Chẩn đoán hội chứng cơ tháp chậu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hội chứng cơ tháp chậu là bệnh gây đau, xảy ra khi cơ tháp chậu — cơ lớn nhất trong các cơ giúp xoay hông[1] — ép vào dây thần kinh hông, là dây thần kinh kéo dài từ tủy sống đến lưng dưới và xuống chân. Bệnh gây đau ở lưng dưới, hông và mông. Sự tồn tại của hội chứng cơ tháp chậu vẫn còn là đề tài đang gây tranh luận trong giới y học: một số người tin rằng bệnh này được chẩn đoán quá mức, số khác cho rằng chẩn đoán sót.[2] Chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán được hội chứng cơ tháp chậu. Tuy nhiên bạn có thể học cách nhận diện triệu chứng và biết có thể mong đợi điều gì từ bác sĩ.

Các bước[sửa]

Nhận biết các yếu tố rủi ro[sửa]

  1. Xem xét giới tính và tuổi tác. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng cơ tháp chậu cao gấp 6 lần đàn ông.[3] Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người trong độ tuổi 30 - 50.[1][4]
    • Tỷ lệ chẩn đoán cao hơn ở phụ nữ có thể được giải thích là do khác biệt về cấu tạo cơ sinh học của khung xương chậu.[5]
    • Hội chứng này cũng có khả năng phát triển trong thời kỳ phụ nữ mang thai, vì khung xương chậu nở ra nên sẽ khiến các cơ bám vào đó co lại. Xương chậu thường phát triển nghiêng ở phụ nữ mang thai để chịu khối lượng thai nhi nên cũng khiến các cơ ở đây bị thắt chặt.[6]
  2. Đánh giá tình trạng sức khỏe. Có một số bệnh sẽ khiến bạn dễ mắc hội chứng cơ tháp chậu hơn, chẳng hạn đau lưng dưới.[5]
    • Khoảng 15% số ca có nguyên nhân do dị tật bẩm sinh hay cấu trúc liên quan đến mối liên hệ giữa cơ tháp chậu và dây thần kinh hông.[7]
  3. Xem xét các hoạt động. Đa số các ca mắc hội chứng cơ tháp chậu có nguyên nhân do “chấn thương vĩ mô” hay “chấn thương vi mô”.[7]
    • “Chân thương vĩ mô” xảy ra khi có sự va chạm mạnh, chẳng hạn ngã hay tai nạn ôtô.[8] Chấn thương mạnh ở mông dẫn đến viêm mô mềm, co thắt cơ và chèn ép dây thần kinh là nguyên nhân phổ biến của hội chứng cơ tháp chậu.[9]
    • “Chấn thương vi mô” là dạng chấn thương rất nhẹ nhưng lập đi lập lại trên một khu vực. Ví dụ, chân của vận động viên chạy bộ đường dài thường xuyên bị chấn thương vi mô, cuối cùng dẫn đến viêm dây thần kinh và co thắt cơ. Chạy bộ, đi bộ, leo cầu thang hoặc thậm chí ngồi trong thời gian dài cũng có thể đè nén cơ tháp chậu và chèn ép dây thần kinh hông, gây đau.[5][8]
    • Một dạng chấn thương vi mô khác cũng gây ra hội chứng cơ tháp chậu gọi là “viêm dây thần kinh do để ví”. Tình trạng này xảy ra khi người ta mang ví (hay điện thoại di động) trong túi sau của quần, khiến dây thần kinh hông bị chèn ép và gây ra kích ứng.[9]

Nhận biết triệu chứng[sửa]

  1. Theo dõi nguồn gốc, kiểu và mức độ đau. Một trong những triệu chứng nổi trội của hội chứng cơ tháp chậu là cảm giác đau ở mông, vị trí có cơ tháp chậu. Nếu thường xuyên cảm thấy đau nhói ở một trong hai mông, bạn có thể đã mắc hội chứng cơ tháp chậu.[10] Các kiểu đau khác cũng có thể là dấu hiệu của bệnh này là:[11]
    • Đau khi ngồi, đứng hay nằm lâu hơn 15 - 20 phút.
    • Đau lan xuống phía sau đùi và đôi khi lan xuống phía sau bắp vế, đến tận bàn chân.
    • Kiểu đau mà sẽ giảm khi bạn đứng dậy bước đi và tăng khi ngồi yên.
    • Kiểu đau không hết hẳn khi thay đổi tư thế cơ thể.
    • Đau ở bẹn và vùng chậu, bao gồm đau môi âm hộ ở phụ nữ và đau bìu tinh hoàn ở đàn ông.[11]
    • Giao hợp đau ở phụ nữ.[12][11]
    • Đau khi đại tiện.
  2. Đánh giá dáng đi. Hội chứng cơ tháp chậu khiến dây thần kinh hông bị nén, dẫn đến khó khăn khi bước đi, chân cũng cảm thấy yếu hơn. Hai điểm chính cần chú ý khi bạn gặp khó khăn khi bước đi là:
    • Dáng đi chống đau, là cách bước đi nhằm tránh bị đau. Thông thường bạn sẽ đi khập khiễng hoặc bước ngắn hơn để giảm đau.[13]
    • Bàn chân rơi, nghĩa là bàn chân trước rơi tự do mà không chịu sự kiềm chế của bạn vì phần cẳng chân đang bị đau.[14] Có trường hợp bạn không thể nâng cao bàn chân về phía mặt.
  3. Chú ý hiện tượng ngứa ran hay tê buốt. Khi dây thần kinh hông bị đè nén, bạn bắt đầu cảm thấy tê buốt hay ngứa ran ở bàn chân hay chân.[15]
    • Cảm giác này còn gọi là “dị cảm”, có thể biểu hiện dưới dạng như “kim châm”, tê buốt hay ngứa ran.[16]

Chẩn đoán y khoa[sửa]

  1. Cân nhắc gặp bác sĩ chuyên khoa. Hội chứng cơ tháp chậu rất khó chẩn đoán vì triệu chứng của nó nói chung tương tự với bệnh đau thần kinh tọa (tê buốt ở chân do đau lưng dưới gây ra). Cả hai bệnh đều có nguyên nhân là dây thần kinh hông bị chèn ép. Điểm khác biệt duy nhất là vị trí nào trên dây thần kinh hông bị ép. Hội chứng cơ tháp chậu hiếm gặp hơn rất nhiều so với đau lưng dưới, và đa số bác sĩ đa khoa không được đào tạo nhiều về hội chứng này. Vì vậy bạn nên gặp bác sĩ ngoại chỉnh hình, chuyên gia vật lý trị liệu hay bác sĩ chuyên về xương khớp.
    • Có thể bạn phải khám với bác sĩ đa khoa trước tiên để được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa.
  2. Nên nhớ không một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán chắc chắn hội chứng cơ tháp chậu. Bác sĩ phải thăm khám chuyên sâu và tiến hành các xét nghiệm trước khi có kết luận cuối cùng.
    • Họ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như MRI, CT hoặc đo dẫn truyền luồng thần kinh để loại trừ các bệnh khác như thoát vị đĩa đệm.[10]
  3. Để bác sĩ làm xét nghiệm chẩn đoán. Muốn biết bạn có mắc hội chứng cơ tháp chậu không, đầu tiên bác sĩ phải đánh giá phạm vi cử động của bạn bằng cách yêu cầu thực hiện nhiều động tác như nâng thẳng chân và xoay chân. Có một số xét nghiệm khác cũng có thể cho biết bạn mắc hội chứng này, bao gồm:
    • Dấu hiệu Lasègue: Bạn phải nằm thẳng trên lưng, uốn cong hông tạo thành góc 90 độ và duỗi thẳng đầu gối. Dấu hiệu Lasègue dương tính cho thấy có áp lực trên cơ tháp chậu ở tư thế này nên khiến bạn đau. [5]
    • Dấu hiệu Freiberg: Đầu tiên bạn nằm thẳng trên lưng, sau đó bác sĩ xoay chân bạn vào trong và đồng thời nâng chân lên. Nếu bị đau khi thực hiện động tác này thì chứng tỏ bạn đã mắc hội chứng cơ tháp chậu.[17][2]
    • Dấu hiệu Pace: Xét nghiệm này yêu cầu bạn phải nằm lên bên hông không bị đau, bác sĩ sẽ uốn cong hông và đầu gối, sau đó vừa xoay hông vừa ấn vào đầu gối. Nếu bạn bị đau thì đó là dấu hiệu của hội chứng cơ tháp chậu.[5]
    • Có thể bác sĩ cũng “sờ nắn” (dùng ngón tay kiểm tra) rãnh hông lớn, là rãnh nằm ở xương chậu và là nơi cơ tháp chậu đi qua.[18]
  4. Tìm những thay đổi về cảm giác. Bác sĩ sẽ kiểm tra chân bị ảnh hưởng để tìm những thay đổi về cảm giác hoặc tình trạng mất cảm giác. Ví dụ, họ sờ nhẹ vào chân bị ảnh hưởng hoặc sử dụng dụng cụ để làm phát sinh cảm giác. Chân bị ảnh hưởng sẽ có cảm giác ít hơn đáng kể so với chân không bị ảnh hưởng.
  5. Kiểm tra các cơ. Bác sĩ có thể kiểm tra sức mạnh và kích cỡ cơ. Chân bị ảnh sẽ yếu hơn và ngắn hơn chân không bị ảnh hưởng. [17]
    • Họ cũng sờ nắn cơ mông (cơ lớn nhất ở mông) để xác định tình trạng cơ tháp chậu. Khi cơ này co lại và căng cứng, bạn có cảm giác như sờ vào cây xúc xích.
    • Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ đau khi ấn vào cơ mông của bạn. Nếu bạn bị đau hay đau khi sờ ở sâu trong mông hay khu vực hông, đây là dấu hiệu cơ tháp chậu bị co rút.
    • Kiểm tra tình trạng teo cơ mông. Với một số ca mắc hội chứng cơ tháp chậu mãn tính, cơ mông bắt đầu teo và co lại, bạn có thể thấy sự mất cân đối ở hai mông vì mông bị ảnh hưởng có kích thước nhỏ hơn mông kia.
  6. Yêu cầu chụp CT hoặc MRI. Mặc dù bác sĩ có thể kiểm tra thực thể để tìm các dấu hiệu, nhưng hiện nay chưa có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán hội chứng cơ tháp chậu. Chính vì vậy bác sĩ thường yêu cầu chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) và/hoặc chụp MRI (chụp dưới sự hướng dẫn của cộng hưởng từ) để tìm xem có thứ gì đang ép vào dây thần kinh hông không.[19]
    • Kỹ thuật chụp CT kết hợp máy vi tính với tia x-quang tạo hình ảnh 3D của các bộ phận trong cơ thể. Với xét nghiệm này họ sẽ chụp CT mặt cắt ngang của cột sống, ảnh chụp giúp phát hiện những bất thường ở gần cơ tháp chậu và theo dõi bất kì thay đổi nào về xương khớp.[20]
    • Kỹ thuật chụp MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. MRI có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây đau lưng dưới hay đau dây thần kinh hông.
  7. Trao đổi với bác sĩ về đo điện cơ. Kỹ thuật đo điện cơ nhằm kiểm tra phản ứng của cơ khi bị kích thích bằng điện. Phương pháp này thường được sử dụng khi bác sĩ muốn xác định bạn mắc hội chứng cơ tháp chậu hay bị thoát vị đĩa đệm. Đối với hội chứng cơ tháp chậu, cơ xung quanh cơ tháp chậu sẽ phản ứng bình thường với kỹ thuật đo điện cơ. Ngược lại, cơ tháp chậu và cơ mông lớn phản ứng bất thường với dòng điện. Nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm thì tất cả các cơ ở khu vực này đều phản ứng bất thường. Xét nghiệm đo điện cơ có hai phần:[20]
    • Đo dẫn truyền thần kinh sử dụng các điện cực dán vào da để đánh giá tế bào thần kinh vận động.
    • Kiểm tra bằng điện cực kim sử dụng một cây kim nhỏ đâm vào cơ để đánh giá hoạt động điện của cơ.

Điều trị hội chứng cơ tháp chậu[sửa]

  1. Ngừng các hoạt động gây đau. Bác sĩ thường khuyên bạn nên tạm ngừng mọi hoạt động gây đau như chạy bộ hay chạy xe đạp.[20]
    • Nếu bạn bị đau vì áp lực do ngồi lâu, chủ động dành các khoảng thời gian nghỉ ngơi theo định kỳ để đứng dậy kéo giãn cơ bắp. Bác sĩ khuyến nghị mọi người nên đứng dậy, bước đi qua lại và kéo giãn nhẹ sau mỗi 20 phút. Nếu bạn phải lái xe đường dài thì nên giải lao thường xuyên bằng cách đứng dậy và kéo giãn.[21]
    • Tránh ngồi hay đứng ở những tư thế gây đau.[22]
  2. Tập vật lý trị liệu. Điều trị bằng vật lý trị liệu nói chung sẽ có lợi nếu tiến hành sớm. Bác sĩ có thể phối hợp với chuyên gia vật lý trị liệu để lập ra chế độ tập luyện phù hợp với bạn.[21]
    • Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một loạt các động tác kéo giãn, uốn, khép và xoay cơ.
    • Mát xa mô mềm cho khu vực mông và thắt lưng - xương cùng cũng giúp giảm khó chịu.
  3. Cân nhắc áp dụng y học thay thế. Kỹ thuật nắn xương[23], yoga[24], châm cứu[25], và xoa bóp[26] đều từng được sử dụng để điều trị hội chứng cơ tháp chậu.
    • Vì nói chung y học thay thế chưa được nghiên cứu ở mức độ khoa học chuyên sâu như các giải pháp y học truyền thống, do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ về những phương pháp này trước khi bắt đầu điều trị.[27]
  4. Xem xét phương pháp trị liệu kích hoạt điểm. Đôi khi các điểm kích hoạt là nguyên nhân gây ra triệu chứng ở cơ tháp chậu, chúng được gọi là nút thắt cơ. Nút thắt thường tồn tại trong cơ tháp chậu hay cơ mông, khi ấn vào bạn có cảm giác đau cục bộ hay đau xuất chiếu. Kích hoạt điểm thường có thể tạo cảm giác đau giống với hội chứng cơ tháp chậu, đó là lý do vì sao nhiều xét nghiệm y khoa cho kết quả âm tính và có lẽ là nguyên nhân khiến bác sĩ chẩn đoán sót bệnh này.[28]
    • Tìm một chuyên gia đã được đào tạo về kích hoạt điểm trị liệu, chẳng hạn chuyên gia trị liệu bằng mát xa, thầy thuốc về xương khớp, chuyên gia vật lý trị liệu hay thậm chí là bác sĩ. Nếu kích hoạt điểm là nguyên nhân, người ta thường kết hợp điều trị bằng châm cứu, các bài tập kéo giãn và tăng cường sức khỏe cơ bắp.[28]
  5. Hỏi bác sĩ về chế độ tập kéo giãn. Bên cạnh các bài tập mà chuyên gia vật lý trị liệu đề nghị thực hiện, bác sĩ có thể khuyên bạn tự thực hiện các động tác kéo giãn ở nhà. Một số bài tập phổ biến là:[29]
    • Lăn người qua lại khi nằm. Uốn và kéo đầu gối trong khi nằm trên mỗi bên hông. Lập lại luân phiên cho từng bên trong 5 phút.
    • Đứng với hai tay thả lỏng ở bên hông. Xoay người qua lại trong 1 phút, lập lại sau vài giờ.
    • Nằm thẳng trên lưng, nâng hông lên bằng hai bàn tay và đạp hai chân giống như đang chạy xe đạp.
    • Uốn cong đầu gối 6 lần sau vài giờ. Nếu cần bạn có thể tựa vào mặt bàn hay ghế khi thực hiện.
  6. Áp dụng liệu pháp nóng lạnh. Hơi ẩm nóng có tác dụng thả lỏng cơ, trong khi chườm đá giúp giảm viêm và đau.[29][21]
    • Để chườm nóng bạn sử dụng đai quấn nóng hay đặt chiếc khăn tắm ẩm vào lò vi sóng trong vài giây trước khi chườm vào chỗ đau.[21] Bạn cũng có thể tắm nước ấm để giảm căng cơ và cảm giác khó chịu do hội chứng cơ tháp chậu gây ra. Để cơ thể nổi trong nước.[29]
    • Muốn chườm lạnh bạn cho đá vào chiếc khăn tắm hay túi chườm. Không chườm lạnh quá 20 phút.[30]
  7. Sử dụng thuốc giảm đau NSAID. Thuốc kháng viêm không steroid hay còn gọi là thuốc NSAID có tác dụng giảm đau và viêm.[31] Người ta thường sử dụng chúng để giảm đau và viêm do hội chứng cơ tháp chậu gây ra.[29]
    • Các thuốc NSAID phổ biến là aspirin, ibuprofen (Mofen-400, Ibuprofen) và naproxen (Ameproxen).
    • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc NSAID, vì nó có thể tương tác với các thuốc khác hoặc tình trạng sức khỏe khác.
    • Nếu thuốc NSAID không thể giảm đau đạt yêu cầu bác sĩ sẽ kê thuốc giãn cơ, và bạn nhớ sử dụng thuốc đúng chỉ định.[31]
  8. Hỏi bác sĩ về tiêm thuốc. Nếu cảm giác đau ở cơ tháp chậu vẫn kéo dài thì bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêm thuốc cục bộ, chẳng hạn tiêm thuốc tê, steroid hoặc botox.
    • Thuốc tê thường được sử dụng là lidocain hoặc bupivacain, tiêm trự̣c tiếp vào điểm kích hoạt và có thể giảm đau thành công với 85% các ca khi được kết hợp điều trị bằng vật lý trị liệu.[21]
    • Nếu thuốc tê cục bộ cũng không thể trị hết đau thì bác sĩ thường đề nghị tiêm steroid hay botulinum toxin loại A (botox), cả hai loại đều có khả năng giảm đau cơ.[29][32]
  9. Nhờ bác sĩ tư vấn về các lựa chọn phẫu thuật. Phẫu thuật được xem là giải pháp cuối cùng đối với hội chứng cơ tháp chậu, và sẽ không được chỉ định cho đến khi tất cả các lựa chọn khác đã thất bại. Tuy nhiên, nếu tất cả các phương pháp điều trị đều không thể giảm đau thì bạn nên trao đổi với bác sĩ về can thiệp bằng phẫu thuật.[29]
    • Phẫu thuật xả nén cơ tháp chậu chỉ hiệu quả khi có những khiếm khuyết thần kinh. Bác sĩ sẽ yêu cầu đo điện cơ và một số xét nghiệm khác để xác định xem phẫu thuật thần kinh ngoại biên do đè nén có thể giảm đau thành công không, đây là thủ thuật giải phóng dây thần kinh hông.[33]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu cảm thấy đau ở mông bạn nên liên hệ với bác sĩ để chẩn đoán bệnh và tìm cách điều trị càng sớm càng tốt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.ssmny.com/conditions/hip/piriformis-sindrome/
  2. 2,0 2,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2997212/
  3. http://emedicine.medscape.com/article/87545-overview#a6
  4. http://www.spineuniverse.com/conditions/sciatica/piriformis-syndrome
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 http://jaoa.org/article.aspx?articleid=2093614
  6. http://www.expectantmothersguide.com/articles/piriformis-syndrome-during-pregnancy/
  7. 7,0 7,1 http://jaoa.org/article.aspx?articleid=2093614#72974385
  8. 8,0 8,1 http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/piriformis-syndrome/causes-risk-factors.html
  9. 9,0 9,1 http://jaoa.org/article.aspx?articleid=2093614#72974409
  10. 10,0 10,1 http://www.webmd.com/pain-management/guide/piriformis-syndrome-causes-symptoms-treatments
  11. 11,0 11,1 11,2 http://emedicine.medscape.com/article/87545-clinical
  12. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/painful-intercourse/basics/definition/con-20033293
  13. http://medical-dictionary.thefreedictionary.com/antalgic+gait
  14. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/foot-drop/basics/causes/con-20032918
  15. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23607175
  16. http://medical-dictionary.thefreedictionary.com/paresthesia
  17. 17,0 17,1 http://emedicine.medscape.com/article/87545-clinical#b4
  18. http://www.anatomyexpert.com/app/structure/1497/1015/
  19. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/piriformis-syndrome/diagnosis-tests.html
  20. 20,0 20,1 20,2 http://emedicine.medscape.com/article/87545-workup
  21. 21,0 21,1 21,2 21,3 21,4 http://emedicine.medscape.com/article/87545-treatment
  22. http://www.webmd.com/pain-management/guide/piriformis-syndrome-causes-symptoms-treatments?page=2
  23. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3315859/
  24. http://sciatica.org/piriformis/index.html
  25. http://aim.bmj.com/content/18/2/108.full.pdf
  26. http://www.integrativehealthcare.org/mt/archives/2005/08/false_sciatica.html
  27. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/complementaryandintegrativemedicine.html
  28. 28,0 28,1 http://wizardofhealth.net/muscle-pain/lower-back-pain/
  29. 29,0 29,1 29,2 29,3 29,4 29,5 http://jaoa.org/article.aspx?articleid=2093614#72974544
  30. http://www.spine-health.com/treatment/heat-therapy-cold-therapy/ice-packs-back-pain-relief
  31. 31,0 31,1 http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00284
  32. http://emedicine.medscape.com/article/325574-overview
  33. http://emedicine.medscape.com/article/1890559-overview