Chương trình dinh dưỡng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH DINH DƯỠNG CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY[sửa]

  • Trong nhiều năm qua, chất lượng của khẩu phần ăn của nhân dân Việt Nam đã được cải thiện như tổng số protid (nhất là protid động vật), chất béo, vitamin và chất khoáng đã tăng lên rõ rệt.
  • An ninh thực phẩm ở hộ gia đình mặc dù đã có chiều hướng khá lên nhưng vẫn chưa được đảm bảo, còn có sự phân hóa giữa các tầng lớp trong xã hội, giữa thành thị và nông thôn, nhất là vùng xa và vùng nghèo.
  • Đã có bằng chứng về sự gia tăng các kích thước trung bình của người Việt Nam, giảm hẳn các thể suy dinh dưỡng nặng và khô mắt do thiếu vitamin A, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thể trung bình và nhẹ vẫn còn cao, nhất là vùng nông thôn và vùng nghèo. Các vấn đề sức khỏe do thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, iod, sắt) đang đòi hỏi quyết tâm cao và chiến lược bền vững.
  • Hiện nay, các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng và tình trạng thừa cân ở một số trẻ em cũng như người lớn gia tăng.

Nhìn một cách tổng thể về mặt dinh dưỡng chúng ta tồn tại hai vấn đề lớn trái ngược nhau, đó là biểu hiện của thiếu ăn đồng thời có cả biểu hiện của thừa ăn.

CÁC BỆNH THIẾU DINH DƯỠNG CÓ Ý NGHĨA SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG[sửa]

Các bệnh thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất hiện nay ở nước ta là thiếu dinh dưỡng protein năng lượng, thiếu vitamin A và bệnh khô mắt, thiếu máu dinh dưỡng, thiếu iod và bệnh bướu cổ.

Bệnh thiếu dinh dưỡng protein năng lượng[sửa]

Bệnh thiếu dinh dưỡng protein năng lượng là loại thiếu dinh dưỡng quan trọng nhất ở trẻ em. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2003, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em nước ta vẫn còn cao (28,4%). Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các vùng. Tại các thành phố lớn thì thấp hơn như thành phố Hồ Chí Minh là 11,3%, Hà Nội là 15,8%, Hải Phòng 21,4%. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên có tỷ lệ cao như Hà Giang 35,5%, Cao Bằng 32,3%, Hòa Bình 34,5% và Đắc Lắc 38,7%. Suy dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ.

Nguyên nhân thiếu dinh dưỡng protein năng lượng trẻ em[sửa]

Suy dinh dưỡng là hậu quả tác động của nhiều yếu tố:

  • Nuôi dưỡng kém:
+ Mẹ không có sữa hoặc thiếu sữa, phải nuôi bằng sữa ngoài không đúng phương pháp.
+ Cho trẻ ăn bổ sung không hợp lý như: cho trẻ ăn nước cháo hoặc ăn bột quá sớm. Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
+ Cho ăn không đủ chất dinh dưỡng.
+ Cai sữa quá sớm.
  • Nhiễm trùng: trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, lao, giun sán … Các nhiễm khuẩn từng đợt làm cho trẻ suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài và đưa đến thiếu dinh dưỡng. Khi cơ thể bị thiếu dinh dưỡng lại tạo điều kiện tốt cho các bệnh nhiễm trùng phát triển tạo nên một vòng xoắn bệnh lý.
  • Các yếu tồ nguy cơ:
+ Trẻ đẻ non, đẻ thấp cân.
+ Trẻ sống trong gia đình đông con, gia đình có điều kiện kinh tế thấp.
+ Trẻ sống ở nơi có các dịch vụ y tế kém, vệ sinh môi trường kém.
+ Trẻ bị các dị tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, hở hàm ếch …

Biện pháp phòng chống[sửa]

Các thể nặng của suy dinh dưỡng có thể gây tử vong, các thể nhẹ hay gặp ở cộng đồng dễ bị chúng ta bỏ qua vì triệu chứng nghèo nàn, chỉ có biểu hiện nhẹ cân, thấp bé và gầy so với tuổi. Cách phát hiện sớm các loại thiếu dinh dưỡng là sử dụng biểu đồ tăng trưởng. Theo dõi thường kỳ cân nặng của trẻ hàng tháng, nếu thấy tăng cân là bình thường, không tăng là đáng ngại và tụt cân là nguy hiểm.

Trẻ bị suy dinh dưỡng thì sự phát triển cả về thể lực và trí tuệ đều kém. Bộ não con người được hình thành chủ yếu trong thời gian nằm trong bụng mẹ và 3 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần có kiến thức và hiểu biết cách tự chăm sóc bản thân và nuôi dưỡng đứa con ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng triển khai cụ thể như sau:

Chăm sóc phụ nữ thời kỳ mang thai và cho con bú

  • Theo dõi cân nặng trong thời kỳ mang thai: để đứa trẻ phát triển tốt thì người mẹ phải đủ dinh dưỡng, cân nặng người mẹ nên tăng ít nhất 11 kg trong suốt thời kỳ mang thai. Người phụ nữ có thai tăng cân không đủ thì đứa trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai. Một đứa trẻ khi sinh ra có cân nặng dưới 2 kg thì khó phát triển và có thể mắc nhiều bệnh hơn đứa trẻ khác.

Người mẹ có thai nên tăng cân từ từ và chắc chắn. Nếu người mẹ tăng cân đột ngột nên đến trung tâm y tế khám. Trong 3 tháng đầu cân nặng nên tăng 1-3 kg. Trong suốt 6 tháng cuối cùng nên tăng 0,5 kg cho mỗi tuần để cho 9 tháng tăng 11 kg.

  • Cách ăn uống trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú: “Bà mẹ cho con bú và phụ nữ mang thai nên ăn cho 2 người”. Nếu một bà mẹ có chế độ ăn tốt, thức ăn cung cấp đầy đủ năng lượng trong thời kỳ mang thai sẽ tăng cân đều và tích mỡ. Tử cung trở nên lớn hơn với cái thai đang phát triển ở bên trong. Bầu vú to ra để sẵn sàng bài tiết sữa, mỡ được tích ở dưới da rất quan trọng vì mỡ dự trữ để bài tiết nhiều sữa trong những tháng bà mẹ nuôi con sau này. Nếu ăn không đủ thức ăn khi mang thai người mẹ sẽ không dự trữ đủ mỡ và cũng không bài tiết đủ sữa, đặc biệt quan trọng cho những phụ nữ lúc chưa mang thai có tầm vóc nhỏ bé. Theo nhu cầu thì phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối cần ăn thêm mỗi ngày từ 300-350 kcal và bà mẹ cho con bú cần ăn thêm 550 kcal/ngày. Trong thời kỳ có thai người mẹ nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin C như rau, quả, các thực phẩm giàu calci, phospho như cá, tôm, cua, sữa … để giúp cho sự tạo xương của thai nhi; các thức ăn giàu sắt như thịt, trứng, các loại đậu đỗ … để phòng thiếu máu.

Ngoài ra, phụ nữ có thai phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 thời kỳ của quá trình thai nghén, như vậy mới quản lý được diễn biến của cuộc đẻ, giảm bớt được các tai biến cho mẹ và cho con. Phải tiêm phòng uốn ván đầy đủ để đảm bảo cho mẹ không bị uốn ván sau đẻ và con không bị uốn ván rốn sơ sinh.

Nên cho người mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh uống 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị để đủ vitamin A trong sữa cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, vì sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất. Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đều được cơ thể hấp thu và đồng hóa dễ dàng. Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên có chứa nhiều yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể trẻ, chống lại nhiễm khuẩn mà không có thức ăn nào thay thế được. Nuôi con bằng sữa mẹ là điều kiện để mẹ con gần gũi nhau hơn, chính sự gần gũi đó là yếu tố tâm lý giúp cho trẻ phát triển hài hòa.
  • Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ cần chú ý những điểm sau:
+ Cho con bú càng sớm càng tốt, bú ngay nửa giờ sau sinh.
+ Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng.
+ Không nên cai sữa trước 12 tháng.
+ Cho trẻ bú theo nhu cầu, cho bú tới khi trẻ no và tự thôi.

Cho ăn bổ sung hợp lý:

  • Từ 6 tháng trở đi số lượng sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu đang lớn nhanh của trẻ. Do đó, trẻ cần được ăn bổ sung. Thức ăn bổ sung cần có đủ các chất dinh dưỡng theo “ô vuông thức ăn”.
  • Ngoài chế độ ăn uống hợp lý phải luôn theo dõi biểu đồ tăng trưởng để phát hiện sớm dấu hiệu trì trệ về tăng trưởng (cân nặng đứng yên hoặc tụt cân) để có biện pháp can thiệp kịp thời và có hiệu quả. Theo dõi cân nặng là biện pháp đơn giản nhất mà người mẹ có thể tự làm được và biểu đồ tăng trưởng sẽ giúp họ đánh giá đúng mức tình hình sức khỏe của con mình.
  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Xử lý đúng khi trẻ bị mắc bệnh như bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp …

Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt[sửa]

Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại 37 nước trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (1991) có khoảng 14 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị khô mắt do thiếu vitamin A, trong đó 10 triệu là ở khu vực châu Á. Mỗi năm có khoảng 250.000-500.000 trẻ em bị mù lòa do thiếu vitamin A, khoảng 70% số trẻ em này bị tử vong trong năm đầu tiên.

Thiếu vitamin A không chỉ gây bệnh khô mắt dẩn đến hậu quả mù lòa mà còn liện quan chặt chẽ đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin A:

  • Thiếu hụt khẩu phần vitamin A ăn vào: một chế độ ăn nghèo nàn, nhất là ít thức ăn động vật, quá ít dầu mỡ, lá rau xanh thẫm và những quả có màu vàng hoặc đỏ là nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A.
  • Mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy cấp tính, viêm đường hô hấp cấp và mắc ký sinh trùng như là mắc giun.

Biện pháp phòng chống:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Bổ sung vitamin A vào thực phẩm.
  • Cải thiện bữa ăn bằng cách thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời tăng cường dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ có thai và cho con bú.
  • Uống bổ sung vitamin liều cao 2 lần/năm theo chương trình quốc gia (cho trẻ từ 6-36 tháng).

Thiếu máu dinh dưỡng[sửa]

Khái niệm[sửa]

Theo Tổ chức Y tế thế giới: thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu.

Thiếu máu dinh dưỡng không những là loại thiếu máu phổ biến nhất, đồng thời cũng là loại dễ dự phòng nhờ các biện pháp can thiệp về dinh dưỡng. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, có thể kết hợp với thiếu acid folic, nhất là trong thời kỳ mang thai. Các đối tượng thường bị đe dọa thiếu máu dinh dưỡng là trẻ em, học sinh và phụ nữ có thai.

Kết quả điều tra toàn quốc năm 1995 cho thấy, thiếu máu dinh dưỡng là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất ở nước ta. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 52,7%, phụ nữ không có thai là 45%, trẻ em dưới 2 tuổi lên tới 60%, trẻ em từ 2-5 tuổi là 29,8%. Tất cả các vùng điều tra đều có tỷ lệ thiếu máu cao. Thiếu máu do thiếu sắt đóng vai trò chủ yếu ở nước ta.

  • Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng tới khả năng lao động: tần suất lao động của những người bị thiếu máu thấp hơn hẳn người bình thường.
  • Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ: kết quả học tập của học sinh bị thiếu máu thấp hơn học sinh bình thường.
  • Ảnh hưởng tới thai sản: thiếu máu làm tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cho cả mẹ và con.

Phòng chống[sửa]

  • Cải thiện chế độ ăn nhất là đối với bà mẹ và trẻ em. Tăng cường các thức ăn giàu sắt như thịt, cá, trứng, sữa, đậu … đồng thời chú ý ăn rau, quả để có đủ vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt.
  • Sử dụng các thực phẩm được tăng cường sắt như nước mắm, bánh quy …
  • Giám sát các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh ký sinh trùng, tẩy giun định kỳ cũng góp phần cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.
  • Bổ sung viên sắt cho đối tượng có nguy cơ cao: phụ nữ có thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, trẻ em.

Thiếu iod và bệnh bướu cổ[sửa]

Thiếu iod sẽ dẩn đến thiếu hormon tuyến giáp và gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là rối loạn do thiếu iod. Các bệnh lý rối loạn này được ví như một tảng băng nổi. Phần nhỏ nhìn thấy ở phía trên là bệnh bướu cổ, phần không nhìn thấy là nhiều rối loạn bệnh lý khác như sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, đần độn, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động.

Mục tiêu lớn của chương trình quốc gia phòng chống rối loạn do thiếu iod đề ra là:

  • Hạ tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 6-14 tuổi xuống dưới 5%.
  • Nâng mức iod niệu trung bình lên trên 10 mcg/dL.

Với các biện pháp phòng chống sau:

  • Bổ sung iod vào muối ăn, bảo quản và dùng muối iod đúng phương pháp. Đây là biện pháp được áp dụng rộng rãi và hiệu quả ở nước ta.
  • Bên cạnh đó cũng cần cải thiện điều kiện lưu thông phân phối thực phẩm để thức ăn các miền qua lại dễ dàng.

VAI TRÒ DINH DƯỠNG TRONG MỘT SỐ BỆNH MẠN TÍNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DINH DƯỠNG[sửa]

Bệnh béo phì[sửa]

Có tới 60-80% trường hợp béo phì là do nguyên nhân dinh dưỡng.

Ở người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ ổn định hoặc dao động trong giới hạn nhất định. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng chỉ số BMI để nhận định tình trạng béo hay gầy. Cách tính như sau:

{\mbox{BMI}}={\frac  {{\mbox{c}}{\hat  {{\text{a}}}}{\mbox{n}}\ {\mbox{n}}{\breve  {{\text{a}}}}{\mbox{ng}}\ ({\mbox{kg}})}{({\mbox{chi}}{\grave  {{\hat  {{\text{e}}}}}}{\mbox{u}}\ {\mbox{cao}})^{2}({\mbox{m}})}}

Chỉ số này áp dụng cho các nước thuộc khu vực Châu Á: khi chỉ số BMI ≥ 25 là béo phì.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng cholesterol trong máu và huyết áp tăng theo mức độ béo, khi cân nặng giảm sẽ kéo theo huyết áp và cholesterol giảm.

Béo phì không tốt đối với sức khỏe, người càng béo càng mắc bệnh nhiều. Trước hết, béo phì dễ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác. Ở phụ nữ tuổi mãn kinh các nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư túi mật tăng lên nếu béo phì. Còn ở nam giới béo phì hay gặp ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến.

Ngoài vấn đề cân nặng thì vị trí phân bổ chất béo dự trữ trong cơ thể cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Chất béo tập trung nhiều ở bụng không tốt với sức khỏe. Vì vậy bên cạnh việc theo dõi chỉ số BMI nên theo dõi thêm tỷ số vòng bụng/vòng mông. Khi chỉ số này cao hơn 0,8 thì nguy cơ tăng lên.

Thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể lực đúng mức có thể duy trì cân nặng ổn định ở người trưởng thành, đó là nguyên tắc cần thiết để tránh béo phì.

Dinh dưỡng và các bệnh tim mạch[sửa]

Chế độ dinh dưỡng là một nhân tố quan trọng trong phòng ngừa và hạn chế một số bệnh tim mạch, trước hết là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.

Trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp trước hết người ta thường kể đến lượng muối. Các thống kê dịch tễ cho thấy các quần thể dân cư ăn ít muối thì bệnh tăng huyết áp không đáng kể hoặc không thấy có tăng huyết áp. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chế độ ăn muối < 6 g/ngày là giới hạn hợp lý để phòng tăng huyết áp.

Bên cạnh muối ăn còn có một số khoáng chất khác cũng có vai trò đối với bệnh tăng huyết áp. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, chế độ ăn giàu Kali, ít natri, ăn nhiều rau, quả và hạn chế muối có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt. Bệnh cạnh đó, nhiều thành phần khác trong chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến tăng huyết áp, một số yếu tố khác là béo phì, rượu và thuốc lá.

Một chế độ ăn hạn chế muối, giảm năng lượng và rượu có thể đủ làm giảm huyết áp ở phần lớn đối tượng có tăng huyết áp nhẹ. Ở những người tăng huyết áp nặng chế độ ăn uống nói trên giúp giảm bớt liều lượng các thuốc hạ huyết áp cần thiết. Bên cạnh đó, chế độ ăn giàu kali, canxi, thay thế các chất béo của thịt bằng cá và dầu thực vật.

Do đó, tránh thói quen ăn mặn là một nội dung giáo dục dinh dưỡng quan trọng để đề phòng tăng huyết áp ở nước ta. Tóm lại: trên đây là một số bệnh có liên quan đến dinh dưỡng. Để hạn chế đến mức thấp nhất các bệnh trên cần chú ý đến khẩu phần ăn hàng ngày sau cho khẩu phần cần phải đầy đủ các chất, đặc biệt là chế độ ăn cho phụ nữ có thai và trẻ em.