Chữa ho

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những cơn ho, dù là ho khan hay ho có đờm, đều có thể khiến bạn bị đau họng và khó chịu. Chịu đựng cơn ho dai dẳng do bị cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng hoặc hen suyễn đều khổ sở như bị tra tấn. Nếu bạn đang bị ho, hãy thử những phương pháp sau đây để nhanh chóng trị được cơn ho.

Các bước[sửa]

Đối với Ho khan[sửa]

  1. Uống đủ nước. Khi cổ họng đang bị khô và kích ứng, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi uống thêm một chút nước. Hơn nữa, khi cơ thể có đủ nước, bạn sẽ chóng khỏe hơn và đẩy lùi được cơn ho nhanh hơn. Hãy uống một cốc nước mỗi giờ và vào những lúc ho nhiều. Bạn có thể thay nước bằng các loại chất lỏng khác như trà, nước hoa quả và sữa để làm dịu cổ họng.
  2. Dùng máy tạo hơi ẩm. Không khí khô sẽ làm cơn ho khan trở nên tệ hơn và gây kích ứng khi bạn bị viêm họng. Hãy dùng máy tạo hơi ẩm để không khí đỡ khô và dễ thở hơn. Bạn phải vệ sinh máy tạo hơi ẩm sạch sẽ trước khi sử dụng, nếu không, nó sẽ làm vi khuẩn và nấm mốc lây lan trong không khí, từ đó, cơn ho sẽ tồi tệ hơn.
  3. Tránh hít phải tác nhân gây kích ứng. Ngoài việc không khí cần phải có độ ẩm phù hợp, nó còn phải sạch và không có tác nhân kích thích cơn ho. Bạn có thể ra ngoài hít thở nếu trong nhà đang có khói thuốc lá, nước hoa, mùi chất tẩy rửa, sơn, hóa chất, bụi hoặc các tác nhân gây dị ứng khác. Cách giải quyết tốt nhất là đeo khẩu trang trong giai đoạn bị ho. Bác sĩ của bạn sẽ nói rõ loại nào tốt cho sức khỏe của bạn và bạn có thể gặp phải những tác nhân gây kích ứng nào.
  4. Sử dụng kẹo ngậm trị ho. Ngậm thuốc ho dạng viên hoặc kẹo trị ho có thể khiến họng bạn đỡ rát và giảm ho. Thuốc ho dạng viên cũng không có hiệu quả đáng kể hơn nhiều so với dạng kẹo ngậm, bạn chỉ cần ngậm một thứ gì đó để làm tăng tiết nước bọt và đỡ khô họng. Hãy tìm loại thuốc viên hoặc kẹo có chứa bạc hà, gừng, chanh, mật ong để làm dịu cơn ho một cách hiệu quả.
  5. Kê cao đầu. Mẹo này đặc biệt có hiệu quả khi cơn ho khan khiến bạn không ngủ được. Nếu bạn đang nằm trên giường hoặc ghế, hãy dùng gối để kê đầu cao hơn so với cơ thể. Nhìn chung, hãy luôn kê đầu cao hơn trong giai đoạn bị ho để làm giảm cơn ho và dễ thở hơn.[1]
  6. Xông hơi. Đun một nồi nước nóng hoặc tắm bằng nước nóng và để hơi nước làm ẩm cổ họng. Hãy hơ mặt phía trên miệng một bát nước sôi, trùm khăn kín và hít vào càng nhiều hơi nước nóng càng tốt. Nhỏ thêm vài giọt tinh dầu bạch đàn vào bồn tắm hoặc bát nước sôi để tăng hiệu quả làm dịu cổ họng.
  7. Làm thuốc ho dạng si rô từ đinh hương. Đinh hương là phương thuốc tự nhiên làm dịu cổ họng rất tốt sau một trận ho khan nặng. Trộn 5 tới 6 nhánh đinh hương với một cốc mật ong và để hỗn hợp qua đêm. Sau 12 – 24 tiếng, khuấy si rô lên và bỏ đinh hương ra. Uống một thìa canh si rô này khi cần thiết để làm giảm cơn ho.
  8. Làm trà từ cây marshmallow. Đây không phải là loại kẹo xốp ngọt ngào mà bạn hay gặp, cây marshmallow là một loại thảo dược có khả năng tạo ra một lớp keo để bảo vệ cổ họng và làm giảm cơn ho. Hãy dùng trà marshmallow uống liền hoặc hòa một thìa canh marshmallow khô với một cốc nước và để cho ngấm. Lọc và cho thêm mật ong tùy khẩu vị, uống vài lần trong ngày.
  9. Dùng dầu xoa ngực. Có một số loại dầu dùng để bôi ngoài da ở vùng ngực và cổ họng. Khi bạn hít vào, mùi hương của nó sẽ giúp bạn giảm ho và đỡ rát họng hơn. Bạn có thể mua loại chứa long não hoặc tinh dầu bạc hà để ngủ ngon hơn trong khi đang bị ho khan.
  10. Dùng cây du trơn. Cây du trơn là một loại cây có tác dụng làm giảm ho khan và đau rát cổ họng. Hãy dùng loại thuốc trị ho dạng viên có thành phần cây du trơn, làm trà để uống hoặc sử dụng các loại thuốc bổ sung có chứa thành phần này.[2]
  11. Tăng cường dùng gừng. Gừng có hiệu quả tốt đối với chứng ho khan và ho có đờm. Ăn gừng tươi hoặc mài nhỏ gừng vào một cốc nước nóng để làm trà. Ăn và uống gừng trong ngày có thể khiến cổ họng của bạn khá lên đáng kể.
  12. Uống giấm táo. Dù phương pháp này không được dễ chịu cho lắm nhưng giấm táo có thể hỗ trợ việc điều trị cơn ho. Hãy thêm một thìa canh giấm táo vào cốc nước và uống vài lần trong ngày để có hiệu quả tốt nhất.
  13. Dùng thuốc ức chế cơn ho. Các loại thuốc ức chế cơn ho thường được bán không cần kê đơn và có tác dụng ức chế phản ứng ho của cơ thể. Loại thuốc này thường được dùng để trị các cơn ho khan hơn là ho có đờm để tránh gây ức chế quá trình long đờm. Hãy dùng thuốc vào ban đêm để dễ ngủ hơn và thi thoảng dùng vào ban ngày.[3]

Đối với Ho có Đờm[sửa]

  1. Uống đủ nước. Yếu tố quan trọng nhất để chóng khỏi bất kỳ loại bệnh nào chính là uống đủ nước, kể cả đối với việc chữa trị một cơn ho. Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm đang bị kẹt trong họng, khiến việc long đờm trở nên dễ dàng hơn. Hãy uống nước thường xuyên bên cạnh việc uống trà hoặc nước hoa quả.
  2. Tránh uống sữa. Protein có trong sữa sẽ làm tăng tiết dịch nhầy trong cơ thể và khiến cơn ho có đờm trở nên tệ hơn. Bạn không nên dùng sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua và kem cho tới khi khỏi ho.
  3. Uống thuốc long đờm. Đây là loại thuốc giúp làm long đờm và bạn sẽ ho ra đờm dễ dàng hơn. Hãy mua các loại thuốc long đờm không cần kê đơn tại hiệu thuốc hoặc hỏi bác sĩ để được kê đơn. Loại thuốc này có thể uống hàng ngày hoặc trước khi đi ngủ để bạn dễ thở hơn và ho ra nhiều đờm hơn.[4]
  4. Ăn tỏi. Tỏi là một loại kháng sinh mạnh, có khả năng diệt vi khuẩn gây đờm và giúp cổ họng bạn sạch đờm. Mỗi ngày, bạn hãy ăn từ 4 tới 6 tép tỏi, bắt đầu từ buổi sáng, và cứ để cho loại thuốc kháng sinh tự nhiên này làm giảm đờm và cải thiện cơn ho của bạn.
  5. Ăn hạt mù tạt. Loại hạt nhỏ bé này có thể hỗ trợ quá trình long đờm nên bạn sẽ dễ ho ra đờm hơn. Nghiền nhỏ một thìa cà phê hạt và bỏ vào cốc nước nóng. Để hỗn hợp nghỉ trong 15 phút trước khi lọc và uống. Bạn không cần phải uống hết cả cốc một lúc; bạn có thể dùng dần trong ngày và hiệu quả cũng tương đương.
  6. Dùng trà cỏ xạ hương (thyme tea). Cỏ xạ hương là loại thảo dược có tính kháng sinh và làm dịu cơn ho, còn trà sẽ có tác dụng làm loãng đờm trong cổ họng. Hãy trộn một thìa canh cỏ xạ hương với một cốc nước nóng và để hỗn hợp nghỉ trong vài phút. Lọc phần cỏ ra và thêm mật ong tùy khẩu vị.
  7. Súc miệng với muối. Nước muối không phải là loại nước uống ngon lành gì nhưng súc miệng bằng nước muối lại có thể làm long đờm. Trộn một thìa cà phê muối với 125 ml nước và súc miệng. Thực hiện mỗi tiếng một lần trong ngày để nhanh chóng làm giảm cơn ho.
  8. Dùng hạt tiêu. Hạt tiêu đen là một trong những phương thuốc điều trị cơn ho tốt nhất. Hãy ăn nguyên hạt tiêu đen nếu bạn có thể chịu được vị của nó, hoặc bạn có thể tạo ra một hỗn hợp từ mật ong và hạt tiêu đen. Trộn một thìa cà phê hạt tiêu đen với một thìa canh mật ong và một cốc nước nóng. Để hỗn hợp nghỉ trong 15 phút trước khi uống. Hạt tiêu sẽ làm cổ họng bạn thông thoáng, đồng thời tiêu sạch đờm trong cổ họng.[5]
  9. Tăng cường dùng chanh. Nước chanh có tác dụng tiêu đờm và làm dịu cơn ho. Ngậm kẹo hoặc thuốc trị ho chứa chanh hoặc làm trà chanh. Ăn và uống nước chanh trong ngày sẽ giúp bạn dễ chịu hơn.
  10. Ăn cam thảo. Kẹo cam thảo hoặc các loại thực phẩm bổ sung đều trị co thắt hiệu quả và từ đó, giúp đờm long ra dễ hơn. Ăn kẹo cam thảo (làm từ cam thảo nguyên chất chứ không phải hoa hồi), hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung cam thảo hàng ngày để nhanh chóng chữa khỏi cơn ho.[2]
  11. Tránh các nhân tố gây kích ứng trong không khí. Không khí bẩn sẽ khiến cơn ho, dù là ho khan hay ho có đờm, trở nên tồi tệ hơn. Hãy tránh xa khói, khí thải, bụi, chất tẩy rửa và các loại khí hóa chất khác để làm giảm ho. Nếu cần, hãy dùng máy lọc không khí hoặc mở cửa sổ để không khí trong phòng luôn được thoáng đãng. Nếu bạn hút thuốc, bạn phải ngừng hút thuốc tối thiểu trong giai đoạn bị ho.[6]
  12. Dùng bột nghệ. Loại gia vị này có khả năng diệt khuẩn, giảm co thắt và làm long đờm. Hãy làm si rô ho từ bột nghệ bằng cách trộn một nhúm bột nhỏ với một thìa canh mật ong. Dùng dần trong ngày để giúp cơn ho dịu đi một cách tự nhiên.
  13. Ăn gừng. Dù có vị cay rất mạnh nhưng gừng là một phương thuốc trị ho khan lẫn ho có đờm rất tuyệt vời. Ăn gừng tươi trong ngày nếu bạn có thể chịu được vị của nó. Hoặc bạn có thể mài nhỏ gừng vào một cốc nước nóng với một chút mật ong để tạo thành trà. Bạn có thể ăn kẹo gừng nếu thích.[7]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy gặp bác sĩ nếu cơn ho của bạn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc không khỏi sau hai tuần.
  • Kiểm tra dị ứng để xem cơn ho của bạn có phải là do bị dị ứng không. Nếu có, bạn có thể điều trị bằng các loại thuốc chống dị ứng.
  • Chỉ uống nước để nguội. Đừng uống nước đá. Nước đá sẽ làm cổ họng bạn bị kích ứng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây