Chăm sóc nhím

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhím là loại vật nuôi phù hợp với những ai có tính kiên nhẫn và tận tâm. Nhím gai lùn châu Phi lai giữa hai loài bản địa ở châu Phi là thú cưng có đặc điểm thông minh lanh lợi, thân thiện và là người bạn tốt của người chủ hết lòng vì chúng. Cũng như bất kỳ loài vật nuôi nào, bạn nên nghiêm cứu về nhím cũng như cách thức chăm sóc riêng để quyết định xem chúng có phù hợp với lối sinh hoạt của mình hay không. Bạn cần hiểu rõ nhu cầu môi trường sinh sống và yêu cầu ăn uống của nhím để chuẩn bị sẵn sàng mang một con về nhà và chăm sóc theo cách tốt nhất cho chúng.

Các bước[sửa]

Lựa chọn và Mang Nhím về Nhà[sửa]

  1. Bạn cần đảm bảo rằng việc nuôi nhím là hợp pháp tại địa phương. Nhím được xem là loài động vật ngoại lai, và hành vi nuôi làm thú cưng có thể phải chịu sự quản lý của pháp luật ở địa phương hoặc quốc gia. Ở một số nơi cho rằng hành vi này là bất hợp pháp, trong khi những tỉnh thành khác lại yêu cầu phải có giấy phép đặc biệt. Bạn nên tìm hiểu quy định tại địa phương, thành phố, và quận huyện để nắm bắt luật lệ hoặc quy tắc nuôi động vật ngoại lai.
    • Nếu cần hỗ trợ tìm hiểu quy định cụ thể tại địa phương, hoặc tìm nơi trú ngụ cho con nhím mà bạn không được phép nuôi, thì bạn có thể liên hệ tổ chức công tác xã hội động vật hoặc tổ chức dành riêng cho nhím.[1]
  2. Mua nhím từ trại chăn nuôi được cấp phép. Loài nhím do người chăn nuôi có trách nhiệm cung cấp thường rất hòa đồng, vì họ chăm sóc tốt cho nhím bố và nhím mẹ, vì vậy bạn sẽ có được chú nhím con khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là bạn nên tìm đến trại chăn nuôi có chất lượng. Nếu không thứ mà bạn nhận được đó là một con nhím hay gắt gỏng và đau ốm.
    • Trại chăn nuôi cần phải có nguồn cung cấp nhím nòi chất lượng cao không mắc Hội chứng Gai Lung lay ở Nhím (WHS) hoặc ung thư.
    • Kiểm tra trại chăn nuôi được cấp phép USDA. Tại Hoa Kỳ, các trại chăn nuôi nhím phải có giấy phép USDA. Quá trình mua bán bao gồm một số giấy tờ cung cấp mã số giấy phép của trại.
    • Cẩn thận với các trại chăn nuôi đăng thông tin trên Mục rao vặt hoặc quảng cáo trực tuyến.
    • Hỏi người chăn nuôi về dịch vụ bảo đảm khỏe. Có nhiều chính sách quy định điều này, nhưng bạn sẽ cảm thấy chắc chắn về sự lựa chọn của mình nếu trại chăn nuôi cho phép đổi trả hoặc chọn con khác nếu con nhím hiện tại gặp phải vấn đề về sức khỏe bất ngờ trong thời gian đầu. Điều này cũng cảnh báo cho trại biết về nguy cơ bệnh tật có thể phát sinh ở một số giống nòi. Do đó việc quan tâm đến vấn đề này cho thấy đây là trại chăn nuôi kinh doanh có tâm.[2]
  3. Kiểm tra sức khỏe của nhím. Bạn có thể quan sát một số dấu hiệu cho thấy nhím có sức khỏe tốt trước khi lựa chọn.
    • Mắt trong suốt: Con nhím phải trong tình trạng tỉnh táo; đôi mắt không bị đỏ, lõm xuống, hoặc sưng lên .
    • Lông và gai sạch sẽ: Trong khi dầu nhờn tiết ra là dấu hiệu bình thường (xem dưới đây), thì hiện tượng phân dính xung quanh hậu môn có thể là triệu chứng tiêu chảy hoặc một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác .
    • Làn da khỏe mạnh. Vùng da dưới gai đỏ tấy có thể là do bị khô da hoặc ve bét. Nếu bị ve bét, bạn cần phải chữa trị cho nhím. Ngoài ra bạn cũng nên tìm dấu hiệu nhiễm bọ chét (các điểm nhỏ bằng đầu đinh ghim nhảy rất nhanh). Nếu có thì bạn cũng phải chữa trị cho chúng.
    • Không mắc bệnh ghẻ hoặc bị thương. Nếu nhím bị ghẻ hoặc có vết thương trên người, người chăn nuôi cần phải giải thích được nguyên nhân, và khẳng định rằng chúng đang hồi phục. Một số con nhím có thể sống sót sau những tổn thương bẩm sinh (như là mù lòa, mất một chi, v.v…) và vẫn sống hạnh phúc khỏe mạnh, nhưng bạn phải xem xét yêu cầu chăm sóc cho những con này và liệu rằng trên thực tế mình có đủ sức quan tâm chăm sóc hay không.
    • Sự tỉnh táo: Con nhím phải luôn nhận thức tỉnh táo môi trường xung quanh, không bị lờ đờ hoặc không có phán ứng.
    • Phân: Bạn cần kiểm tra chuồng không có phân xanh hoặc tiêu chảy. Nếu có thì con nhím có thể đã gặp phải vấn đề về sức khỏe.
    • Cân nặng vừa phải. Nhím bị béo phì có "túi” mỡ xung quanh vùng da dưới cánh tay và không thể cuộn thành quả bóng. Còn những con bị gầy còm thường có bụng lõm và hai bên trũng sâu. Cả hai dấu hiệu này có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe.
    • Bàn chân khỏe mạnh. Móng chân phải được cắt ngắn để không bị cong xuống. Nếu móng quá dài, thì bạn nên hỏi người chăn nuôi cách cắt móng cho chúng.[2]
  4. Mang nhím về nhà một cách phù hợp. Trước khi tiến hành mua, bạn cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Cho phép con nhím ít nhất một tháng để làm quen với bạn, mùi và môi trường mới. Chúng vừa mới trải qua sự thay đổi lớn trong cuộc đời của mình!
    • Ẵm nhím mỗi ngày để tập làm quen cho chúng. Bạn có thể thực hiện một số động tác đơn giản như là đặt nhím vào lòng và trò chuyện với chúng. Xây dựng lòng tin bằng cách thưởng đồ ăn bằng tay, và cho nhím tiếp xúc với áo thun cũ bạn vừa mặc cả ngày để quen mùi của bạn.[3]
  5. Chuẩn bị cho sở thích tự liếm chất độc. Một trong những hành vi kỳ lạ nhất của loài nhím đó là tiết bọt nhiều khi tiếp xúc với thức ăn mới, mùi lạ hoặc muối. Con nhím xoắn thành hình chữ S, đưa phần đầu ra sau, và thoa nước bọt lên gai. Không ai biết rõ lý do tại sao, nhưng có thể là chúng làm vậy để trang bị vũ khí của mình bằng cách thoa chất gây kích ứng lên gai. Vì lý do này, bạn sẽ thấy rằng da bị kích ứng nhẹ khi đụng chạm vào nhím lần đầu tiên.

Chuẩn bị Nơi ăn chốn ở cho Nhím[sửa]

  1. Chuẩn bị chuồng chất lượng cao. Nhím cần được ở trong chuồng lớn: chúng thích khám phá không gian sống, và lãnh thổ tự nhiên thường có đường kính từ 198 đến 305 m. Ngoài ra bạn cũng phải cân nhắc một số yếu tố khác khi chọn chuồng cho người bạn mới của mình.
    • Chuồng phải có diện tích rộng. Chuồng nên có diện tích tối thiểu là 45,7 x 61 cm, nhưng nếu có thể thì bạn nên mở rộng phạm vi hơn. Chuồng với diện tích 61 x 76 cm là thích hợp, và 76 x 76 cm là con số khá lí tưởng.[3]
    • Cạnh bên của chuồng nên có độ cao khoảng 40,6 cm. Trong khi một số người khuyến cáo nên chọn cạnh bên có bề mặt nhẵn mịn,[4] thì số khác lại cho rằng chuồng có tường bên nhẵn mịn thường khó thông hơi.[3] Bạn cần lưu ý rằng cạnh chuồng làm bằng dây có thể gây nên sự cố nếu con nhím thích leo trèo! Đây là loài động vật bậc thầy trong việc trốn chạy. Bạn nên chọn chuồng có mái che, nếu không thì đậy bằng miếng ván hoặc bất kỳ thứ gì để nhím không trèo ra ngoài được.
    • Chuồng phải có sàn cứng cáp, vì đôi chân nhỏ của nhím có thể trượt ra ngoài sàn làm bằng dây khiến chúng bị thương.[4]
    • Chuồng không nên quá một tầng vì nhím có thị lực kém và chân chúng rất dễ bị gãy. Việc tạo điều kiện nhím leo trèo bằng chuồng dây cũng gây nguy hiểm nếu chúng thích hoạt động này! Bạn nên lưu ý không gian chứa bát đựng thức ăn, đồ chơi và khay vệ sinh khi cân nhắc mua hoặc làm chuồng .
    • Chuồng phải luôn thông hơi tốt. Khu vực chuồng cần thoáng khí mọi lúc. Bạn chỉ ngăn chặn luồng khi lưu thông trong trường hợp nhiệt độ phòng đột nhiên giảm xuống (ví dụ như khi bị cúp điện) và cần phải dùng chăn phủ kín chuồng.
  2. Lựa chọn vật liệu lót ổ có chất lượng tốt. Nhím thích vỏ bào gỗ, nhưng bạn nên dùng vỏ bào gỗm cây dương thay vì cây tuyết tùng bởi vì tuyết tùng có chất phenol (dầu thơm) khi hít vào sẽ gây ung thư. Ngoài ra, bạn có thể lót ổ bằng vải cứng (vải vân chéo, nhung kẻ, hoặc lông cừu) cắt thành từng miếng nhỏ.[3]
    • Carefress là một sản phẩm công nghiệp giống với giấy bìa các-tông nhám màu xám. Trong khi một số người khuyến cáo sử dụng loại này, thì bạn nên lưu ý rằng vụn giấy có thể bám vào bộ phận sinh dục của con đực hoặc mắc trên gai của chúng. Hơn nữa, Carefress có thể làm tổn thương nhím do sản phẩm Carefresh Bedding mới. [5]
  3. Trang bị đồ đạc trong chuồng. Bạn cần chuẩn bị thêm một vài thứ để đáp ứng nhu cầu của nhím.
    • Chỗ ẩn nấp: Là loại động vật bị săn đuổi ban đêm chủ yếu trong tự nhiên, nhím cần khu vực an toàn để "tránh khỏi" những con mắt tò mò, ánh sáng và hoạt động nói chung. Lều tuyết hoặc túi ngủ là khá phù hợp.
    • Bánh xe thể dục. Nhím cần tập luyện rất nhiều, và chiếc bánh xe là dụng cụ rèn luyện về đêm hiệu quả. Bánh xe phải có phần đáy nhẵn mịn, còn đáy lưới hoặc thanh sẽ làm cho nhím bị mắc kẹt, sứt móng và thậm chí mà bị gãy chân.
    • Bạn nên giữ cho ổ nằm không bị thấm nước liên tục. Hóa chất trong vật liệu lót ổ có thể nhiễm vào nước uống của nhím và có thể cướp đi sinh mạng của chúng.
    • Cung cấp khay vệ sinh có phần cạnh không cáo quá 1,25 cm để nhím dễ dàng ra vào và tránh bị gãy chân. Bạn chỉ được dùng đất vệ sinh không vón cục nếu muốn sử dụng đất vệ sinh, hoặc có thể là giấy vệ sinh. Khay vệ sinh phải có diện tích lớn dành cho nhím và bạn nên vệ sinh khay hằng ngày. Bạn có thể dùng khay đựng bánh quy hoặc khay vệ sinh nhựa công nghiệp. Hầu hết những người nuôi nhím thường đặt khay dưới bánh xe vì đây là nơi mà chúng hay giải quyết nỗi buồn nhất.
  4. Duy trì nhiệt độ phù hợp. Nhím thích nghi tốt ở nhiệt độ phòng ấm hơn tiêu chuẩn của người khoảng từ 22,2ºC đến 26,6ºC. Nếu nhiệt độ thấp hơn thì nhím sẽ chuyển sang chế độ "ngủ đông" dẫn đến nguy cơ GÂY TỬ VONG (vì có thể gây nên bệnh viêm phổi). Còn khi nhiệt độ tăng cao thì nhím sẽ bị căng thẳng do nhiệt. Bạn nên điều chỉnh nhiệt độ khi thấy nhím dang rộng người nằm trên sàn như thể chúng đang nóng nực. Trong trường hợp nhím rơi vào tình trạng lờ đờ, hoặc thân nhiệt lạnh hơn bình thường, bạn cần làm ấm cơ thể chúng ngay lập tức bằng cách ẵm chúng cho vào bên trong áo và dùng thân nhiệt của bạn để sưởi ấm.
    • Nếu sau một tiếng mà nhím vẫn bị lạnh thì bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Cho Nhím ăn[sửa]

  1. Cho nhím ăn theo chế độ bao gồm nhiều loại thực phẩm. Nhím chủ yếu ăn sâu bọ côn trùng, nhưng vẫn có thể hấp thụ trái cây, rau quả, trứng và thịt. Đây là loài vật dễ bị béo phì, cho nên bạn cần cho chúng ăn cẩn thận nhằm tránh tăng cân quá mức. Nhím bị béo phì không thể cuộn người lại và có thể xuất hiện "vài túi" mỡ treo lủng lẳng khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn.
  2. Cung cấp chế độ ăn chất lượng. Nhu cầu dinh dưỡng của nhím vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng bạn nên chọn thức ăn viên dành cho mèo có chất lượng cao làm thành phần chính trong chế độ ăn của chúng và thêm một vài loại thức ăn đa dạng khác được liệt kê dưới đây. Thức ăn viên chỉ nên chứa 15% chất béo và khoảng 30-32% protein; bạn cần lựa chọn loại thực phẩm hữu cơ hoặc toàn diện và tránh thức ăn viên có chứa sản phẩm phụ, bắp và những thành phần tương tự được đề cập. Mỗi ngày nên cho ăn từ 1 đến 2 thìa thức ăn khô dành cho mèo.
    • Tránh loại thức ăn dành cho nhím có chất lượng thấp vì có chứa nhiều thành phần chất lượng kém. Thay vào đó bạn nên chọn thực phẩm chất lượng cao như là L'Avian, Old Mill, và 8-in-1.[5]
  3. Để sẵn thức ăn viên nếu bạn không có thời gian chuẩn bị thức ăn. Nhiều người cho nhím ăn tự do, chỉ đổ thức ăn vừa đủ để không thừa lại quá nhiều.
  4. Cho ăn nhiều loại thực phẩm để tránh thiếu hụt dinh dưỡng. Bạn có thể thêm vào món ăn viên một lượng nhỏ thức ăn khác, chỉ 1 thìa mỗi ngày hoặc cách ngày. Các loại thực phẩm khác bao gồm:
    • Thịt gà, thịt gà tây không da, hoặc cá hồi cắt nhỏ nấu chín và không thêm da vị
    • Vài miếng trái cây và rau nhỏ, như là dưa hấu, đậu nhừ hoặc khoai lang nấu chín, hoặc nước sốt táo[3]
    • Trứng khuấy hoặc luộc & xắt nhỏ
    • Sâu quy, dế và sâu sáp. Đây là những thành phần quan trọng trong chế độ ăn của nhím. Là loài ăn sâu bọ côn trùng, chúng cần được kích thích tinh thần bằng cách ăn động vật sống ngoài việc hấp thụ dinh dưỡng cần cho sự sống. Bạn có thể cho chúng ăn ít côn trùng bốn lần một tuần. Không bao giờ cho nhím ăn côn trùng bắt được trong tự nhiên (ví dụ như côn trùng trong sân vườn) vì cơ thể chúng chứa thuốc trừ sâu độc hại, hoặc ký sinh trùng có thể lây nhiễm cho nhím.
  5. Tránh một số loại thức ăn. Nhím thích ăn nhiều thực phẩm khác nhau, nhưng có một số loại bạn nên tránh không cho chúng ăn: hạt/hạt giống, trái cây sấy khô, thịt sống, rau sống chưa nấu chín, thức ăn dính/xơ/cứng, bơ, nho hoặc nho khô, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa, rượu bia, bánh mì, cần tây, hành và bột hành tây, cà rốt sống, cà chua, thức ăn vặt (khoai tây, kẹo, thực phẩm ngọt, mặn, v.v…), bất kỳ loại thực phẩm có tính axit cao, hoặc mật ong .
  6. Điều chỉnh lượng thức ăn nếu nhím tăng cân. Giảm lượng thức ăn mà bạn đang cung cấp cho nhím nếu nhận thấy chúng trở nên tròn trĩnh, và tăng cường tập luyện.
  7. Cho ăn vào lúc chập tối. Nhím có đặc tính hoạt động vào lúc chạng vạng. Vì vậy bạn nên cho chúng ăn một lần trong ngày tại thời điểm đó.
  8. Sử dụng bát đựng thức ăn phù hợp. Bát cần có bề mặt tiếp xúc rộng để nhím có thể tiếp cận và không quá nhẹ khiến chúng có thể đạp đổ thức ăn (và bắt đầu chơi đùa với bát đựng đồ ăn).
  9. Cung cấp bình đựng nước có ống hút hoặc bát nước. Bạn cần phải cung cấp nước sạch cho nhím mọi lúc.
    • Bát đựng nước không nên quá nhẹ và nông vừa phải để nhím không dễ dàng hất đổ. Rửa kỹ hằng ngày và thay nước sạch.
    • Nếu dùng bình nước có ống hút thì bạn nên hướng dẫn cho nhím cách sử dụng! Chúng thường học từ nhím mẹ, nhưng có thể cần được chỉ dẫn thêm. Bạn cần thay nước trong bình hằng ngày để tránh vi khuẩn tích tụ.[3]

Chăm sóc Nhím luôn Vui vẻ và Khỏe mạnh[sửa]

  1. Cho nhím ở địa điểm yên tĩnh và bình lặng. Không nên cho chúng ở dưới dàn máy nghe nhạc hoặc tivi. Là loài động vật bị săn đuổi trong tự nhiên chủ yếu dựa vào thính giác, nhím sẽ cảm thấy lo lắng nếu xung quanh quá nhiều tiếng ồn và hoạt động gây phiền nhiễu. Bạn cần điều chỉnh âm thanh, ánh sáng và hoạt động xung quanh con nhím ở mức thấp và di chuyển chuồng sang chỗ khác nếu mức độ tiếng ồn tăng cao vì bất kỳ lý do gì. Nhím có thể thích nghi với tiếng ồn nếu được tiếp xúc từ từ.
  2. Tạo cơ hội cho nhím được tập luyện thường xuyên. Nhím là loài vật rất dễ tăng cân, vì vậy tập thể dục là một hoạt động bắt buộc. Điều này có nghĩa là cung cấp cho chúng nhiều đồ chơi cùng với bánh xe thể dục. Đồ chơi dành cho nhím thường là nhai được, đẩy, đánh hơi và thậm chí là dẫm lên, miễn là chúng không thể nhai thành miếng nhỏ hoặc nuốt vào miệng. Móng hoặc bàn chân không nên bị mắc kẹt vào trong mớ dây lỏng hoặc lỗ nhỏ.
    • Một số loại đồ chơi thích hợp bao gồm: bóng cao su, đồ chơi cũ dành cho trẻ em, đồ trang trí cao su, vòng gặm nướu dành cho em bé, lõi giấy vệ sinh cắt thành hai nửa, bóng dành cho mèo hoặc chim đồ chơi có chuông ở trong, v.v....[3]
    • Thỉnh thoảng cho nhím chơi đùa trong cũi lớn. Bạn có thể mua bồn tắm nhựa lớn hoặc cho chúng khám phá bồn tắm trong nhà (tất nhiên là không có nước).
  3. Xem chừng hành vi hấp thụ thức ăn/nước của nhím. Đây là loài động vật rất giỏi che đậy, vì thế bạn cần phải trông chừng con nhím cẩn thận. Theo dõi bất kỳ thay đổi và gọi cho bác sĩ thú y nếu cần phải kiểm tra.
    • Trong trường hợp nhím không ăn từ một đến hai ngày, có thể chúng đã gặp vấn đề và cần phải được chăm sóc y tế. Nhím không ăn uống trong vài ngày thường có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, một loại bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.[5]
    • Quan sát vùng da xếp vảy, khô xung quanh gai: đây có thể là dấu hiệu nhiễm ve bét làm suy nhược thể trạng của nhím nếu không được kiểm tra.
    • Thở khò khè hoặc tình trạng hô hấp phát thành tiếng cũng như dịch tiết trên khuôn mặt hoặc khớp nối chi là những dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp, một căn bệnh phổ biến và nghiêm trọng ở loài nhím.
    • Phân mềm kéo dài hơn một ngày, hoặc tiêu chảy kèm theo tình trạng lờ phờ hoặc chán ăn có thể là triệu chứng viêm nhiễm ký sinh trung hoặc mắc bệnh khác.
    • Trạng thái ngủ đông, mặc dù thường xảy trong tự nhiên, lại không an toàn đối với nhím ở trong chuồng. Như đã đề cập ở trên, nếu nhím bị lạnh bụng, bạn nên sưởi ấm cho chúng bằng cách ôm vào lòng che áo lại và để tựa lên da. Nếu thân nhiệt của nhím vẫn không ấm lại trong vòng một giờ, bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ thú y ngay lập tức.[4]
  4. Âu yếm vuốt ve nhím thường xuyên. Khi quen với việc ôm ấp chúng sẽ thích nghi với việc được âu yếm thường xuyên. Luôn tự tin khi vuốt ve nhím: chúng không quá mỏng manh như vẻ ngoài vốn có. Nguyên tắc chung mà bạn cần làm theo đó là âu yếm vuốt ve ít nhất 30 phút mỗi ngày.
    • Tiếp cận con nhím một cách yên lặng và từ từ. Ẵm chúng lên bằng cách nhấc từ phần dưới, sau đó dùng hai bàn tay giữ chúng trong tư thế khum lại.[4]
    • Dành thời gian chơi đùa. Ngoài việc gần gũi với nhím, bạn không nên ngần ngại tham gia vui chơi. Con nhím sẽ cho phép bạn chơi cùng nếu bạn tham gia thường xuyên.
  5. Vệ sinh chuồng nhím thường xuyên. Rửa sạch đĩa và bình/bát đựng nước hằng ngày bằng nước nóng. Lau chùi bánh xe và vệ sinh cục bộ hằng ngày, thay đồ lót ổ nằm hàng tuần hoặc bất cứ khi nào cần thiết.
  6. Tắm cho nhím khi cần thiết. Một số con nhím thường sạch sẽ hơn những con khác, vì thế bạn cần tắm cho chúng nhiều hoặc ít thường xuyên hơn.
    • Xả nước ấm (không quá nóng) vào bồn ở mức ngang bụng của nhím. Không để nước dính vào tai hoặc mũi.
    • Hòa xà phòng yến mạch dịu nhẹ (như là Aveeno) hoặc xà phòng dành cho cún con vào nước, và dùng bàn chải để chà sạch gai và chân.
    • Xả sạch bằng nước ấm và dùng khăn sạch chấm khô toàn bộ cơ thể của nhím. Nếu chúng chịu đựng được thì bạn có thể dùng máy sấy ở chế độ nhiệt thấp. Còn không thì cứ tiếp tục dùng khăn lau khô. Không nên nhốt nhím vào lồng khi chúng còn ướt.[5]
  7. Kiểm tra móng chân của nhím. Nếu móng mọc quá dài và cong lại thì sẽ dễ bị tróc khi chúng chạy trên bánh xe.
    • Dùng kéo làm móng nhỏ cắt móng của nhím, chỉ tỉa những phần móng mọc dài.
    • Nếu móng bị chảy máu, bạn nên dùng tăm bông chấm nhẹ bột ngô lên phần bị thương. Không dùng bột công nghiệp có sẵn vì có thể làm cho nhím đau nhói.[5]
  8. Chuẩn bị cho quá trình rụng gai. Hiện tượng rụng gai ở nhím cũng tương tự như việc rụng răng ở trẻ em hay thay da ở rắn. Quá trình này bắt đầu khi nhím được 6-8 tuần tuổi và có thể diễn ra trong suốt năm đầu tiên vì gai non rụng đi sẽ tạo điều kiện cho gai mới phát triển. Đây là hiện tượng bình thường và bạn không cần phải quá lo lắng trừ khi chúng có dấu hiệu bệnh tật hoặc khó chịu, hay gai không mọc lại. Trong giai đoạn này nhím sẽ bị kích ứng và không thích bị đụng chạm; bạn có thể dùng xà phòng yến mạch để giúp chúng cảm thấy thoải mái hơn. Đây chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời của nhím.

Lời khuyên[sửa]

  • Khi ôm ấp nhím cần phải nhẹ nhàng, nếu không chúng sẽ cắn bạn.
  • Nếu nhiệt độ trong nhà quá lạnh, bạn cần bật máy sưởi phòng bằng gốm, máy phát nhiệt trong phòng bằng gốm, hoặc nếu không phát huy hiệu quả, thì có thể dùng miếng đệm nóng đặt ở chế độ phù hợp (mặc dù biện pháp này không được khuyến khích vì có thể dẫn đến nguy cơ bị bỏng nặng hoặc nguy hiểm đến tính mạng). Không dùng bóng đèn vì sẽ làm rối loạn chu kỳ đêm và ngày ở nhím.
  • Khi cho nhím chơi lõi giấy vệ sinh, bằng cần cắt đôi thành hai phần bằng nhau để chúng không bị mắc kẹt bên trong.
  • Trại chăn nuôi mà bạn mua con nhím không nên bao gồm giống nòi nhiễm WHS trước đó, vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến nhím với hội chứng di truyền tương tự trong thời gian dài. Không nên hấp tấp khi lựa chọn nhím, thay vào đó bạn nên nghiên cứu trước và tìm trại chăn nuôi phù hợp.
  • Trừ khi có ý định gây giống, bạn không nên mua một cặp nhím đực và cái. Nhím cái có thể sinh sản khi được tám tuần tuổi, mặc dù chúng không có khả năng sinh nở an toàn cho đến khi được sáu tháng tuổi. Và hậu quả là cho ra đời những chú nhím con chưa được lên kế hoạch trước, ngoài ý muốn và lai gần. Nếu nhím cái còn quá nhỏ, việc mang thai sẽ khiến chúng tử vong. Gây giống là một quy trình rất nguy hiểm và đắt đỏ. Thường thì nhím mẹ và/hoặc nhím con sẽ không qua khỏi, do đó bạn không nên xem nhẹ điều này.
  • Cẩn thận với các thớ sợi và lông nhỏ. Chúng có thể dễ dàng quấn quanh bàn chân hoặc cẳng chân của nhím, ngăn chặn tuần hoàn máu và nếu không được chữa trị, chân hoặc bàn chân sẽ phải bị cắt bỏ.
  • Không phải tất cả bác sĩ thú y đều thành thạo trong việc điều trị bệnh ở nhím. Vì lý do này, bạn nên hỏi người chăn nuôi hoặc cửa hàng vật nuôi khi mua nhím để được khuyến cáo phù hợp. Các tổ chức hoặc câu lạc bộ những người nuôi nhím thường cung cấp danh sách những bác sĩ thú y có kinh nghiệm chữa trị cho nhím. Liên lạc trước để sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ thú y trước khi có sự cố xảy ra.
  • Nếu muốn nuôi nhiều con nhím, bạn nên tách riêng chúng ra. Nhím là loài sinh vật cô độc thích ở một mình. Nếu bạn nhốt chúng vào trong cùng một chuồng thì có khả năng là chúng sẽ đánh nhau. Con đực sẽ chiến đấu cho đến chết.
  • Nếu ở địa phương không có trại chăn nuôi, bạn có thể mua nhím ở cửa hàng vật nuôi. Trong trường hợp này, bạn cần quan sát dấu hiện cho thấy chúng có sức khỏe tốt được liệt kê ở Phần 1, Bước 3.[2]

Cảnh báo[sửa]

  • Không để cho tình trạng bán ngủ đông xảy ra. Điều này có thể gây tử vong cho nhím gai lùn. Triệu chứng phổ biến nhất đó là lờ đờ nặng và bụng trở nên lạnh ngắt. Nếu tình trạng này xảy ra, bạn cần mang nhím ra khỏi lồng và ôm sát vào người tiếp với phần da dưới áo để sưởi ấm chúng. Tiếp tục thực hiện từ từ bằng đồ vật giữ ấm nhưng không quá nóng, như là khăn ấm, miếng đệm nhiệt kín đặt chế độ thấp, hoặc dùng một hoặc hai bình nước ấm. KHÔNG đặt cơ thể nhím vào nước để làm ấm. Nếu nhím không phục hồi hoặc tỉnh táo trở lại trong vòng một giờ, bạn nên đưa chúng đến bác sĩ thú y ngay lập tức.
  • Trong mọi trường hợp không được dùng bánh xe đan dây hoặc mắt lưới. Đây là những loại bánh xe rất nguy hiểm, vì móng chân và vuốt của nhím dễ bị mắc vào dây lưới và làm gãy chân chúng. KHÔNG SỬ DỤNG bánh xe nhãn hiệu Silent Spinners. Móng chân của nhím rất dễ mắc vào đường nổi của bánh xe. Chỉ nên dùng bánh xe có bề mặt nhẵn mịn của các thương hiệu như là Comfort Wheel, Flying Saucer Wheel, hoặc Bucket Wheels.
  • Chú ý: không sử dụng vỏ gỗ bào cây tuyết tùng; vật liệu này có thể hòa lẫn với nước tiểu của nhím và tạo khói độc hại đối với chúng. Vỏ bào gỗ thông nung không đúng cách có thể tạo khói khi kết hợp với nước tiểu của nhím, vì thế bạn cần ngửi mùi bao bì trước khi sử dụng. Nếu có mùi thông nặng, thì có thể chúng không được nung đúng cách. Bạn nên chọn loại khác có mùi gỗ thay vì mùi cây thông .
  • Nếu không cẩn thận nhím có thể cắn bạn. Bất kỳ sinh vật nào có răng đều có thể cắn được, nhưng hành động này rất hiếm khi xảy ra ở nhím vì chúng thường tự vệ bằng gai thay vì hàm răng. Nếu bị nhím cắn, bạn đừng nên phản ứng lại, vì như thế sẽ làm chúng cắn mạnh hơn. Đôi khi bạn nên thả chúng xuống nhẹ nhàng. Một khi thả con nhím ra, bạn không nên nhốt lại vào lồng vì đây giống như là phần thưởng dành cho chúng .
  • Không nên nhầm lẫn giữa việc thay gai bình thường với hiện tượng rụng gai do bị ve bét, viêm nhiễm hoặc ăn uống thiếu chất. Nếu nhận thấy một phần cơ thể của nhím bị hói, bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ.
  • Không ngược đãi nhím bằng cách thả xuống, nhồi lăn cơ thể khi đang cuộn lại, hoặc liệng chúng đi. Những hành động này chỉ làm cho nhím trở nên cáu kỉnh và không hòa đồng trong thời gian dài.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây