Con và người nhìn từ cấu trúc bộ não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thời đại học, anh trai tôi hay mang sách về nhà nên tôi thường đọc ké. Trong số đó, để lại ấn tượng nhất phải kể đến cuốn Tiến trình thành nhân (On Becoming a Person: A Therapist's View of Psychotherapy) của Carl Rogers. Không chỉ vì nội dung cuốn sách (mà đến giờ tôi cũng không còn nhớ rõ), mà còn vì cảm mến phong cách khiêm nhường và chân thành của tác giả. Tôi đã luôn mong muốn trở thành một người như vậy.

Quan sát toàn cảnh[sửa]

Vì sao việc quan sát toàn cảnh có thể thay đổi con người bạn.

Nhiều nhà du hành vũ trụ đã mô tả lại trải nghiệm không thể nào quên khi bay ra ngoài không gian và nhìn lại trái đất: giây phút đó thật là tuyệt vời và giúp họ thay đổi hẳn nhận thức và thái độ sống (Overview effect). Có người đã bật khóc. Trái đất như một quả cầu xanh lơ lửng giữa không trung nuôi dưỡng sự sống, được che chở bởi 1 vòng khí quyển mỏng tang, tuyệt đẹp nhưng quá nhỏ bé và mong manh. Trong khoảnh khắc đó, biên giới quốc gia biến mất, các xung đột chia rẽ con người trở nên tầm thường, những toan tính thường ngày trở thành vô nghĩa.

Khi viết loạt bài Thế giới như tôi hình dung, tôi đã luôn cố gắng đặt mình vào một góc nhìn toàn cảnh từ xa như vậy. Từ khoảng cách đó, tôi nhận ra giới hạn của các giác quan và năng lực nhận thức, sự bình thường và nhỏ bé của trái đất và con người.

Cũng bằng cách đó, tôi đã cố gắng hình dung ra điều gì là quan trọng đối với nhân loại trong một thế kỉ tới. Tựa như khi ta dùng chức năng thu nhỏ của ứng dụng Bản đồ Google cho đến khi những tiểu tiết mất đi, chỉ còn lại những thứ quan trọng nhất. Đó có thể là cuộc đại tuyệt chủng các loài sinh vật xảy ra do con người hủy hoại môi trường sống. Có thể là nguy cơ trí tuệ nhân tạo phát triển đến mức thông minh vượt tầm kiểm soát. Có thể là bước đột phá của công nghệ sinh học cho phép đảo ngược quá trình lão hóa. Cũng có thể là sự mê đắm của loài người trong thực tế ảo. Hoặc là cuộc cách mạng khai phá không gian đưa con người trở thành sinh vật liên hành tinh - du lịch và định cư bền vững ở các hành tinh khác.

Khi loạt bài trên khép lại, tôi không khỏi đặt câu hỏi cho chính mình. Nếu thu nhỏ đến mức không còn thấy các tiểu tiết, cuộc đời tôi còn lại những gì?

Cứ cho là chúng ta học phổ thông ở trường "điểm" và đứng tốp đầu lớp. Chúng ta đỗ các trường đại học có "điểm đầu vào cao". Chúng ta kiếm được nhiều tiền và có địa vị sớm hơn lũ bạn học. Chúng ta thăng tiến tới các vị trí cao trong các công ty lớn. Chúng ta sắm nhà tậu xe, dùng sản phẩm xịn, dịch vụ đắt tiền. Chúng ta check-in khắp thế giới, chụp ảnh với những người nổi tiếng. Thôi thì tiền bạc, địa vị, danh tiếng. Công bằng mà nói, những thứ đó cũng thật đáng tự hào. Đến mức mà một số người còn làm những điều đáng xấu hổ những mong đạt được.

Thế nhưng, cái mà mọi người nhớ đến nhiều hơn tại đám tang của bạn có lẽ lại là những thứ khác - chẳng hạn như bạn có phải là một người nhân hậu, can đảm, trung thực, và khiêm nhường hay không. Bạn sống vì người khác hay vì chính mình.

Sự tiến hóa của đạo đức. (Nguồn hình: Alejandro Gonzalez, USA TODAY)

Đáng tiếc là xã hội luôn chỉ thúc đẩy con người mải miết chạy theo các thành tựu bên ngoài. Năm tháng qua đi, những phần sâu kín nhất bên trong chúng ta không được khai phá. Không đủ trung thực để nhận ra sự không hoàn thiện của chính mình, không đủ khiêm nhường để chấp nhận và lắng nghe, không đủ can đảm để bỏ các mặt nạ xuống, không đủ tình người để kết nối các trái tim. Và kết thúc một cuộc đời uổng phí.

Trái lại, có một số người mà mỗi lần gặp tôi tự nhiên thấy vui cả ngày. Những người này tạo cho chúng ta cảm giác an tâm để khám phá, câu chuyện diễn ra thoải mái tự nhiên mà không sợ mình nói điều gì đó ngớ ngẩn. Ta tự nguyện hạ vũ khí, mở rộng lòng, để các điểm yếu được tự do bộc lộ, và nhận ra rằng chính những điểm không hoàn thiện mới giúp chúng ta trưởng thành, mới giúp con người có lòng tin để kết nối sâu đậm với nhau. Sự sợ hãi thất bại không còn chỗ tồn tại, mà chỉ có các cơ hội để học. Tôi tạm gọi đây là những "người bậc cao", bởi cảm giác như họ ở bậc trên trong nấc thang tiến hóa.

Tôi dĩ nhiên là một "người bậc thấp". Vì thế tôi muốn tìm hiểu xem những "người bậc cao" đã làm thế nào để thay đổi chính mình.

Con và Người[sửa]

Ta hãy thử xuất phát từ cấu trúc bộ não, nơi quyết định tất cả nhận thức và hành vi con người.

Vào thập kỉ 60, nhà thần kinh học Paul McLean đã đưa ra một lý thuyết có sức ảnh hưởng rất lớn suốt nhiều thập kỉ sau đó. Ông gọi đó là mô hình não 3 trong 1. Theo đó, não người được chia thành 3 lớp từ trong ra ngoài, phức tạp dần, thể hiện quá trình tiến hóa từ động vật lên người. Các lớp này được gọi lần lượt là "não bò sát", "não thú", và "não người".

Não 3 trong 1 (nguồn thebrain.mcgill.ca).

Não bò sát: bản năng

Lớp trong cùng và cổ xưa nhất là "não bò sát". Sỡ dĩ gọi vậy vì nó có cấu trúc và chức năng tương tự như ở não của các loài bò sát. Phần não này điều khiển các chức năng sống còn của cơ thể như nhịp tim, thở, nhiệt độ cơ thể, sự thăng bằng. Não bò sát cũng quyết định các hành động mang tính bản năng, các phản xạ không điều kiện. Các phản xạ này diễn ra ngay lập tức mà không phải "xin chỉ thị cấp trên".

Não thú: cảm xúc

Phần não này phát triển mạnh ở các loài động vật có vú. Não thú có khả năng ghi nhớ lại các liên kết giữa nhân và quả đã xảy ra trong quá khứ, và dùng các ký ức này để đánh giá tình huống hiện tại. Tùy vào kết quả đánh giá, nó sẽ sinh ra các cảm xúc tương ứng để chi phối hành vi con người.

Não người: lý luận, tưởng tượng

Đây là lớp ở ngoài cùng chiếm phần lớn thể tích não bộ, phát triển mạnh trên các loài động vật bậc cao, đặc biệt là con người. Phần này được chia thành 2 bán cầu đại não, và chi chít các nếp nhăn. "Não người" chịu trách nhiệm về các hoạt động bậc cao như ngôn ngữ, lý luận, tư duy trừu tượng, tưởng tượng, ý thức, cùng khả năng học hầu như không giới hạn. Đây cũng là phần khiến chúng ta có khái niệm về tương lai, và là loài duy nhất nhận thức rằng mình sẽ chết. Cũng chính nhờ có phần này mà những thứ tốt đẹp như ước mơ hay lòng nhân ái mới được hình thành.

Ngày nay, bằng các công nghệ quét não hiện đại, người ta nhận thấy việc chia thành 3 phần rành mạch một cách đơn giản hóa như trên không hoàn toàn chính xác về mặt kỹ thuật.[2] Tuy nhiên, nó vẫn còn giá trị giúp người mới bắt đầu hiểu một cách khái quát về chức năng của bộ não.

Mẹ con (nguồn BBC News).

Nói như vậy để thấy, trong mỗi con người, phần "con" và phần "người" luôn cùng tồn tại. Điều này là tự nhiên và là kết quả của quá trình tiến hóa. Phần "con" đã giúp các loài vật, bao gồm cả loài người, có thể kiếm thức ăn, lẩn trốn kẻ thù, thích nghi trong bầy đàn, sinh sản và duy trì nòi giống suốt hàng triệu năm qua. Tuy vậy, xã hội loài người bắt đầu phát triển đột biến vài chục ngàn năm gần đây mà sự tiến hóa sinh học chậm chạp có lẽ đã không thể theo kịp. Kết quả là, một số phần "con" ở vùng giáp ranh với phần "người" đã không còn phù hợp cho xã hội con người ngày nay. Những "người bậc cao" có lẽ là những người đã mạnh dạn, từng bước khai phá và làm chủ những vùng đất hoang đó.

Chẳng hạn sự ích kỉ có lẽ xuất phát từ nguồn gốc xa xưa chúng ta là những động vật săn mồi, khi mà ưu tiên hàng đầu là giữ cho chính mình không bị chết đói. Cho đến ngày nay, ngay cả trong một số trường hợp lý trí nhận thức việc chia sẻ là tốt, thì sự ích kỉ cổ xưa vẫn dùng cảm xúc đố kị để điều khiển chúng ta theo ý nó. Việc của "não người" lúc đó chỉ còn là ngụy tạo ra đủ thứ lý do để vẫn tự thấy mình đẹp đẽ.

Còn nỗi ám ảnh đến mức nực cười của loài người về đánh giá của người khác về mình có lẽ có nguồn gốc từ những loài thú sống theo bầy đàn. Khi đó, việc bị loại khỏi bầy đàn đồng nghĩa với cái chết. Ngày nay, nếu có ai đó không thích bạn thì cũng không vì thế mà chết được, nhưng chúng ta vẫn khổ sở cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người.

Các tầng quan sát[sửa]

Trở lại câu chuyện quan sát toàn cảnh: có 2 cách để ta có thể làm được điều này.

  • Bay ra ngoài không gian và nhìn lại giống như các nhà du hành vũ trụ
  • Hoặc đợi thời gian trôi qua đủ lâu, ngọn đèn lịch sử sẽ soi rọi mọi vấn đề

Đáng tiếc là chả mấy người có cơ hội bay ra ngoài không gian, và càng không ai mượn được cỗ máy của Doraemon để xuôi ngược thời gian. Nhưng thật may là, con người, lần đầu tiên trong lịch sử sinh vật, có khả năng tưởng tượng và dự trù tương lai. Đây là thứ vũ khí đã giúp những "người bậc cao" nhìn ra bức tranh tổng thể và dài hạn, qua đó trở nên người hơn.

Chắc bạn cũng đã biết, khí quyển trái đất được chia thành nhiều tầng như đối lưu, bình lưu, v.v. Theo cách đó, tôi cũng thử hình dung ta sẽ "bay" lên các tầng cao dần, sau mỗi tầng thì khả năng quan sát toàn cảnh tăng lên và khả năng nhìn thấy các chi tiết sẽ giảm đi.

Tầng mặt đất

Sự tàn nhẫn của chiến tranh

Ở mức này, chúng ta không thể nhìn được xa và nhiều hướng cùng lúc nên không nhìn ra bối cảnh toàn cục. Hệ quả là chúng ta hành động thiển cận vì lợi ích trước mắt.

Chúng ta không biết "ngoài kia" có gì, và vì thế nỗi sợ hãi được dịp lên ngôi khiến ta mãi phí phạm thời gian luẩn quẩn trong vùng an toàn.

Chúng ta không nhìn được lợi ích dài hạn, vì thế mà không vượt qua được nỗi ám ảnh trước mắt về việc người khác đánh giá mình như thế nào, và để nỗi ám ảnh đó điều khiển cả cuộc đời.

Cũng vì không nhìn được hệ quả, chúng ta không bỏ được các thói quen xấu. Hay tệ hơn, chúng ta làm những điều không tốt, hy vọng nó "khuất mắt trông coi", hoặc nếu không thì cũng bịa ra đủ thứ lý lẽ để tự biện minh.

Đáng tiếc là đa số chúng ta đều ở tầng mặt đất. Nói đúng hơn là dành hầu hết thời gian ở tầng này. Nó giống như bạn bị nhốt trong nhà và có chó dữ canh cửa. Có lúc hiếm hoi trốn ra được và nhìn lại, thấy mình thật thiển cận và ngu ngốc. Thế rồi chẳng mấy chốc phần "con" phát hiện ra và hù dọa chủ nó chạy vội vào nhà!

Sự ích kỉ, hẹp hòi, đố kị và mê muội nảy sinh từ đáy của tầng này là gốc rễ của những thù hằn xung đột gây chia rẽ con người.

Tầng khinh khí cầu

Các vị tướng giỏi thường đứng trên núi quan sát trận địa. Ở vị trí quan sát toàn cục, có thể thấy đâu là điểm cần ưu tiên mà không bị vướng bận bởi những tiểu tiết. Ở vị trí đó có thể đánh giá được tính nhân quả và dự trù tương lai dài hạn hơn.

Khinh khí cầu (nguồn TurkeyTribune.com)

Thật may là ở trong mỗi người chúng ta đều có sẵn sự thông thái của một người quan sát toàn cục. Bộ não người, qua hàng triệu năm tiến hóa, đã phát triển để những người bình thường đều làm được việc này. Vấn đề là, làm sao xua đám mây mù tạo nên bởi những thôi thúc trước mắt để có thể nhìn được xa?

Có một cách là dùng những câu hỏi như "nếu là [điền-tên-người-mà-bạn-tâm-phục-vào] thì ông/bà ấy sẽ làm gì trong hoàn cảnh này?". Hoặc như câu hỏi của Steve Jobs "nếu ngày mai bạn sẽ chết thì hôm nay bạn có làm việc này không?". Đây là cách hỏi "tu từ", để chỉ có phần người hiểu và xử lý, còn phần con không hiểu và do đó nằm yên. Các câu hỏi như vậy có thể tạm đưa chúng ta lên tầng trên một chút, sau đó thì cũng quay lại tầng mặt đất ngay. Và trong đa số trường hợp, chúng ta không có đủ can đảm để làm theo những gì vừa nhìn ra được khi ở tầng trên.

Có những cách khác như đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ để nhìn sự việc ở nhiều góc độ hơn. Hoặc là tập thiền để cho các cảm xúc lắng xuống, để các con thú bên trong được thuần hóa.

Khi làm chủ được tầng cao và nhìn ra toàn cảnh, những sợ hãi vô lý không còn nữa, những "con vật" bên trong chợt trở nên hiền lành vô hại. Bạn không phải sợ chú chó giữ cửa nữa, vì bạn là chủ. Khi lũ thú yên lặng, những tham sân si cũng lắng xuống theo, và những thứ tốt đẹp như sự can đảm, khiêm nhường và lòng tốt có cơ hội được tỏa sáng.

Chẳng có gì phải bực mình với một người lái taxi gắt gỏng. Đó là vấn đề của anh ta chứ không phải của bạn. Có lẽ sáng sớm anh ta mới bị sếp mắng hoặc vợ cằn nhằn.

Chẳng cần phải dằn vặt vì một chuyện không may, rõ ràng là cuộc sống có lúc này lúc khác, và điều đó mới thật thú vị.

Chẳng có lý do gì lại nói "có" để tránh làm phật lòng một người chuyên gây phiền phức, trong khi bạn có nhiều việc khác cần ưu tiên hơn. Cũng thật vô lý nếu chỉ vì "chưa sẵn sàng" (một cách biện minh hoàn hảo) mà nói "không" trước một cơ hội thú vị để trải nghiệm và học hỏi.

Đương nhiên bạn không thể nào suốt ngày ở trên đỉnh núi - trừ khi muốn trở thành đạo sĩ. Giống như một người họa sĩ tài hoa, bạn lùi lại vài bước để ngắm toàn diện bức tranh, sau đó lại tiến lên và vẽ tiếp, cứ thế. Điều mấu chốt là phải thường xuyên và thoải mái chuyển giữa hai chế độ này.

Tầng không gian

Nếu như ngày xưa con người có thể bay ra ngoài không gian nhìn lại, việc trái đất tròn hay dẹt đã hiển nhiên và không có gì phải tranh cãi.

"Trái đất mọc" - bức ảnh nổi tiếng chụp từ quỹ đạo mặt trăng (nguồn NASA)

Từ khoảng cách này, mọi thứ thật đẹp và giản dị. Một cách tự nhiên, những nhận thức mới được hình thành.

Trái đất chỉ là một chấm nhỏ giữa vũ trụ bao la.

Đời người, hay thậm chí sự tồn tại của cả loài người, chỉ là thoáng chốc giữa sự vô cùng của thời gian.

Con người, một cách vật lý, rốt cục cũng chỉ là sự sắp xếp của vô số hạt cơ bản.

Vì thế, thật may mắn và kỳ diệu chúng ta cùng xuất hiện ở đây trên cuộc đời này. Cái tôi lắng xuống, nhường chỗ cho sự khiêm nhường và lòng biết ơn. Bạn mở lòng đón nhận và trao đi tình thương vô điều kiện. Suy nghĩ "tôi được lợi gì" được thay bằng "tôi có thể cống hiến gì".

Không ai có thể ở lâu trên tầng này. Nhưng những phút giây như thế rất cần thiết để định hướng cho cuộc hành trình của mỗi người. Để chúng ta hình thành triết lý và quan điểm về những điều cơ bản trong cuộc sống. Và để sẵn sàng dấn thân vào những việc mà một đời người chưa chắc đủ để hoàn thành.

Tầng vũ trụ và xa hơn nữa

Càng lên các tầng cao, những điều ta biết, hay cộng cả những điều loài người có thể tưởng tượng được, cũng trở nên quá nhỏ nhoi và đơn giản so với sự kỳ vĩ không giới hạn của những điều không biết. Vì thế, ta hãy tạm dừng quá trình "bay lên cao" ở đây để quay về mặt đất.

Lên đường[sửa]

Như ta đã biết, ngay cả khi dùng những câu hỏi như Steve Jobs "nếu ngày mai bạn chết thì hôm nay bạn sẽ làm gì" để lên tầng cao, thì ngay khi xuống mặt đất chúng ta cũng không đủ can đảm để làm theo. Việc nhìn ra bối cảnh là rất quan trọng vì nó giúp chúng ta định hướng và đem lại nguồn cảm hứng, nhưng để chiến thắng bản thân thì cần xuống mặt đất và bước từng bước một. Khi bước chân đã bớt trĩu nặng, lòng đã bớt hoang mang, ta mới dễ dàng di chuyển giữa các tầng. Mà đối với lũ thú, không thể kìm nén, vì chúng chỉ trở nên hung dữ hơn mà thôi. Có những phần thú là bản năng thiết yếu, như là gặp lửa thì rụt tay lại. Có những phần thú khác, như ở các phần trước chúng ta đã nhận diện, là vô lý thì cần phải thuần phục. Và bởi vì lũ thú dùng cây roi cảm xúc để buộc chúng ta tuân lệnh, nên cách duy nhất để làm chúng hết phép là ta trở nên thoải mái với các cảm xúc.

Bước 1: Nhận diện cảm giác & cảm xúc

Một lúc nào đó bạn cảm thấy bứt rứt? Dừng lại một chút để nhận diện: ừ đúng là đang bứt rứt. Điều đó không giúp bạn khỏi bứt rứt đi, nhưng chí ít nhất là cần phải nhận diện nó. Tương tự: căng thẳng, lo lắng, bất an, rạo rực, thôi thúc, ham muốn, giận giữ, sợ hãi, hân hoan, phấn khích, v.v.. Hay các cảm giác cũng vậy: đói, ngứa ngáy, v.v. Chỉ cần nhận diện chúng. Thế thôi. Rồi cứ để chúng tiếp tục diễn ra, chẳng sao cả.

Giống như tập chơi piano, bạn chỉ có thể thành thục nếu chuyên cần thực tập. Tới một lúc nào đó, mỗi khi căng thẳng, các cơ căng ra, bạn sẽ cảm nhận được ngay. Ít nhất là khi đó bạn có thể chỉnh tư thế ngồi, trùng cơ xuống, và hít một hơi dài.

Bước 2: Quan sát

Suốt bài viết này tôi nhắc khá nhiều đến từ quan sát. Sỡ dĩ việc này quan trọng vì nó giúp ta có góc nhìn của người thứ 3, tách mình ra khỏi đối tượng được quan sát để không bị chi phối bởi chúng. Ở đây cái chúng ta cần quan sát là các cảm giác và cảm xúc của mình.

Nếu nhận diện là các khoảnh khắc mang tính đứt quãng thì quan sát cần liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, trong khi bạn có thể nhận diện bất cứ khi nào, thì việc quan sát chỉ có thể thực hiện khi có thời gian. Như khi bạn ngồi trên taxi và quan sát cảm giác sốt ruột khi tắc đường. Hoặc quan sát cơn đói trên đường về nhà, hay sự hồi hộp khi đợi đến lượt phát biểu trước đám đông. Những khi đó, cố gắng đặt mình vào vị trí nhà quan sát độc lập bên ngoài (cái đứa "tôi" kia đang hồi hộp, trông kể cũng hơi tội, nhưng chuyện đó cũng bình thường và tốt cho nó). Và cũng không cần tìm cách loại bỏ các cảm giác này (vì như thế bạn sẽ rời bỏ vị trí nhà quan sát và trở về đồng nhất với cái thằng "tôi" kia). Cũng đừng cố gắng tạo ra và duy trì sự "không nghĩ gì", vì các cảm xúc và suy nghĩ luôn đến, và điều đó là đương nhiên. Mặc nó thôi, chỉ cần quan sát.

Chuyện cũng tựa như hồi nhỏ đi học bạn bị tụi cùng lớp trêu. Càng phản ứng tụi nó càng khoái trá́ và thêm hơn. Kệ tụi nó, chúng sẽ chán ngay thôi.

Bước 3: Đối diện


Những thành tựu bên ngoài được tạo nên bằng sự ganh đua với kẻ khác, còn sự trưởng thành bên trong chỉ có thể đến bằng cách đối diện với những điểm yếu của chính mình. Và điều này cần sự can đảm vô cùng lớn.

Nếu ở bước 1 bạn nhận diện các cảm xúc một cách bị động mỗi khi chúng đến, thì ở bước này chúng ta sẽ chủ động đối diện với những điều không thoải mái.

Giả sử, sau khi thực hành bước 1 & 2 kết hợp với cả các câu hỏi kiểu Steve Jobs, bạn đã "bay là là" do đó nhận ra được việc cần làm và lấy được động lực để chiến thắng sự lười nhác. Khi đó, vẫn còn một trở ngại lớn ở phía trước: sự thiếu can đảm. Mỗi khi như vậy, thử nghĩ xem nguyên nhân gốc rễ là gì. Có 2 trường hợp.

  1. Rủi ro thực sự: vì làm thế ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, hay những thứ quý giá khác của chính mình hoặc người khác
  2. Vì cái tôi: Sợ làm xấu đi hình ảnh mình trong mắt những người khác.

Nếu là nguyên nhân 1 thì rõ ràng cần cẩn trọng cân nhắc. Nhưng nếu là nguyên nhân 2 thì thật vô lý! Hãy thử nhìn với bối cảnh rộng hơn một chút.

  • Người khác thật ra đâu có quan tâm đến bạn đến thế, người ta chỉ cười vui thôi. Họ còn phải dành thời gian giải quyết vấn đề của chính mình.
  • Thế giới này thật nhỏ bé và cuộc đời bạn chỉ như 1 chấm nhỏ giữa sự vô tận của không thời gian. Vì thế, thay vì làm điều gì có ý nghĩa lại phí thời gian xem người khác đánh giá thế nào thì thật đáng cười.

Dĩ nhiên ban đầu chỉ nên chọn những việc dễ trước. Và nếu vẫn không đủ can đảm thì có thể tìm cách đưa mình vào thế đã rồi - chẳng hạn như công khai ý định với mọi người.

Điều quan trọng nhất là, khi không thoải mái hãy luôn luôn nhận diện và quan sát các cảm xúc.

Thật là ngại ngùng khi phơi bày con người thật, với đầy những chỗ không đẹp, ra cho thiên hạ thấy. Nhưng đó là cách nhanh nhất để học, để kết nối và xây dựng lòng tin bền vững giữa người với người. Đây có lẽ cũng là cách duy nhất để có được sự an tâm và niềm vui bền vững, tâm trạng tò mò đón nhận ngày mai cho dù điều gì có xảy ra.


Những "người bậc cao" không phải sinh ra đã vậy mà do rèn luyện. Cho dù mỗi người một khác, nhưng tôi tin những bước đầu tiên là hiểu rõ các cảm xúc, trung thực và chấp nhận các điểm yếu, để tự cười và thoải mái đón nhận người khác cười mình.

Đó là con đường mà tôi hy vọng mình có đủ can đảm để dấn thân.

Nguồn và tác giả[sửa]

Chú thích: Thiền quán[sửa]

Vì công việc hàng ngày bận rộn, việc thực hiện bước 1 và 2 trên là không dễ dàng. Vì thế mà sẽ rất có ích nếu mỗi ngày bạn dành ra 15 phút để tập thiền quán. Không liên quan đến tôn giáo hay gì cả, đây chỉ là phương pháp thực hành bước 1 và 2 ở trên một cách tập trung và do đó có hiệu quả cao hơn.

Ổn định ở một tư thế thoải mái (ngồi, nằm, hoặc thậm chí có thể đi dạo) Hướng sự chú ý vào một cảm giác nào đó. Chẳng hạn cảm giác phồng/xẹp bụng hoặc cảm giác hơi thở chạm vào thành lỗ mũi sau mỗi nhịp thở. Nếu đi dạo thì có thể chọn cảm giác gan bàn chân chạm mặt đất theo mỗi bước. Nhớ chỉ chọn 1 cảm giác. Khi các suy nghĩ xuất hiện, nhận diện nó, và từ từ quay lại điểm chú ý bạn đã chọn