Chữa mẩn đỏ trên mặt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Phương pháp hữu hiệu nhất để chữa mẩn đó trên mặt tùy thuộc vào nguyên nhân gây mẩn đỏ. Nói chung da bị mẩn đỏ thường có thể xử lý bằng mỹ phẩm và các sản phẩm rửa mặt, tuy nhiên có những tình trạng khác gây kích ứng da mặt đòi hỏi phải sử dụng thêm các phương pháp điều trị khác. Bạn hãy áp dụng phương pháp nào thích hợp nhất đối với vấn đề của mình để giảm mẩn đỏ trên mặt.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Điều chỉnh chế độ chăm sóc da[sửa]

  1. Tìm ra thủ phạm gây kích ứng. Có thể một sản phẩm chăm sóc da nào đó của bạn gây dị ứng, nổi mụn hoặc các kiểu kích ứng khác. Bạn hãy xem lại các loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da hoặc chăm sóc tóc đang dùng. Ngưng toàn bộ các sản phẩm đó và dùng lại dần dần từng thứ một. Như vậy bạn có thể xác định được sản phẩm nào có thể khiến da mẩn đỏ.
    • Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu tình trạng mẩn đỏ kèm với hiện tượng sưng trên mặt, đặc biệt ở môi và lưỡi, hoặc khó thở. Bạn có thể gọi số điện thoại cấp cứu 115.
    • Bắt đầu thử với các sản phẩm mà bạn mới dùng gần nhất, vì chúng có khả năng cao nhất gây dị ứng.
    • Lên lịch hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc chuyên khoa da liễu. Bác sĩ có thể cho bạn kiểm tra dị ứng áp da (patch test), một dạng test dùng lượng nhỏ hóa chất áp lên da và theo dõi phản ứng ở vùng da đó.
    • Nguyên nhân cũng có thể đơn giản chỉ vì bạn có làn da nhạy cảm. Nếu là vậy, bạn hãy tìm một số nhãn hiệu có các dòng sản phẩm dành cho da nhạy cảm; các sản phẩm truyền thống có thể kể đến là Aveeno Ultra-Calming và Eucerin.
    • Sau khi tìm ra hóa chất nào khiến mặt bạn mẩn đỏ, bạn hãy loại bỏ hết các sản phẩm có chứa hóa chất đó trong thành phần hoạt tính hoặc không hoạt tính.[1]
  2. Rửa mặt mỗi ngày 1-2 lần. Dùng nước ấm rửa mặt, vì cả nước lạnh và nước nóng đều có thể làm khô da. Bạn có thể khiến da bị kích ứng và đỏ thêm nếu rửa mặt không đúng cách. Nên dùng sữa rửa mặt dành cho da nhạy cảm, không mùi, và tránh mọi sản phẩm có chứa cồn hoặc các chất làm khô da. Thử dùng các sản phẩm như Cetaphil hoặc Purpose.
    • Dùng khăn mềm thấm khô khi đã rửa xong. Không chà xát lên mặt vì sự ma sát có thể khiến da bị kích ứng thêm.[2]
    • Thử dùng sữa rửa mặt chứa sulfates như Rosanil. Thành phần này sẽ giúp giảm viêm.[3]
    • Nếu tình trạng mẩn đỏ đi kèm với mụn, và da của bạn không thuộc loại nhạy cảm, bạn có thể thử các sản phẩm benzoyl peroxide như Clearasil.
  3. Dùng kem dưỡng ẩm. Thoa kem dưỡng ẩm (hoặc lotion) ngay sau khi rửa mặt để khóa độ ẩm trong da.
    • Bạn cũng có thể để lotion trong tủ lạnh và thoa lên mặt. Độ lạnh sẽ làm co các mạch máu trên mặt và giảm mẩn đỏ.
    • Tránh các sản phẩm chứa cồn, nước cây phỉ, bạc hà cay, hương liệu, khuynh diệp hoặc tinh dầu đinh hương. Các chất này được coi là chất gây kích ứng da và sẽ chỉ khiến da thêm kích ứng.[2][4]
  4. Cân nhắc dùng các loại kem không kê toa. Loại thông dụng nhất là kem bôi cortisone, có chứa steroid giúp làm dịu da, giảm đỏ và sưng. Tìm loại kem có chứa dung dịch hydrocortisone 0,5% hoặc 1%. Dùng giới hạn 1-2 lần mỗi ngày và chỉ bôi lên phần da tổn thương.
    • Không dùng các loại kem này dài ngày, vì việc tiếp xúc quá nhiều với các thành phần trong kem có thể gây thêm kích ứng.
    • Bạn cũng có thể tìm các loại kem làm dịu tự nhiên hơn với các thành phần như cam thảo, cúc thơm feverfew, trà, nghệ, ma-giê, dưa chuột hoặc gừng.[4]
  5. Cân nhắc dùng gel lô hội. Lô hội có thể giúp giảm sưng và đau. Bạn có thể dùng gel trực tiếp từ cây lô hội hoặc mua ở hiệu thuốc. Bôi gel lô hội lên mặt mỗi ngày hai lần để giảm mẩn đỏ.
    • Để lấy gel trong cây lô hội, bạn hãy cắt một lá to ở dưới gốc cây. Rạch dọc lá và lấy gel ra. Sau đó bôi gel lên mặt mỗi ngày hai lần.[5][6]
    • Bạn có thể tìm mua gel lô hội ở hầu hết các siêu thị hoặc hiệu thuốc.
  6. Thử dùng dầu dừa. Dầu dừa là một chất làm mềm da tự nhiên giúp khóa ẩm trong da. Tuy nhiên bạn cần cẩn thận khi bôi lên da có mụn trứng cá - dầu có thể khiến tình trạng mụn nặng thêm. Dầu dừa giúp da không bị mất độ ẩm và mất nước, một nguyên nhân phổ biến gây mẩn đỏ trên da. Trong dầu dừa có a-xít lauric, một chất có đặc tính chống virus, chống nấm và chống vi trùng, giúp tái tạo làn da. Bạn hãy thoa dầu dừa lên mặt mỗi đêm, chú ý đặc biệt đến những vùng da cực kỳ khô hoặc đỏ.[7]
    • Bạn cũng có thể dùng dầu ô liu, dầu hạnh nhân hoặc dầu hạt tầm xuân. Những loại dầu này có các dưỡng chất tương tự như dầu dừa và sẽ cung cấp độ ẩm cho da.[8]
    • Dầu dừa giúp giảm mẩn đỏ do tình trạng khô da gây ra.
  7. Thử đắp mặt nạ yến mạch. Yến mạch là chất làm dịu tuyệt vời chữa mẩn đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bỏng nắng, chàm (ezema) đến kích ứng. Bạn có thể mua yến mạch nguyên chất và thêm nước vào. Ngâm yến mạch trong nước và đắp lên mặt như mặt nạ. Mỗi ngày đắp một lần ít nhất trong 30 phút, sau đó rửa sạch.[9]
    • Bạn có thể trộn sữa vào yến mạch để tăng hiệu quả. Nhớ dùng loại sữa có một chút chất béo như sữa nguyên kem hoặc có 2% chất béo. Các protein béo trong sữa sẽ giúp trẻ hóa làn da.[10]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Che những nốt mẩn đỏ bằng kem che khuyết điểm. Các loại kem nền bình thường khó che được tình trạng mẩn đỏ trên mặt, nhưng kem che khuyết điểm dựa trên nguyên tắc các màu bổ sung để cân bằng lại vùng da bị biến màu. Để che da mặt bị mẩn đỏ, bạn có thể dùng kem che khuyết điểm có tông màu xanh lá cây. Chấm kem che khuyết điểm lên da và nhẹ nhàng dùng ngón tay hoặc bông trang điểm để thoa đều.
    • Nếu tình trạng mẩn đỏ dai dẳng lâu ngày hoặc quá nặng và không thể che được bằng kem che khuyết điểm, có lẽ bạn mắc một chứng bệnh gọi là chứng đỏ mặt (rosacea). Liên hệ với bác sĩ da liễu nếu bạn nghĩ mình gặp tình trạng này.[2]
    • Tránh thoa lớp kem dày. Kem nền có thể hoặc không thể che được hết những vùng da mẩn đỏ trên mặt. Cho dù một lượng kem tiêu chuẩn và vừa phải không có hiệu quả, bạn cũng không nên thoa lớp kem quá dày. Sắc xanh lá cây trong kem sẽ lộ ra nếu bạn bôi quá nhiều.
  2. Bôi kem chống nắng. Tình trạng da mẩn đỏ có thể là do bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bạn nên bôi kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Các loại kem chống nắng thoa mặt dành cho da nhạy cảm có bán ở các hiệu thuốc.
    • Chỉ số kem chống nắng ít nhất phải là SPF 30 mới có hiệu quả.[2]
    • Kem chống nắng “non comedogenic” (không gây mụn) có thể tránh làm tắc lỗ chân lông.
    • Bạn có thể mua đồ trang điểm hoặc kem dưỡng ẩm có chứa kem chống nắng.
  3. Bảo vệ da trong thời tiết lạnh. Khi trời lạnh và khô, gió có thể làm se và khô da mặt, đồng thời các hạt nhỏ trong không khí làm mất đi lớp da khỏe mạnh và gây tổn hại bề mặt da.[2] Nếu được bảo vệ, má và mũi của bạn sẽ ít bị ửng đỏ hơn khi bạn vào phòng.
    • Khi da tiếp xúc với độ lạnh, các mạch máu sẽ co lại và khiến da chuyển màu trắng. Tuy nhiên khi bạn bước vào vùng ấm hơn, máu sẽ đổ dồn về mặt cùng lúc khiến da đỏ ửng.
    • Choàng khăn, đội mũ hoặc đeo mặt nạ trượt tuyết làm từ sợi không gây kích ứng.
  4. Uống nước và ăn thức ăn chứa nhiều nước. Bạn có thể thay đổi chế độ ăn để giúp cải thiện tình trạng mẩn đỏ từ bên trong. Các thức ăn mát và chứa nhiều nước như cà rốt, khoai lang, táo, cần tây, dừa, dưa chuột, dưa hấu, đào, đu đủ, rau chân vịt và bông cải xanh chứa các chất chống ô-xy hóa, có khả năng làm ẩm da từ bên trong.
    • Nước tiểu màu vàng nhạt hoặc gần như trong suốt cho thấy cơ thể được cung cấp đủ nước. Nếu nước tiểu màu vàng đậm hoặc vàng cam, bạn nên uống thêm nước.
    • Bạn có thể bảo vệ da khỏi bị khô khi tiếp xúc với không khí lạnh trong mùa đông hoặc trong các điều kiện khô và khắc nghiệt khác bằng cách ăn các thức ăn như vậy.
    • Tránh các thức ăn và thức uống cay nóng, caffeine và chất cồn. Những thứ này sẽ khiến da mẩn đỏ thêm và làm trầm trọng thêm các vấn đề về da.[4]
  5. Đắp dưa chuột lên da. Dưa chuột chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất có thể giúp cung cấp độ ẩm cho da. Gọt vỏ và cắt dưa chuột thành từng lát. Ngửa đầu ra sau và đắp những lát dưa chuột lên vùng da mặt bị đỏ khoảng 15-20 phút.
    • Trong thời gian đắp, vitamin C trong dưa chuột sẽ giúp giảm những vết mẩn đỏ phiền toái trên mặt.[8]
    • Tuy nhiên bạn nên tránh dùng dưa chuột chà xát lên da vì sự ma sát có thể gây thêm kích ứng.
  6. Thoa trà xanh lên da. Trà xanh có thành phần chống viêm và làm co mạch máu trong da, do đó nó giúp giảm viêm và mẩn đỏ. Cho vài túi trà xanh hoặc vài thìa canh lá trà xanh vào nồi nước sôi và tắt bếp. Để trà ngấm trong 10 phút. Khi trà đã ngấm, rót vào bát và dùng khăn nhúng vào trà xanh. Khi trà đã nguội, đắp khăn nhúng nước trà xanh lên mặt.[11]
    • Bạn cũng có thể dùng trà hoa cúc chamomile hoặc trà bạc hà cay. Tránh dùng trà bạc hà cay nếu bạn có da nhạy cảm.
    • Nhớ dùng chiếc khăn mà bạn không sợ bị ố màu. Trà xanh có thể khiến vải bị ố màu.
    • Không dùng khăn chà xát mạnh trên mặt, vì sự chà xát có thể gây kích ứng thêm cho da.
  7. Bôi sáp dưỡng ẩm petroleum jelly. Cẩn thận khi bôi petroleum jelly lên da có mụn trứng cá vì nó có thể khiến tình trạng mụn nặng thêm. Để có thêm một lớp bảo vệ da, bạn hãy bôi một lớp mỏng petroleum jelly lên mặt. Petroleum jelly sẽ ngăn các mạch máu không co giãn quá nhanh, do đó giúp giảm mẩn đỏ trên mặt.[12]
    • Nếu không yên tâm, bạn hãy bôi thử một ít lên má ở vùng da ít đỏ nhất. Nếu trong vài tiếng mà da bị đỏ hơn hoặc bị kích ứng nhiều hơn, bạn không nên bôi lên phần da còn lại.
  8. Chườm gạc lạnh. Độ lạnh có thể giúp giảm mẩn đỏ nhờ làm co các mạch máu trong da. Phương pháp này đặc biệt hữu ích nếu tình trạng mẩn đỏ đi kèm với cảm giác bỏng rát hoặc sưng. Để làm gạc lạnh, bạn có thể dùng khăn hứng dưới vòi nước lạnh. Nhẹ nhàng chườm lên vùng bị tổn thương.[13]
    • Bạn cũng có thể dùng túi nước đá bọc nhiều lớp khăn nếu không muốn dùng gạc ướt.
    • Một cách khác là bỏ khăn ướt vào tủ lạnh vài phút để làm mát trước khi đắp lên mặt.
    • Không dùng khăn thô ráp hoặc lạnh.

Chữa chứng đỏ mặt[sửa]

  1. Tránh xa các tác nhân kích thích gây đỏ mặt. Chứng đỏ mặt là một rối loạn da mãn tính thỉnh thoảng xuất hiện và lại khỏi. Tình trạng này có thể khó đoán biết, tuy nhiên một trong những việc tốt nhất bạn có thể thực hiện để ngăn chặn chứng đỏ mặt liên quan đến tình trạng mẩn đỏ là tránh một số tác nhân kích thích thường gặp của chứng bệnh này.
    • Các tác nhân kích thích phổ biến bao gồm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sức nóng, chất cồn, thức ăn cay, phô mai cứng, cảm xúc căng thẳng và thay đổi thời tiết như độ ẩm tăng và gió mạnh.
    • Những cảm xúc gây chứng đỏ mặt bao gồm căng thẳng, sợ hãi, lo âu và ngượng ngùng.[14]
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc uống kê toa. Các loại thuốc giúp giảm viêm da có thể được bác sĩ kê toa nếu không có liệu pháp tự nhiên nào có tác dụng. Báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có các bệnh lý khác trước khi bắt đầu sử dụng các loại thuốc mới.
    • Bác sĩ có thể kê thuốc doxycycline, một loại thuốc kháng sinh uống, có tác dụng giảm viêm. Thuốc doxycycline liều thấp như Oracea được sử dụng bắt đầu với liều cao để phát huy hiệu quả của thuốc trong cơ thể, sau đó giảm xuống với liều lượng duy trì.
    • Doxycycline không những có tác dụng điều trị tình trạng mẩn đỏ mà còn chữa các nốt sưng đỏ liên quan đến chứng đỏ mặt.
    • Còn có nhiều loại thuốc kê toa khác. Hãy hỏi bác sĩ loại thuốc nào tốt nhất trong trường hợp của bạn. Những thuốc này được chỉ định cho các trường hợp đỏ mặt không nhẹ.[3]
  3. Dùng thuốc bôi có kê toa. Một số bệnh nhân thích dùng thuốc bôi hơn uống. Bác sĩ có thể kê cho bạn các loại kem như sodium sulfacetamide/sulfur, Metrogel (metronidazole), hoặc Finacea (azelaic acid), có cùng hiệu lực như thuốc uống nhưng được dùng để bôi ngoài da.[15] Các loại thuốc này điều trị các nốt sưng đỏ và mẩn đỏ liên quan đến chứng đỏ mặt.[3]
  4. Hỏi bác sĩ da liễu về liệu pháp laser. Bệnh nhân thường sử dụng liệu pháp laser để giảm tình trạng mẩn đỏ vì công hiệu lâu hơn các liệu pháp khác. Nó giúp giảm các mạch máu nổi rõ trên mặt, cổ và ngực. Liệu pháp này cũng có thể làm sáng nước da và cải thiện rõ rệt làn da.
    • Liệu pháp laser có thể gây chút khó chịu, nhưng thuốc gây tê tại chỗ và túi nước đá có thể giảm sự khó chịu.
    • Liệu pháp laser cần điều trị không chỉ một lần mà phải vài lần trong 3-6 tuần. Cần vài buổi trị liệu để có kết quả tốt nhất, và thông thường bảo hiểm không chi trả cho liệu pháp này.
    • Liệu pháp này thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp dễ hơn.[3]

Đối phó với mụn trứng cá ở người lớn[sửa]

  1. Sử dụng a-xít salicylic. A-xít salicylic giúp giảm sưng và đỏ, hơn nữa còn giúp mở các lỗ chân lông. Nhiều loại gel, khăn ướt, kem, sữa rửa mặt, kem dường ẩm và chai xịt có chứa chất này. Bạn có thể chọn một loại thích hợp nhất để dùng hàng ngày. Nên bắt đầu bằng loại dung dịch có nồng độ a-xít 2% để da bạn khỏi bị khô.[16]
  2. Đắp aspirin. Chất a-xít salicylic có trong aspirin làm co mạch máu và giảm viêm trên mặt khá tốt. Để làm mặt nạ đắp mặt, bạn hãy bẻ đôi viên aspirin. Trộn vài giọt nước với chất bột màu trắng trong viên thuốc thành bột nhão, sau đó đắp trực tiếp lên mụn. Che kín lại bằng băng dính trong khoảng 30 phút.
    • Nếu có aspirin dạng viên nén, bạn hãy nghiền ra và thêm nước vào đến khi thành bột nhão.
    • Sau 30 phút, các mạch máu sẽ co lại. Mụn và vùng da xung quanh sẽ bớt đỏ rõ rệt.[17]
  3. Uống thuốc do bác sĩ kê toa. Các sản phẩm chăm sóc da tiêu chuẩn bán ở cửa hàng có thể không đủ để làm sạch da nếu bạn bị mụn trứng cá nặng và mạn tính ở người trưởng thành. Trường hợp này bác sĩ da liễu sẽ chỉ định loại kem bôi hoặc thuốc mỡ mạnh hơn để chữa mụn. Bác sĩ có thể kê toa thuốc uống kháng sinh, liệu pháp laser hoặc ánh sáng, lột da bằng hóa chất và mài da siêu dẫn (microdermabrasion).
    • Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh uống để tiêu diệt vi khuẩn gây bùng phát mụn. Thuốc điều hòa nội tiết tố như viên uống tránh thai và spironolactone, một loại thuốc vốn để điều trị cao huyết áp cũng có thể được chỉ định.[16]
    • Thông thường các loại kem bôi và thuốc mỡ chứa các thành phần như kháng sinh, retinoids, sulfur, benzoyl peroxide, và a-xít salicylic.
    • Các liệu pháp điều trị này có thể kết hợp với nhau.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu có hút thuốc, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về việc cai thuốc lá. Hút thuốc lá có thể gây mẩn đỏ trên da.
  • Chuyên gia chăm sóc da, ví dụ như một thành viên trong đội ngũ bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ có thể cho bạn lời khuyên về sản phẩm nào (kê toa hoặc không kê toa) thích hợp nhất với bạn.
  • Nếu ở Mỹ, bạn có thể tìm chuyên gia chăm sóc da thông qua bảo hiểm trước khi tìm nơi khác để tránh phải trả bằng tiền túi. Ví dụ, một số chương trình bảo hiểm chi trả cho bác sĩ da liễu nhưng không chi trả cho chuyên gia thẩm mỹ.
  • Mỗi người có thể trạng khác nhau, do đó cũng có các vấn đề khác nhau về da. Nếu mặt bị sưng và đỏ, bạn nên đắp lạnh và tránh nhiệt độ cao. Thư giãn sẽ giúp làm dịu cơ thể.

Cảnh báo[sửa]

  • Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu tình trạng mẩn đỏ đi kèm với sưng trên mặt, đặc biệt ở môi và lưỡi hoặc nếu khó thở.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này