócki (1966);
- Con đường đau khổ (tiểu thuyết 1973);
- Tội ác và trừng phạt (tiểu thuyết 1983);
- Ðèn không hắt bóng (1986);
- Papillon (1988);
- Khải hoàn môn (1988).
- Nô Tỳ Isaura (tiểu thuyết 19??)
Sách đã xuất bản[sửa]
- Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Hà Nội: NXB Giáo dục. 1998.
- Tiếng Việt Văn Việt Người Việt. NXB Trẻ. 2001.
- Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng. NXB Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam. Quý II năm 2006.
Bài viết quan trọng đã đăng báo[sửa]
- “Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt”, Cao Xuân Hạo
- “Chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt” và “Nguyên lý ‘tuyến tính của năng biểu’ trong âm vị học” , Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985 - Cao Xuân Hạo, viết bằng tiếng Pháp, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp quốc (SELAF) xuất bản
- “Vấn đề âm vị trong tiếng Việt”, Cao Xuân Hạo
- “Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt” (1978), Cao Xuân Hạo
- “Về cương vị ngôn ngữ học của ‘tiếng’”, Cao Xuân Hạo
- “Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam
- “Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt”
- “Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt”
- “Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt”
- “Sợ hơn bão táp” , Báo Văn Nghệ
Tư tưởng[sửa]
- ”…Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt.(…) Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông…”. Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo in trong cuốn Tiếng Việt Văn Việt Người Việt (NXB Trẻ.2001) - bài Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ."
- "Chẳng hạn, từ những năm 20 của thế kỷ XX những người làm từ điển Anh - Việt đã thấy ngay rằng (lạ thay!) tiếng Việt không có "tính từ", là vì nếu có thì không thể nào hiểu nổi tại sao người Việt nói Cha tôi già rồi mà không cần và không thể dùng một "động từ" như to be xen vào giữa (tức nói Cha tôi là già rồi). [Trang 07, trích lời giới thiệu cuốn "Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nguyễn Đức Dương, Nhà xuất bản Trẻ 2003]
- “Câu là mệnh đề được thể hiện bằng ngôn từ thực hiện ngay trong lúc nó được phát ra” [Trang 152, dẫn theo cuốn "Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nguyễn Đức Dương, Nhà xuất bản Trẻ 2003]
- "Những cuốn sách đầu tiên viết về ngữ pháp tiếng Việt, - trừ một số ngoại lệ hiếm hoi như những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kinh, Phạm Duy Khiêm (đó là những người không phải chỉ biết tiếng Pháp), - đều do những người chỉ được học một thứ ngữ pháp duy nhất là ngữ pháp tiếng Pháp, hay có chăng cũng lại là một thứ tiếng châu Âu nào đó khác, cho nên dễ tưởng rằng đó là thứ ngữ pháp duy nhất mà một ngôn ngữ có thể có được. thế là từ đó trở đi các thế hệ sau, tuy hầu hết không biết tiếng Pháp, đều coi sách vởi của các bậc tiền bối như là hiện thân của chân lý và không có mấy ai thấy cần nghiên cứu lời ăn tiếng nói của người Việt nữa. Ngữ pháp sao chép từ tiếng Pháp trở thành một thứ tôn giáo nghiệt ngã: bất kỳ một nhận định nào về tiếng Việt cho thấy một cái gì không giống tiếng Pháp đều bị coi là tà thuyết. Từ đo, ta có thể hiểu tại sao 75% những câu thông dụng nhất của tiếng Việt không bao giờ được dạy ở nhà trường." [Trang 10, trích lời giới thiệu cuốn "Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nguyễn Đức Dương, Nhà xuất bản Trẻ 2003]
- "Họ [học sinh] chỉ được học những kiểu câu nào hoàn toàn giống câu tiếng Pháp, còn những kiểu câu có thật trong tiếng Việt (vốn chiếm khoảng 75% tổng số câu), thì không có sách nào viết lấy một dòng. Chính ca dao tục ngữ - ngững câu tiếng Việt mẫu mực nhất, kết tinh những phẩm chất đáng tự hào nhất của linh hồn dân tộc - nằm trong cái số 75% kiểu câu bị loại ra khỏi nội dung giảng dạy ấy. 25% là một tỷ lệ quá ít ỏi để có thể nói rằng học sinh đã học xong ngữ pháp tiếng Việt. Những cách hành văn như ca dao, tục ngữ thường được coi là "lỗi thời" và "không chuẩn" chỉ vì đó chính là cách hành văn thuần tuý Việt nam, cho nên không giống tiếng Pháp, mà đã không giống câu tiếng Pháp thì tất nhiên là sai chuẩn, là vô văn hoá tồi, còn học làm gì cho nó hư người đi?" [Trang 11, trích lời giới thiệu cuốn "Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nguyễn Đức Dương, Nhà xuất bản Trẻ 2003]
Những nhận định về ông[sửa]
- "Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế." (Hoàng Dũng viết về Cao Xuân Hạo)
- “Hình như trong cuộc đời ông cũng chịu không ít bầm dập. Nhưng tôi cho là may mà đời có ông. Ông chân thực vô tư mà minh triết như chú bé trong ngụ ngôn Andersen đã nói huỵch toẹt: hoàng đế cởi truồng. Không hiểu sao tôi có liên tưởng ngộ nghĩnh: một chiều gió bấc, một con đường mòn xa tít hun hút tới chân trời. Trên đó chàng kỵ sĩ gầy, mái đầu muối tiêu, nách cắp cây thương, cưỡi trên con ngẽo cà khổ. Ðó là ông, Cao Xuân Hạo, chàng kỹ sĩ độc hành. Trong chiều tà, ngọn bút của ông được phản quang phóng to thành cây thương. Một người một ngựa, ông trơ trọi đi trong chiều vắng. Trước mắt, những hồn ma bóng quế chập chờn. Nhưng ông vui vì tin rằng một ngày mai những con chữ Việt sẽ tưng bừng trong cuộc hoan ca chào đón ông - người giải phóng. ” (Hà Văn Thuỳ viết về Cao Xuân Hạo)
Liên kết ngoài[sửa]
- Cao Xuân Hạo – chàng Don Quijote độc hành – Hà Văn Thuỳ viết
- Suy nghĩ về dịch thuật – Cao Xuân Hạo viết
- Cao Xuân Hạo
- Cao Xuân Hạo – Nhà ngữ học – Hoàng Dũng viết
- Chứng vĩ cuồng: hiện tượng và căn nguyên - Cao Xuân Hạo viết