Chữa trị chứng thở quá nhanh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chứng tăng thông khí (thở quá nhanh) là tình trạng thở hổn hển, hít vào thở ra rất nhanh và nông. Nói chung, cơn hoảng sợ hoặc lo âu thường dẫn đến hiện tượng tăng thông khí. Tuy nhiên có những bệnh lý nghiêm trọng tiềm tàng cũng khiến người ta thở quá nhanh. Chứng tăng thông khí có thể gây ra các tác động xấu lên cơ thể, làm tăng cảm giác hoảng sợ và lo âu, từ đó khiến bạn càng thở nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn có thể lấy lại nhịp thở bình thường bằng cách tìm hiểu thêm về các nguyên nhân và triệu chứng để xử lý tình trạng này.

Các bước[sửa]

Hiểu về chứng tăng thông khí[sửa]

  1. Phát hiện các triệu chứng. Đôi khi người ta không biết rằng mình đang thở quá nhanh ngay cả trong lúc đang trải qua cơn tăng thông khí. Hầu hết các trường hợp tăng thông khí thường là do sợ hãi, lo lắng hoặc hoảng loạn, vì vậy có thể khó để nhận ra các triệu chứng. Bạn cần chú ý đến các triệu chứng trong những tình trạng như vậy để biết liệu chúng có biểu hiện chứng tăng thông khí không.[1]
    • Hơi thở nhanh hoặc tăng nhịp thở.
    • Cảm giác mơ hồ lẫn lộn, chóng mặt và đầu váng vất có thể xảy ra trong khi thở quá nhanh.
    • Hiện tượng yếu, tê hoặc cảm giác như kim châm ở hai cánh tay hoặc miệng, đồng thời hiện tượng chuột rút ở bàn tay và bàn chân cũng có thể xảy ra trong cơn tăng thông khí.
    • Có thể nhận ra hiện tượng tim đập nhanh và đau ngực trong cơn thở nhanh.
  2. Hiểu các nguyên nhân gây chứng thở quá nhanh. Hoảng sợ và lo âu là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tăng nhịp thở. Hiện tượng thở quá nhanh thường do mức carbon dioxide trong cơ thể thấp một cách bất thường. Sự thay đổi mức carbon dioxide gây ra các triệu chứng điển hình đi kèm với chứng tăng thông khí.[2]
    • Hiện tượng tăng thông khí cũng có thể xảy ra do cố ý thở nhanh.
    • Một số vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng, mất máu, rối loạn tim và phổi có thể gây ra chứng tăng thông khí.
  3. Đến bác sĩ để tìm hiểu thêm. Để chẩn đoán chính xác và an toàn, bạn cần phải tham khảo bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra các nguyên nhân, tác nhân kích thích và phác đồ điều trị tốt nhất cho trường hợp cụ thể của bạn.[3]
    • Nếu chứng thở quá nhanh ở bạn xuất phát từ cơn hoảng sợ hoặc lo âu, bác sĩ có thể giúp bạn xử lý trực tiếp các vấn đề đó.
    • Chứng thở quá nhanh có thể biểu thị một bệnh lý khác mà bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị.

Sử dụng túi giấy[sửa]

  1. Tìm một túi giấy. Thở trong túi giấy có thể là một phương pháp hữu ích để kiểm soát các triệu chứng khi xảy ra cơn tăng thông khí. Bằng cách thở trong túi giấy, bạn có thể sử dụng lại khí carbon-dioxide mà bình thường bị mất đi khi thở ra, giúp duy trì mức carbon-dioxide thích hợp trong cơ thể và tránh các triệu chứng tăng thông khí.[4]
    • Không dùng túi ni lông do nguy cơ gây nghẹn.
    • Túi giấy phải sạch và không có các mảnh nhỏ bên trong để tránh trường hợp vô tình hít phải.
    • Đảm bảo rằng bác sĩ cho phép bạn dùng phương pháp này, vì điều này có thể nguy hiểm nếu chứng thở nhanh là do chấn thương hoặc bệnh lý gây ra.
  2. Trùm túi giấy qua miệng và mũi. Phương pháp thở trong túi giấy khi lên cơn thở nhanh chỉ được thực hiện đúng khi bạn chụp túi giấy sao cho kín toàn bộ miệng và mũi. Điều này đảm bảo khí carbon-dioxide được giữ lại trong túi giấy để bạn có thể hít lại và giảm một số tác động của chứng tăng thông khí.[4]
    • Dùng một tay giữ miệng túi giấy.
    • Bóp nhẹ túi giấy sao cho miệng túi vừa với miệng và mũi của bạn.
    • Chụp túi giấy trùm lên toàn bộ miệng và mũi.
  3. Hít vào và thở ra trong túi giấy. Khi đã chụp túi giấy vào miệng và mũi, bạn có thể bắt đầu thở ra hít vào trong túi giấy. Cố gắng hết sức giữ bình tĩnh, thở sâu và tự nhiên khi đang lên cơn tăng thông khí.[4]
    • Không hít thở quá 6-12 hơi trong túi giấy.
    • Cố gắng thở chậm và tự nhiên hết sức có thể.
    • Sau khi hít thở 6-12 hơi, bỏ túi giấy ra và thở bên ngoài.

Rèn luyện lại cách thở[sửa]

  1. Nằm ngửa và thư giãn. Để bắt đầu thực hành và rèn luyện lại cách thở, bạn cần nẳm ngửa thoải mái và thả lỏng cơ thể. Việc thư giãn toàn bộ cơ thể sẽ giúp bạn tập trung hoàn toàn vào hơi thở và thu được lợi ích tối đa khi tập thở.[5]
    • Cởi bỏ trang phục hay phụ kiện gò bó như thắt lưng hoặc cà vạt.
    • Bạn có thể đặt gối dưới lưng hoặc khoeo chân để dễ chịu hơn.
  2. Đặt một vật lên bụng. Hơi thở của bạn trong cơn tăng thông khí thường nông, nhanh và xuất phát từ ngực. Bạn sẽ phải rèn luyện lại cách thở để có thể hít thở sâu hơn, nhịp nhàng hơn, đồng thời sử dụng bụng và cơ hoành. Vật đặt trên bụng sẽ giúp bạn tập trung vào phần bụng và tạo một kháng lực giúp làm chắc khỏe các cơ phụ trách quá trình thở bằng bụng.[5]
    • Bạn có thể đặt một vật nào đó như niên giám điện thoại lên bụng khi tập luyện.
    • Không đặt các vật quá nặng hoặc có hình dạng kỳ lạ. Những vật như vậy có thể khiến bạn bị thương hoặc khó giữ thăng bằng trên bụng.
  3. Dùng bụng để thở. Sau khi nằm thoải mái và đặt một vật thích hợp lên bụng, bạn có thể bắt đầu rèn luyện hơi thở. Mục tiêu ở đây là nâng lên và hạ xuống vật đặt trên bụng, sử dụng bụng như một quả bóng. Bạn cần nhớ những điều sau đây khi tập luyện cách thở mới:[5]
    • Thở bằng mũi. Nếu không thở bằng mũi được, bạn có thể chúm môi lại và thở qua miệng.
    • Hít thở thoải mái và theo nhịp.
    • Thở êm và cố gắng tránh ngắt quãng trong khi đang hít vào hoặc thở ra.
    • Bụng là phần duy nhất chuyển động trong khi bạn tập thở. Phần còn lại của cơ thể cần được giữ yên và thả lỏng.
  4. Tiếp tục thực hành. Bạn cần tập luyện đều đặn để thu được lợi ích tối đa của kỹ thuật thở mới. Qua việc thực hành thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng thở theo phương pháp này và có thể tránh thở quá nhanh trong những tình huống căng thẳng.[5]
    • Thực hành ít nhất 5-10 phút mỗi ngày.
    • Dần dần điều chỉnh nhịp thở chậm lại trong các buổi tập thở.
    • Bắt đầu tập thở theo cách này với tư thế ngồi hoặc khi bước đi.
    • Cuối cùng, bạn sẽ cần sử dụng phương pháp này trước hoặc trong khi cơn hoảng sợ xảy ra.

Điều trị chứng tăng thông khí do hoảng sợ[sửa]

  1. Cân nhắc dùng thuốc. Nếu chứng thở quá nhanh là do rối loạn hoảng sợ và lo âu gây ra, bác sĩ có thể kê thuốc để điều trị chứng lo âu. Các loại thuốc này có tác dụng giảm tác động của cơn hoảng sợ và lo âu, từ đó giúp giảm tình trạng thở quá nhanh. Tham khảo bác sĩ để biết thêm về các loại thuốc điều trị chứng hoảng sợ và lo âu.[6]
    • Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) thường được chỉ định để chống trầm cảm.
    • Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận là các loại thuốc có tác dụng chống trầm cảm.
    • Lưu ý rằng cần mất vài tuần mới thấy được hiệu quả của thuốc.
    • Benzodiazepines thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn do thuốc này có thể gây nghiện nếu dùng lâu ngày.
  2. Làm việc với chuyên gia tâm lý. Đôi khi chứng tăng thông khí liên quan đến rối loạn hoảng sợ và lo âu có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Chuyên gia tâm lý sẽ làm việc với bạn để phát hiện và đối phó với những vấn đề tâm lý tiềm ẩn, vốn có thể là nguyên nhân của các vấn đề liên quan đến cơn hoảng sợ hoặc lo âu khiến bạn thở quá nhanh.[6]
    • Phần lớn các chuyên gia tâm lý sẽ dùng liệu pháp nhận thức – hành vi để giúp bạn vượt qua các cảm giác thực thể do hoảng sợ hoặc lo âu gây ra.
    • Phải mất một thời gian mới thấy được tác dụng của các buổi trị liệu tâm lý. Bạn cần kiên trì với liệu trình trong nhiều tháng để đảm bảo các triệu chứng giảm bớt hoặc khỏi hoàn toàn.
  3. Nhanh chóng liên lạc với bác sĩ. Chứng tăng thông khí có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, và một số trường hợp cần liên lạc ngay với bác sĩ hoặc gọi dịch vụ cấp cứu. Bạn cần tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến chứng thở quá nhanh như sau:[1]
    • Lần đầu tiên trải qua tình trạng thở quá nhanh.
    • Thở nhanh kèm cảm giác đau.
    • Thở nhanh khi bị thương hoặc sốt.
    • Tình trạng thở nhanh trở nên nặng hơn.
    • Thở nhanh kèm các triệu chứng khác.

Giúp đỡ người lên cơn thở quá nhanh[sửa]

  1. Lưu ý các dấu hiệu của chứng tăng thông khí. Trước khi có thể giúp đỡ người đang lên cơn thở quá nhanh, bạn cần đánh giá tình trạng của người đó. Các dấu hiệu thường được biểu hiện rõ ràng; tuy nhiên bạn cần chắc chắn rằng họ thực sự đang lên cơn thở quá nhanh để giúp đúng cách.[2]
    • Chứng tăng thông khí thường có đặc điểm là thở rất nhanh, nông và thở từ ngực.
    • Người bệnh thường có vẻ đang hoảng sợ.
    • Người bệnh thường gặp khó khăn khi nói.
    • Có thể thấy các cơ bàn tay người bệnh co thắt.
  2. Trấn an bệnh nhân. Nếu thấy ai đó đang lên cơn thở nhanh, bạn có thể giúp họ yên lòng bằng cách nói rằng họ sẽ ổn. Nhiều khi chứng thở quá nhanh càng làm tăng cảm giác hoảng sợ khi bệnh nhân đang lên cơn hoảng sợ, và chu kỳ cứ thế tiếp diễn khiến các triệu chứng càng nặng thêm. Thái độ bình tĩnh khi trấn an sẽ giúp người bệnh bớt hoảng sợ và lấy lại nhịp thở bình thường.[1]
    • Nhắc rằng họ đang trong cơn hoảng sợ và điều này không nguy hiểm đến tính mạng như cơn đau tim.
    • Giữ giọng bình tĩnh, nhẹ nhàng và thư thái.
    • Nói rằng bạn đang ở bên cạnh họ và sẽ không bỏ họ một mình.
  3. Giúp họ tăng mức carbon-dioxide. Trong cơn tăng thông khí, mức carbon-dioxide trong cơ thể hạ thấp và có thể gây ra các triệu chứng điển hình gắn liền với chứng thở quá nhanh. Để khôi phục lại mức carbon-dioxide , bạn cần hướng dẫn người đó thở bằng phương pháp sau:[1]
    • Chúm môi lại, thở ra và hít vào qua khe hở môi.
    • Thử ngậm miệng và bịt một bên lỗ mũi, sau đó thở ra và hít vào bằng lỗ mũi còn lại.
    • Nếu người đó có vẻ khổ sở, tái xanh hoặc kêu đau, bạn cần gọi dịch vụ cấp cứu để họ được chẩn đoán ở phòng cấp cứu.

Lời khuyên[sửa]

  • Tập thở bằng bụng thay vì thở nông ở ngực.
  • Người ta cho rằng dùng túi giấy để thu hồi lượng carbon-dioxide có thể giúp giảm tác động của chứng thở quá nhanh.
  • Tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin về chứng tăng thông khí.
  • Bình tĩnh trấn an người đang trong tình trạng tăng thông khí.

Cảnh báo[sửa]

  • Việc thở sâu và chậm có thể gây hại nếu chứng thở quá nhanh là do nhiễm toan chuyển hóa (metabolic acidosis), một bệnh lý chỉ bác sĩ mới có khả năng chẩn đoán.
  • Luôn luôn tham khảo bác sĩ để biết các phương pháp trên có thích hợp với bạn hay không.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]