Chấp nhận rằng một mối quan hệ đã kết thúc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thật sự chấp nhận một mối quan hệ đã kết thúc có thể là việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi bạn không còn nói chuyện hoặc cảm thấy thoải mái với người yêu cũ của mình. Mặc dù để vượt qua một mối quan hệ đòi hỏi cần phải có thời gian nhưng bạn có thể bước về phía trước bằng cách tạo khoảng cách giữa bạn và mối quan hệ cũ, tập trung xử lý cảm xúc của bản thân và lên kế hoạch cho một tương lai không có người đó bên cạnh.

Các bước[sửa]

Tạo khoảng cách giữa bạn và mối quan hệ cũ[sửa]

  1. Dọn dẹp tất cả những đồ vật gợi nhớ bạn về mối quan hệ cũ khỏi nơi ở của bạn. Để vượt qua một mối quan hệ và thật sự chấp nhận rằng nó đã kết thúc, bạn cần tạo khoảng cách giữa bạn và mối quan hệ cũ về cả vật lý lẫn cảm xúc để có thể bước tiếp. Nếu xung quanh bạn có rất nhiều những đồ vật gợi nhớ cho bạn về mối quan hệ cũ, bạn nên đóng gói chúng lại và cất đi hoặc gửi trả lại cho người kia. Đôi lúc, việc dọn dẹp những đồ vật gợi nhớ về mối quan hệ cũ cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận sự thật rằng nó đã kết thúc.[1]
    • Có thể bạn sẽ muốn kết hợp những đồ vật gợi nhớ này như một nghi thức buông bỏ quá khứ, khi bạn xử lý cảm xúc của bản thân bằng việc dọn dẹp hoặc cất giấu những đồ vật đó khỏi không gian của mình. Đây có thể như là một hành động tượng trưng và giúp bạn dần quên đi mối quan hệ cũ.
  2. Chuyển đến nơi ở mới nếu bạn sống cùng người kia. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi sống ở nơi hai người từng chung sống khi còn ở bên nhau, có lẽ bạn sẽ muốn cân nhắc đến việc chuyển tới một căn hộ khác hoặc chuyển đồ đạc của bạn sang một căn phòng khác trong nhà. Tạo một không gian mới cho bản thân sau khi chia tay sẽ có thể giúp bạn tiến gần hơn đến việc chấp nhận rằng mối quan hệ đó đã kết thúc.[2]
  3. Ngừng liên lạc với người kia. Nếu bạn vẫn còn liên lạc với người yêu cũ, bạn nên ngừng lại một thời gian để có thể tạo khoảng cách về mặt cảm xúc với mối quan hệ cũ sau khi chia tay. Mặc dù có thể bạn sẽ rất muốn trả lời cuộc gọi hay tin nhắn từ người đó, nhưng hãy cố gắng lờ chúng đi. Bạn cũng có thể gửi cho người yêu cũ của bạn một tin nhắn giải thích ngắn gọn rằng bạn cần thời gian để chấp nhận rằng mối quan hệ đã tan vỡ và tự mình chấm dứt mọi tình cảm.[1]
    • Có thể bạn nghĩ rằng bạn có thể chấm dứt những lưu luyến của bản thân bằng việc nói chuyện với người kia. Tuy nhiên, thông thường thì việc nói chuyện hoặc ở bên người yêu cũ sẽ chỉ khiến bạn thêm rối bời và đau khổ hơn. Chấm dứt tình cảm với người yêu cũ đồng nghĩa với việc tách khỏi người đó một thời gian để bạn có thể tập trung vào nhu cầu của bản thân.
  4. Đặt ranh giới với người kia nếu hai bạn bắt buộc phải gặp nhau. Có thể hai bạn là đồng nghiệp hoặc cùng chung một lĩnh vực nào đó mà bạn không thể cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Để có thể chấm dứt lưu luyến của bản thân trong mối quan hệ đó, bạn nên ngồi cùng với người cũ và đặt ra giới hạn. Điều này đồng nghĩa với việc không email hay nhắn tin với nhau bên ngoài lĩnh vực công việc và tỏ ra lịch sự với nhau tại nơi làm việc.[3]
    • Có thể bạn cũng muốn đề nghị người kia cho bạn không gian và không liên lạc trực tiếp với bạn trong một vài tháng. Cho nhau không gian thật sự có thể giúp bạn chấm dứt hết tình cảm của bản thân. Bạn có thể nói “Em nghĩ rằng tốt hơn hết chúng ta không nên tiếp tục nói chuyện với nhau và cho nhau một chút không gian riêng. Anh nghĩ sao về việc chúng mình nên ngừng liên lạc một vài tháng”?

Xử lý cảm xúc của bản thân[sửa]

  1. Viết thư tạm biệt cho người cũ. Viết xuống suy nghĩ và cảm xúc của bản thân có thể là một cách hữu hiệu để xử lý chúng và tiến gần hơn đến mục tiêu quên đi người mà bạn từng yêu thương. Ngồi xuống và viết ra cảm xúc của bản thân về cuộc chia tay, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn hướng trực tiếp đến người kia khi viết. Ghi lại tất cả những cảm xúc rối bời, mất mát và giận giữ mà bạn đang trải nghiệm cũng như những suy nghĩ của bạn về việc tại sao mối quan hệ của hai người lại đi đến kết thúc.[3]
    • Khi viết xong lá thư, bạn có thể bỏ nó vào phong bì và dán lại. Sau đó đặt nó vào ngăn kéo hoặc ở một nơi an toàn cho tới khi bạn sẵn sàng để đọc lại nó mà không cảm thấy buồn phiền hay tức giận. Việc viết lá thư quan trọng hơn rất nhiều so với việc thật sự gửi nó tới người yêu cũ của bạn. Hành động đơn giản này có thể giúp bạn dễ dàng chấp nhận chấm dứt tình cảm của bản thân hơn.
  2. Thực hiện nghi thức buông bỏ. Có thể bạn không thuộc kiểu người duy tâm hay tin vào các nghi thức, nhưng việc thực hiện một nghi thức buông bỏ có thể giúp bạn cảm thấy khá hơn về một mối quan hệ tan vỡ. Nó có thể là một hành động đơn giản như thắp nến và để nó cháy cho tới khi bạn cảm thấy rằng bạn đã chấm dứt lưu luyến với mối quan hệ cũ. Hoặc bạn có thể thực hiện một nghi thức quyết liệt hơn và đốt các vật sở hữu cá nhân gợi nhớ bạn về mối quan hệ cũ.[2]
    • Việc chôn một đồ vật tượng trưng cho mối quan hệ đã qua như một cách để buông bỏ có thể cũng sẽ hữu ích. Nó có thể là một bức ảnh của bạn và người kia hay một đồ vật có ý nghĩa về mặt tình cảm với cả hai. Bạn nên đào một chiếc hố và chôn đồ vật đó như một nghi thức tượng trưng cho mối quan hệ đã kết thúc của bạn.
  3. Bộc lộ cảm xúc của bản thân thông qua những hoạt động sáng tạo. Thực hiện các hoạt động sáng tạo sau một bước ngoặt về tình cảm có thể là một cách vô cùng hữu ích để xử lý cảm xúc của bản thân và giúp bạn tạm thời lãng quên chúng. Đưa cảm xúc của bạn vào một hoạt động sáng tạo như vẽ hoặc tô màu. Viết một bài thơ về cảm xúc của bản thân, điêu khắc hoặc chụp một vài bức ảnh. Cho dù bạn không định khoe những tác phẩm đó với bất cứ ai, chỉ riêng những nỗ lực mà bạn bỏ ra để làm được chúng cũng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn và bước gần hơn đến mục tiêu chấp nhận rằng mối quan hệ đó đã thật sự kết thúc.[2]
  4. Tự chăm sóc bản thân. Sau khi chia tay, bạn cần tập trung vào nhu cầu của chính mình. Điều này sẽ giúp bạn đối phó với những cảm xúc mà bạn đang trải qua và cho phép bạn hướng sự chú tâm của bạn đến chính mình thay vì cuộc chia tay.
    • Thực hiện ít nhất một hoạt động chăm sóc bản thân mỗi ngày, như ngâm mình trong bồn tắm, tự nấu một bữa sáng ngon lành hoặc chạy bộ trong khu vực yêu thích của bạn. Tự chăm sóc bản thân cũng có thể nhắc nhở bạn về những việc quan trọng trong cuộc sống của bạn và giá trị của việc dành thời gian tập trung vào bản thân. Nuông chiều bản thân là một cách tuyệt vời để giúp bạn ngừng suy nghĩ đến mối tình tan vỡ và cố gắng chấm dứt những tình cảm còn lại.
  5. Nói chuyện với bạn bè và gia đình về cảm xúc của bạn. Tránh giấu kín những cảm xúc của bản thân và hãy tự cho phép mình nói về việc tan vỡ đó với người khác. Kể cho họ nghe về cảm xúc của bạn cũng như quá trình bạn xử lý mọi việc sau khi chia tay. Hãy dựa dẫm vào gia đình và bạn bè và đừng e ngại tìm đến sự giúp đỡ của họ khi bạn cần.[3]
    • Điều này có thể đồng nghĩa với việc tự kiểm tra hàng tuần với một người bạn thân khi bạn nói về những gì bạn đang cảm nhận cũng như những cảm xúc mà bạn đang vật lộn. Bạn cũng có thể biến việc ghé thăm cha mẹ vào các cuối tuần thành thói quen, như một cách để thoát ra khỏi cảm xúc của bản thân và kết nối với những bạn yêu thương.
  6. Nói chuyện với cố vấn hoặc bác sỹ chuyên môn. Việc nói chuyện với một chuyên gia trị liệu về cảm xúc của bạn sẽ rất có lợi, đặc biệt là nếu bạn không muốn đặt gánh nặng lên người thân và bạn bè bằng những suy nghĩ của bản thân và mong muốn nhận được những lời khuyên hữu ích.
    • Một chuyên gia trị liệu có năng lực sẽ lắng nghe và hỗ trợ bạn. Cô ấy cũng sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng đối phó với nhu cầu tình cảm của bản thân và cùng bạn cố gắng buông bỏ những lưu luyến còn lại về mối quan hệ đã tan vỡ.
  7. Cố gắng tha thứ cho người kia. Tha thứ là một phần thiết yếu trong quá trình buông bỏ và chấp nhận sự kết thúc của một mối quan hệ. Tuy nhiên, việc tha thứ cho một ai đó đòi hỏi cần phải có thời gian vì vậy hãy cố gắng đừng vội vã. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian để xử lý cảm xúc của bản thân và mở lòng tha thứ cho người kia vì bất cứ lý do gì khiến bạn vẫn còn buồn phiền hay tức giận. Dần dần, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn có thể tha thứ cho người cũ và bước qua quá khứ.[2]

Tập trung vào tương lai[sửa]

  1. Đặt ra những mục tiêu cá nhân mới. Một trong những cách hiệu quả nhất để chấm dứt hết lưu luyến trong một mối quan hệ đó là tập trung vào tương lai của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc đặt ra những mục tiêu các nhân mới cùng với khoảng thời gian bạn cần để hoàn thành chúng. Lập danh sách những mục tiêu khả thi và cố gắng bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình. Ép buộc bản thân thử những điều mới sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và thoát khỏi quá khứ.[4]
    • Danh sách những mục tiêu cá nhân của bạn nên thật cụ thể và dễ thực hiện. Bạn có thể đặt ra những mục tiêu về cải thiện sức khỏe như giảm cân hay nấu ít nhất bốn bữa cơm ở nhà mỗi tuần, và bạn có thể đặt ra những mục tiêu to lớn hơn như thử một điều gì đó mới như leo núi lần đầu tiên hay học chơi một loại nhạc cụ.
  2. Xây dựng một nhóm quan hệ xã hội mới. Mặc dù bạn không nhất thiết phải gạt bỏ những mối quan hệ cũ, thậm chí bạn nên dựa vào họ, nhưng xây dựng một nhóm quan hệ xã hội mới có thể giúp bạn đổi mới cuộc sống sau khi chia tay. Đây sẽ là một ý kiến tuyệt vời nếu bạn và người kia cùng có chung một nhóm bạn bởi nó cho phép bạn nới rộng khoảng cách giữa hai người.[1]
    • Bạn sẽ có thể tìm được những người bạn mới bằng việc tham gia một đội thể thao hoặc một câu lạc bộ giải trí. Bạn cũng có thể gặp gỡ người khác bằng cách bắt đầu một thói quen mới hay tham giam một câu lạc bộ xã hội.
  3. Khám phá những điều mới một mình hoặc cùng với bạn vè. Thay đổi không gian mỗi ngày cũng giúp bạn thoát khỏi cảm xúc của bản thân và dần chấp nhận rằng mối quan hệ của bạn đã kết thúc. Thay vì chạy bộ như mọi ngày, hãy thử một tuyến đường mới tại một khu vực mới hoặc lên kế hoạch ăn tối với bạn bè tại một nhà hàng mà bạn chưa từng tới. Kéo bản thân ra khỏi vòng tròn an toàn và tìm kiếm những trải nghiệm mới bằng việc thay đổi tuyến đường đi làm hoặc không gian vui chơi quen thuộc.
  4. Đi du lịch một mình hoặc đi nghỉ dưỡng. Để đổi gió, có lẽ bạn sẽ muốn đặt một chuyến nghỉ dưỡng một mình, nơi bạn có thời gian để tập trung vào nhu cầu của bản thân và tránh xa khỏi tất cả những thứ gợi nhớ cho bạn về mối quan hệ cũ. Bạn có thể thực hiện chuyến du lịch đến Nhật Bản nơi bạn vẫn luôn mong muốn được đặt chân tới và tự mình khám phá một đất nước mới lạ. Thời gian ở một môi trường mới có thể là một thứ vô cùng hữu ích giúp bạn giải toả tâm trí và cho bạn không gian cần thiết để chấm dứt những lưu luyến của mình.[2]

Video[sửa]

Related wikiHows[sửa]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]