Tăng cường khả năng tập trung khi học bài

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Tập trung khi học bài có thể là một nhiệm vụ khá khó khăn, nhất là khi học những chủ đề mà bạn không mấy yêu thích. Tuy rằng học bài chẳng bao giờ là phần hào hứng nhất trong việc học tập, nhưng nó cũng không nhất định phải kéo dài lê thê buồn tẻ như mọi người nghĩ. Với sự quyết tâm và một vài phương pháp học bài hiệu quả, bạn có thể chinh phục cả những môn học chán nhất bằng sự tập trung cao độ khi học bài.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho sự tập trung khi học[sửa]

  1. Tìm môi trường thích hợp cho việc học. Nói chung, tốt nhất là bạn nên loại bỏ tối đa các yếu tố gây xao lãng khi học bài để có thể tập trung vào những thứ trước mắt. Bạn cần tìm một nơi đẹp mắt và dễ chịu.
    • Tìm một chỗ yên tĩnh như phòng riêng hoặc thư viện. Nếu thích không khí trong lành, bạn có thể ra ngoài trời và đến nơi nào đó ít có những thứ gây phân tâm, và nơi có thể kết nối internet nếu cần.
    • Lưu ý rằng mỗi người có một môi trường yêu thích riêng khi học bài. Có người thích yên tĩnh, nhưng có người thích những âm thanh tương tự như tiếng ồn trắng.
    • Nếu không biết mình thích môi trường nào, bạn có thể thử nghiệm ở nhiều nơi khác nhau, học trong nhóm hoặc học một mình, học với tiếng nhạc hoặc không, v.v… Bạn sẽ sớm biết khả năng tập trung và hiệu suất học tập của mình trong các môi trường khác nhau.
  2. Tập trung mọi phương tiện cho việc học tập. Những thứ này bao gồm các vật dụng như sổ ghi chép, sách giáo khoa, sách hướng dẫn, tài liệu, bút dạ quang hoặc bất cứ phương tiện nào cần thiết cho sự tập trung và hiệu quả khi học; kể cả đồ ăn vặt như một thanh ngũ cốc hoặc hạt hạnh nhân và nước.[1]
    • Mọi vật dụng học tập cần đặt trong tầm tay để bạn không phải ngừng lại và đi lấy các vật dụng khi đang học.
  3. Dọn dẹp gọn gàng không gian học. Dọn hết các thứ không cần thiết và giữ không gian học ngăn nắp để giảm áp lực và giúp bạn tập trung tốt hơn. Những thứ không trực tiếp giúp ích cho sự tập trung sẽ chỉ khiến bạn phân tâm.
    • Điều này bao gồm việc loại bỏ các hộp đựng đồ ăn, giấy vụn và các thứ linh tinh khác.
  4. Tắt hết các thiết bị điện tử không cần thiết. Tắt mọi thiết bị điện tử mà bạn không cần đến, đặc biệt là điện thoại di động, máy nghe nhạc và có lẽ cả máy tính (nếu bạn không cần dùng máy tính để học).
    • Máy vi tính có thể gây xao lãng khủng khiếp khi bạn đang cố gắng tập trung.
  5. Bám sát thời gian biểu. Lập thời gian biểu cho việc học và duy trì đúng lịch. Điều này khiến thời gian học trở thành thói quen, từ đó có thể giúp bạn hoàn thành các chương trình học tập. Lưu ý về mức năng lượng của bạn trong ngày. Bạn sung sức nhất (do đó cũng tập trung nhất) vào ban ngày hay ban đêm?[2] Học các môn khó nhất vào lúc cơ thể tràn đầy năng lượng là một ý tưởng thông minh.
    • Khi đã biết mình có nhiều năng lượng nhất vào lúc nào trong ngày, bạn có thể sắp xếp học vào thời gian đó để tăng khả năng chú ý và tập trung vào công việc.
  6. Tìm một bạn học. Đôi khi ôn bài cùng với bạn học có thể giúp cho việc học bớt đơn điệu, làm rõ các khái niệm khó hiểu khi hai người trao đổi với nhau và nhìn sự việc trên góc độ khác. Bạn cùng học có thể giúp bạn duy trì việc học và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.
    • Có người thấy việc học chung với bạn có thể gây xao lãng. Khi tìm bạn học, bạn nên cố gắng chọn người có ý thức và có khả năng tập trung, thậm chí năng động hơn bạn trong lớp. Như vậy bạn sẽ luôn phải thúc ép bản thân để theo kịp họ.
  7. Nghĩ về phần thưởng. Trước khi bắt đầu học, bạn hãy nghĩ ra thứ gì đó có thể làm phần thưởng cho việc học của mình. Ví dụ, sau 1 tiếng đồng hồ ôn bài sử, bạn hãy tán gẫu với bạn cùng phòng, nấu bữa tối hoặc xem chương trình truyền hình mà bạn yêu thích.[3] Phần thưởng có thể tạo động lực để bạn tập trung vào việc học trong một khoảng thời gian cụ thể, và sau đó bạn hãy tự thưởng cho mình vì sự tập trung cao độ vào công việc.
    • Với các dự án lớn hơn, bạn nên dùng phần thưởng lớn hơn cho mình vì sự cố gắng đặc biệt đó.[3]

Duy trì sự tập trung khi học[sửa]

  1. Tìm một phương pháp học có hiệu quả. Một phương pháp học hiệu quả phù hợp có thể giúp bạn duy trì sự tập trung trong khi học. Cần nhắc bạn là mỗi người có cách học khác nhau, vì vậy bạn sẽ phải thử nghiệm để tìm ra phương pháp giúp duy trì sự tập trung tốt nhất đối với bạn. Về cơ bản, càng có nhiều cách để trải nghiệm và tương tác với những kiến thức đang học, bạn càng có nhiều khả năng tập trung vào nhiệm vụ và tiếp thu những gì bạn đang học.[4] Đôi khi việc xem lại những bài đọc, những phần ghi chép hoặc các câu hỏi trắc nghiệm cũng là một cách học hiệu quả. Tuy nhiên có một số phương pháp học khác bao gồm:
    • Làm các thẻ ghi chú. Đối với các từ vựng và thuật ngữ, bạn có thể tập ghi nhớ các từ vựng, thuật ngữ và khái niệm bằng cách làm các thẻ ghi chú và xem đi xem lại.
    • Hình vẽ. Một số bài học đòi hỏi xem xét các cấu trúc và biểu đồ. Việc sao chép cũng như tự vẽ các biều đồ và cấu trúc sẽ giúp bạn hình dung được những vấn đề đang học, từ đó bạn sẽ dễ nhớ hơn.
    • Lập dàn ý. Việc lập dàn ý có thể giúp bạn hình dung ra những khái niệm lớn hơn, bao gồm cả những chi tiết nhỏ hơn. Nó cũng giúp bạn hình dung được các phần và các nhóm thông tin có thể gợi nhớ các chi tiết khi sắp đến kỳ kiểm tra.
    • Sử dụng phương pháp hỏi đáp chi tiết. Về căn bản, phương pháp hỏi đáp chi tiết là đưa ra lập luận giải thích tạo sao những điều bạn đang học là đúng. Nó cũng tương tự như khi bạn nghĩ ra lý do giải thích tại sao một sự việc hoặc một phát biểu nào đó là quan trọng.[5] Bạn cũng có thể dùng phương pháp này để đọc to lên các khái niệm và để quen hơn với bài học bằng cách chứng minh và diễn giải tầm quan trọng của nó.
  2. Học một cách chủ động. Khi đọc hoặc nghe bài giảng, bạn hãy cố gắng tham gia vào bài học. Điều này có nghĩa là bạn không chỉ có mặt để nghe bài giảng mà còn phải thách thức bài học lẫn bản thân mình. Đặt những câu hỏi về những vấn đề đang được giảng, liên hệ bài học với đời sống thực tế, so sánh với các thông tin khác bạn đã học được qua cuộc sống, đồng thời thảo luận và giải thích các kiến thức mới cho những người khác.
    • Khi chủ động tham gia vào bài học, bạn sẽ thấy bài học có ý nghĩa hơn và thú vị hơn, từ đó bạn sẽ dễ tập trung hơn.
  3. Thực hành một số chiến thuật giúp tập trung tinh thần. Việc cải thiện khả năng tập trung cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Sau khi thực hành một số phương pháp này, bạn có thể sẽ thấy sự cải thiện trong vòng vài ngày.[2] Một số chiến thuật tăng cường sự tập trung bao gồm:
    • Ở đây, ngay lúc này. Chiến thuật đơn giản và hiệu quả này giúp kéo tâm trí lan man của bạn quay trở lại nhiệm vụ trước mắt. Khi nhận thấy các suy nghĩ của mình không còn đặt vào bài học, bạn hãy tự nhủ “Ở đây, ngay lúc này’’, và cố gắng điều khiển những ý nghĩ đang lan man và tập trung lại vào bài học.
    • Ví dụ, bạn đang ở trong lớp học nhưng đầu óc bạn đi lạc từ bài giảng sang hình ảnh một ly cà phê quyến rũ và tự hỏi chiếc bánh vòng cuối cùng trong tiệm cà phê đã bán hết chưa. Khi tự nói với mình, “Ở đây, ngay lúc này’’, bạn đang đưa sự chú ý của mình quay lại với bài giảng và duy trì càng lâu càng tốt.[6]
    • Theo dõi những lần tâm trí đi lan man. Đánh dấu lại những lần bạn bắt gặp đầu óc đi lạc khỏi vấn đề cần phải tập trung. Càng nhiều lần đưa được tâm trí quay trở lại nhiệm vụ hiện tại thì số lần bạn mất tập trung sẽ càng ít đi.[7]
  4. Cho phép một khoảng thời gian để lo lắng. Có nghiên cứu cho thấy khi sắp xếp thời gian để lo lắng và suy nghĩ về những vấn đề căng thẳng, người ta sẽ ít lo lắng hơn đến 35% trong vòng 4 tuần.[3] Điều này chứng tỏ rằng khi bạn cho phép mình lo lắng và suy nghĩ trong một khoảng thời gian nào đó, bạn sẽ dành ít thời gian lo lắng hơn và ít bị phân tâm hơn khi cần tập trung vào các vấn đề khác.
    • Nếu bạn thấy mình lo lắng về điều gì đó trong khi đang cố gắng chú ý và tập trung, hãy nhớ rằng bạn đã có khoảng thời gian đặc biệt để làm việc đó. Thậm chí bạn có thể thử phương pháp ‘’ở đây, ngay lúc này’’ để tập trung trở lại.
    • Ví dụ, bạn có thể cho bản thân thời gian nửa tiếng trước khi bắt đầu học để lo lắng về các kỳ thi sắp đến, về gia đình hoặc bất cứ điều gì còn luẩn quẩn trong tâm trí. Sau khi đã lo lắng trong thời gian được chọn, bạn sẽ có khả năng tập trung hoàn toàn vào bài học khi đến lúc phải học.[3]
  5. Đặt ra các mục tiêu khi học. Đối với những môn không thú vị lắm, bạn có thể thay đổi tiến độ trong khi học để dễ tập trung hơn. Bằng việc đặt mục tiêu cho bản thân, bạn có thể chuyển mục tiêu từ việc ”hoàn thành” môn học sang việc đạt được từng điểm một và tiếp tục thành công trong tiến trình học.[1]
    • Ví dụ, thay vì cam kết rằng, “Tối nay mình phải học hết 6 chương’’, bạn hãy đặt mục tiêu như, ‘’Mình sẽ học các phần từ 1-3 trước 4 giờ rưỡi, sau đó tạm nghỉ và đi dạo một vòng’’. Như vậy, việc chinh phục bài học đã chuyển từ một nhiệm vụ lớn và dễ nản lòng thành những phần nhỏ hơn, dễ đạt được hơn. Việc chia thời gian học thành từng phần nhỏ sẽ nâng cao tinh thần tập trung và đạt được mục tiêu học tập.
  6. Nghỉ giao lao trong khi học. Thông thường, 5-10 phút giải lao sau mỗi một tiếng đồng hồ học bài là lịch học có hiệu quả nhất để duy trì khả năng tập trung trong một nhiệm vụ cụ thể. Những giờ giải lao ngắn sẽ cho phép bộ não có thời gian thư giãn, nhờ đó nó có thể duy trì hiệu suất làm việc và tiếp thu thông tin.
    • Di chuyển. Đứng dậy và vươn vai sau mỗi tiếng đồng hồ ngồi học. Bạn có thể tập vài động tác yoga, chống đẩy, hoặc bất cứ hoạt động thể chất nào giúp bơm máu trong cơ thể. Các giờ giải lao ngắn sẽ giúp cho việc học của bạn hiệu quả hơn và tập trung hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Cố gắng tránh tối đa việc nói chuyện với những người khác để tăng sự tập trung.
  • Hình dung ra bất cứ những gì bạn đang học, các hình ảnh trong đầu sẽ nhắc cho bạn nhớ về chủ đề của bài học.
  • Tưởng tượng những gì bạn đang học hoặc cố gắng liên hệ với các khía cạnh trong đời sống thực tế của bạn. Như vậy sau đó bạn sẽ nhớ lại các chi tiết.
  • Đọc bài học thành tiếng, đôi khi quá trình nghe vấn đề nào đó được đọc lên thành tiếng cũng có thể giúp bạn làm rõ những chỗ khó hiểu.
  • Nghỉ 20 phút sau mỗi 2 tiếng học bài để có thời gian thư giãn nhằm tăng khả năng tập trung. Tìm thứ gì đó để ăn, uống nước hoặc bước ra ngoài khoảng 1 phút.
  • Sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt để có thêm nhiều cách ghi nhớ thông tin.
  • Nhớ rằng bộ não cần thời gian để chuyển tiếp giữa các môn học. Ví dụ, nếu bạn học môn khoa học trong một tiếng, sau đó chuyển ngay sang môn tiếng Anh, như vậy 10 phút đầu tiên là thời gian để bộ não thích nghi với môn học mới. Có lẽ bạn nên tập một số động tác thể dục nhẹ nhàng trong thời gian chuyển tiếp.

Cảnh báo[sửa]

  • Không học nhồi nhét vào đêm trước khi thi. Hành động học nhồi nhét ít có hiệu quả trong việc lưu giữ thông tin và còn có thể gây căng thẳng, khiến việc học càng khó khăn hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này