Điều trị trĩ một cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trĩ, hoặc lòi dom, là các mạch máu quanh hậu môn bị phình to nằm bên trong hoặc bên ngoài hậu môn. Chúng thường được hình thành bởi sự gia tăng áp lực lên tĩnh mạch vùng chậu và trực tràng và thường có liên quan đến táo bón, tiêu chảy, và “rặn" quá mức khi đại tiện. Một nửa dân số ở độ tuổi 50 đều mắc phải bệnh trĩ. Trĩ sẽ gây đau đớn và có thể khiến cuộc sống hằng ngày của bạn trở nên khó khăn và không thoải mái. Các bước sau đây sẽ giúp bạn điều trị trĩ một cách tự nhiên; tuy nhiên, nếu chúng không giúp xoa dịu triệu chứng bệnh trĩ của bạn trong vòng 4 – 7 ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Các bước[sửa]

Xoa dịu Cơn đau[sửa]

  1. Tránh sử dụng thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng có thể gây phụ thuộc thuốc và làm suy yếu ruột, từ đó, có khả năng gây táo bón mãn tính.[1]
    • Nếu bạn muốn kích thích ruột, bạn nên thay đổi chế độ dinh dưỡng (xem Phần 2) hoặc xem xét sử dụng thực phẩm chức năng từ thảo mộc có đặc tính nhuận tràng (xem Phần 3).
  2. Tắm ngồi. Thông thường, tắm ngồi có nghĩa là bạn chỉ cho một vài cm nước vào bồn tắm và ngâm phần dưới hông trong nước, nhưng nếu muốn, bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm đầy nước vì nó cũng sẽ cho kết quả tương tự. Nếu bạn muốn sử dụng phương pháp tắm ngồi truyền thống, bạn có thể cho một vài cm nước vào bồn tắm hoặc tìm mua bồn ngâm hậu môn chuyên dụng được bày bán tại các tiệm thuốc tây. Một vài sản phẩm có kèm theo ống và lỗ thông hơi để nước lưu thông liên tục. Chúng khá có ích trong việc cung cấp lượng nước tức thời nhưng không thật sự quan trọng; sử dụng bồn tắm thông thường tại nhà cũng đem lại hiệu quả tương tự. Tắm ngồi cải thiện lưu thông máu tại vùng hậu môn và làm thư giãn và chữa lành các mô quanh hậu môn.[2][3]
    • Cho khoảng 1 cốc muối hạt vào bồn tắm đầy nước hoặc 2 – 3 thìa súp muối hạt vào một vài cm nước trong bồn tắm. Bạn nên sử dụng nước ấm chứ không phải nước quá nóng. Thực hiện biện pháp này 2 – 3 lần trong ngày.
    • Cho khoảng 15 cm nước ấm vào bồn tắm và khoảng một nắm muối hạt vào nước, khuấy đều để muối tan. Bây giờ, bạn có thể ngồi vào bồn tắm trong tư thế co đầu gối trong vòng 15 phút. Co đầu gối sẽ giúp hậu môn có thể tiếp xúc với nước và nước ấm sẽ xoa dịu cơn đau và sự viêm nhiễm.
  3. Chườm ấm. Nhúng một chiếc khăn cotton sạch vào nước ấm (chứ không phải nóng). Chườm khăn trực tiếp lên búi trĩ trong khoảng 10 – 15 phút ba lần mỗi ngày. Lặp lại từ 4 – 5 lần mỗi ngày.[4]
  4. Sử dụng đá viên. Đá viên có thể làm giảm búi trĩ đang sưng. Bạn có thể sử dụng túi đá viên được bày bán sẵn trong siêu thị hoặc cho một vài mẩu đá viên vào một túi nhựa và bọc một mảnh vải quanh nó. Chườm túi đá viên vào khu vực bị trĩ.[3]
    • Bạn chỉ nên chườm túi đá trong khoảng 5 – 10 phút mỗi lần. Không được chườm đá trực tiếp lên da vì nó có thể gây hại cho da của bạn (như phỏng lạnh).
  5. Dùng khăn giấy ướt không mùi. Đối với người bị trĩ, giữ gìn vệ sinh là rất quan trọng vì nó sẽ ngăn ngừa biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc phồng rộp niêm mạc hậu môn do bị khô quá mức. Để ngăn ngừa các biến chứng này, bạn có thể sử dụng khăn cotton ướt không mùi để nhẹ nhàng lau sạch vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh.[5]
    • Sau khi tắm ngồi – và nói chung – bạn nên tránh thường xuyên lau hậu môn bằng giấy vệ sinh thông thường hoặc loại giấy khô cứng. Bạn cần phải sử dụng phương pháp làm sạch nhẹ nhàng và mềm mại hơn. Khăn ướt dành cho em bé là một trong những loại khăn lau hiệu quả và dịu nhẹ mà bạn có thể sử dụng.
    • Ngoài ra, tránh sử dụng giấy vệ sinh có hương liệu hoặc màu sắc. Hóa chất được sử dụng để đem lại hương thơm hoặc màu sắc đẹp mắt có thể gây kích ứng.
  6. Bôi chất làm se da lên vùng bị trĩ. Chất chống oxy hóa và chất làm se da tự nhiên có thể giúp xoa dịu búi trĩ sưng to và giảm đau, bạn có thể bôi nước cây phỉ trực tiếp lên da thông qua một chiếc tăm bông. Biện pháp này sẽ giúp giảm ngứa tại vùng bị trĩ một cách đáng kể.[4][5]
    • Lặp lại phương pháp này một cách thường xuyên nếu cần. Cố gắng bôi nước cây phỉ ít nhất là 4 – 5 lần mỗi ngày.
    • Làm ấm dầu oliu là một biện pháp thay thế cho nước cây phỉ. Dầu oliu cũng giúp chăm sóc tình trạng khô da tại búi trĩ vì nó là chất bôi trơn giàu đặc tính chống oxy hóa.
    • Bạn cũng có thể chườm một túi trà ấm, ẩm để xoa dịu cơn đau tại khu vực hậu môn. Bạn nên cẩn thận không sử dụng túi trà quá nóng. Trà có chứa chất làm se tự nhiên có thể giúp giảm thiểu sưng tấy, trong khi hơi ấm của túi trà sẽ giúp xoa dịu cơn đau.
  7. Sử dụng gel hoặc sữa dưỡng có tác dụng xoa dịu cơn ngứa. Sau khi tắm và lau khô cơ thể hoàn toàn, bạn có thể sử dụng một lượng nhỏ gel lô hội hoặc thuốc bôi Preparation H để xoa dịu cơn đau và/hoặc sự khó chịu do trĩ gây nên. Thường xuyên bôi thuốc vào búi trĩ nếu cần.[4][5]
    • Gel lô hội có chứa các thành phần đã được chứng minh rằng giúp hạn chế sự viêm nhiễm và giúp chữa lành vết thương nhỏ. Bạn cũng có thể sử dụng gel trực tiếp từ cây lô hội bằng cách bẻ một lá lô hội to và cắt đôi nó để lấy lượng gel bên trong. Ngoài ra, bạn có thể tìm mua sản phẩm được chiết xuất 100% từ gel lô hội tại các tiệm thuốc tây.
    • Thuốc bôi Preparation H được bày bán tại hầu hết mọi tiệm thuốc tây, nó có chứa mỡ khoáng (petroleum jelly), dầu khoáng, dầu gan cá mập và phenylephrine – phenylephrine hoạt động như thuốc chống sung huyết và giúp thu nhỏ búi trĩ.
  8. Dùng rau củ để chữa trị trĩ. Bạn có thể nghiền củ dền và cà rốt để lấy nước. Nhúng một chiếc khăn cotton dày hoặc một miếng gạc to vào nước ép và chườm vào tĩnh mạch bị sưng. Nghiên cứu ban đầu đã cho thấy rằng củ dền sẽ giúp hạ huyết áp và cũng có thể làm giảm thiểu sưng tấy của búi trĩ phình to.[6]
  9. Xem xét dùng thực phẩm bổ sung từ thảo mộc. Có khá nhiều loại thảo mộc khác nhau có thể hoạt động như thuốc nhuận tràng tự nhiên và không hình thành khả năng phụ thuộc vào thuốc tương tự như sử dụng thuốc thông thường. Một vài lựa chọn bao gồm:
    • Senna: Senna là loại thảo mộc giúp làm mềm phân tự nhiên và dịu nhẹ. Bạn có thể uống thuốc viên được bào chế từ loại thảo mộc này (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) hoặc dùng nó dưới dạng trà uống vào ban đêm.[7]
    • Vỏ hạt mã đề (Psyllium): Vỏ hạt mã đề là chất làm tăng khối lượng và làm mềm phân một cách tự nhiên. Người trưởng thành có thể hòa từ 1/2 – 2 thìa uống trà thực phẩm chức năng được bào chế từ vỏ hạt mã đề (chẳng hạn như Metamucil) vào khoảng 240 ml nước để uống mỗi ngày. Vỏ hạt mã đề cần phải được cho vào nước, khuấy đều và uống ngay lập tức (hỗn hợp sẽ nhanh chóng đông đặc). Bạn cũng có thể bắt đầu với 1/2 thìa uống trà và tăng thêm 1/2 thìa uống trà trong ngày hôm sau nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong việc đi vệ sinh.[8]
    • Hạt lanh: Hạt lanh là chất làm tăng khối lượng chất bã có thể được thêm vào thực phẩm chẳng hạn như ngũ cốc, salad, súp, và sinh tố. Sử dụng từ 2 – 3 thìa súp hạt lanh mỗi ngày có thể giúp bạn đào thải chất bã dễ dàng hơn.[9]
  10. Khám phá các bài thuốc tự nhiên. Trong căn bếp nhà bạn có thể có sẵn một vài nguyên liệu mà bạn không hề biết rằng chúng sẽ giúp bạn đối phó với trĩ. Sau đây là một vài gợi ý:
    • Bạn có thể nghiền nhỏ lá mướp đắng và bôi vào búi trĩ để xoa dịu cơn đau.[10]
    • Muối nở có thể được bôi dưới dạng bột hoặc hỗn hợp sệt vào tĩnh mạch bị sưng (hòa 1 thìa súp muối nở trong nước). Nếu bạn sử dụng hỗn hợp sệt, bạn chỉ nên để hỗn hợp trên búi trĩ trong 15 phút vì hỗn hợp có thể làm khô khu vực bị trĩ và khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. [11]
    • Cho khoảng 5 ml nhựa cây hoặc nước ép của cây banyan vào một cốc sữa tươi và uống một lần mỗi ngày, đặc biệt vào buổi sáng, sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân bị trĩ.
    • Đun sôi hỗn hợp gừng và mật ong cho đến khi đặc lại (lượng nước cạn còn lại sau khi đun sôi) và sau đó, thêm vào một chút lá chanh và bạc hà sẽ giúp thanh lọc và làm mát cơ thể và đảm bảo rằng máu sẽ lưu thông tốt đến các búi trĩ.
    • 3 thìa uống trà mật ong đun sôi với 2 thìa uống trà tiêu và 2 thìa uống trà thì là với 500 ml nước sẽ là bài thuốc sắc tuyệt vời mà bạn có thể uống trong ngày.
  11. Sử dụng tinh dầu. Để tạo hỗn hợp, bạn có thể cho 2 – 4 giọt tinh dầu mà bạn thích vào khoảng 60 ml dầu nền, chẳng hạn như dầu hạt thầu dầu hoặc dầu hạt hạnh nhân. Trộn đều và bôi trực tiếp vào búi trĩ ngoại. Bạn cũng có thể sử dụng một loại tinh dầu hoặc nhiều nhất là 2 – 3 loại tinh dầu trong hỗn hợp.[12]
    • Dầu oải hương có thể giúp xoa diệu cơn đau và ngứa.
    • Dầu cây bách được dùng để xoa dịu và chữa lành các mô.
    • Dầu cây trà được sử dụng như loại chất khử trùng và chống viêm.
    • Dầu quả bơ có thể được dùng như loại dầu nền hoặc hòa trộn vào nhiều loại tinh dầu khác. Nó giúp dưỡng ẩm, xoa dịu và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Thay đổi Chế độ Dinh dưỡng[sửa]

  1. Ăn nhiều chất xơ. Ngăn chặn sự khó khăn hoặc hành động rặn trong khi đi vệ sinh bằng cách làm mềm chất bã là phương pháp chủ yếu để ngăn ngừa hoặc thoát khỏi bệnh trĩ. Chất xơ rất quan trọng trong vấn đề này. Chất xơ giúp giữ nước trong phân và làm tăng khối lượng để nó có thể di chuyển qua trực tràng và hậu môn một cách dễ dàng hơn và ít gây đau đớn hơn đối với trường hợp bị trĩ. Nguồn cung cấp chất xơ khá tốt bao gồm:[13][3]
    • Ngũ cốc nguyên cám, bao gồm gạo nâu, lúa mạch barley, ngô, lúa mạch đen, lúa mì bulgar, kasha (kiều mạch), và yến mạch.
    • Hoa quả, đặc biệt là anh đào, việt quất, mận, mận khô, quả mơ, mâm xôi và dâu tây.
    • Rau củ, chẳng hạn như các loại rau có lá chẳng hạn như cải cầu vồng (Swiss chard), cải rổ, rau diếp, rau salat, củ dền.
    • Đậu hoặc legume (tập hợp nhiều loại đậu khô). Ghi chú: Ăn đậu và legume có thể làm tăng lượng khí tích tụ trong đường ruột.
  2. Uống nhiều nước. Uống nước vừa đủ sẽ không giúp bạn cung cấp cho cơ thể lượng nước cần thiết. Bạn nên uống từ 8 – 10 cốc nước mỗi ngày (khoảng 230 ml nước mỗi cốc). Uống đủ nước sẽ giúp làm mềm chất bã và giữ cho khu vực quanh búi trĩ luôn có đủ nước và được bôi trơn. Ngoài ra, nước cũng rất tốt cho da, tóc, móng tay/chân, và nội tạng của bạn.[13]
  3. Tăng cường vitamin C. Vitamin C rất giàu flavonoid, giúp duy trì sự mềm dẻo và nhất quán của tĩnh mạch. Do đó, chúng sẽ không thể trở nên lỏng lẻo hoặc dễ chảy máu. Vitamin C cùng với anthocyanin sẽ giúp tĩnh mạch của bạn luôn chắc khỏe và có thể bảo vệ chúng không bị căng hoặc đứt tại khu vực hậu môn.[13]
    • Hoa quả giàu flavonoids bao gồm chanh vàng và chanh thông thường, táo và cà chua. Thực phẩm giàu anthocyanin bao gồm hành củ, bắp cải tím, cà rốt và hoa quả chẳng hạn như các loại quả mọng, nho và anh đào.
    • Mọi loại quả mọng đều có đặc tính kháng viêm và giàu vitamin C và flavonoid, bảo đảm rằng chất bã sẽ được đào thải một cách dễ dàng. Chúng cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời.
  4. Cố gắng uống nhiều nước ép rau củ quả. Uống nước ép củ dền đã được chứng minh rằng giúp hạ huyết áp khoảng 2% và có thể sẽ đem lại hiệu quả trong việc làm giảm sưng tấy do trĩ. Bạn cũng có thể uống 1 cốc nước ép mỗi tuần hoặc ăn củ dền luộc mỗi ngày trong vòng 1 tháng và bạn sẽ nhận thất sự khác biệt.
    • Ngoài ra, nước ép củ cải là một trong những phương pháp tốt nhất để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể cũng như bảo đảm rằng quá trình đi tiêu sẽ diễn ra dễ dàng mà không gây đau đớn hoặc khó chịu. Tuy nhiên, bạn nên nhớ cẩn thận với liều lượng mà bạn tiêu thụ, vì mỗi ngày, bạn chỉ nên uống khoảng 60 ml (¼ cup) nước ép củ cải. Nhiều hơn khoảng 120 ml (½ a cup) có thể khiến triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Bạn cũng có thể cho thêm một chút nước ép lá củ cải turnip vào nước ép của bạn hoặc bạn cũng có thể uống nó một cách riêng biệt.
  5. Nhận biết thực phẩm nên tránh. Một vài loại thực phẩm có thể khiến tình trạng trĩ trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, bạn nên tránh món ăn có nhiều gia vị và ớt vì nó có thể làm tăng sự khó chịu và chảy máu do trĩ.[13]
    • Bạn cũng nên tránh xa thực phẩm được chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, và thực phẩm có chất bảo quản vì chúng rất ít chất xơ và thường chứa chất phụ gia có thể khiến tình trạng bệnh trĩ của bạn tồi tệ hơn. [14]
    • Thực phẩm nhiều chất béo hoặc được rán ngập dầu chẳng hạn như thịt, thức ăn nhanh, và khoai tây chiên cũng có thể làm tăng triệu chứng của trĩ vì chúng ít chất xơ, nhiều dầu mỡ, và thường sử dụng chất phụ gia.

Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Không nên rặn. Rặn là một trong các nguyên nhân chính gây trĩ. Bạn có thể nhờ cậy vào trọng lực đôi chút, nhưng hãy để ruột của bạn thực hiện nhiệm vụ của nó. Nếu bạn không thể đi vệ sinh, bạn có thể thử lại một lần nữa sau khoảng 1 giờ, nhưng điều quan trọng là đừng rặn![15][3]
  2. Thiết lập thói quen đi vệ sinh. Xem xét liệu bạn có thể sắp xếp để đi vệ sinh vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày mà không bị gián đoạn hay không. Thường xuyên đi vệ sinh trong cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp cho quá trình này diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, đi vệ sinh đều đặn là dấu hiệu tuyệt vời cho một sức khỏe tốt.[15][3]
    • Tránh nhịn đi vệ sinh khi bạn có nhu cầu. Hãy đi ngay khi có thể, nhưng không nên ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh vì hành động này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.[15]
    • Dùng khăn ướt dành cho em bé để lau sau khi đi vệ sinh.[4]
  3. Mặc quần lót bằng sợi cotton. Nếu bạn mắc bệnh trĩ, bạn nên sử dụng quần lót được làm từ 100% sợi cotton. Cotton rất nhẹ nhàng cho làn da, có nghĩa là nó sẽ giúp bạn giảm thiểu sự kích ứng mà bạn có thể cảm nhận khi sử dụng những nguyên liệu khác chẳng hạn như polyester hoặc lụa. Cotton ngăn ngừa cơn ngứa ngáy của búi trĩ, có khả năng thấm hút cao và rất mềm mại cho búi trĩ nhạy cảm.[16]
    • Tránh mặc quần lọt khe vì chúng sẽ gây kích ứng phần mô quanh búi trĩ.
  4. Tập thể dục. Bạn có thể tập aerobic, bài tập sức bền (endurance), bài tập tăng cường hệ tim mạch (cardiovascular) hoặc chỉ đơn giản là đi bộ. Ý tưởng ở đây chính là chuyển động của cơ thể có thể duy trì hoạt động của ruột bằng cách mát-xa chúng. Nói cách khác, khi cơ thể bạn di chuyển, nội tạng của bạn cũng sẽ di chuyển và được mát-xa. Điều này có thể giúp ích để máu lưu thông đến các búi trĩ và nhìn chung, nó sẽ giúp bạn có thể đi vệ sinh thường xuyên hơn.[5]
    • Điều quan trọng là bạn phải duy trì sự tuần hoàn máu khỏe mạnh tại các búi trĩ, búi trĩ chỉ đơn giản là những búi tĩnh mạch bị phình to. Nếu lượng máu tại khu vực này bị sụt giảm, trĩ sẽ trở thành hoại tử và gây nên tình trạng nguy hiểm cho bạn.
  5. Tránh ngồi quá lâu. Không ngồi quá lâu có thể sẽ đem lại lợi ích cho người mắc bệnh trĩ. Ngồi lâu có thể hình thành áp lực quá mức lên ổ bụng và có thể khiến cho bệnh trĩ trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn phải làm công việc “bàn giấy”, bạn nên đứng lên và đi dạo ngắn sau mỗi giờ.[5][17]
    • Tìm mua đệm ngồi bằng mút xốp hoặc đệm ngồi có lỗ tròn ở giữa (đệm hỗ trợ xương cụt) nếu bạn cần phải ngồi trong một khoảng thời gian. Nó có thể giúp bạn giảm thiểu một ít áp lực lên phần mông.
  6. Hạn chế uống rượu bia. Rượu bia là một trong những yếu tố đầu tiên mà bạn cần phải cắt giảm bởi vì nó gây mất nước và khiến chất bã trở nên khô cứng. Uống rượu bia có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các búi trĩ và ngăn cản cơ hội hồi phục cũng như khiến bạn bị chảy máu nhiều hơn. Sử dụng rượu bia trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng áp xuất mạch môn (sưng gan) và trĩ.[13]
    • Bạn chỉ nên uống tối đa là 1 – 2 ly rượu mỗi ngày. Đây là liều lượng được khuyến cáo, nhưng nếu bạn đang phải đối phó với trĩ, bạn nên uống ít hơn liều lượng này.

Lời khuyên[sửa]

  • Bác sĩ có thể chẩn đoán xem bạn đang mắc phải bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại bằng cách tiến hành kiểm tra trực tràng. Nếu chảy máu trực tràng không phải là do trĩ, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành kiểm tra bao quát hơn thông qua nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng thông thường bởi một trong những triệu chứng của ung thư đại tràng (kết tràng) là chảy máu trực tràng.[18]
  • Bạn cần biết rằng trẻ em không thường bị trĩ, nhưng không có nghĩa là điều này sẽ không xảy ra. Nếu con bạn đang than phiền rằng chúng bị đau khi đi vệ sinh, bạn nên đưa chúng đến gặp bác sĩ khoa nhi ngay lập tức. Có nhiều lý do phổ biến cho tình trạng đau đớn khi đi vệ sinh ở trẻ em bao gồm phân bị khô, mất nước, thiếu hụt chất xơ, rặn hoặc căng cơ quá mức khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, nếu trong phân hoặc trên giấy vệ sinh có dính máu, đây có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ, dị tật trong cơ thể, nứt hậu môn (vết nứt trong mô) hoặc là dấu hiệu sớm của rối loạn chức năng đường ruột chẳng hạn như hội chứng Crohn. Tất cả mọi triệu chứng này đều cần đến sự thăm khám của bác sĩ khoa nhi.[19]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu triệu chứng bệnh trĩ của bạn không thuyên giảm trong vòng 4 – 7 ngày, bạn nên đi khám bệnh. Biến chứng của bệnh trĩ thường khá hiếm, nhưng bạn có thể bị thiếu máu do mất máu hoặc gặp phải tình trạng trĩ xoắn.[20]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://healthimpactnews.com/2013/a-key-predictor-of-well-being-healthy-bowel-movements/
  2. http://www.md-health.com/Sitz-Bath.html
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/lifestyle-home-remedies/con-20029852
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 http://www.md-health.com/Best-Treatment-for-Hemorrhoids.html
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 http://kidshealth.org/parent/pregnancy_center/q_a/piles.html
  6. Siervo, M.; Lara, J.; Ogbonmwan, I.; Mathers, J. C. (2013). "Bổ sung Nitrat vô cơ và nước ép củ dền giúp hạ huyết áp ở người trưởng thành: Đánh giá một cách hệ thống và phân tích tổng hợp". Tạp chí Dinh dưỡng 143 (6): 818–826
  7. http://www.drugs.com/dosage/senna.html
  8. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/psyllium
  9. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/flaxseed-and-flaxseed-oil/dosing/hrb-20059416
  10. Grover, J. K.; Yadav, S. P. (2004). "Tác dụng dược lý và lợi ích tiềm năng của mướp đắng: Bài nhận xét". Tạp chí Dược lý Y học Dân tộc 93 (1): 123–132
  11. http://americanpregnancy.org/pregnancy-health/hemorrhoids-during-pregnancy/
  12. http://www.md-health.com/Essential-Oils-for-Hemorrhoids.html
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 13,4 http://www.nhs.uk/Livewell/embarrassingconditions/Pages/piles.aspx
  14. Lorenzo-Rivero, S (August 2009). "Bệnh trĩ: chẩn đoán và quản lý hiện tại". Am Surg 75 (8): 635–42
  15. 15,0 15,1 15,2 http://www.hopkinsmedicine.org/johns_hopkins_bayview/_docs/medical_services/gynecology_obstetrics/bowel_regularity.pdf
  16. http://patient.info/health/itchy-bottom-pruritus-ani
  17. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/prevention/con-20029852
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/tests-diagnosis/con-20029852
  19. http://pediatriceducation.org/2015/05/18/when-do-hemorrhoids-occur-in-children/
  20. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/basics/complications/con-20029852

Liên kết đến đây