Chữa đau bụng cho chó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Con người ai cũng ít nhất bị đau bụng một lần trong đời và chó nuôi cũng vậy. Nếu nghi ngờ chó nhà bạn đang bị đau bụng, hãy thực hiện một số cách giúp chó dễ chịu hơn cũng như giảm nguy cơ bị bệnh hoặc tiêu chảy.

Các bước[sửa]

Chữa đau bụng cho chó[sửa]

  1. Ngưng cho chó ăn. Nếu hệ tiêu hóa của chó gặp vấn đề, bạn nên để dạ dày của chúng được nghỉ ngơi. Cho ăn sẽ buộc dạ dày và ruột của chó sản xuất dịch tiêu hóa để xử lý thức ăn. Dịch tiêu hóa sẽ khiến tình trạng viêm hoặc đau nhức thêm trầm trọng, bệnh tình vì thế sẽ trở nên tồi tệ hơn.
    • Ngưng cho chó ăn trong 24 giờ.
    • Nên đưa chó đi khám bác sĩ thú y nếu vẫn biểu hiện triệu chứng đau bụng.
  2. Cho chó uống nước mát và sạch. Theo dõi chó uống nước. Trong vòng 24 tiếng, nếu chó uống ít hơn bình thường và vẫn có vẻ khó chịu, hãy đưa chó đi khám bác sĩ thú y. Bạn cũng nên lưu ý nếu chó khát thường xuyên. Một số con chó sẽ có xu hướng uống rất nhiều nước mỗi khi bị ốm. Chó sẽ nôn ra nếu uống một lúc một bát nước đầy.
    • Nếu chó nôn nước ra, bạn nên chia nước thành phần nhỏ và cho chó uống mỗi 30 phút.
    • Nếu chó nặng dưới 10 kg, cách 30 phút, hãy cho chó uống nửa cốc nước nhỏ. Nếu chó nặng hơn 10 kg, cách 30 phút, hãy cho chó uống khoảng nửa tách nước (cỡ bằng tách uống trà).
    • Nếu sau 2-3 tiếng chó không bị nôn nữa, bạn có thể cho chó uống nhiều nước như bình thường.
    • Đưa chó đi khám bác sĩ thú y nếu vẫn tiếp tục nôn dù bạn đã hạn chế lượng nước uống.
  3. Từ từ cho chó ăn lại như bình thường. Nếu sau 24 giờ không ăn gì, chó có vẻ đã hồi phục và muốn ăn, bạn có thể cho chó ăn nhạt trong 24 giờ tiếp theo. Cho chó ăn thực phẩm ít chất béo và dễ tiêu hóa như ức gà, thịt thỏ, gà tây hoặc cá tuyết. Bạn có thể kết hợp thịt với mì ống trắng, gạo hoặc khoai tây luộc nghiền (không cho chó ăn sản phẩm từ sữa).
    • Không cho chó ăn thực phẩm có 'hương vị gà'. Thực phẩm này chứa ít thịt gà và không thể thay thế thịt gà thật.[1]
    • Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về thực phẩm nên cho chó ăn để giúp chó mau hồi phục. Bác sĩ có thể khuyến nghị 2 chế độ ăn Hills ID hoặc Purina EN.
  4. Ban đầu nên cho chó ăn ít. Để kiểm tra dạ dày của chó, bữa đầu tiên sau 24 giờ nhịn ăn chỉ nên bằng 1/4 kích thước bữa ăn bình thường. Ăn ít giúp hệ tiêu hóa của chó dễ chịu hơn. Cách này giúp bạn dễ dàng kiểm tra tình trạng phục hồi của chó hơn.
    • Nếu sau 24 giờ nhịn đói, chó vẫn không chịu ăn hoặc ăn ít, bạn nên đưa chó đi khám bác sĩ thú y.
  5. Vuốt ve chó. Mỗi khi bị ốm, sự quan tâm cùng những cử chỉ âu yếm sẽ giúp người bệnh mau phục hồi. Vì vậy, bạn nên ngồi yên cùng chú chó và sử dụng giao tiếp không lời. Xoa đầu và vuốt ve dọc theo sống lưng chó.
    • Không xoa bóp dạ dày của chó. Chó không thể nói cho bạn biết là bạn đang giúp nó cảm thấy tốt hơn hay ngày càng tệ đi. Nếu nhấn phải một vị trí đặc biệt nhạy cảm, bạn sẽ khiến chó bất ngờ đau nhói và quay sang cắn bạn.
  6. Giữ ấm cho chó. Một số con chó sẽ cảm thấy khỏe hơn nhờ liệu pháp nhiệt. Nếu chó run rẩy, bạn có thể dùng chai nước nóng quấn trong khăn để lăn lên cơ thể chó. Cần đảm bảo rằng nếu cảm thấy không thoải mái (ví dụ như quá nóng), chó có thể tự né tránh. Không ép buộc và nên để chúng tự cảm nhận có muốn tiếp tục dùng liệu pháp nhiệt hay không.
  7. Liên hệ với bác sĩ thú y khi cần thiết. Nếu chó chỉ hơi khó chịu và vẫn còn khỏe mạnh, chỉ cần theo dõi và thực hiện các bước trên để giúp chó dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ thú y nếu chó xuất hiện các dấu hiệu đáng ngại sau:
    • Nôn không được. Cố nôn nhưng không nôn ra được gì chứng tỏ chó đang bị xoắn dạ dày. Liên hệ với bác sĩ thú y ngay trong trường hợp khẩn cấp
    • Nôn liên tục hơn 4 tiếng
    • Nôn nhưng không nôn ra nước. Dấu hiệu này chứng tỏ chó có nguy cơ bị mất nước. Liên hệ với bác sĩ thú ý để giúp chó truyền tĩnh mạch nếu cần thiết.
    • Chậm chạp và thiếu sức sống
    • Không ăn trong hơn 24 giờ
    • Tiêu chảy (không có máu) trong hơn 24 giờ
    • Tiêu chảy có máu
    • Thường xuyên rên rỉ hay khóc
  8. Cho chó uống thuốc điều trị nôn mửa. Nếu chó thường xuyên đau bụng có lý do (chẳng hạn như do trải qua hóa trị hoặc bị bệnh thận), bác sĩ thú y có thể kê đơn thuốc điều trị.
    • Maropitant (Cerenia) là thuốc thường được kê đơn cho chó đã qua hóa trị.[2] Cho chó uống một lần mỗi ngày. Thuốc có tác dụng trong vòng 24 tiếng. Liều uống là 2 mg/kg cân nặng của chó. Ví dụ 1 con chó Labrador nặng trung bình sẽ phải uống 60 mg thuốc một lần mỗi ngày.

Chẩn đoán đau bụng cho chó[sửa]

  1. Cảnh giác nếu chó tỏ ra hiếu động.[3] Vì là chó nhà nuôi nên bạn sẽ biết được điều gì bất thường đang xảy ra với nó. Dù bình thường chó năng động hay thích nằm dài một chỗ, bạn cũng có thể nhận thấy ngay nếu chó kích động hơn bình thường. Đây có thể là dấu hiệu của đau dạ dày.
    • Chó không thể tìm vị trí thoải mái để nằm yên.
    • Chó có thể chạy qua chạy lại không ngừng nghỉ.
  2. Lưu ý nếu chó cứ nhìn về một bên sườn. Hai bên sườn chó nằm gần chân và ngay phía trước đùi. Đôi khi bị ốm, chó không hiểu chuyện gì đang xảy ra với nó. Lúc này, chó thường ngoái cổ xung quanh để tìm kiếm nguyên nhân gây khó chịu và đau đớn. Chó ngoái đầu nhìn vị trí hai bên sườn có thể dấu hiệu chó bị đau bụng.
  3. Liếm quá mức. Đau bụng hoặc chuột rút thường khiến chó cảm thấy buồn nôn. Khi bị đau bụng và buồn nôn, chó có xu hướng liếm môi liên tục. Một số con chó còn liếm chân trước hoặc các bộ phận khác của cơ thể để cố giúp bản thân dễ chịu hơn.
    • Chảy nước dãi bất thường hoặc quá mức cũng có thể là dấu hiệu của buồn nôn hoặc rối loạn dạ dày. Tuy nhiên, một số giống chó bẩm sinh đã chảy nhiều nước dãi, do đó bạn phải hiểu rõ chó mình nuôi để biết được chảy nước dãi có phải là dấu hiệu bất thường hay không.
    • Nuốt khan cũng có thể là do dạ dày khó chịu.
  4. Nghe tiếng bụng của chó. Nếu chó bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa, bạn có thể nghe thấy âm thanh bất thường phát ra từ bụng chó. Âm thanh này là do không khí di chuyển trong ruột và khiến bụng chó bị đầy hơi.
    • Không thể nghe thấy âm thanh từ bụng không có nghĩa là chó không bị đau dạ dày mà có thể là do bạn không thể nghe thấy âm thanh đó.
  5. Chú ý nếu chó có tư thế “quỳ”. 'Tư thế quỳ' là dấu hiệu cơ bản khi chó bị đau bụng. Tư thế này rất giống với tư thế quỳ khi chó đang chơi đùa. Bạn có thể biết chó đang quỳ chơi hay đang bị đau dựa vào hành động của chúng.
    • Con chó sẽ rướn mông lên cao và duỗi chân trước trên mặt đất.
    • Ở tư thế này, chó đang cố gắng kéo căng dạ dày để giảm bớt khó chịu.
  6. Quan sát nếu chó nôn và tiêu chảy. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra nếu chó bị nôn hoặc tiêu chảy. Cũng giống như người, chó bị nôn mửa và tiêu chảy khi bị rối loạn dạ dày. Mặc dù việc dọn dẹp không vui vẻ gì nhưng bạn cũng không nên nổi giận với chó vì chúng không thể tự kiểm soát được.

Ngăn ngừa đau bụng cho chó[sửa]

  1. Không cho chó ăn thực phẩm bị hỏng. Chó thường ăn hầu như tất cả mọi thứ. Thật không may, thực phẩm mà chó ăn được bao gồm cả thực phẩm bị hư hỏng, có thể gây đau bụng hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn. Giấu kín thực phẩm bị hỏng để chó không thể lục lọi và ăn. Quét sân thường xuyên để loại bỏ hết sâu bọ hoặc xác động vật. Nên nhớ rằng, chó có thể ngửi thấy mùi thịt thối nhanh hơn bạn.
  2. Không cho chó ăn quá nhiều. [4] Nhiều người thích thả rông và cho chó ăn bao nhiêu tùy thích. Họ cảm thấy cho chó ăn tự do dễ dàng hơn là cho ăn đúng thời gian biểu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên làm như vậy. Cho chó ăn nhiều và thoải mái sẽ khiến chó dễ bị béo phì cùng các vấn sức khỏe liên quan. Ăn quá nhiều trong thời gian ngắn cũng có thể dẫn đến đau bụng, trong khi đau bụng lại có thể được ngăn ngừa chỉ với một chút nỗ lực.
    • Đối với chó trưởng thành, mỗi ngày nên cho ăn hai lần - một lần buổi sáng và một lần buổi tối. Lượng thực phẩm cho mỗi bữa ăn phụ thuộc vào kích cỡ của giống chó. Hàm lượng thức ăn cho chó trên bao bì thực phẩm thường khác nhau, do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để có hướng dẫn cụ thể hơn.
    • Bạn có thể sử dụng công cụ trực tuyến để tính toán lượng calo khuyến cáo dành cho chó.[5] Sau khi tìm hiểu, bạn có thể nhìn hàm lượng calo trên thức ăn và cho chó ăn theo đúng lượng khuyến cáo.
  3. Mua thực phẩm chất lượng cao.[6] Trên thị trường có bán thực phẩm dành cho từng loại chó cụ thể. Tuy nhiên, thực phẩm dành cho chó không phụ thuốc vào giống loài. Thay vào đó, bạn nên lưu ý đến “kích cỡ” của chó và chọn ra công thức thực phẩm giúp tăng cường khả năng trao đổi chất.
    • Chọn thực phẩm có thành phần chất lượng cao. Thực phẩm rẻ tiền thường chứa thành phần nguyên liệu không chất lượng và rất khó tiêu.
    • Cũng giống như thực phẩm dành cho người, thực phẩm dành cho chó cũng phải ghi rõ hàm lượng của các thành phần trên bao bì. Nên lựa chọn thực phẩm giàu protein như cá, thịt hoặc trứng. Thực phẩm càng nhiều protein, chó càng dễ tiêu hóa.
  4. Không cho chó ăn những thực phẩm được liệt kê dưới đây. Mặc dù chó có thể ăn hầu như tất cả mọi thực phẩm, nhưng khác với con người, chúng không thể tiêu hóa hết những thực phẩm đó. Nhiều thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày có thể độc hại đối với chó. Cơn đau bụng ở chó khi ăn những thực phẩm này với lượng nhỏ có thể gây ngộ độc. Tuyệt đối không cho chó ăn những thực phẩm sau: [7]:
    • Quả bơ
    • Bột bánh mì
    • Sôcôla
    • Rượu bia
    • Nho hoặc nho khô
    • Thực phẩm chứa hoa bia
    • Hạt Mắc-ca
    • Hành tây
    • Tỏi
    • Xylitol, sản phẩm thường được nằm trong quầy thực phẩm "không đường".
  5. Không cho chó nhà chơi với chó bị ốm. Cũng giống như lây cảm ở trẻ nhỏ, chó có thể bị lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc với những con chó bị bệnh khác. Nếu biết có một con chó đang bị bệnh, hãy tránh để chó nhà bạn tiếp xúc với nó để ngăn ngừa lây nhiễm.
    • Công viên dành cho chó là nơi khó có thể đếm số lượng chó vì có rất nhiều chó chơi ở đây. Thêm vào đó, mỗi ngày đều có những con chó khác đến công viên để chơi.
    • Nếu chó của bạn bị bệnh, bạn nên hỏi các chủ chó xung quanh xem có con chó nào bị bệnh gần đây không.
    • Gặp chủ của con chó lây bệnh để biết được chó nhà bạn đang bị bệnh gì cũng như mức độ nghiêm trọng của căn bệnh.
  6. Xác định các vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn có thể khiến chó bị đau bụng. Một số bệnh, ví dụ như viêm tụy, gây đau bụng thường xuyên. Nếu biết chó nhà bạn bị bệnh tương tự như vậy, hãy theo dõi chặt chẽ và thường xuyên các dấu hiệu đau dạ dày cùng những triệu chứng khác. Quan sát xem chó có trở nên chậm chạm, ốm yếu hoặc bị tiêu chảy hay không. Đưa chó đi khám bác sĩ thú y sớm để giúp chó bớt đau và phục hồi nhanh hơn.
    • Cẩn thận với một số bệnh (như tiểu đường) vì những căn bệnh này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu chó không ăn được. Cơn đau bụng đơn giản cũng có thể kích thích và khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ. Liên hệ với bác sĩ thú y nếu chó có bất cứ thay đổi nào trong thói quen ăn uống.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]