Chọn ngành học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chọn ngành học có thể là một nhiệm vụ khó đến nản lòng, nhất là khi mọi người xung quanh bạn dường như đều đã có kế hoạch tương lai cho mình. Tuy ngành học mà bạn chọn chắc chắn không phải là vĩnh viễn, nhưng việc lựa chọn đúng ngay từ đầu có thể giúp bạn tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc. Hãy đọc tiếp để biết bạn cần làm gì.

Các bước[sửa]

Những câu hỏi quan trọng[sửa]

  1. Suy nghĩ về những đam mê, mối quan tâm và những giá trị của bạn. Những vấn đề này cực kỳ quan trọng nhưng rất thường bị các bạn học sinh bỏ qua. Thay vào đó, các bạn thường tự hỏi: “Mình có thể làm nghề gì với ngành học này?”. Điều quan trọng là bạn cần nhớ rằng ngành học không nhất định là con đường trực tiếp dẫn đến sự nghiệp tương lai. Cho dù bạn có thực sự kiếm được việc làm mà bạn đã dự tính khi mới bước chân vào trường, thì cách tốt nhất để có hạnh phúc và thành công trong nghề nghiệp vẫn là làm công việc bạn yêu thích. Và điều đó bắt đầu bằng học vấn của bạn.
    • Khi cân nhắc về những đam mê của mình, bạn hãy nghĩ xa hơn các sở thích như thể thao hay chơi nhạc cụ. Nghĩ về những tác động mà bạn muốn tạo ra trong thế giới này và di sản mà bạn muốn để lại. Bạn có say mê kinh doanh không? Bạn muốn bảo vệ môi trường? Bạn có khiếu hội họa? Bạn yêu toán học? Bạn mong trở thành bác sĩ?
    • Nhớ rằng không chỉ những đam mê của bạn có thể thay đổi trong thời gian bốn năm đại học, mà công nghệ và kinh tế cũng không ngừng thay đổi. Đến khi bạn tốt nghiệp, ngành nghề mà bạn từng dự định làm có thể đã lỗi thời, trong khi hàng trăm nghề nghiệp khác trước đây chưa bao giờ tồn tại thì lại nổi lên.
  2. Nghĩ về các môn học mà bạn yêu thích hồi còn học phổ thông. Ngay cả khi không biết mình muốn làm gì “khi trưởng thành”, bạn vẫn có thể xác định các kỹ năng và đam mê của mình bằng cách xem lại học bạ của bạn. Cân nhắc không chỉ những môn học bạn thích nhất mà còn cả những môn bạn giỏi nhất.
    • Những môn học nào lý thú nhất và truyền cảm hứng nhất đối với bạn? Môn khoa học? Môn toán? Môn tiếng Anh? Hay những môn có tính sáng tạo như vẽ hoặc kịch?
    • Suy nghĩ về những môn học mà bạn có biểu hiện tốt nhất. Không tính những môn “dễ ăn điểm”; hãy nghĩ về những môn có tính thách thức và toàn diện mà bạn đã học tốt.
  3. Cân nhắc về triển vọng nghề nghiệp, nhưng đừng bị ám ảnh về nó. Bạn đừng nghĩ việc chọn ngành như việc nộp đơn xin việc, mà nên nghĩ đó là việc chọn con đường đi của cuộc đời mình. Xếp thứ hai là nghề nghiệp, thực tập và các cơ hội khác mở ra trước mắt bạn như kết quả của việc theo đuổi đam mê. Mặt khác, nếu niềm đam mê song hành với kế hoạch nghề nghiệp của bạn, vậy thì bạn hãy chọn ngành học nào sẽ đưa bạn đến đích nhanh nhất. Nếu bạn muốn làm bác sĩ và luôn luôn muốn trở thành bác sĩ, bạn nên cân nhắc học ngành sinh học.
  4. Quyết định chọn loại bằng cấp. Mặc dù vẫn có khả năng bỏ lỡ, bạn có thể thu hẹp quyết định của mình bằng việc chọn lựa bằng cử nhân nghệ thuật (BA) hoặc cử nhân khoa học (BS). Đừng quên rằng cách phân loại BA và BS có thể khác nhau tùy từng trường, nhưng nói chung, các hướng dẫn áp dụng như sau:
    • Bằng BA bao gồm rộng rãi các ngành nghệ thuật và khoa học xã hội như khoa học chính trị, quan hệ ngoại giao, tiếng Anh, lịch sử nghệ thuật, xã hội học, và nhân học văn hóa.
    • Bằng BS bao gồm các ngành khoa học và toán học như ngành kỹ thuật, sinh học, nhân loại học tiến hóa, và kinh tế.

Khảo sát các lựa chọn[sửa]

  1. Đọc bản danh mục hướng dẫn các khóa học ở trường cao đẳng hoặc đại học của bạn. Nếu đã được nhận vào trường, bạn hãy đọc bản hướng dẫn khóa học để biết về các ngành học, yêu cầu của các ngành và các loại khóa học. Nhớ rằng đôi khi tên của các lớp học có thể gây hiểu lầm, do đó bạn cần chú ý đọc phần mô tả để biết thêm chi tiết.
    • Nhớ đọc bản mới nhất, vì các ngành học và các điều kiện thay đổi theo thời gian.
    • Tính đến số lượng đơn vị tín chỉ mà bạn cần phải học, môn học và khối lượng chương trình học.
  2. Suy nghĩ về danh tiếng của trường. Trường bạn theo học chuyên đào tạo ngành báo chí, nông nghiệp, y khoa hay kỹ thuật? Nếu chất lượng giáo dục là điều bạn coi trọng nhất và bạn vẫn chưa quyết định được ngành học, vậy thì bạn hãy suy nghĩ về các khoa và các ngành học nào của trường là có danh tiếng nhất.
    • Tìm hiểu kỹ về trường để biết các khoa nào là nổi tiếng nhất, các giáo sư nào có uy tín nhất và được công nhận trong giới học thuật.
  3. Hẹn gặp tư vấn viên. Nếu còn phân vân giữa một vài ngành học hay hoàn toàn chưa biết chọn ngành nào, bạn hãy đến gặp tư vấn viên ở trường học. Nếu chưa tốt nghiệp trung học, bạn có thể hẹn gặp tư vấn viên ở trường trung học.
    • Đừng quên rằng các trường đại học có các tư vấn viên chuyên cho các khoa khác nhau, do đó họ có thể trả lời các thắc mắc chưa được giải đáp của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng để cha mẹ (hay bất cứ ai) chỉ định ngành học cho bạn. Lắng nghe lời khuyên của nhiều người là tốt, nhưng khi đứng trước quyết định quan trọng thì bạn cần tự quyết, cuộc đời là của bạn chứ không phải của họ. Hãy giành quyền kiểm soát và làm điều bạn muốn.
  • Những người tạo nên sự khác biệt lớn nhất trên thế giới là những người yêu những gì họ làm. Hãy lựa chọn không chỉ vì tiền hoặc danh tiếng mà là vì bạn yêu thích công việc đó. Nếu được làm điều mình thích, bạn sẽ làm việc tích cực hơn nhiều so với những người khác cùng lĩnh vực.
  • Đừng ngại hỏi. Hãy hỏi kinh nghiệm của những người bạn quen biết hoặc có thể cả những người bạn không quen lắm.
  • Nhớ rằng hầu hết các trường đại học và cao đẳng cho phép bạn đổi ngành học nhiều lần trong thời gian học. Chắc hẳn bạn không muốn dựa vào cách này, nhưng bạn có thể giảm áp lực cho mình và xem xét nhiều lựa chọn.
  • Đừng trì hoãn quyết định cho đến phút cuối cùng. Hầu hết các trường đại học đều cho bạn thời gian một hoặc hai năm để xác định ngành học. Nếu thấy khó quyết định, bạn cứ tiến tới và tranh thủ thời gian tối đa, nhưng hãy bắt đầu suy nghĩ về lựa chọn của mình ngay từ khi bắt đầu năm thứ nhất – hoặc trước đó. Học đại học là một việc khó khăn (và lý thú), và dễ làm xáo trộn thông lệ thường nhật của bạn, nhưng bạn có thể tránh được nhiều áp lực từ việc chọn ngành học bằng cách tìm hiểu trước các lựa chọn.
  • Nhìn vào thần tượng của bạn để tìm lời khuyên. Bạn có ngưỡng mộ ai đó đang có công việc mà bạn mơ ước không? Hãy hẹn gặp họ và xin lời khuyên. Nếu không quen họ, bạn có thể tìm hiểu xem làm sao họ có được vị trí như hiện giờ.
  • Ngành học mà bạn chọn không phải lúc nào cũng "dẫn" bạn đến đích là nghề nghiệp. Bạn có thể dùng kinh nghiệm học vấn của mình làm nền tảng căn bản nhưng làm việc ở một lĩnh vực khác mà bạn yêu thích và có thể làm tốt. Bằng cấp có thể có giá trị hơn (hoặc ít giá trị hơn) đối với chủ lao động, tùy vào mức độ quan trọng của ngành mà bạn học đối với công việc. Một kỹ sư phải được đào tạo trong ngành kỹ thuật, nhưng ngành marketing hay dịch vụ khách hàng thì có thể chấp nhận nhiều ngành học khác nhau. Ngoài ra, các trường y, trường luật và một số chương trình khác thường không yêu cầu bằng cử nhân nếu các thí sinh có thể đỗ kỳ thi tốt nghiệp đầu vào và đã tham gia các khóa học liên quan. Dù mọi người có nói gì, việc chọn ngành học của bạn có lẽ không tạo nên hoặc phá hỏng những nghề "không nghiêm ngặt" hoặc không đòi hỏi bằng cấp cao hơn. Một số chủ lao động thuê nhân viên vừa làm vừa đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, và họ tìm cử nhân tốt nghiệp đại học chỉ vì muốn chọn các ứng viên có học vấn cao, bền chí, tự chủ, có thể đào tạo và phát triển trong môi trường làm việc của họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]