Chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thi tuyển là bước bắt buộc trong hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Các cấp học đều sử dụng những kỳ thi tuyển để xác định những thí sinh đạt chuẩn để vào một khóa học, trường phổ thông, cao đẳng hoặc đại học. Các học sinh thường chịu nhiều áp lực phải thi tốt trong những kỳ thi đầu vào. Sau đây là các bước mà bạn có thể áp dụng để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cho các kỳ thi như vậy.

Các bước[sửa]

Lên lịch học[sửa]

  1. Đánh dấu trên lịch ngày thi tuyển ngay khi bạn đăng ký dự thi. Có lẽ bạn biết trước khá lâu về việc tham dự kỳ thi đầu vào và bạn có thể đăng ký sớm. Ngay khi đăng ký dự thi, bạn hãy đánh dấu trên lịch để tính thời gian chuẩn bị.
  2. Xác định thời gian dành cho việc học tập và chuẩn bị. Tùy vào thời gian từ lúc đăng ký cho đến ngày thi, bạn hãy xác định lượng thời gian mà bạn dành riêng để chuẩn bị cho kỳ thi. Đa số các học sinh thường dành từ 1-3 tháng cho việc này.
    • Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi là tùy vào hoàn cảnh mỗi người. Cân nhắc lịch của bạn từ đây đến kỳ thi: Bạn có kỳ nghỉ lễ nào không? Gia đình bạn có dự định đi chơi xa không? Lịch học ở trường bạn ra sao? Bạn nên chọn thời gian học sao cho phù hợp với lịch trình của mình. Nói chung, với một lịch trình bận rộn, tốt nhất là bạn nên dành cho mình nhiều thời gian hơn để bù lại những ngày bận đến mức không có thời gian học.
  3. Lên lịch trình hoặc thời gian biểu cho các tháng hay tuần từ lúc đó cho đến ngày thi. Đánh dấu trên lịch tất cả các ngày bạn định học và cả các ngày định nghỉ ngơi.
    • Đánh dấu tất cả các ngày đã có kế hoạch khác, ví dụ như ngày có công việc, sự kiện thể thao, chuyến đi hoặc một sự kiện xã hội để bạn có thể tính toán khi lên kế hoạch học tập cho ngày đó.
  4. Ghi chú những ngày mà bạn muốn nghỉ xả hơi. Có lẽ bạn quyết định dành ra mỗi tuần một ngày không phải học, ít nhất là cho đến các tuần sát với kỳ thi. Đánh dấu các ngày này bằng cách ghi lên lịch “ngày nghỉ”.[1]
  5. Quyết định thời gian dành cho việc học bài mỗi ngày. Kỳ thi đầu vào là rất quan trọng, và chắc hẳn bạn muốn dành nhiều thời gian để học. Tuy nhiên, bạn vẫn còn các bổn phận và các sự kiện khác trong cuộc sống, do đó bạn nên xác định thời gian thực tế mà bạn có thể dành để học mỗi ngày.
    • Có lẽ bạn dành ra được 1-2 tiếng để học bài mỗi ngày hoặc gần như mỗi ngày. Nhưng cũng có thể thời gian biểu của bạn quay cuồng với công việc bán thời gian hoặc lịch tập thể thao, do đó bạn chỉ có 30 phút để học vào một số ngày, và có vài tiếng vào những ngày khác. Bạn hãy sắp xếp thời gian của từng ngày trong khả năng của mình.
    • Ghi chú trên lịch về thời gian bạn dành để học mỗi ngày cho đến kỳ thi.
  6. Cân nhắc về phương thức ôn tập. Các kỳ thi đầu vào thường đánh giá toàn bộ kiến thức mà bạn đã được học trong suốt quá trình học phổ thông cho đến thời điểm thi, trừ các kỳ thi dành cho khóa học đặc biệt, theo đó đánh giá toàn bộ kiến thức của bạn về một chủ đề. Việc lựa chọn những kiến thức nào quan trọng nhất để ôn tập có thể khá khó khăn.
    • Có lẽ tốt nhất là tập trung vào các chủ đề hoặc những môn mà bạn phải vật lộn vất vả nhất. Ôn tập lại tất cả những kiến thức đã học sẽ rất chán và dường như là bất khả thi. Do đó, bạn hãy tự tin vào những điểm mạnh của mình và tập trung cải thiện những lĩnh vực mà bạn còn kém để chuẩn bị cho kỳ thi.[2]
    • Suy nghĩ về mọi chủ đề có thể xuất hiện trong kỳ thi và sắp xếp theo thứ tự hợp lý. Thứ tự đó có thể theo thời gian, theo tính liên tục hoặc theo một phương pháp nào đó.
    • Thử hỏi bạn bè đã từng dự kỳ thi đầu vào để biết thông tin về các chủ đề đã ra trong kỳ thi trước. Có lẽ bài thi của bạn sẽ không giống như thế, nhưng hiểu biết của họ sẽ giúp bạn tập trung vào việc ôn tập các chủ đề.
  7. Đánh dấu chủ đề và/hoặc môn học mà bạn dự định học mỗi ngày. Rà soát lại lịch và đánh dấu chủ đề mà bạn định học mỗi ngày. Việc lên kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian quyết định chủ đề cần học.

Chuẩn bị vật dụng để ôn tập[sửa]

  1. Tìm một không gian thanh bình và yên tĩnh để học. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng môi trường học tập sẽ đem lại hiệu quả tốt, do đó bạn hãy chọn một nơi có thể tập trung và tránh mọi điều gây xao lãng. Môi trường học tập của mỗi người có tính riêng biệt cao.[3]
    • Đảm bảo phòng học phải có bàn để ngồi học, và có lẽ bạn cũng cần một chiếc ghế thoải mái. Những đồ đạc tiện nghi và hữu dụng sẽ giúp bạn duy trì thói quen học tập vì bạn sẽ không phải di chuyển đến nơi khác thích hợp hơn.
    • Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc luân chuyển chỗ học cũng có ích. Bạn hãy tìm thêm chỗ để ngồi học nếu có thể.[4]
  2. Cân nhắc mua sách luyện thi. Mặc dù không nhất thiết phải có, nhưng sách luyện thi có thể giúp bạn làm quen với các kiểu câu hỏi, cách diễn đạt của câu hỏi, và biết những câu trả lời đạt yêu cầu phải như thế nào.
    • Sách luyện thi cũng sẽ giúp bạn tập trung vào các chủ đề nên học. Các sách luyện thi thường sử dụng những bài thi không còn dùng nữa từ các năm trước.
    • Bạn cũng có thể tìm các khóa luyện thi trên mạng. Đôi khi bạn có thể tìm thấy các khóa học như vậy hoặc các phiên bản sách luyện thi điện tử miễn phí.
  3. Đem theo các vật dụng cần cho việc học. Trong mỗi buổi học, bạn nên xác định một chủ đề cụ thể mà bạn sẽ học. Nhớ đem theo mọi thứ cần thiết để giúp bạn tập trung vào nhiệm vụ học tập.
    • Vở ghi chép trên lớp
    • Các bài tập về nhà, bài luận và dự án cũ
    • Giấy nháp
    • Bút chì, tẩy và bút dạ quang
    • Máy tính hoặc latop, chỉ khi cần thiết (vì nó có thể gây xao lãng)
    • Đồ ăn vặt và nước
  4. Biết phương thức học thích hợp. Có nhiều cách thức học và việc biết cách nào thích hợp nhất với mình sẽ giúp bạn ôn tập tốt hơn.
    • Học qua thị giác: Bạn học tốt nhất khi nhìn vào các hình ảnh, do đó các video, bản trình bày PowerPoint hoặc thậm chí xem người khác làm việc trên giấy hoặc trên bảng cũng có thể giúp bạn học bài.
    • Học qua thính giác: Bạn học tốt nhất bằng cách nghe âm thanh, do đó việc nghe các bài giảng hoặc các băng ghi âm bài giảng sẽ tốt cho bạn.
    • Học qua cảm giác vận động: Bạn học tốt nhất khi vận động, do đó việc giải quyết vấn đề bằng cách thực hành hoặc các phương pháp trải nghiệm sẽ giúp ích cho bạn.
  5. Điều chỉnh thói quen học theo phương thức thích hợp với bạn. Một khi đã nhận biết phương pháp nào thích hợp với mình, bạn hãy điều chỉnh thói quen học để có thể có hiệu quả cao nhất.
    • Với cách học qua thị giác, bạn có thể thử viết lại các ghi chép của bạn thành các biểu đồ, đồ thị hoặc sơ đồ. Bạn cũng có thể chuyển những ghi chép thành các sơ đồ ngữ nghĩa thay vì các ghi chép theo dàn bài truyền thống.
    • Nếu bạn là người học tốt bằng thính giác, việc đọc thành tiếng các tài liệu có thể sẽ giúp ích. Tham gia học nhóm với bạn bè cùng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển cũng có thể đem lại hiệu quả nhờ các cơ hội thảo luận.
    • Với cách học qua cảm giác vận động, bạn hãy tìm cách kết hợp các chuyển động vào việc học tập. Ví dụ, bạn có thể ngồi trên một quả bóng vững vàng để có thể nhún nhẹ nhàng, hoặc bạn có thể đọc các ghi chép trong vở hoặc trong sách giáo khoa khi chạy trên máy tập. Nhai keo cao su trong khi học cũng có thể có ích, nhưng đừng quên rằng bạn không được phép nhai kẹo cao su khi đang thi.
  6. Cài đặt thời gian học. Cho dù bạn học theo phương thức nào thì nghỉ ngơi và không học quá sức vẫn là điều quan trọng. Căng thẳng khiến bạn thực sự không thể lưu trữ được các kiến thức mới, cũng như không đáp ứng tốt với việc học và ôn tập, do đó bạn hãy nhớ cho mình thời gian nghỉ ngơi.[5]
    • Cài đặt thời gian khoảng 30 phút học bài. Cứ mỗi 30 phút học bài, bạn hãy nghỉ 5-10 phút bằng cách đi dạo, ra ngoài trời tắm ánh nắng mặt trời hoặc vào nhà vệ sinh.
    • Bạn cũng cần cài đặt thời gian, hoặc ít nhất phải nhớ thời gian mà bạn muốn dừng lại. Nếu đã đánh dấu trong lịch học rằng hôm nay sẽ học trong 90 phút, thì bạn nhớ thực hiện đúng thời gian đó.
  7. Tìm cách để biến việc học thành niềm vui. Bạn sẽ có khả năng nhớ và tiếp thu được các kiến thức đang học nếu biết biến việc học thành niềm vui và sự hứng khởi.[5]
    • Mã hóa màu sắc cho các ghi chép của bạn
    • Chơi trò ôn tập cùng cha mẹ, thầy dạy kèm, bạn bè hoặc nhóm học tập
    • Thể hiện những gì bạn đang học
    • Làm các video hoặc băng ghi âm các tài liệu học tập
  8. Thực hành các bài thi thử. Ngoài việc ôn lại tài liệu, một trong những phương pháp tốt nhất để giúp bạn chuẩn bị cho kỳ thi là thực hiện những bài thi thử. Thông thường các bài thi thực hành là những phiên bản cũ của các bài thi không dùng nữa. Điều này đem lại nhiều lợi ích:
    • Bạn sẽ quen với các kiểu và cách diễn đạt câu hỏi.
    • Bạn được rèn luyện về thời gian trả lời các câu hỏi. Nhớ định thời gian khi làm bài thi thử tương tự như khi thi thật.[6]
    • Bạn có thể thu hẹp phạm vi kiến thức có khả năng xuất hiện trong bài thi thật.
    • Bạn có thể đánh giá được tiến bộ của mình trong quá trình học và chuẩn bị cho kỳ thi.

Thực hành các phương pháp thư giãn[sửa]

  1. Suy nghĩ tích cực. Khi kỳ thi đến gần, ý nghĩ lạc quan về kết quả sẽ có lợi cho bạn. Lối suy nghĩ tích cực sẽ truyền động lực và tiếp sức để bạn có thể làm tốt nhất.
    • Tạo thói quen suy nghĩ lạc quan bằng cách tập đối thoại tích cực với bản thân. Khi nghĩ về kỳ thi tuyển sắp tới, bạn hãy dịu dàng và khích lệ mình. Một nguyên tắc tuyệt vời là tự nói với mình giống như bạn nói với người khác.[7]
    • Khi ý nghĩ tiêu cực đến trong đầu, bạn hãy dành thời gian để phân tích một cách hợp lý. Đẩy lùi những ý nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực về bản thân. Ví dụ như, nếu bạn nghĩ, “Việc này quá khó”, thì ngay sau đó bạn có thể bác bỏ bằng cách nghĩ, “Phải, nó quả là thách thức, nhưng mình sẽ vượt qua được từ một góc độ mới”.[7]
  2. Tránh bi kịch hóa tình hình. Bi kịch hóa nghĩa là bạn tin một cách phi lý về một tình huống tồi tệ hơn nhiều so với thực tế.[8] Khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển, bạn sẽ rất dễ bị cuốn vào những suy nghĩ như, “Mình sẽ không đỗ kỳ thi này, như thế nghĩa là mình không vào được đại học, và rồi mình sẽ không thể là một người thành công”. Nhưng đó là bạn đang bị kịch hóa tình hình, và bạn nên tránh những kiểu suy nghĩ như vậy.
    • Thái độ bi quan thực sự hạn chế các cơ hội trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, vì nó đặt bạn vào “lời tiên tri tự hoàn thành” với ý nghĩa tiêu cực. Nếu bạn tự nói với mình rằng bạn không đủ giỏi để vượt qua kỳ thi tuyển thì rất có khả năng điều đó sẽ thành sự thực – vì bạn cứ nói đi nói lại điều đó với mình một thời gian dài.[8]
    • Trường hợp nhận thấy mình đang có ý nghĩ bi quan, bạn hãy thực hiện các bước chống lại lối suy nghĩ đó. Bắt đầu ghi lại những khoảnh khắc khi bạn nhận ra mình bi kịch hóa vấn đề và tìm ra quy luật của nó sau khoảng một tuần. Có phải nó chỉ xảy ra khi bạn đang học một môn học nhất định nào đó cho kỳ thi tuyển? Có phải nó chỉ xảy ra khi bạn đang thực hành một môn nào đó, chẳng hạn như viết luận? Xác định khi nào nó thường xảy ra nhiều nhất, và tập đối thoại tích cực với bản thân khi những khoảnh khắc đó xuất hiện để đẩy lùi ý nghĩ bi quan.[8]
  3. Lập chiến lược để vượt qua chướng ngại trong khi thi.[9] Khi đang chuẩn bị cho kỳ thi, bạn hãy dự tính về các trở ngại mà bạn có thể đối mặt khi thực sự làm bài thi. Một công cụ hữu ích để làm điều này là các bài thực hành: Chú ý những câu hỏi mà bạn hay trả lời sai nhất. Sau đó áp dụng chiến lược để xử lý các chi tiết đó khi bạn làm bài thi.
    • Bỏ qua những câu hỏi thực sự khó và quay lại sau. Nhớ bỏ qua câu hỏi đó trong phiếu trả lời.
    • Dùng phương pháp loại trừ. Loại trừ các đáp án chắc chắn sai hoặc ảo và chọn câu trả lời của bạn trong số các đáp án còn lại.
    • Quay lại và đọc lại câu hỏi hoặc đoạn bài đọc liên quan để kiểm tra câu trả lời lần nữa.
    • Đọc hết các câu đáp án trước khi chọn một câu. Bạn có thể thấy một đáp án mà bạn nghĩ là đúng, nhưng có thể lại có đáp án đúng hơn.
    • Tô sáng hoặc gạch dưới các phần quan trọng của câu hỏi và bài đọc. Như vậy bạn có thể rút ra được những chi tiết quan trọng để sau đó trả lời.
    • Đọc câu hỏi trước khi đọc toàn bộ bài đọc. Như thế bạn sẽ biết cần tìm thông tin nào.
  4. Ưu tiên cho việc ngủ. Vì còn ở tuổi thanh thiếu niên, bạn vẫn cần ngủ ít nhất 8 -10 tiếng mỗi đêm.[10] Giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp bạn thư giãn và giảm stress, nhờ đó bạn có thể bình tĩnh lại và tăng khả năng tập trung.
    • Một điều quan trọng nữa, bạn nên cố gắng giữ thói quen ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định mỗi ngày. Điều này có lợi cho đồng hồ sinh học (còn gọi là nhịp điệu hàng ngày) để duy trì sự đều đặn và đảm bảo cho bạn giấc ngủ ngon.[10]
  5. Nghỉ ngơi khi cần thiết. Có lẽ bạn đã đưa những ngày nghỉ vào lịch học. Quan trọng là bạn cần phải nghỉ ngơi thực sự vào những ngày đó. Bạn cần thời gian để giảm căng thẳng, bình tâm và tận hưởng cuộc sống bên ngoài việc học.[11]
  6. Học phương pháp thở mà bạn có thể áp dụng trong khi thi nếu cảm thấy hồi hộp. Bạn có thể dùng các bài tập thở bất cứ lúc nào, ngay cả trong khi thi nếu cảm thấy quá căng thẳng.
    • Phương pháp bình tâm: hít vào bằng mũi trong lúc đếm đến bốn. Sau đó, nín thở khi đếm đến hai. Sau cùng, thở ra bằng miệng trong lúc đếm đến sáu.[12]
    • Thở đều: Hít vào trong thời gian đếm đến bốn, sau đó thở ra trong khi đếm đến bốn. Bạn cần hít vào và thở ra bằng mũi. Lặp lại để giữ bình tĩnh nếu cần thiết.[13]
    • Chỉ đơn thuần tập trung thở ra lâu hơn hít vào. Đây là một mẹo đơn giản giúp bạn thư giãn mà không cần các phương pháp đếm khi thở.[14]
  7. Tập thiền và yoga. Thiền là phương pháp tuyệt vời để giảm stress và làm dịu thần kinh. Ngoài ra, yoga cũng là con đường tuyệt vời hướng đến thiền, trong khi vẫn là một hoạt động tích cực.[1]
    • Khi tập thiền, bạn hãy tìm một nơi yên tĩnh và ngồi thoải mái. Nhẹ nhàng đặt hai tay lên đầu gối và chỉ đơn giản thanh lọc tâm trí khỏi những lo âu. Phương pháp thiền được hướng dẫn bài bản rất hữu ích, nhưng việc tập trung vào hơi thở và thanh lọc tâm trí trong 10 phút cũng đem lại hiệu quả.
  8. Tập thể dục thường xuyên để giảm stress.[1] Tập thể dục không chỉ là một cách tuyệt vời để giữ gìn vóc dáng mà nó còn thực sự giúp bạn bình tâm, giảm stress và cảm giác xáo động. Hầu như hình thức tập thể dục nào cũng tốt, nhưng bạn nên chọn kiểu tập luyện nào mà bạn biết cách tập để không tự làm mình bị thương.
    • Chạy bộ
    • Đi bộ
    • Bơi lội
    • Đạp xe
    • Các môn thể thao – quần vợt, bóng đá, cưỡi ngựa, v.v…
  9. Biến sự hồi hộp thành niềm hứng khởi. Cảm giác hồi hộp hoàn toàn là bình thường, nhưng nếu bạn cố gắng biến nó thành sự háo hức cũng là một ý tưởng hay.[9] Chẳng ai thực sự hào hứng với kỳ thi, nhưng sau đây là các suy nghĩ tích cực có thể giúp khích lệ tinh thần cho bạn:
    • “Bây giờ là dịp để chứng tỏ cho mọi người thấy mình biết nhiều thế nào!”
    • “Mình đã chăm chỉ học phần ôn tập các phương trình toán đó. Thầy dạy toán sẽ rất tự hào vì mình!”
    • “Mình đã học cật lực cho kỳ thi này. Mình biết giờ là lúc mình sẽ được đền đáp”.

Chuẩn bị vào đêm trước khi thi[sửa]

  1. Biết rõ thời gian và địa điểm thi. Kiểm tra lại thông tin và đảm bảo biết chính xác về địa điểm thi và thời gian mà bạn cần phải có mặt. Thông thường bạn phải đến sớm để có thời gian làm thủ tục vào phòng thi.
  2. Đặt báo thức. Canh đủ thời gian thức dậy, tắm (nếu bạn thích tắm buổi sáng), ăn bữa sáng ngon lành và đến nơi thi.
  3. Tập trung lại mọi vật dụng cần thiết. Bỏ mọi vật dụng cần thiết để làm bài thi vào ba lô hoặc túi nếu được phép đem vào phòng thi.
    • Bút chì và tẩy
    • Bút mực, nếu được phép hoặc cần thiết
    • Máy tính, nếu được phép hoặc cần thiết
    • Chai nước
    • Đồ ăn vặt
  4. Ăn bữa tối lành mạnh và chuẩn bị bữa sáng tốt cho sức khỏe. Tinh bột phức hợp có hiệu quả tuyệt vời trong việc duy trì năng lượng, vì cơ thể sẽ chuyển hóa loại tinh bột này chậm hơn. Hãy tận hưởng bữa tối với một thực đơn cân đối giữa tinh bột phức hợp, đạm và chất béo tốt.
    • Chuẩn bị bữa sáng với tỷ lệ chất béo tốt và đạm cao hơn tinh bột; tuy nhiên, không loại trừ hoàn toàn tinh bột. Sự kết hợp giữa chất béo tốt và chất đạm sẽ giúp bạn có cảm giác no lâu hơn và không khiến bạn hết năng lượng khi đang làm bài thi giữa chừng.[15]
  5. Tránh học dồn vào phút cuối cùng trước khi thi. Khi thần kinh đang căng thẳng mà bạn lại cố học nhồi nhét vào phút cuối cùng thì bộ não sẽ nhớ được rất ít hoặc không nhớ được gì. Hãy cho mình một đêm nghỉ ngơi để thư giãn và làm việc nào đó thoải mái.[4]
  6. Ngủ ít nhất tám tiếng. Đi ngủ càng sớm càng tốt để đảm bảo có giấc ngủ đủ tám tiếng; nếu ngủ được 9 -10 tiếng thì còn tốt hơn nữa. Như vậy, bạn sẽ thấy khỏe khoắn và thư thái hơn khi thức dậy vào sáng hôm sau.

Lời khuyên[sửa]

  • Cân nhắc thuê gia sư hoặc học lớp ôn tập. Đó là những lựa chọn tốt nếu bạn cần một người thường xuyên chất vấn bạn về các kiến thức và/hoặc dạy lại kiến thức cho bạn.
  • Uống nhiều nước. Nước giúp bạn khỏe khoắn và tươi tắn để sẵn sàng đương đầu với thử thách. Uống nước bao giờ cũng tốt.

Cảnh báo[sửa]

  • Không đến muộn vào ngày thi. Nếu đến muộn, bạn sẽ có thể không được dự thi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]