Sử dụng tinh dầu

Từ VLOS
(đổi hướng từ Sử dụng Tinh dầu)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tinh dầu là dung dịch đã được chưng cất, là tinh chất tinh khiết chiết xuất từ trái cây, vỏ, cành, lá hoặc hoa của một loại cây nào đó. Chúng được sử dụng trong liệu pháp hương thơm (aromatherapy) để cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất. Bạn có thể bôi tinh dầu trực tiếp trên da chẳng hạn như loại tinh dầu gốc nước hoặc gốc dầu, ngửi mùi tinh dầu thông qua máy khuếch tán, và kết hợp thêm nhiều nguyên liệu khác để hình thành tinh dầu dạng xịt. Hãy tiếp tục tham khảo bài viết để tìm hiểu cách sử dụng tinh dầu.

Các bước[sửa]

Lựa chọn Tinh dầu[sửa]

  1. Xem xét chất lượng của tinh dầu trước khi bạn chọn mua. Vì bạn sẽ sử dụng tinh dầu trên cơ thể và xung quanh nhà của bạn, bạn nên lựa chọn loại tinh dầu chất lượng cao. Không có bất kỳ một tiêu chuẩn chất lượng cụ thể nào mà các công ty sản xuất tinh dầu phải tuân theo, vì vậy, bạn sẽ cần phải xem xét nhiều yếu tố khác trước khi bạn quyết định chọn mua tinh dầu.
    • Bạn có từng nghe tên của công ty và/hoặc sử dụng sản phẩm của họ trước đây? Bạn chỉ nên mua tinh dầu từ các công ty có uy tín.
    • Giá cả của loại tinh dầu đó có tương tự như các loại sản phẩm khác hay không hay là nó rẻ hơn? Bạn nên cẩn thận trước tinh dầu rẻ tiền bởi vì chúng có thể sẽ không tinh khiết.
    • Trên sản phẩm có liệt kê danh sách tên Latin của các loại cây được sử dụng để làm tinh dầu và/hoặc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hay không? Các chi tiết này là dấu hiệu cho thấy công ty đặc biệt quan tâm đến khách hàng am hiểu và do đó sẽ đáng tin hơn.
    • Trên bao bì sản phẩm có đưa ra lời tuyên bố về sự tinh khiết hay không? Bạn nên tìm mua sản phẩm có chứa 100% tinh dầu và tránh xa những loại có chứa ít hoặc không nêu rõ độ % tinh khiết của tinh dầu.
    • Mùi hương của sản phẩm như thế nào? Nếu sản phẩm không có mùi tương tự như bạn mong đợi thì có thể chúng không phải là sản phẩm chất lượng.
    • Bao bì sản phẩm có ghi rằng được làm từ nguồn gốc hoàn toàn từ hữu cơ hoặc “được thu hoạch từ các loại cây tự nhiên” hay không? Nếu không, loại cây được sử dụng để làm tinh dầu có thể được sản xuất hàng loạt và/hoặc có phun thuốc trừ sâu, vì vậy, bạn nên tránh các loại sản phẩm này.[1]
  2. Tìm hiểu về kiểu hình hóa học (chemotype) của tinh dầu trước khi chọn mua. Một vài nhà sản xuất tinh dầu có cung cấp thêm nhiều loại sản phẩm khác của cùng một loại tinh dầu. Chúng là nhiều loại tinh dầu khác nhau, hoặc kiểu hình hóa học của cùng một loại tinh dầu, có sự thay đổi nhẹ trong mùi hương vì lý do khí hậu, đất đai, môi trường, và các yếu tố khác. Lợi ích của việc lựa chọn một kiểu hình hóa học cụ thể đó là bạn có thể tùy chỉnh độ loãng như bạn muốn.
    • Ví dụ, húng quế có hai loại kiểu hình hóa học chính: dầu húng quế Tây (sweet basil) và dầu húng quế Reunion. Dầu húng quế tây có mùi hương ngọt ngào hơn trong khi dầu húng quế Reunion thiên về mùi gỗ nhiều hơn.[2]
  3. Xem xét bao bì sản phẩm. Tinh dầu thường sẽ nhanh chóng giảm chất lượng khi được phơi bày trước ánh nắng và nhiệt độ nóng. Bạn nên chắc chắn rằng sản phẩm mà bạn mua được chứa trong lọ đựng bằng thủy tinh tối màu (thường là màu nâu) và rằng nó hoàn toàn được đóng kín. Tránh mua tinh dầu đã bị mở nắp hoặc đã tiếp xúc khá nhiều với mặt trời hoặc nhiệt độ nóng. [1].

Pha loãng Tinh dầu để Sử dụng Ngoài da[sửa]

  1. Bạn không được ăn/uống tinh dầu. Nhiều loại tinh dầu có thể khiến bạn trở bệnh hoặc thậm chí gây tử vong nếu bạn ăn/uống nó, vì vậy bạn không nên thực hiện điều này. Bạn có thể bôi tinh dầu lên da một cách an toàn, nhưng hầu hết mọi loại tinh dầu đều cần phải được pha loãng trước khi sử dụng ngoài da.[3]
  2. Xác định phương pháp tốt nhất để sử dụng tinh dầu phục vụ cho mục đích của bạn. Tinh dầu có thể được hòa chung với dầu nền, pha loãng trong nước để sử dụng như dạng xịt, hoặc hoà trộn với các nguyên liệu khác chẳng hạn như muối tắm. Xác định phương pháp sử dụng tinh dầu phù hợp trước khi quyết định xem liệu bạn sẽ pha loãng nó như thế nào.
  3. Pha loãng tinh dầu với dầu nền hoặc nước nếu bạn dự định bôi nó lên da. Dầu hạt hạnh nhân, dầu hạt mơ, dầu hạt nho, dầu jojoba, và dầu quả bơ đều có thể được sử dụng như dầu nền cho tinh dầu. Bản thân các loại dầu nền này không có mùi nồng, vì vậy, nó sẽ không áp đảo hoặc tranh giành với tinh dầu mà bạn chọn. Bạn cũng có thể sử dụng nước để làm nền. Trước khi tiến hành tạo hỗn hợp cho tinh dầu của bạn, bạn cần chắc chắn rằng bạn đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho cách mà bạn sẽ sử dụng nó.
    • Để bôi tinh dầu tập trung tại một khu vực trên cơ thể người trưởng thành, bạn có thể chuẩn bị dung dịch gồm 3 - 5% tinh dầu. Thêm 3 - 5 giọt tinh dầu cho mỗi thìa cà phê dầu nền hoặc nước mà bạn sẽ sử dụng. Dung dịch pha loãng này sẽ rất lý tưởng cho việc bôi một lượng nhỏ tinh dầu lên thái dương hoặc cổ tay.
    • Để bôi tinh dầu trên khu vực rộng trên cơ thể người trưởng thành, bạn có thể chuẩn bị hỗn hợp gồm 1% tinh dầu. Thêm 1 giọt tinh dầu vào mỗi thìa uống trà dầu nền hoặc nước mà bạn chọn. Dung dịch đã được pha loãng này sẽ khá lý tưởng cho việc hình thành hỗn hợp dầu mát-xa hoặc thuốc xịt khử mùi cơ thể.
    • Nếu bạn dự định sử dụng tinh dầu cho em bé, bạn cần phải tạo dung dịch nhẹ hơn có chứa 0,25% tinh dầu. Để hình thành loại dung dịch này, bạn có thể thêm 1 giọt tinh dầu vào 4 thìa uống trà dầu nền hoặc nước. [4]
    • Để sử dụng tinh dầu trong khi tắm. Bạn có thể thêm 3 - 5 giọt tinh dầu vào muối tắm hoặc vào một thìa uống trà dầu nền. Sau đó hòa hỗn hợp vào nước tắm. Pha trộn tinh dầu với dầu nền trước khi cho chúng vào nước tắm sẽ giúp ngăn ngừa tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với da và có thể gây kích ứng.
  4. Bôi tinh dầu nguyên chất mà không cần pha loãng, hoặc còn được biết đến dưới tên gọi bôi tinh dầu “đậm đặc”. Nhiều nguồn thông tin cho rằng bạn không bao giờ được bôi tinh dầu trực tiếp lên da mà không pha loãng nó trước với dầu nền bởi vì hành động này có thể khiến da trở nên nhạy cảm và kích ứng. [5]Nhưng vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng bôi tinh dầu đậm đặc có thể khá hữu ích trong một vài trường hợp. Ví dụ, một nghiên cứu đã cho thấy rằng bôi tinh dầu cây trà đậm đặc hai lần mỗi ngày sẽ đem lại hiệu quả trong việc phòng chống nhiễm nấm móng tay/chân.[6] Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến nhà trị liệu hương thơm trước khi quyết định sử dụng tinh dầu đậm đặc.

Sử dụng Tinh dầu như Bài thuốc từ Thiên nhiên[sửa]

  1. Dùng tinh dầu để xoa dịu cơn đau đầu. Tinh dầu có thể khá hữu dụng trong việc xoa dịu cơn đau đầu nhẹ. Pha loãng dầu theo tỷ lệ để sử dụng tập trung tại một khu vực trên cơ thể. Sau đó, bôi dung dịch trên trán, thái dương và sau gáy. Mát-xa dầu trên da theo chuyển động tròn, trong khi hít một hơi sâu tinh dầu vào mũi. Loại tinh dầu tốt nhất để chữa trị đau đầu bao gồm:
    • Oải hương
    • Bạc hà[7]
    • Gừng [8]
  2. Điều trị mụn trứng cá với dầu cây trà. Tinh dầu có thể được sử dụng như phương pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả và là biện pháp khá tốt để thay thế cho các hóa chất mạnh thường được tìm thấy trong các loại kem trị mụn hoặc thuốc được kê toa. Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng gel có chứa 5% dầu cây trà cũng đem lại hiệu quả tương tự như benzoyl peroxide (nguyên liệu phổ biến trong các loại kem bôi trị mụn thông thường hoặc được kê toa) để điều trị mụn trứng cá.[6]
    • Để tạo gel chứa 5% dầu cây trà để điều trị mụn trứng cá, bạn có thể thêm 5 giọt dầu cây trà vào 1 thìa uống trà gel lô hội. Hòa đều dầu với lô hội và sau đó, sử dụng đầu ngón tay hoặc tăm bông để bôi gel lên nốt mụn. Cho hỗn hợp vào hộp đựng kín khí và cất vào tủ lạnh để sử dụng trong vòng 1 tuần.
  3. Điều trị bệnh mất ngủ với tinh dầu oải hương, hoa cúc La Mã, và cây xô thơm. Sử dụng tinh dầu sẽ không thể nào giúp bạn chữa trị dứt điểm bệnh mất ngủ, nhưng dùng tinh dầu nhẹ nhàng và thư giãn trước khi ngủ có thể giúp bạn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ hơn và ngủ sâu hơn cho đến giờ bạn phải thức giấc. Ba loại tinh dầu sẽ giúp ích cho bạn trong việc đối phó với bệnh mất ngủ đó là oải hương - để thúc đẩy sự thư giãn, hoa cúc La Mã - là loại thuốc an thần tự nhiên, và cây xô thơm - có đặc tính như thuốc ngủ. [9][10][11]
    • Nếu bạn có sẵn máy hóa hơi (vaporizer), bạn có thể cho một vài giọt dầu oải hương, hoa cúc La Mã, hoặc cây xô thơm vào máy trước khi đi ngủ.
    • Bạn nên thêm một vài giọt dầu vào bồn tắm, hoặc mát-xa tinh dầu đã được pha loãng theo tỷ lệ dùng để bôi trên khu vực rộng vào cẳng chân và bàn chân trước khi đi ngủ.
    • Bạn cần nhớ rằng nhiều loại tinh dầu, chẳng hạn như dầu hương thảo, cây bách, hạt nho, chanh và bạc hà, có thể cung cấp năng lượng và khá kích thích, vì vậy, bạn nên tránh sử dụng chúng trước giờ ngủ.
  4. Giảm căng thẳng với tinh dầu. Có lẽ mục đích sử dụng tinh dầu phổ biến nhất đó chính là tăng cường sức khỏe tinh thần bằng cách giảm căng thẳng và khuyến khích sự bình tĩnh và thư giãn. Tinh dầu ảnh hưởng đến cảm xúc chúng ta một cách tích cực bởi vì khứu giác của chúng ta kết nối với hệ thống viền não (hệ limbic) - khu vực chịu trách nhiệm cho cảm xúc, ký ức, và kích thích tình dục.[12] Năm loại tinh dầu đặc biệt hiệu quả trong viêc giảm căng thẳng bao gồm:
    • Oải hương, với mùi hương hoa nhẹ nhàng, trầm mặc, và ngọt ngào, là loại tinh dầu được yêu thích rộng rãi bởi đặc tính thư giãn và cân bằng mà nó cung cấp, kể cả về thể chất lẫn tinh thần.
    • Tinh dầu trầm hương, với mùi hương ấm áp, ngoại lai, thường được sử dụng rộng rãi vì đặc tính xoa dịu căng thẳng của nó.
    • Hoa hồng nổi tiếng với khả năng giảm thiểu căng thẳng, trong khi nó cũng giúp bạn đối phó với sự trầm cảm và đau buồn.
    • Tinh dầu hoa cúc, đặc biệt là loại hoa cúc La Mã, giúp bạn giải quyết căng thẳng do lo lắng về mặt tinh thần, cũng như giúp bạn đối phó với tình trạng hoang tưởng và cảm giác thù địch.
    • Tinh dầu vani nổi tiếng với đặc tính chữa bệnh của nó, và nhiều nhà trị liệu hương thơm đã tuyên bố rằng nguyên nhân là vì dầu vani có mùi hương gần giống nhất với sữa mẹ. Vani đem lại sự yên tĩnh và kích thích sự minh mẫn của tinh thần.
  5. Sử dụng tinh dầu cỏ xạ hương để ngừng ngáy ngủ. Tinh dầu cỏ xạ hương là giải pháp hàng đầu cho chứng ngáy ngủ. Để sử dụng loại tinh dầu này như là bài thuốc chữa ngáy ngủ, bạn có thể pha loãng tinh dầu theo tỷ lệ dùng để sử dụng tập trung tại một khu vực (3 - 5 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà dầu nền). Chà xát dầu vào gan bàn chân trước khi đi ngủ.[13][14] Các loại dầu khác cũng có thể được dùng để thay thế bao gồm gỗ tuyết tùng và cây kinh giới.
  6. Xua đuổi côn trùng với tinh dầu bạch đàn chanh. Nhiều loại thuốc xua côn trùng bày bán tại các cửa hàng thường chứa khá nhiều hóa chất tổng hợp mạnh, và thường sẽ có mùi khó chịu và gây kích ứng cho da của bạn. Hỗn hợp tinh dầu bạch đàn chanh pha loãng là loại dung dịch thay thế tuyệt vời (và thơm hơn) để xua đuổi côn trùng.[15] Bạn có thể hoà tinh dầu với dầu nền và bôi trực tiếp lên da, hoặc bạn có thể cho tinh dầu vào máy khuếch tán hoặc máy đốt tinh dầu cạnh cửa sổ.
    • Để tự tay chế tạo thuốc xua côn trùng, bạn có thể trộn 2 thìa súp (khoảng 30 ml) dầu nền, 2 thìa súp dầu cây phỉ, và khoảng 50 giọt dầu bạch đàn chanh, 10 giọt dầu oải hương, 10 giọt dầu gỗ tuyết tùng, và 10 giọt dầu hương thảo. Trộn tất cả các nguyên liệu trong một lọ xịt nhỏ và lắc đều trước khi sử dụng. [16]
  7. Sử dụng tinh dầu để xoa dịu chứng đau tai. Một vài loại tinh dầu khi bôi ngoài da có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng tai và xoa dịu bất kỳ một cơn đau nào liên quan đến chúng. Bạn không nên thoa tinh dầu vào trong tai mà bạn chỉ nên bôi dọc theo cổ và sau tai bị viêm nhiễm.
    • Tinh dầu cây trà là một trong những loại dầu tốt nhất để xoa dịu cơn đau tai. Pha loãng tinh dầu theo tỷ lệ dùng để sử dụng tập trung vào một khu vực (3 - 5 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà dầu nền) và mát-xa phía sau tai và trên cổ. [6]
  8. Xoa dịu cơn choáng váng với tinh dầu bạc hà. Tinh dầu có thể giúp bạn giảm triệu chứng chóng mặt. Bạc hà cũng thường được xem là loại tinh dầu hiệu quả nhất trong việc điều trị tình trạng choáng váng. Nó thường được sử dụng rộng rãi để chữa trị nôn mửa và choáng đầu vì nó có chứa menthol, menthyl esters, và menthone - là những thành phần chịu trách nhiệm trong việc đem lại hiệu quả làm mát và tiếp thêm sinh lực cho bạn. Khi cơn chóng mặt xuất hiện, cho một vài giọt dầu bạc hà vào bông gòn hoặc khăn tay để ngửi mùi của nó.[17] Các loại dầu khác cũng giúp giảm cơn choáng đầu bao gồm:
    • Cây bách
    • Húng quế
    • Cây xô thơm
    • Cây sim
    • Oải hương
    • Gừng
    • Hoa hồng
    • Hương thảo
    • Quýt
  9. Sử dụng tinh dầu để xoa dịu tình trạng cháy nắng. Một vài loại tinh dầu có thể được dùng để điều trị cháy nắng trong hàng nghìn năm vì đặc tính kháng viêm và giảm đau của chúng. Loại tinh dầu tốt nhất để xoa dịu tình trạng cháy nắng bao gồm dầu oải hương, dầu helichrysum (thuộc họ cúc), dầu hoa hồng và dầu Australian Blue (sự pha trộn giữa nhiều loại tinh dầu khác nhau). Cách hiệu quả nhất để bôi tinh dầu đó là hòa chúng với một ít gel lô hội (1 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà gel lô hội) và thoa trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng.[18]
    • Bạn cũng có thể tự chế tạo hỗn hợp dạng xịt để đối phó với tình trạng cháy nắng bằng cách hòa trộn:
      • 230 ml + 1 thìa súp Nước Lô hội
      • 60 ml dầu dừa
      • 1 thìa uống trà vitamin E
      • 8 giọt tinh dầu oải hương
      • 8 giọt tinh dầu cây trà
      • 8 giọt tinh dầu hoa cúc La Mã
    • Trộn tất cả nguyên liệu trong một lọ xịt bằng thủy tinh và lắc đều.
  10. Điều trị vết thương nhỏ bằng tinh dầu. Tinh dầu oải hương, dầu cây trà, khuynh diệp, bạc hà, cây trà, và nhiều loại tinh dầu khác có thể được sử dụng để chữa trị vết thương nhỏ chẳng hạn như vết cắt, vết phỏng hoặc vết côn trùng cắn nhờ đặc tính kháng sinh của chúng. Để sử dụng tinh dầu cho việc điều trị vết thương nhỏ, trước hết, bạn cần phải rửa sạch vết thương. Bạn cần phải chắc chắn rằng vết thương không chảy máu. Sau đó, bôi một lượng nhỏ khoảng 2 - 3% tinh dầu đã được pha loãng (2 - 3 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà dầu nền).[19]
    • Bôi dầu trên da từ 2 - 5 lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành hẳn. Sau khi bôi, bạn có thể chườm lạnh lên vết thương để giảm thiểu tình trạng chảy máu và sưng tấy và để tinh dầu có thể thẩm thấu vào da.
  11. Sử dụng tinh dầu bạc hà để xoa dịu triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Có lẽ bạn đã từng nghe rằng trà bạc hà có thể giúp giảm thiểu triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tương tự, tinh dầu bạc hà cũng có thể được sử dụng để làm giảm sự buồn nôn và các vấn đề về tiêu hóa. Bạn chỉ cần pha loãng tinh dầu theo tỷ lệ để sử dụng cho khu vực rộng (3 - 5 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà dầu nền) và chà xát hỗn hợp lên bụng để giảm đau bụng.[20]
    • Các loại tinh dầu khác cũng có thể được dùng để điều trị vấn đề tương tự bao gồm gừng, hạt nhục đậu khấu và bạc hà lục.
    • Chườm ấm lên bụng sau khi bôi tinh dầu cũng có thể giúp xoa dịu cơn đau và tình trạng khó chịu.
    • Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng ăn/uống dầu bạc hà lục có thể đem lại hiệu quả trong việc điều trị Hội chứng Ruột Kích thích (Irritable Bowel Syndrome).[21]
  12. Giảm nghẹt mũi với dầu khuynh diệp. Dầu khuynh diệp có thể được sử dụng để xoa dịu triệu chứng nghẹt mũi. Nó làm thông thoáng xoang mũi và làm mát hốc mũi. Khá nhiều người thường sử dụng dầu khuynh diệp để đối phó với tình trạng nghẹt mũi liên quan đến cảm lạnh và dị ứng.[22]
    • Để sử dụng dầu khuynh diệp như là thuốc thông mũi dùng ngoài da, bạn có thể hòa dầu khuynh diệp với dầu nền (3 - 5 giọt tinh dầu cho mỗi thìa uống trà dầu nền). Bôi một lượng nhỏ hỗn hợp dưới mũi và bạn cũng nên chà xát hỗn hợp trên ngực.
    • Nếu bạn đang gặp khó khăn với tình trạng nghẹt mũi nghiêm trọng, bạn có thể cho một vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào máy tạo độ ẩm hoặc máy khuếch tán tinh dầu thơm.

Sử dụng Tinh dầu để Tạo Sự tươi mát cho Ngôi nhà của Bạn[sửa]

  1. Cho một vài giọt tinh dầu vào máy khuếch tán để tạo hương thơm cho ngôi nhà của bạn. Cho một vài thìa uống trà nước vào chiếc bát phía trên máy khuếch tán. Đốt ngọn nến bên dưới máy và cho một vài giọt tinh dầu mà bạn chọn vào nước. Hương thơm của tinh dầu sẽ nhẹ nhàng lan tỏa quanh căn phòng của bạn.
    • Bạn cũng có thể sử dụng que khuếch tán tinh dầu để phát tán hương thơm vào không khí.[23]
  2. Cho một chút tinh dầu vào sáp nến. Đốt nến và chờ trong một vài phút để một lượng sáp có thể tan chảy. Thổi tắt nến và cho một vài giọt tinh dầu vào phần sáp tan chảy trước khi đốt nến lên. Hãy cẩn thận tránh làm rơi tinh dầu trên bấc nến vì tinh dầu rất dễ cháy.
  3. Nhỏ một vài giọt tinh dầu vào nước nóng. Nếu bạn không có sẵn máy khuếch tán tinh dầu hoặc nến, bạn chỉ cần cho nước sôi vào một chiếc bát hoặc một chiếc đĩa nhỏ và sau đó thêm vào một vài giọt tinh dầu. Hơi nước sẽ lan tỏa hương thơm của tinh dầu quanh nhà của bạn. Bạn nên nhớ cất bát nước xa khỏi tầm với của trẻ em và thú nuôi.
  4. Sử dụng tinh dầu để tạo sản phẩm xịt phòng. Cho khoảng 60 ml nước cất và 60 ml rượu vodka hoặc nước cây phỉ vào một lọ xịt nhỏ. Sau đó, thêm 30 - 40 giọt tinh dầu mà bạn yêu thích (hoặc hòa trộn một vài loại tinh dầu với nhau) và lắc đều. Xịt dung dịch này vào không khí, trên đồ dùng trong nhà và vào các loại khăn trải, nhưng bạn nên nhớ tránh xa bề mặt đã được đánh bóng.[24]
  5. Xịt tinh dầu lên gối tựa lưng và gối đầu. Xịt một vài giọt tinh dầu vào gối tựa lưng trong phòng khách và gối đầu của bạn. Bạn sẽ có thể tận hưởng hương thơm của tinh dầu mỗi khi bạn ngồi hoặc nằm xuống. Nếu bạn lo lắng về việc tinh dầu có thể làm hỏng vải, bạn có thể thấm tinh dầu vào bông gòn và nhét bông gòn trong bao gối.
  6. Tạo sản phẩm làm sạch dạng xịt từ tinh dầu. Vì tinh dầu có đặc tính kháng khuẩn, bạn có thể dùng chúng để tạo nên sản phẩm làm sạch đa dụng dạng xịt. Bạn có thể sử dụng nó để làm sạch bề mặt không xốp chẳng hạn như gạch, kính, và nhựa. Trộn đều những nguyên liệu sau vào lọ xịt và lắc đều.[25]
    • 100 ml giấm trắng hoặc nước cây phỉ
    • 100 ml nước lọc
    • 15 - 20 giọt tinh dầu mà bạn thích (cây trà, oải hương, chanh, và bạc hà lục là lựa chọn khá tốt)
    • một vài giọt nước rửa bát (không bắt buộc)
  7. Tự làm giấy thơm bằng tinh dầu. Cắt một chiếc áo phông cũ thành nhiều mảnh vải hình vuông rộng khoảng 2,5 cm. Mỗi khi bạn sấy khô quần áo, bạn có thể cho thêm một vài giọt tinh dầu mà bạn yêu thích vào mảnh vải này và ném vào máy sấy kèm theo một vài bộ quần áo ướt. Sau đó khởi động máy sấy như thông thường. Giặt sạch mảnh vải sau một vài lần sử dụng.[26]
  8. Tìm thêm nhiều phương pháp khác để tạo sự tươi mát cho ngôi nhà của bạn với tinh dầu. Có khá nhiều cách để khiến cho căn nhà của bạn luôn thơm tho bằng tinh dầu. Sau đây là một vài biện pháp mà bạn có thể thực hiện:
    • Thêm tinh dầu vào nhang hoặc vào bó cây khô. Cho 3 giọt tinh dầu vào nhang và bó cây khô. Sau đó, đốt nhang như bình thường.
    • Cho tinh dầu vào sản phẩm không mùi. Thêm một vài giọt tinh dầu vào sữa dưỡng, xà phòng và sữa tắm tạo bọt không mùi để tận hưởng hương thơm của tinh dầu mà bạn yêu thích mỗi ngày.
    • Cho một vài giọt tinh dầu vào túi chứa bụi của máy hút bụi trước khi sử dụng. Khi bạn hút bụi trong nhà, tinh dầu sẽ phát tán thông qua cửa hút và khiến cho ngôi nhà của bạn có mùi thơm tho như tinh dầu.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách sử dụng tinh dầu và phương pháp trị liệu bằng tinh dầu, bạn có thể xem xét đăng ký tham gia khóa học về chủ đề này. Trường Đào tạo Dạy nghề Thẫm mỹ Thanh Ngọc có cung cấp lớp học liệu pháp hương thơm chất lượng.

Cảnh báo[sửa]

  • Hãy nhớ cẩn thận khi sử dụng máy khuếch tán, nến, diêm và bật lửa.
  • Bạn nên biết rằng nhiều loại tinh dầu không thể được sử dụng qua đường miệng vì chúng có thể trở thành chất độc gây tử vong nếu bạn uống/ăn nhưng hoàn toàn vô hại khi bôi ngoài da.
  • Cẩn thận khi tiếp xúc với tinh dầu, vì chúng rất dễ cháy và có thể gây hư tổn cho da.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn tham khảo lời khuyên của người bào chế thuốc hoặc chuyên gia trị liệu hương thơm đã được công nhận trước khi sử dụng tinh dầu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/aromatherapy/how-do-i-determine-quality-essential-oils
  2. https://www.auracacia.com/auracacia/aclearn/art_chemotypes.html
  3. http://www.webmd.com/balance/stress-management/tc/aromatherapy-essential-oils-therapy-topic-overview
  4. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/aromatherapy/how-do-i-choose-and-use-essential-oils
  5. http://www.aromaweb.com/articles/dilutingessentialoils.asp
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-113-tea%20tree%20oil.aspx?activeingredientid=113&activeingredientname=tea%20tree%20oil
  7. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/peppermint-oil-uses-benefits-effects
  8. http://www.webmd.com/migraines-headaches/nontraditional-headache-treatments?page=3#3
  9. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-838-lavender.aspx?activeingredientid=838&activeingredientname=lavender
  10. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-752-roman%20chamomile.aspx?activeingredientid=752&activeingredientname=roman%20chamomile
  11. https://www.organicfacts.net/health-benefits/essential-oils/health-benefits-of-clary-sage-essential-oil.html
  12. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/explore-healing-practices/aromatherapy/how-do-essential-oils-work
  13. http://www.rapidhomeremedies.com/remedies-for-snoring.html
  14. http://www.family-essential-oils.com/essential-oil-use-chart.html
  15. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/alternative-mosquito-repellents
  16. http://www.diynatural.com/homemade-insect-mosquito-repellent/
  17. http://www.family-essential-oils.com/dizzy-spells.html
  18. http://www.rapidhomeremedies.com/remedies-for-sunburn.html
  19. http://www.experience-essential-oils.com/natural-wound-healing.html
  20. http://www.mindbodygreen.com/0-8108/13-common-ailments-you-can-treat-with-peppermint-oil.html
  21. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-705-peppermint.aspx?activeingredientid=705&activeingredientname=peppermint
  22. http://www.webmd.com/vitamins-supplements/ingredientmono-700-eucalyptus.aspx?activeingredientid=700&activeingredientname=eucalyptus
  23. http://www.aromaweb.com/recipes/aromatherapy-essential-oils-reed-diffuser-recipes.asp
  24. http://www.aromaweb.com/recipes/rafresh.asp
  25. http://handmademood.com/a-refreshing-kitchen-cleaner-using-essential-oils/
  26. http://www.diynatural.com/homemade-fabric-softener-dryer-sheets/

Liên kết đến đây