Dùng lô hội để điều trị thấp khớp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thấp khớp, một dạng bệnh tự miễn gây viêm, có thể gây đau ở các cơ. Hệ miễn dịch trong cơ thể vô ý tấn công bản thân, thường là các lớp màng giữa khớp cổ tay và ngón tay. Ngoài ra, thấp khớp cũng gây đau ở cổ, vai, khuỷu tay, hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Kiểm soát cơn đau bằng cách kiểm soát chứng viêm có thể giúp giảm cảm giác khó chịu. Sử dụng lô hội, áp dụng chế độ ăn giúp kháng viêm và thay đổi lối sống có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh thấp khớp.

Các bước[sửa]

Dùng Lô hội để Điều trị Thấp khớp[sửa]

  1. Tìm hiểu về gel và nước ép lô hội. Gel lô hội là nguyên liệu truyền thống để điều trị vết thương, bỏng, nhiễm trùng và một số dạng đau khớp và viêm khớp.[1] Bạn có thể thoa trực tiếp gel lô hội lên khớp hoặc uống nước ép lô hội để giảm viêm. Đặc tính kháng viêm, khả năng giảm đau (phần lớn là nhờ đặc tính kháng viêm) và tăng tốc độ chữa lành vết thương của lô hội rất hữu ích để điều trị thấp khớp.[2] Ngoài ra, lô hội còn là nguyên liệu dưỡng ẩm và chống lão hóa an toàn.[3]
    • Gel lô hội là phần chính giữa của lá lô hội, được biết đến là "phần thịt bên trong". Gel lô hội chứa nhiều đường phức hợp hơn so với nước ép lô hội. Các loại đường phức hợp này chính là thành phần mang lại lợi ích. [4][5]
    • Nước ép lô hội được chiết xuất từ phần lá bên ngoài và cũng chứa đường phức hợp.
  2. Lấy gel lô hội. Đối với cây nha đam trưởng thành, bạn có thể dùng dao để cắt và lột lớp vỏ bên ngoài, lấy phần gel trong bên trong. Sau đó, dùng ngón tay để lấy gel hoặc cắt bỏ hai đầu lá lô hội và bóp gel ra.
    • Nếu muốn mua gel lô hội, bạn có thể tìm ở các cửa hàng trực tuyến hoặc cửa hàng thực phẩm an toàn. Nên mua lô hội hữu cơ không chứa phụ gia hoặc chất bảo quản.
  3. Thoa gel lô hội lên khớp. Đầu tiên, thoa gel lên một vùng nhỏ để kiểm tra xem có dị ứng hay không. Ngừng thoa nếu thấy xuất hiện phát ban hoặc các vấn đề khác. Nếu không, hãy thoa gel lên toàn bộ khu vực khớp gây khó chịu. Thoa gel lô hội tương tự như thoa kem dưỡng. Cách này giúp giảm tạm thời cơn đau do thấp khớp. Chỉ cần da không bị kích ứng thì bạn có thể thoa gel lô hội bao lâu tùy thích.
    • Hầu hết mọi người đều không gặp tác dụng phụ khi thoa gel lô hội. Tuy nhiên, gel có thể gây mẩn đỏ, bỏng rát hoặc cảm giác nhói và phát ban trong thời gian ngắn (nhưng hiếm).[2]
  4. Tìm hiểu về tác dụng phụ của nước ép lô hội và tương tác đối với sức khỏe. Báo cáo cho thấy nước ép lô hội giúp giảm phản ứng miễn dịch nên có thể hữu ích trong trường hợp thấp khớp. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng co rút, tiêu chảy và đầy hơi,[1] bạn nên ngừng uống. Uống nước ép lô hội cũng có thể làm hạ đường huyết và tương tác với thuốc chữa bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn không nên uống quá 3-4 tuần. Ngoài ra, nước ép lô hội có thể làm giảm khả năng hấp thụ kem steroid và giảm nồng độ kali. Do đó, bạn nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi muốn kết hợp thuốc chữa bệnh với lô hội, cả ở dạng thoa ngoài và nước ép.
    • Mặc dù chưa có nghiên cứu dài hạn nào cho thấy hiệu quả bên trong của lô hội nhưng có một nghiên cứu đã nhận thấy mối liên quan giữa việc uống nước ép lô hội với bệnh ung thư đại tràng.[5]
    • Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng Hoa Kỳ (CSPI) không khuyến khích việc uống nước ép lô hội. Trung tâm này chỉ khuyến nghị nên dùng gel lô hội để thoa ngoài.[6]
  5. Uống nước ép lô hội. Tìm mua nước ép hữu cơ (ví dụ như của thương hiệu Lily of the Desert hoặc Nature's Way) không chứa phụ gia hoặc chất bảo quản. Bắt đầu uống một lượng nhỏ, khoảng 60-90 ml một lần mỗi ngày, để xem phản ứng của cơ thể với nước ép. Sau đó, tăng dần lên 60-90 ml ba lần mỗi ngày. Nước lô hội hơi đắng và cần có thời gian để quen với vị đắng. Có thể cho thêm một thìa cà phê mật ong hoặc pha với nước ép hoa quả cho vừa miệng.
    • Tuyệt đối không uống gel lô hội vì gel có chứa một chất nhuận tràng mạnh có thể gây tiêu chảy.[4]

Thay đổi Chế độ ăn và Lối sống[sửa]

  1. Bổ sung thực phẩm chất lượng cao vào chế độ ăn. Nên ăn thực phẩm hữu cơ vì chúng không có thuốc trừ sâu và các hóa chất khác như kích thích tố và thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đóng gói. Cách này giúp giảm lượng chất phụ gia và chất bảo quản - những chất có thể gây viêm ở một số người. [7] Không những vậy, bạn còn có thể đảm bảo rằng mình đang nạp vào cacbon-hydrat phức hợp, không phải cacbon-hydrat đơn giản - làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
    • Cố gắng tự nấu thức ăn, từ thực phẩm toàn phần. Cách này giúp giữ lại được nhiều vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
    • Quy tắc hàng đầu đó là thực phẩm quá trắng (như bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống trắng) tức là thực phẩm đã qua chế biến. Tốt nhất bạn nên ăn bánh mì nguyên hạt, gạo lứt và mì ống nguyên hạt.[8]
  2. Ăn nhiều rau củ quả. 2/3 chế độ ăn nên bao gồm rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt.[8] Rau củ quả chứa hàm lượng chất chống oxi hóa cao giúp giảm viêm. Nên chọn rau củ quả tươi. Có thể ăn rau củ quả đã được đông lạnh nhưng không nên ăn rau củ ở dạng sốt đặc và béo. Tránh ăn hoa quả nhiều đường hoặc sirô quá ngọt. Thay vào đó, nên chọn hoa quả óc màu sáng và rau củ chứa nhiều chất chống oxi hóa như:
    • Quả mọng (việt quất và quả mâm xôi)
    • Táo
    • Mận
    • Cam
    • Hoa quả họ cam quýt
    • Rau lá xanh
    • Bí đỏ và bí ngòi
    • Ớt chuông
  3. Bổ sung thêm chất xơ. Chất xơ giúp giảm viêm.[9] Bạn nên bổ sung ít nhất 20-35 g chất xơ mỗi ngày. Thực phẩm giàu chất xơ gồm có ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả, các loại đậu và hạt. Dưới đây là một số thực phẩm giàu chất xơ:[10]
    • Gạo lứt, tấm lúa mì, lúa mạch, yến mạch, hạt kê và hạt diêm mạch
    • Táo, lê, sung, chà là, nho, các loại quả mọng
    • Rau lá xanh (rau chân vịt, rau mù tạt, cải cầu vồng, cải rổ, cải xoăn), cà rốt, bông cải xanh, mầm cải Brussel, cải thìa và củ dền
    • Đậu Hà Lan, đậu lăng và tất cả loại đậu (đậu thận, đậu đen, đậu trắng, đậu Lima)
    • Hạt bí đỏ, hạt vừng, hạt hướng dương và các loại hạt như hạnh nhân, hồ đào, óc chó và hồ trăn.
  4. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ. Nếu muốn ăn thịt đỏ, bạn phải đảm bảo đó là thịt bò nạc (ví dụ như thịt bò được nuôi thả cho ăn cỏ vì thịt có tỉ lệ omega-3 và omega-6 tự nhiên) và thịt da cầm không da. Thịt phải là từ động vật không bị tiêm hormone kích thích tăng trưởng hoặc kháng sinh và bạn phải lóc bỏ hết mỡ. Hạn chế ăn thịt sẽ giúp giảm dung nạp chất béo bão hòa. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị lượng chất béo bão hòa chỉ nên ít hơn 7% tổng lượng calo mỗi ngày.[11]
    • Có thể giảm tiêu thụ chất béo bão hòa bằng cách không dùng bơ thực vật, bơ và mỡ trừu khi chế biến món ăn. Thay vào đó, nên dùng dầu ôliu hoặc dầu hạt cải.
    • Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến nghị nên tránh tiêu thụ chất béo chuyển hóa. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ nhãn thực phẩm và tránh mua sản phẩm có thành phần "chất béo được hydro hóa một phần". Dù cho nhãn có ghi "0 chất béo chuyển hóa" thì sản phẩm này cũng sẽ chứa chất béo chuyển hóa.[11]
  5. Bổ sung cá vào chế độ ăn. Cá là nguồn protein tốt và giàu axit béo omega-3. Tăng hấp thụ axit béo omega-3 sẽ giúp giảm viêm nhiễm. Các loại cá chứa hàm lượng cao omega-3 gồm có: cá hồi, cá ngừ, cá mòi và cá thu.
    • Đừng quên uống thật nhiều nước.
  6. Kết hợp gia vị và thảo mộc kháng viêm vào món ăn. Một số loại gia vị và thảo mộc có thể giúp giảm đau do thấp khớp. Nhiều loại còn có ở dạng thực phẩm chức năng (ví dụ như tỏi, nghệ, axit béo omega-3 và vitamin C, E). Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng. Tốt nhất nên bổ sung thông qua chế độ ăn thay vì dùng thực phẩm chức năng. Thảo mộc và gia vị có khả năng giảm viêm bao gồm:[12][13]
    • Tỏi
    • Nghệ
    • Húng tây
    • Lá Oregano
    • Đinh hương
    • Quế
    • Gừng
    • Ớt
  7. Tập thể dục cường độ vừa phải. Tập thể dục giúp duy trì sức khỏe tổng thể, tăng cường sức mạnh cơ bắp và xương. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn chọn ra bài tập hiệu quả nhất. Ngoài ra, bạn nên nhớ rằng tập thể dục cũng có thể là các hoạt động tác động nhẹ như Aerobic, nâng tạ, đi bộ, đi bộ đường dài, Thái Cực Quyền hoặc Yoga. Tất cả các bài thể dục này đều giúp duy trì sức khỏe và độ dẻo dai.[14]
    • Cân bằng giữa việc tập luyện và nghỉ ngơi. Ngay cả khi cơn đau do thấp khớp trở nên dữ dội, bạn cũng nên nghỉ ngơi một chút thay vì nằm suốt trên giường. [15]
  8. Uống thuốc chống thấp khớp cải thiện bệnh (DMARD). Các thuốc này chứa thành phần kháng viêm. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn - thuốc dùng để chống lại các yếu tố hoại tử khối u. Mặc dù chưa rõ chức năng của những thuốc này đối với bệnh thấp khớp nhưng chúng thường được dùng cùng thuốc kháng viêm. [16] Hoặc bác sĩ có thể kê đơn thuốc sinh học - protein biến đổi gen nhân tạo - để kết hợp với thuốc kháng viêm. [16] Thuốc kháng viêm không steroid và thuốc giảm đau cũng được dùng với các thuốc khác.
    • Thuốc DMARD như Methotrexate có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng và phản ứng mẫn cảm. Tác dụng phụ khác của thuốc gồm có sốt, mệt mỏi, ho và khó thở.[16]

Hiểu rõ về Bệnh thấp khớp[sửa]

  1. Xác định triệu chứng thấp khớp. Dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên là khớp đau, sưng và thường có cảm giác ấm khi chạm vào. Nhiều người bị thấp khớp sẽ cảm thấy đau nhẹ, cứng khớp và thậm chí là cơn đau “bùng phát” từng đợt khi dấu hiệu và triệu chứng bệnh trở nặng. Trong khi đó, một số khác sẽ có triệu chứng mãn tính và liên tục. Mặc dù điều trị sớm có thể hạn chế tổn thương nhưng khi bệnh tiến triển, các khớp và xương sẽ bị hư hỏng, dẫn đến mất chức năng. [16] Các triệu chứng khác của bệnh thấp khớp gồm có:
    • Mệt mỏi, đau cơ, cứng khớp nói chung kéo dài ít nhất 1 tiếng sau khi đi bộ hoặc sau một thời gian nghỉ dài (khác với cơn đau và cứng do thoái hóa khớp thường biến mất nhanh hơn).[15]
    • Mắc các rối loạn khác thường xuyên hơn so với người không bị thấp khớp. Những rối loạn gồm có các bệnh tự miễn khác (như Hội chứng Sjogren), viêm mạch máu (tình trạng mạch máu bị viêm nhiễm), thiếu máu (lượng tế bào hồng cầu mang oxi đến các mô thấp hơn bình thường) và bệnh phổi.
    • Các nốt dạng thấp, thường xuất hiện ở 35% đối tượng bị thấp khớp. Các nốt ở dạng mụn dưới da, gần vùng khớp bị ảnh hưởng, thường là gần khuỷu tay. Nốt dạng thấp thường không gây đau, di chuyển dưới da và có nhiều kích thước, từ cỡ một hạt đậu cho đến to bằng quả chanh.[17]
  2. Hiểu rõ yếu tố nguy cơ mắc bệnh thấp khớp. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân dẫn đến thấp khớp là gì nhưng dường như bệnh có liên quan đến các yếu tố di truyền. Có thể việc di truyền một nhóm gen (không chỉ một gen duy nhất) sẽ làm tăng nguy cơ bị thấp khớp. Các yếu tố hormone và môi trường cũng góp phần gây ra căn bệnh này.[16]
    • Nam giới và nữ giới thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào cũng đều có thể bị thấp khớp. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguy cơ thấp khớp của nữ giới cao gấp 2-3 lần nam giới, thường là vào độ tuổi trung niên.
  3. Hiểu rõ bệnh thấp khớp được chẩn đoán như thế nào. Bệnh thấp khớp được chẩn đoán dựa trên dấu hiệu, triệu chứng, tiền sử bệnh lý và tiền sử gia đình cùng với các xét nghiệm vật lý. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kết quả chẩn đoán để lên kế hoạch điều trị, với mục đích chính là giảm đau bằng cách giảm viêm và giảm thiểu thương tổn ở khớp.[15] Để chẩn đoán bệnh thấp khớp, bác sĩ sẽ tiến hành:
    • Các xét nghiệm, bao gồm chụp X-quang hoặc chụp hình ảnh của khớp bị ảnh hưởng
    • Kiểm tra mẫu máu, cụ thể là xét nghiệm mẫu máu để xác định Yếu tố Dạng thấp (RF) và các xét nghiệm thông thường khác. Xét nghiệm RF có thể chẩn đoán bệnh thấp khớp, trong khi các xét nghiệm khác có thể xác định tình trạng viêm tiềm ẩn. [15]
    • Xét nghiệm chẩn đoán để loại trừ các bệnh khác có thể giống thấp khớp (như nhiễm trùng khớp - khớp đau do nhiễm trùng, Lupus ban đỏ hệ thống (SLE), viêm cột sống dính khớp (thường ảnh hưởng đến cột sống và các khớp lớn) và đau cơ xơ hóa). [16]

Cảnh báo[sửa]

  • Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được nuốt lô hội.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2763764/
  2. 2,0 2,1 Edwards, SE., Phytopharmacy: An Evidence-Based Guide to Herbal Medicinal Products. 1st ed. (2015), Wiley&Sons, NYC.
  3. Surjushe,A., Vasani, R., Saple, DG., Aloe Vera: A Short Review. Indian J Dermatol. 2008; 53(4): 163–166.
  4. 4,0 4,1 https://nccih.nih.gov/health/aloevera
  5. 5,0 5,1 Hart LA, Nibbering PH, van den Barselaar MT, van Dijk H, van den Burg AJ, Labadie RP. Effects of low molecular constituents from aloe vera gel on oxidative metabolism and cytotoxic and bactericidal activities of human neutrophils. Int J Immunopharmacol. 1990;12:427–34.
  6. http://www.cspinet.org/new/201308211.html
  7. http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/anti-inflammatory/anti-inflammatory-diet.php
  8. 8,0 8,1 http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/anti-inflammatory/rheumatoid-arthritis-diet.php
  9. http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/anti-inflammatory/fiber-inflammation.php
  10. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/high-fiber-foods/art-20050948
  11. 11,0 11,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/heart-healthy-diet/art-20047702
  12. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3011108/
  13. http://www.arthritis.org/living-with-arthritis/arthritis-diet/anti-inflammatory/anti-inflammatory-diet.php
  14. http://www.arthritis.org/about-arthritis/types/rheumatoid-arthritis/self-care.php
  15. 15,0 15,1 15,2 15,3 http://www.niams.nih.gov/health_info/rheumatic_disease/
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 16,5 http://www.clevelandclinicmeded.com/medicalpubs/diseasemanagement/rheumatology/rheumatoid-arthritis/Default.htm
  17. http://www.aocd.org/?page=RheumatoidNodules

Liên kết đến đây