Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là thuật ngữ chung dùng để mô tả các bệnh về phổi tiến triển như viêm phế quản mãn tính và khí phế thủng. Bệnh phổi tiến triển là loại bệnh sẽ trở nặng theo thời gian. Theo thống kê, năm 2012, trên thế giới có hơn 3 triệu người chết do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, chiếm 6% trường hợp tử vong trên toàn cầu.[1] Hiện nay, ước tính bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ảnh hưởng đến 24 triệu người Mỹ, một nửa trong số đó có triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà không biết. [2] Làm theo những bước đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và cách chẩn đoán.

Các bước[sửa]

Nhận biết triệu chứng[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ. Cách tốt nhất để chống lại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (PTNMT) là đi khám bác sĩ trước khi triệu chứng xuất hiện. Lý do là vì triệu chứng bệnh thường không xuất hiện cho đến khi phổi bị tổn thương đáng kể.[2] Hành động đúng đắn nhất đó là tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn là người hút thuốc trong thời gian dài hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao.
    • Triệu chứng bệnh PTNMT thường ít được phát hiện do chúng bắt đầu dần dần và tiến triển theo thời gian. Người bệnh cũng thường có xu hướng thay đổi lối sống, ví dụ như ít hoạt động hơn, để hạn chế và che giấu triệu chứng thở gấp, thay vì tiếp nhận chẩn đoán.
    • Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng như ho mãn tính, thở gấp hoặc thở khò khè.[3]
  2. Cẩn thận với triệu chứng ho quá nhiều. Một khi đã xác định bản thân nằm trong nhóm nguy cơ cao, bạn có thể bắt đầu quan sát triệu chứng. Triệu chứng thường bắt đầu ở mức độ nhẹ nhưng sẽ tăng mức độ nghiêm trọng khi bệnh tiến triển. Bạn nên cẩn thận nếu có triệu chứng ho quá nhiều, triệu chứng này thường trở nặng vào buổi sáng và kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Bạn cũng có thể ho ra một lượng nhỏ dịch nhầy vàng hoặc trong vì bệnh PTNMT dẫn đến tình trạng tăng sản sinh dịch nhầy.
    • Hút thuốc lá làm tê liệt các lông mao (các lông nhỏ) trong đường hô hấp. Tình trạng này làm giảm lượng dịch nhầy được làm sạch từ phổi và gây ho nhiều (ho giống như cơ chế giúp giảm lượng dịch nhầy tăng lên). Dịch nhầy dính đặc cũng khó được làm sạch hơn.[3]
  3. Theo dõi tình trạng thở gấp. Một triệu chứng chính của bệnh PTNMT là thở gấp, đặc biệt là khi hoạt động thể chất. Thở gấp hay khó thở có thể là triệu chứng thấy rõ nhất của bệnh PTNMT vì triệu chứng này hiếm hơn, trong khi triệu chứng ho có thể là do nhiều nguyên nhân khác. Thở gấp giống như tình trạng thiếu không khí, hay thở hổn hển, và sẽ trở nặng khi bệnh tiến triển.
    • Bạn cũng có thể thấy khó thở khi nghỉ ngơi hay khi không hoạt động quá nhiều. Trong trường hợp đó, có thể bạn sẽ cần phải thở oxi khi bệnh tiến triển.[3]
  4. Lắng nghe tiếng thở khò khè. Thở khò khè là một trong những triệu chứng của bệnh PTNMT. Thở khò khè tức là âm thanh giống như tiếng huýt ở tông cao khi thở. Triệu chứng xuất hiện ở một số người bệnh PTNMT, đặc biệt là khi hoạt động gắng sức hoặc khi triệu chứng trở nặng. Tiếng thở bất thường thường được nghe thấy rõ nhất khi thở ra.
    • Co thắt phế quản hay tình trạng giảm đường kính của đường hô hấp hoặc dịch nhầy gây tắc đường hô hấp sẽ tạo ra tiếng phổi đặc trưng này.[3]
  5. Cảm nhận những thay đổi vùng ngực. Khi bệnh PTNMT tiến triển, bạn sẽ cảm thấy ngực phình to (ngực thùng), đặc biệt sẽ rõ nhất khi kiểm tra trực quan vùng ngực. Ngực phình to do phổi phình ra khiến xương sườn mở rộng để có thể chứa được lượng không khí dư thừa, từ đó khiến ngực có hình dáng giống chiếc thùng.
    • Bạn cũng có thể gặp triệu chứng đau thắt ngực, bao gồm bất kỳ cơn đau hay tình trạng khó chịu nào ở vị trí giữa bụng trên với phần dưới cổ. Mặc dù có thể là dấu hiệu của nhiều rối loạn nhưng đau thắt ngực đi kèm với ho và thở khò khè chính là dấu hiệu của bệnh PTNMT.[3]
  6. Nhận biết sự thay đổi về thể chất. Khi bệnh PTNMT tiến triển, bạn có thể cảm nhận thấy một vài sự thay đổi về thể chất. Vùng môi và giường móng có thể tím tái do lượng oxi trong máu thấp (giảm oxi huyết). Giảm oxi huyết có thể là hậu quả của bệnh PTNMT và bạn có thể sẽ cần phải thở oxi.
    • Người bệnh cũng có thể sụt cân không chủ ý và thường là trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Khi bệnh PTNMT tiến triển, người bệnh sẽ cần một lượng năng lượng nhiều hơn nữa để thở. Bệnh PTNMT lấy đi phần calo thiết yếu của cơ thể mà đáng lẽ được dùng để duy trì sức khỏe. [3]
    • Người mắc bệnh PTNMT trong thời gian dài có thể có triệu chứng sưng bàn chân, cẳng chân hoặc sưng tĩnh mạch ở cổ.

Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (PTNMT)[sửa]

  1. Tiếp nhận xét nghiệm chức năng phổi. Trong buổi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ bắt đầu với xét nghiệm chức năng phổi. Đo phế dung (xét nghiệm chức năng phổi phổ biến nhất) là xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn dùng để đo lượng không khí mà phổi có thể giữ và tốc độ thở ra của phổi. Xét nghiệm đo phế dung giúp phát hiện bệnh PTNMT trước khi triệu chứng phát triển, có thể dùng để theo dõi quá trình phát triển của bệnh và theo dõi tính hiệu quả của phương pháp điều trị.[4]
    • Xét nghiệm đo phế dung có thể dùng để xác định giai đoạn hay đánh giá mức độ của bệnh PTNMT. Giai đoạn 1 là bệnh ở mức độ nhẹ, tức Thể tích Thở ra Tối đa trong giây đầu tiên (FEV1) >80% con số dự đoán. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể không nhận thấy sự bất thường của chức năng phổi.
    • Giai đoạn 2 là bệnh ở mức độ vừa, tức chỉ số FEV1 ở mức 50-79%. Đây là giai đoạn mà hầu hết người bệnh sẽ tìm đến sự trợ giúp y tế khi nhận thấy triệu chứng.
    • Giai đoạn 3 là bệnh ở mức độ nghiêm trọng, tức chỉ số FEV1 ở mức 30-49%. Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối cùng) là bệnh PTNMT ở mức độ rất nghiêm trọng, có chỉ số FEV1 <30%. Ở giai đoạn này, chất lượng cuộc sống của người bệnh sụt giảm và triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng.
    • Hệ thống theo giai đoạn này có giá trị giới hạn trong việc dự đoán tử vong do bệnh PTNMT.[3]
    • Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu đờm, đo độ bão hòa oxi, xét nghiệm tim hay xét nghiệm chức năng phổi khi đi bộ.
  2. Tiếp nhận chụp X-quang vùng ngực (CXR). Bác sĩ cũng có thể tiến hành chụp X-quang ngực. Kết quả chụp X-quang ngực cho thấy những bất thường trong trường hợp bệnh PTNMT nghiêm trọng nhưng có thể không cho thấy những thay đổi ở 50% trường hợp bệnh ở mức độ vừa. Kết quả đặc trưng từ xét nghiệm chụp X-quang ngực gồm có tình trạng phình ra của phổi, tình trạng phẳng ra của vòm cơ hoành và sự giảm dần của mạch phổi khi chúng di chuyển đến vùng ngoại vi của phổi. [5]
    • Chụp X-quang phổi có thể giúp xác định tình trạng khí thủng và dùng để loại trừ các vấn đề khác ở phổi cũng như suy tim.[4]
  3. Tiếp nhận xét nghiệm chụp cắt lớp (CT). Chụp CT ngực là một phương pháp khác giúp chẩn đoán bệnh PTNMT. Chụp CT có thể hữu ích trong việc phát hiện tình trạng khí thủng và xác định xem phương pháp phẫu thuật có phù hợp với bạn hay không. Bác sĩ cũng có thể chụp CT để sàng lọc ung thư phổi (mặc dù chưa được thống nhất áp dụng trong y học).[4]
    • Phương pháp chụp CT ngực không nên dùng thường xuyên để chẩn đoán bệnh PTNMT, chỉ nên dùng khi các phương pháp khác không hiệu quả.[5]
  4. Phân tích nồng độ khí máu động mạch (ABG). Bác sĩ có thể sẽ phân tích nồng độ ABG. Đây là xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ oxi trong máu bằng mẫu máu lấy từ động mạch. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh PTNMT và mức độ ảnh hưởng của bệnh trong trường hợp của bạn.
    • Phân tích ABG cũng có thể được dùng để xác định xem bạn có cần đến liệu pháp oxi hay không.[6]

Hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính[sửa]

  1. Tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (PTNMT). PTNMT bao gồm hai bệnh chính: viêm phế quản và khí phế thủng. Có một loại viêm phế quản trong thời gian ngắn, còn viêm phế quản mãn tính mới là một trong những bệnh chính gây ra tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính. Viêm phế quản mãn tính được xác định bởi cơn ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong một năm và kéo dài hai năm liên tiếp. Viêm phế quản mãn tính gây viêm và tăng sản sinh dịch nhầy trong ống phế quản hay đường dẫn khí mang không khí đến phổi. Quá trình này có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến khó thở. [7]
    • Khí phế thủng (một căn bệnh khác thuộc thuật ngữ phổi tắc nghẽn mãn tính) được xác định bởi tình trạng phình ra của phế nang hay các túi khí trong phổi và tình trạng phá hủy của thành túi khí. Cuối cùng, bệnh sẽ dẫn đến sự giảm trao đổi khí trong phổi, khiến người bệnh khó thở.[6]
  2. Hiểu rõ nguyên nhân. Bệnh PTNMT là do tiếp xúc trong thời gian dài với yếu tố kích thích gây tổn thương phổi. Đến nay, khói thuốc lá được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh PTNMT. Hít phải khói thuốc và ô nhiễm không khí cũng góp phần gây bệnh PTNMT.
    • Người hút xì gà, ống điếu và cần sa cũng có nguy cơ cao mắc bệnh PTNMT.
    • Hút thuốc lá gián tiếp nghĩa là hít phải khói thuốc trong không khí do người hút thuốc nhả ra.[4]
    • Người bị hen suyễn, đặc biệt là nếu hút thuốc, có nguy cơ cao bị bệnh PTNMT.
    • Có nhiều bệnh lý hiếm khác, đặc biệt là các rối loạn mô liên kết, liên quan đến bệnh PTNMT. Các bệnh lý này bao gồm tình trạng thiếu hụt alpha-1-antitrypsin (rối loạn gen dẫn đến nồng độ một loại protein cụ thể bảo vệ phổi hạ thấp) và nhiều rối loạn khác như hội chứng Marfan và hội chứng Ehlers-Danlos.[4]
  3. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ từ môi trường. Người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc quá nhiều với bụi bẩn và hóa chất, khí ga sẽ có nguy cơ cao bị bệnh PTNMT. Tiếp xúc trong thời gian dài với những chất độc hại này ở nơi làm việc có thể kích ứng và gây viêm phổi. Bụi từ gỗ, cotton, than đá, amiăng, silica, bột Talc, hạt ngũ cốc, cà phê, thuốc trừ sâu, thuốc hoặc bột enzym, kim loại, sợi thủy tinh có thể gây tổn thương phổi và tăng nguy cơ mắc bệnh PTNMT.
    • Khói từ kim loại và các chất khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh PTNMT. Những công việc khiến bạn phải tiếp xúc nhiều với chất độc hại gồm có thợ hàn, thợ luyện kim, làm việc trong lò, làm gốm, sản xuất nhựa và sản xuất/xử lý cao su.
    • Tiếp xúc với các chất khí như formaldehyde, ammoniac, clo, lưu huỳnh dioxit, O3 và nitơ oxit cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh PTNMT.[8]

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu cơn ho không thuyên giảm hoặc thường xuyên tái phát, thở gấp, đau hoặc tức ngực hoặc thở khò khè.
  • Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh PTNMT. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về cách bỏ thuốc lá.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]