Chọn ngành học: Theo xu hướng hay chọn "hàng hiếm"?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mùa tuyển sinh 2007 đang gần kề, vấn đề lúc này với các sĩ tử và gia đình là chuyện trăn trở chọn ngành thi. Cầm trên tay cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ của những năm gần đây, không ít bạn thắc mắc: có những ngành học chỉ được đào tạo với số lượng rất ít, phải chăng đây là những ngành xã hội không có nhu cầu hay bản thân người học chưa nhận thức được cơ hội đang có?!

Cũ, mới đều... "hiếm"

Lưu trữ học được xem là một ngành khá khan hiếm trong mặt bằng chung giữa các ngành đào tạo bậc cử nhân, chỉ được đào tạo tại hai trường trong cả nước: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội với 80 chỉ tiêu, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh với 70 chỉ tiêu (bộ môn thuộc khoa Sử).

Nhìn xuống bậc đào tạo thấp hơn có CĐ Kinh tế kỹ thuật Thái Bình, CĐ Sư phạm Nha Trang, và Trường CĐ Văn thư lưu trữ T.Ư I (tiền thân là Trường TH Văn thư lưu trữ T.Ư I), rồi Trường TH Văn thư lưu trữ T.Ư II... Tìm hiểu từ một số người trong ngành, mới thấy quan điểm nhận thức chưa đầy đủ của xã hội khi gắn cho ngành nghề này chữ "một" đơn điệu trong cụm nhận định: một mình, một kho và một đống tài liệu (nghề coi kho).

Trên thực tế, bên cạnh một số lĩnh vực liên quan như thư ký văn phòng, hành chính văn thư, tin học văn phòng, thông tin thư viện..., chuyên sâu vào lưu trữ là những chuyên ngành khác nhau gắn với các khâu từ thu thập, xác định giá trị, bảo quản, khai thác, chỉnh lý, phục chế, công bố... tài liệu. Cũng vì vậy, lưu trữ tài liệu là công việc gắn liền với việc quản lý hoạt động của tất cả các ngành nghề. Đặc biệt, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm cơ cấu lại hệ thống lưu trữ các cấp, từ đó tạo ra nhu cầu xã hội rất lớn cho ngành này.

Chỉ tính riêng Trường TH Văn thư lưu trữ T.Ư II, từ 50 đến 100 học sinh là số chỉ tiêu chính quy được đào tạo mỗi năm, trong khi đó, số lượng học viên theo học hệ tại chức tại các cơ sở của trường khắp 34 tỉnh thành phía Nam lại lên tới cả nghìn người. Điều đặc biệt, hầu hết trong số theo học tại chức là những người đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, làm lưu trữ nhưng lại thiếu nghiệp vụ chuyên môn. Rõ ràng, ngành lưu trữ dù có từ rất lâu, nhưng "cung" chưa đáp ứng được "cầu".

"Hiếm" có khi còn vì mới lạ, như ngành Quản trị bệnh viện. Ngoài hệ trung cấp được đào tạo tại ĐH DL Văn Lang, chuyên ngành thuộc ngành Quản trị kinh doanh, với 49 sinh viên (năm học 2005 - 2006), thì ĐH DL Hùng Vương là trường duy nhất trong cả nước đào tạo hệ ĐH chính quy tính đến thời điểm hiện tại.

Sinh viên được trang bị các kiến thức theo hướng tổng quát quản trị kinh doanh và chuyên sâu quản trị bệnh viện, vì vậy, cử nhân quản trị bệnh viện là sự kết hợp cần thiết giữa nhà quản trị và người bác sĩ để trở nên phù hợp hơn với vị trí quản lý hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế. Tốt nghiệp, họ là những người có khả năng điều hành cơ sở y tế, bệnh viện với vai trò trưởng, phó phòng chức năng; quản lý điều hành và phụ trách các nhiệm vụ kinh tế và quản trị ở các cơ sở kinh doanh, cơ quan nghiên cứu, giáo dục; cũng có khi tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng công lập cũng như các tổ chức từ thiện phi chính phủ...

Phù hợp hay đúng chuyên ngành?

Với 100 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2006 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, 40 chỉ tiêu của ĐH Khoa học (thuộc ĐH Huế), cùng với 41 sinh viên vừa tốt nghiệp khóa 2002 - 2006 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, cử nhân ngôn ngữ học cũng được xem là những "sản phẩm" ít ỏi. Vì thế, khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, các ông cử, bà cử thường mang trên mình sự kiêu hãnh, tự hào vì được xem là "hàng hiếm".

Được đào tạo một cách khá bài bản về kiến thức ngôn ngữ học, có thể nắm bắt được các quy luật ngôn ngữ, hiểu được thế nào là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp... lợi thế về khả năng ngôn ngữ của họ chính là điều mong muốn của những người bình thường. Nhưng để tìm việc sau khi ra trường, mỗi bạn tự ý thức phải chuẩn bị cho mình những bằng cấp, chứng chỉ khác kèm theo.

Một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để đi dạy, một chứng chỉ nghiệp vụ báo chí để làm báo, hay tiếp tục học lên cao để làm nghiên cứu, giảng dạy... Có thể làm trong nhiều vị trí khác nhau, nhưng lại không chuyên vào một lĩnh vực nào cụ thể, cũng đồng nghĩa với việc phải rất vất vả để "cạnh tranh" với cử nhân báo chí, sư phạm...

Thậm chí sau nhiều năm đi theo hướng nghiên cứu văn hóa, du lịch, kinh tế... với ngành Việt Nam học, thì năm nay ĐH DL Hồng Bàng đã mở thêm một hướng chuyên sâu cho sinh viên chọn đó là báo chí, truyền thông. Một cán bộ của trường cho biết: "Thực tế một số không nhỏ sinh viên ngành Việt Nam học ra trường lại được chọn về các cơ quan truyền thông địa phương vì vốn kiến thức chuyên ngành tỏ ra thích hợp, vì vậy chúng tôi phải điều chỉnh và thêm các môn học mới cho phù hợp thực tế".

Do vậy hãy khoan nghĩ đến việc học ngành gì sẽ ra trường làm được đúng ngành đó, thực tế thị trường lao động hiện nay không cho ta có cơ hội đó - nếu không phải là cử nhân tốt nghiệp xuất sắc trong tốp đầu. Hãy cứ chọn ngành mình yêu thích cái đã và sau khi tốt nghiệp cơ hội sẽ mở ra ở nhiều ngành phù hợp!

Thanh niên


Nguồn www.nhandan.com.vn