Chữa bệnh trĩ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơ thể chúng ta là một mạng lưới phức tạp bao gồm các động mạch và tĩnh mạch. Động mạch vận chuyển máu tới nhiều khu vực khác nhau, còn tĩnh mạch thu hồi máu trở về tim. Những tĩnh mạch cung cấp máu cho trực tràng và hậu môn đôi khi bị giãn và sưng lên, cùng với đó là chảy máu và hình thành nên trĩ. Trĩ gây đau và có thể dẫn tới chảy máu nếu bị vỡ. Bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra trĩ và biện pháp chữa trĩ tại nhà. Nếu hiện tượng chảy máu hay các triệu chứng khác kéo dài thì bạn phải biết khi nào cần đi khám bệnh để được điều trị.

Các bước[sửa]

Điều trị Trĩ tại Nhà[sửa]

  1. Ngâm trong nước ấm hay bồn tắm ngồi. Để giảm kích ứng và bớt đau, đồng thời thu hẹp tĩnh mạch, bạn nên ngâm trĩ trong nước ấm, không quá nóng, từ 15 tới 20 phút mỗi lần, ngày ngâm ba lần.[1] Nếu bạn không muốn tắm toàn cơ thể thì thử sử dụng bồn tắm ngồi, là một chiếc chậu bằng nhựa đặt lên trên bồn cầu. Với dụng cụ này bạn có thể ngâm mông và hông trong tư thế ngồi. Sau khi ngâm cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và co thắt cơ trực tràng sẽ giảm bớt.[2]
    • Bạn cũng có thể cho ¼ cốc muối biển vào bồn tắm ngồi và ngâm 30 phút mỗi lần. Muối là chất kháng khuẩn tuyệt vời với công dụng hỗ trợ chữa lành vết thương, trị nhiễm trùng.[3]
    • Bạn cũng có thể cho thêm nước cây phỉ với đặc tính làm dịu và làm mát cho trĩ. Phương pháp này nên thực hiện ít nhất mỗi ngày một lần, thời gian ngâm từ 15 tới 20 phút.[3]
  2. Chườm túi nước đá vào trĩ. Cho túi nước đá vào tủ lạnh cho tới khi nó đông cứng hoàn toàn. Chú ý không chườm trực tiếp nước đá vào búi trĩ. Thay vào đó bạn nên cho túi đá vào chiếc khăn tắm hay tấm vải sạch trước khi ép nhẹ vào búi trĩ. Không chườm liên tục trong thời gian dài, nếu không sẽ làm tổn thương vùng da xung quanh. Tốt nhất bạn nên chườm trong vài phút rồi dừng lại, chờ đến khi nhiệt độ da bằng với nhiệt độ phòng hãy tiếp tục chườm.
    • Chườm bằng đá lạnh giúp giảm viêm, từ đó bớt đau và sưng.[4] Bên cạnh đó mạch máu cũng thu hẹp lại nên máu ngừng chảy.
  3. Bôi kem cục bộ.[5] Bạn thử bôi kem có chứa phenylephrine để thu hẹp mạch máu, giảm chảy máu. Bạn cũng có thể bôi kem làm dịu cơn đau, giảm kích ứng và ngứa (có khả năng là nguyên nhân chảy máu). Tuy nhiên việc bôi kem không thể làm ngừng chảy máu. Thành phần của kem làm dịu chứa hydrocortisone, chiết xuất lô hội, chiết xuất cây phỉ và vitamin E.
    • Nếu bạn dùng hydrocortisone thì nên bôi vào buổi sáng và tối, không sử dụng lâu hơn một tuần.[6] Sử dụng quá nhiều hydrocortisone dẫn tới mất cân bằng lượng hóc môn sinh ra từ vùng dưới đồi và tuyến yên, hoặc khiến da ở khu vực đó mỏng hơn.
  4. Sử dụng giấy vệ sinh mềm và cố gắng không gãi. Giấy vệ sinh thô ráp có thể làm xước và kích ứng da nhiều hơn. Để làm dịu đau và giảm kích ứng bạn nên dùng khăn ướt hay khăn tẩm thuốc. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng gạc y tế tẩm chiết xuất cây phỉ, hydrocortisone, chiết xuất lô hội hay vitamin E. Không được lau mạnh tay vì có khả năng gây kích ứng hay chảy máu nhiều hơn, mà bạn chỉ nên thấm hay ép nhẹ vào hậu môn.
    • Gãi chỉ làm chảy máu và kích ứng nhiều hơn, khiến búi trĩ vốn đã mỏng manh càng thêm nhạy cảm, và cuối cùng dẫn tới nhiễm trùng nặng hơn.
  5. Uống thực phẩm chức năng để giảm chảy máu. Trong số các thực phẩm chức năng này có nhiều loại hầu như không bán ở tiệm thuốc, vì vậy bạn nên tìm mua trực tuyến hay ở các tiệm bán thảo dược. Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thực phẩm chức năng, đặc biệt khi bạn đang uống các thuốc khác. Nếu bạn đang mang thai hay cho con bú thì càng phải làm điều này, vì hầu hết đều chưa được kiểm nghiệm trên phụ nữ mang thai hay đang nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn nên thử dùng các thực phẩm chức năng hay thuốc cổ truyền sau:
    • Fargelin extra: Uống loại thuốc cổ truyền này của Trung Quốc từ ba tới bốn lần mỗi ngày nhằm tăng cường sự dẻo dai của tĩnh mạch và giảm chảy máu.[7]
    • Thuốc uống Flavonoid: Có công dụng giảm chảy máu, giảm đau, ngứa và ngăn ngừa tái phát. Nó giúp tăng cường độ săn chắc của tĩnh mạch, nhờ đó giảm khả năng rò rỉ của các mạch máu nhỏ (mao mạch).[5]
    • Canxi dobesilate hay viên doxium: Uống thuốc này trong hai tuần và làm theo hướng dẫn đi kèm với thuốc. Thuốc cho thấy có thể giảm chảy máu ở các mao mạch, ngăn máu vón cục và cải thiện độ nhớt của máu. Tất cả những yếu tố đó đều làm giảm sưng mô tế bào là nguyên nhân gây ra trĩ.[8]
  6. Giảm áp lực đè lên trĩ. Phương pháp này giúp ngăn ngừa hay giảm sức căng ở búi trĩ. Bạn nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ để làm mềm phân, giảm táo bón. Cố gắng ăn hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hoặc uống thực phẩm chức năng (tổng lượng chất xơ cần hấp thu là 25 gam một ngày đối với phụ nữ, 38 gam với đàn ông). Uống nhiều nước và xây dựng thói quen đi cầu đều đặn, đặc biệt bạn không nên rặn nhiều khi đi cầu. Bạn cũng cần tránh ngồi lâu trên bồn cầu, vì khi ngồi lâu áp lực đè lên tĩnh mạch ở trĩ nhiều hơn, khiến chúng chảy máu. Tập thể dục và đi bộ để giảm áp lực cho trĩ.[9]
    • Ngồi trên đệm hình chiếc bánh donut để giảm bớt khối lượng cơ thể đè lên khu vực tổn thương. Nghĩa là bạn phải ngồi vào chính giữa đệm, sao cho khu vực hậu môn nằm ngay bên trên lỗ trống. Thực tế có khả năng hậu môn phải chịu áp lực nhiều hơn, do đó bạn nên ngừng sử dụng nếu triệu chứng trở nặng, máu tiếp tục chảy hoặc tái phát sau khi đã hết.[10]

Tìm Biện pháp Điều trị Y khoa[sửa]

  1. Phẫu thuật cắt trĩ đối với trĩ ngoại hay trĩ nội. Đây là phương pháp phổ biến để trị trĩ ngoại, đặc biệt khi trĩ có kích thước lớn hoặc không thể trị bằng các thủ thuật ít xâm phạm. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ trĩ bằng các dụng cụ khác nhau như kéo, dao mổ hoặc dao cắt đốt (là thiết bị sử dụng điện để hàn mạch máu trên trĩ). Bạn sẽ được tiêm thuốc gây tê cục bộ kết hợp với thuốc giảm đau, thuốc tê tiêm cột sống hay thuốc tê tổng quát.[5][11]
    • Phẫu thuật cắt trĩ là phương pháp hiệu quả và hoàn hảo nhất để trị trường hợp trĩ nặng hay thường tái phát. Cách này gây đau nhưng họ sẽ kê thuốc hoặc yêu cầu bạn sử dụng bồn tắm ngồi và/hay bôi thuốc sau khi phẫu thuật để bớt đau.
    • So với phẫu thuật cắt trĩ, phương pháp kẹp trĩ có rủi ro tái phát cao hơn và gây sa trực tràng, đó là khi một phần trực tràng lòi ra khỏi hậu môn.[11]
  2. Thắt trĩ nội bằng dây cao su. Bác sĩ đút một ống nội soi vào trong hậu môn (là thiết bị bằng nhựa dùng để quan sát trực tràng trong hậu môn). Sau đó họ buộc vào gốc búi trĩ một dụng cụ trông giống như dây cao su, dụng cụ này cắt đứt tuần hoàn máu tới búi trĩ, khiến nó teo lại và tự rụng ra sau một thời gian, tạo thành vết lành sẹo ở trĩ.[12]
    • Bạn có thể thấy khó chịu sau khi thực hiện thủ thuật, tuy nhiên bạn có thể giải quyết bằng cách sử dụng bồn tắm ngồi, ngâm trong nước ấm và/hay bôi thuốc cục bộ.
  3. Tiêm hóa chất vào trĩ nội (liệu pháp gây xơ cứng). Bác sĩ lồng một thiết bị bằng nhựa vào hậu môn để quan sát trực tràng, sau đó họ dùng kim tiêm vào gốc búi trĩ các dung dịch hóa chất như 5% phenol trong dầu, dầu thực vật, quinine, và urea hydrochloride hay dung dịch muối ưu trương. Những dung dịch hóa chất này khiến tĩnh mạch co lại.
    • Liệu pháp gây xơ cứng kém hiệu quả hơn phương pháp thắt trĩ bằng dây cao su.[12]
  4. Điều trị trĩ nội bằng tia laser hay sóng vô tuyến (đông tụ bằng tia hồng ngoại). Bác sĩ có thể dùng tia laser hồng ngoại hay sóng vô tuyến làm đông tụ các tĩnh mạch gần búi trĩ. Nếu sử dụng tia hồng ngoại thì họ đưa một đầu dò hồng ngoại tới sát phần gốc trĩ. Khi dùng sóng vô tuyến thì bác sĩ nối một đầu điện cực hình quả cầu vào nguồn phát tần số sóng. Thiết bị này được đặt lên mô tế bào của búi trĩ, khiến tế bào đông tụ và khô lại.
    • Điều trị bằng tia hồng ngoại có rủi ro tái phát cao hơn so với phương pháp thắt bằng dây cao su.[12]
  5. Đông lạnh trĩ nội. Bác sĩ sử dụng một đầu dò có khả năng tạo nhiệt độ cực lạnh tác động vào gốc búi trĩ, do nhiệt độ quá lạnh nên mô tế bào bị phá hủy. Nhưng người ta ít sử dụng phương pháp này vì trĩ thường hay tái phát.[13]
  6. Kẹp trĩ nội. Bác sĩ phẫu thuật dùng thiết bị kẹp giữ phần trĩ lòi ra ngoài, để nó không lòi ra khỏi hậu môn. Sau khi kẹp máu không thể vận chuyển tới trĩ, cuối cùng các tế bào sẽ chết và ngừng chảy máu.[5]
    • Thời gian hồi phục thường nhanh hơn, ít đau hơn phẫu thuật cắt trĩ.[12]

Hiểu về Trĩ và cách Kiểm tra[sửa]

  1. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra trĩ. Táo bón mãn tính, rặn nhiều và ngồi lâu trên bồn cầu là nguyên nhân có liên quan tới bệnh trĩ. Táo bón và thói quen ngồi lâu khi đi cầu tạo nhiều áp lực lên tĩnh mạch, làm nghẽn tĩnh mạch và giảm khả năng tuần hoàn máu. Mang thai cũng là nguyên nhân tạo nhiều áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng, đặc biệt trong lúc sinh vì họ phải rặn nhiều và có thể dẫn tới bị trĩ.
    • Khả năng mắc bệnh trĩ cao dần theo tuổi tác và phổ biến hơn ở người béo phì.
    • Trĩ có hai loại, trĩ nội (bên trong trực tràng) và trĩ ngoại (bên ngoài, xung quanh hậu môn). Ngược lại với trĩ ngoại, trĩ nội không gây đau, nhưng cả hai đều chảy máu nếu bị vỡ.[2]
  2. Nhận biết dấu hiệu bị trĩ. Bạn khó có thể nhận ra triệu chứng của trĩ nội cho đến khi chúng chảy máu, và trĩ nội cũng không làm đau. Nhưng nếu bạn có trĩ ngoại thì những triệu chứng sau đây sẽ xuất hiện:[14]
    • Chảy máu nhưng không đau trong lúc đi cầu. Máu chảy không nhiều lắm và có màu đỏ tươi.
    • Ngứa hay bị kích ứng ở khu vực hậu môn.
    • Đau hoặc có cảm giác khó chịu.
    • Sưng xung quanh hậu môn.
    • Xuất hiện khối thịt nhạy cảm hoặc đau nằm gần hậu môn.
    • Rò rỉ phân.
  3. Kiểm tra xác định bệnh trĩ. Quay lưng về phía gương và tìm xem có khối thịt nào trồi ra quanh hậu môn không. Màu sắc có thể là màu da bình thường cho tới màu đỏ thẫm, có thể gây đau nếu bạn ấn vào khối thịt. Nếu có dấu hiệu này chứng tỏ bạn đã bị trĩ ngoại. Sau khi đi cầu bạn chú ý xem có vết máu trên giấy chùi vệ sinh hay không. Máu từ trĩ thường đỏ tươi, không phải đỏ thẫm (nếu đỏ thẫm chứng tỏ nó bắt nguồn từ nơi nằm sâu hơn trong hệ thống tiêu hóa).
    • Bạn rất khó nhìn thấy trĩ nội tại nhà nếu không có thiết bị chuyên dụng. Do đó tốt nhất bạn phải đi khám bệnh và cho bác sĩ biết toàn bộ bệnh sử của mình, giúp họ loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây chảy máu như ung thư và polyp đại tràng, cả hai loại khối u này đều làm chảy máu.
  4. Biết khi nào phải đi khám bệnh. Nếu các triệu chứng không hết hoặc bạn vẫn còn đau sau một tuần tự điều trị thì nên đi khám bệnh. Chảy máu lúc đi cầu có thể là điều đáng lo lắng nếu bạn có nguy cơ mắc một căn bệnh khác như viêm loét đại tràng hay ung thư đại tràng. Bạn cũng nên khám bệnh nếu máu có màu đỏ thẫm hoặc phân có màu tối/đen như hắc ín. Đó là dấu hiệu cho thấy máu chảy ra từ một nơi sâu hơn trong đường ruột, hay từ khối u nào đó.[14]
    • Cố gắng ước lượng lượng máu bị mất. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi/bồn chồn, trông xanh xao, bàn tay hay bàn chân lạnh, nhịp tim đập nhanh, hoặc choáng váng kèm theo mất máu, bạn nên đi khám bệnh ngay. Bạn cũng cần tới bệnh viện kiểm tra nếu máu mất ngày càng nhiều.[14]
  5. Quá trình khám bệnh diễn ra thế nào? Bác sĩ kiểm tra xác định bệnh trĩ bằng cách nhìn bên ngoài hậu môn và tiến hành thăm khám trực tràng bằng ngón tay. Họ bôi trơn ngón tay trỏ nhét vào hậu môn, sờ vào vách của trực tràng để tìm các khối u, cục thịt, hay vết máu. Nếu nghi ngờ bạn bị trĩ nội, bác sĩ có thể sẽ lồng một ống nội soi (ống nhựa) thông qua hậu môn vào trực tràng. Ống nội soi chiếu sáng để bác sĩ tìm ra các mạch máu bị sưng, căng phồng hay đang chảy máu.
    • Bên cạnh đó còn có thử nghiệm máu trong phân, bạn sẽ lấy một ít phân lên mẩu giấy xét nghiệm. Xét nghiệm này tìm ra các tế bào máu cực nhỏ có trong phân, là dấu hiệu cho thấy khả năng bạn đang mắc các bệnh như trĩ, ung thư hay polyp đại tràng.
    • Nếu dự định làm xét nghiệm máu trong phân thì ba ngày trước đó bạn không được ăn thịt đỏ, củ cải, cải ngựa, dưa đỏ hay bông cải xanh ăn sống, vì chúng có thể tạo kết quả dương tính giả.[15]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Hemorrhoids. Lifestyle and Home remedies. Mayo Clinic. June 19, 2013 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/lifestyle-home-remedies/con-20029852
  2. 2,0 2,1 Hemorrhoids and what to do about them. Harvard Health publications. http://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/hemorrhoids_and_what_to_do_about_them
  3. 3,0 3,1 Jacoby C. Sitz Bath Recipe. Health Guidance. http://www.healthguidance.org/entry/14749/1/Sitz-Bath-Recipe.html
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/lifestyle-home-remedies/con-20029852
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 Lohsiriwat V. Hemorrhoids: From basic pathophysiology to clinical management. World Journal of gastroenterology. 2012 May 7; 18(17): 2009–2017.
  6. Bleday R. Patient information: Hemorrhoids (Beyond the Basics). UptoDate. Jan 8, 2015. http://www.uptodate.com/contents/hemorrhoids-beyond-the-basics
  7. Kecskes A. Soothing, Natural cures for hemorrhoids. Pacific College of Oriental Medicine. 2014.
  8. Mentes BB. et al. Efficacy of calcium dobesilate in treating acute attacks of hemorrhoidal disease. Diseases of the colon and rectum. 2001 Oct;44(10):1489-95.
  9. Prevention. Hemorrhoids. Mayo Clinic. June 19, 2013. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/prevention/con-20029852
  10. Health Education. Hemorrhoids. Hartford Healthcare Medical Group. http://www.hartfordmedicalgroup.com/ed_colorectal_hemorrhoids.php
  11. 11,0 11,1 Treatments and Drugs. Hemorrhoids. Mayo Clinic. June 19, 2013. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/treatment/con-20029852
  12. 12,0 12,1 12,2 12,3 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/treatment/con-20029852
  13. http://www.surgery.ucsf.edu/conditions--procedures/hemorrhoids.aspx
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/symptoms/con-20029852
  15. Stool Guaiac test. MedlinePlus. October 14, 2013. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003393.htm

Liên kết đến đây