Ngăn lớp biểu bì của da bong tróc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lớp biểu bì khô, bong tróc (xước măng rô) có thể gây đau đớn và trông mất thẩm mỹ. Rất may mắn là bạn có thể giải quyết vấn đề này mà không cần mất quá nhiều thời gian hay nỗ lực. Thay vào đó, chỉ cần dành một chút chăm sóc, yêu thương nhẹ nhàng cho đôi bàn tay.

Các bước[sửa]

Dưỡng ẩm cho lớp biểu bì[sửa]

  1. Dùng kem dưỡng biểu bì tại nhà. Nếu có thời gian, bạn có thể tự làm kem dưỡng biểu bì hiệu quả tại nhà bằng một ít kem dưỡng da tay và dầu theo hướng dẫn dưới đây:
    • Trong lò vi sóng, hâm một bát chứa 1/3 cốc kem dưỡng da tay, vài giọt dầu ô liu (hoặc dầu hạt nho nếu có), 3-4 giọt tinh dầu hoa oải hương (có bán ở các cửa hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe) đến mức ấm, không quá nóng khi chạm vào.
    • Thoa một lượng lớn kem dưỡng lên từng móng tay và nhẹ nhàng mát-xa 1-2 phút cho từng móng, biểu bì cùng vùng da xung quanh. Loại kem này đặc biệt tốt cho da tay (và da chân) và giúp làm mềm lớp biểu bì.
    • Bạn có thể bảo quản loại kem làm tại nhà này trong chai thủy tinh tối màu, đặt trong tủ lạnh và hâm nóng lại trong vòng tối đa 3 ngày.
  2. Điều trị bằng sáp nóng. Nếu đủ khả năng tài chính, bạn có thể đến salon chăm sóc móng để được điều trị bằng sáp nóng, giúp dưỡng bàn tay, móng và lớp biểu bì một cách tuyệt vời.
    • Trong quy trình điều trị bằng sáp nóng, một loại sáp dầu đặc biệt sẽ được đun chảy và thoa lên bàn tay, đầu ngón tay. Sau đó, thợ chăm sóc móng sẽ yêu cầu bạn đeo một đôi găng tay nilông rồi đặt tay vào đôi găng hở ngón khác.
    • Sau 10-15 phút, găng tay hở ngón sẽ được tháo ra và sáp nóng được loại bỏ, trả lại cho bạn làn da tay và lớp biểu bì mềm, ẩm.[1]
    • Bạn có thể mua bộ sáp Paraffin trên mạng và tự điều trị bằng sáp nóng tại nhà.
  3. Dùng sáp dưỡng ẩm. Nếu muốn tìm giải pháp không tốn kém mà vẫn hiệu quả để dưỡng ẩm lớp biểu bì, bạn có thể mua một tuýp sáp dưỡng ẩm để thoa lên lớp biểu bì mỗi đêm, trước khi đi ngủ. Sáp dưỡng ẩm giúp làm mềm lớp biểu bì và ngăn biểu bì bị bong tróc, nhưng có thể hơi nhờn dính nếu sử dụng ban ngày.
  4. Thử dùng tinh dầu. Tinh dầu có thể hữu ích trong việc dưỡng ẩm biểu bì và còn có mùi hương tuyệt vời. Một vài trong số các loại tinh dầu hiệu quả nhất gồm có dầu Jojoba và tinh dầu cam, còn tinh dầu tràm trà rất tuyệt vời cho việc loại bỏ nhiễm trùng mức độ nhẹ.
  5. Nếu cần thiết, bạn có thể dùng một ít son dưỡng môi. Nếu đang hoạt động ở ngoài trời và lớp biểu bì khiến bạn bận tâm, bạn có thể tìm thỏi son dưỡng môi trong túi để thoa một ít lên lớp biểu bì. Son dưỡng sẽ giúp xoa dịu biểu bì tạm thời đến khi bạn tìm thấy kem dưỡng da tay.[2]

Chăm sóc lớp biểu bì[sửa]

  1. Ngâm đầu ngón tay trong nước nóng. Ngâm bàn tay trong nước nóng (không phải nước sôi) hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng sẽ giúp làm mềm biểu bì và da chảy xệ (nếu có). Nếu thích, bạn có thể thêm một thìa cà phê nước cốt chanh vừa mới vắt hoặc giấm vào nước để tẩy tế bào da chết (nếu có).
  2. Dùng tăm làm móng Orange Stick để đẩy lớp biểu bì vào. Sau khi được làm mềm, biểu bì phải dễ dàng được đẩy vào bằng tăm Orange Stick.
    • Orange Stick là cây tăm gỗ hoặc kim loại dùng để đẩy lớp biểu bì vào trong và vệ sinh dưới móng. Bạn có thể mua tăm Orange Stick ở các hiệu thuốc hoặc trực tuyến với mức giá rẻ.
    • Dùng đầu phẳng của tăm Orange Stick để đẩy biểu bì. Cố gắng đẩy thật nhẹ vì đẩy mạnh có thể gây thương tích và khiến xước măng rô trở nên nghiêm trọng.
    • Đẩy biểu bì vào trong đến khi thấy hình trăng khuyết màu trắng (liềm móng) ở dưới từng móng tay. Không đẩy biểu bì nhiều hơn 1-2 lần mỗi tháng vì biểu bì da khá nhạy cảm.
    • Khử trùng tăm Orange Stick kim loại và vứt bỏ tăm gỗ sau mỗi lần sử dụng.[3]
  3. Tuyệt đối không cắt biểu bì. Lớp biểu bì rất quan trọng vì nó bảo vệ mầm móng (phần mà móng bắt đầu phát triển) bằng cách ngăn bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, bạn không nên cắt biểu bì và thay vào đó, nên đẩy biểu bì vào trong.
    • Cắt biểu bì sẽ lấy mất đi lớp bảo vệ và khiến móng dễ bị nhiễm trùng. Không những vậy, cắt biểu bì còn khiến da của biểu bì trở nên cứng hơn, dễ bong tróc và nứt nẻ.
    • Đừng lo lắng rằng biểu bì phát triển trở lại nhanh hơn khi bạn ngừng cắt vì điều này không đúng. Tốc độ phát triển của biểu bì vẫn giữ nguyên ngay cả khi bạn ngừng cắt.[1]
  4. Thường xuyên dưỡng ẩm cho biểu bì. Dưỡng ẩm thường xuyên là một trong những bước quan trọng nhất để ngăn bong tróc biểu bì. Dưỡng ẩm cho biểu bì ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối.
    • Nên nhớ rằng biểu bì được cấu thành từ da (mặc dù có kết cấu dày hơn) và tất cả các phần da đều cần được dưỡng ẩm để luôn mềm và không bong tróc.
    • Ban ngày, bạn có thể dùng lotion dưỡng ẩm da tay vì sản phẩm này thấm nhanh và không khiến bàn tay nhờn dính. Ngược lại, vào buổi tối, bạn nên dùng kem đặc hơn hoặc thuốc mỡ dưỡng biểu bì để tăng hiệu quả dưỡng ẩm.
    • Sau khi thoa dưỡng ẩm cho bàn tay và biểu bì vào buổi tối, bạn nên mang găng tay cotton hoặc găng tay len để đi ngủ. Cách này ngăn kem hoặc thuốc mỡ dính lên ga giường, đồng thời tăng thêm nhiệt độ để da hấp thụ chất dưỡng ẩm tốt hơn. Sáng mai thức dậy, bạn sẽ thấy bàn tay và lớp biểu bì trở nên mềm mại.
  5. Nếu biểu bì bị nứt và gây đau, bạn nên thoa thuốc mỡ kháng khuẩn. Da quanh móng tay có cảm giác nứt và kích ứng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng mức độ nhẹ. Trong trường hợp đó, bạn cần chữa khỏi nhiễm trùng trước khi biểu bì có thể bắt đầu lành lại.
    • Chữa nhiễm trùng bằng cách thoa một lớp dày thuốc mỡ kháng khuẩn (ví dụ như Neosporin) cho lớp biểu bì.
    • Sau khi thoa thuốc mỡ kháng khuẩn (hiệu quả hơn so với kem kháng khuẩn), bạn nên quấn băng cá nhân quanh từng móng tay bị nhiễm trùng.
    • Quấn băng cá nhân qua đêm và vào sáng hôm sau, bạn sẽ thấy tình trạng biểu bì cải thiện hơn nhiều.[2]
  6. Biết khi nào nên đi khám bác sĩ. Biểu bì gây đau, có mủ hoặc sưng, xuất hiện đốm đỏ có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, được gọi là viêm quanh móng (viêm mé móng). Nếu nghi ngờ nhiễm trùng, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt vì sẽ cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Ngăn lớp biểu bì bị khô[sửa]

  1. Bảo vệ bàn tay khỏi thời tiết lạnh. Trời lạnh có thể khiến bàn tay bị khô, biểu bì nứt và bong tróc.
    • Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý bảo vệ bàn tay vào mùa đông hoặc bất cứ khi nào trời lạnh.
    • Luôn đeo găng tay khi ra ngoài và nhớ mang theo tuýp kem dưỡng da tay nhỏ trong ví (bóp) để thỉnh thoảng thoa kem cho tay.
  2. Giữ ngón tay cách xa miệng. Thói quen cắn móng tay hay nhai lớp biểu bì sẽ làm tăng nguy cơ da khô, bong tróc quanh ngón tay.
    • Thói quen này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì miệng chứa các vi khuẩn dễ dàng lây truyền sang móng tay. Nước bọt cũng chứa các enzyme phá vỡ da, khiến da trở nên khô hơn.
    • Vì vậy, một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn tình trạng lớp biểu bì trở nên khô, bong tróc đó là ngừng cắn móng tay và giữ cho bàn tay cách xa miệng.
    • Có một cách đó là thoa thuốc mỡ mùi hôi lên móng. Thuốc mỡ sẽ khiến ngón tay có vị kinh khủng và bạn không muốn cắn móng tay nữa.
  3. Tránh các chất gây khô da. Bàn tay khô sẽ làm tăng tốc độ nứt và bong tróc biểu bì. Vì vậy, bạn cần bảo vệ và tránh để bàn tay tiếp xúc với các chất gây khô da.
    • Thường xuyên rửa bát bằng nước xà phòng nóng có thể gây khô da nghiêm trọng nên bạn phải mang găng tay cao su khi rửa bát để bảo vệ đôi bàn tay.
    • Nếu không thích đeo găng tay, ít nhất bạn nên mua xà phòng rửa bát dưỡng ẩm để dưỡng ẩm bàn tay khi rửa bát.
    • Tránh dùng nước tẩy sơn móng tay chứa acetone vì chúng nhanh chóng lấy đi độ ẩm của móng tay. Ngoài ra, bạn nên hạn chế rửa tay vì rửa quá thường xuyên sẽ lấy mất đi lượng dầu tự nhiên cần thiết trên bề mặt da và móng.
  4. Chọn chuyên gia chăm sóc móng cẩn thận. Bạn cần cẩn thận khi chọn chuyên gia chăm sóc móng (cả móng tay và móng chân vì chăm sóc sai cách sẽ gây hại nhiều hơn có lợi.
    • Một số chuyên gia chăm sóc móng có thể rất thô bạo khi làm móng và biểu bì, khiến biểu bì bong tróc, nứt nẻ và đau đớn.
    • Nếu chuyên gia chăm sóc móng cố cắt biểu bì hoặc đẩy biểu bì vào quá sâu, bạn nên lịch sự yêu cầu họ ngừng lại. Bạn có quyền quyết định nên làm gì với bộ móng của chính mình.
    • Nếu chuyên gia cắt biểu bì và khiến bạn bị đau hoặc nhiễm trùng, đó có thể là do dụng cụ được khử trùng không đúng cách. Trong trường hợp đó, bạn nên xem xét chuyển sang salon chăm sóc móng khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Quan sát những thay đổi về tình trạng móng. Móng sưng, xuất hiện các vệt trắng và trở nên dày đột ngột đều là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe, thậm chí là vấn đề nghiêm trọng.
  • Nhiều người không biết tầm quan trọng của việc chăm sóc móng. Không chỉ là vẻ bề ngoài, móng còn là yếu tố thể hiện các vấn đề sức khỏe. Nên đi khám bác sĩ nếu bạn không chắc tình trạng móng là bình thường hay đó là dấu hiệu của các vấn đề khác.
  • Không hút thuốc lá. Thuốc lá “làm khô” toàn bộ cơ thể, thể hiện rõ ràng nhất là ở da.
  • Phải đặc biệt cẩn thận và giữ vệ sinh lớp biểu bì.
  • Tuyệt đối không cắn móng hoặc biểu bì để tránh dẫn đến vấn đề nghiêm trọng.
  • Dầu dừa dưỡng ẩm biểu bì rất tốt.

Cảnh báo[sửa]

  • Tuyệt đối không tự ý hoặc để người khác loại bỏ hoàn toàn lớp biểu bì. Hiện vẫn có nhiều chuyên gia chăm sóc móng tại salon dùng dụng cụ cắt vụn hoặc kéo để cắt biểu bì cho khách. Đây là thói quen không tốt. Chuyên gia giỏi sẽ không làm vậy và bạn cũng không được để ai cắt lớp biểu bì đi. Thay vào đó, biểu bì chỉ nên được đẩy ngược vào sau 5 phút ngâm trong nước nóng. Sau đó, bạn có thể cắt phần da chết chảy xệ (màu trắng) đi nhưng không được loại bỏ toàn bộ biểu bì. Loại bỏ hoàn toàn biểu bì và cảm thấy móng sưng, đỏ hoặc đau có thể là dấu hiệu nhiễm trùng do dụng cụ bẩn. Cắt biểu bì còn là thói quen không vệ sinh và là lý do đầu tiên khiến biểu bì bị nứt.
  • Đảm bảo tìm hiểu kỹ về salon mà bạn định đến chăm sóc móng. Hãy là một khách hàng hiểu biết về dịch vụ và hỏi xem dụng cụ ở salon được vệ sinh như thế nào.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]