Dạy học tình huống và tình huống dạy học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Người thầy giáo trước lớp cũng như người chỉ huy trong chiến đấu, luôn phải quan sát đối phương và diễn biến chiến trường để ra các mệnh lệnh chiến đấu chứ không thể dựa vào bản kế hoạch tác chiến đã vạch sẵn trước khi xảy ra chiến sự.

Ảnh minh họa

1. Một khái niệm cơ bản[sửa]

1.1 Dạy học tình huống:[sửa]

Là tư tưởng dạy học quan niệm rằng khi dạy học người thầy đứng trước những hoàn cảnh, điều kiện dạy học rất cụ thể. Thầy giáo phải luôn hiểu được nhu cầu, nguyện vọng, hứng thú, năng lực... của người học, đồng thời phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện, môi trường... khi quá trình dạy học đang diễn ra. Trên cơ sở đó quyết định dạy cái gì, dạy như thế nào, sử dụng phương tiện và hình thức gì?... để tạo ra những hoạt động phong phú, hấp dẫn, nhằm khơi dậy hứng thú, lòng ham học tập, tìm tòi, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Vũ trụ là vô cùng và tư duy sáng tạo của con người cũng là vô cùng. Nếu làm được điều đó thì lợi ích mang lại cho con người sẽ không thể nào lường hết được.

Vì sự chú ý, hứng thú... của học sinh thay đổi từng giây, từng phút trong quá trình học tập, nên người thầy giỏi phải luôn nhạy cảm trước tình huống sư phạm mới có sự điều chỉnh kịp thời các hoạt động của mình.

Người thầy giáo trước lớp cũng như người chỉ huy trong chiến đấu, luôn phải quan sát đối phương và diễn biến chiến trường để ra các mệnh lệnh chiến đấu chứ không thể dựa vào bản kế hoạch tác chiến đã vạch sẵn trước khi xảy ra chiến sự. Trong thực tế người thầy giáo giỏi đã làm như thế để có được những giờ học thành công. Họ đã thực hiện theo tinh thần dạy học tình huống. Đó là một trong những bí quyết quan trọng của nghệ thuật sư phạm mà các sinh viên và thầy giáo trẻ nên lưu ý học tập.

Vậy bản chất của dạy học tình huống là dạy học gắn liền với thực tiễn, dạy học trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể và luôn biến động.

1.2 Tình huống dạy học: THDH là khái niệm quan trọng nhất của DHTH[sửa]

THDH là khái niệm mô tả hoàn cảnh, điều kiện dạy học cụ thể như: thầy, trò, sách giáo khao (SGK) có gì đặc biệt? Mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện, môi trường dạy học... như thế nào?

THDH luôn luôn thay đổi, vì vậy để dạy học tốt đòi hỏi người thầy phải quan sát thực tế, nhạy cảm và tập trung sự chú ý của mình vào công việc. Người thầy thường tập trung vào việc xác định THDH ở 3 giai đoạn: trước giờ học, trong giờ học và sau giờ học.

2. Cấu trúc của THDH[sửa]

THDH được tạo thành từ hai yếu tố cơ bản: con người và các thành tố của quá trình dạy học

2.1 Con người:[sửa]

là thầy và trò. Muốn làm việc có hiệu quả người thầy phải nắm được nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh, điều kiện học tập của học sinh. Đối tượng lao động của người thầy là học sinh, khác với công nhân, nông dân, đối tượng lao động là những vật vô tri vô giác. Trong giờ lên lớp thầy giáo phải quan tâm theo dõi sự chú ý và hứng thú của học sinh. Sự chú ý như cửa sổ của tâm hồn con người. Khi cửa sổ này khép lại thì mọi hoạt động của thầy không còn ảnh hưởng tới tâm hồn họ nữa.

Hứng thú học tập của học sinh là động lực kích thích tính tích cực sáng tạo, làm nâng cao chất lượng học tập.

Trong dạy học động lực được tạo ra từ sự kích thích hứng thú là thế mạnh của người thầy, vì nó nằm trong tầm tay của họ qua sự lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện và tình huống dạy học thích hợp.

Bản thân người thầy cũng phải hiểu mình, luôn luôn tự rèn luyện, tu dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học ngày càng cao của xã hội. Có thể tóm tắt những điều đã nói trong sơ đồ sau:

THẦY TRÒ

- Có kiến thức sâu và rộng, có lương tâm nghề nghiệp

- Sự tập trung, sự sẵn sàng làm việc

- Xác định được bản chất và trọng tâm vấn đề

- Chuẩn bị tốt các điều kiện dạy học cụ thể

- Có nhu cầu học tập

- Tập trung sự chú ý, có hứng thú học tập

- Có trình độ, năng lực tiếp thu bài học

- Có điều kiện, môi trường, không khí đạo đức chung tốt

2.2 Các yếu tố của quá trình dạy học:[sửa]

Là thành phần cơ bản của THDH. QTDH có hai mặt: mặt nội dung và mặt quá trình có quan hệ chặt chẽ với nhau.


Mặt nội dung gồm: Mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức và kiểm tra, đánh giá. Những phạm trù này quyện chặt vào nhau trong QTDH, nhiều khi không thể bóc tách được, chúng rất trừ không phụ thuộc vào sự gia công sư phạm của người thầy. Bài học có sinh động, đem lại hứng thú, có để lại dấu ấn trong tâm hồn học sinh, đó là kết quả của việc nắm bắt tình hình thực tế, của sự uyên bác, của năng lực và nghệ thuật sư phạm, của tinh thần trách nhiệm và lương tâm người thầy.

Mặt quá trình gồm: Tạo tình huống có vấn đề, kích thích động viên, tạo động lực, tổ chức hoạt động, kiểm tra đánh giá. Quá trình này kéo dài từ đầu đến cuối giờ học. Tất cả những điều kiện trên có thể tóm tắt trong bảng sau:

Các yếu tố cơ bản của quá trình dạy học

Mặt nội dung Mặt quá trình Nội dung Phương tiện Hoạt động của thầy Hoạt động của trò
Tạo tình huống có vấn đề
Giải quyết vấn đề. Tổ chức hoạt động
Kiểm tra, đánh giá

3. Quá trình vây dựng THDH[sửa]

Từ thực tiễn dạy học có thể thấy người thầy xây dựng THDH qua 3 giai đoạn: trước giờ học, trong giờ học, sau giờ học.

3.1 Trước giờ học:[sửa]

Hiện nay, việc xây dựng THDH trước giờ học có thể xem là quan trọng nhất. Thậm chí, một số thầy giáo xem đây là giai đoạn duy nhất, mà không có các giai đoạn kia. Nếu nhận thức như thế, thì khi đứng lớp, người thầy chỉ tập trung vào những vấn đề đã được soạn trong giáo án, không chú ý đến thực tiễn dạy học sinh động đang diễn ra. Điều đó đã hạn chế tính hiệu quả của QTDH.

3.2 Trong giờ học:[sửa]

Đây là lúc xảy ra sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, là giai đoạn quan trọng nhất, quý báu nhất của QTDH, vì chất lượng dạy học – giáo dục thường được quyết định vào lúc này. Nhưng điều đó lại diễn ra hàng ngày nên người ta xem là việc làm bình thường, mà không phải ai cũng thấy được tầm quan trọng của nó.

Khi lên lớp người thầy vừa quan sát lớp học vừa giảng dạy, lúc nói, lúc viết, lúc sử dụng tranh, ảnh, bản đồ, lúc làm thí nghiệm, lúc ra bài tập, lúc dùng power point, lúc hỏi đáp, lúc tổ chức thảo luận, lúc kiểm tra học sinh... Giọng nói của thầy lên bổng, xuống trầm, lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhấn mạnh điểm này, lúc lướt qua điểm kia. Thái độ kiên quyết, lúc mềm dẻo, lúc nghiêm trang, lúc hài hước. Ngôn ngữ, phong thái của thầy kết hợp hài hoà với nhau, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ học tập và không khí hoạt động chung của lớp học, tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, đầm ấm và lành mạnh, lôi cuốn các em vào môi trường học tập.

Tất cả những điều đó dựa trên sự quan sát, phân tích THDH cụ thể đang diễn ra trên lớp để có sự ứng xử thích hợp.

Người thầy vừa như một người chỉ huy trong chiến đấu, vừa như một nghệ sĩ trên sân khấu. Tài năng và nghệ thuật sư phạm của người thầy chủ yếu diễn ra lúc này. Vì vậy đỏi hỏi người thầy phải tập trung và phát huy cao độ sự nỗ lực sáng tạo để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động của mình.

3.3 Sau giờ lên lớp[sửa]

Trước khi kết thúc giờ học, các thầy thường dành vài ba phút để ra bài tập về nhà cho học viên. Nhưng trong dạy học hiện đại, vấn đề tự học của học viên phải được xem là chủ yếu. Vì vậy việc xác định THDH sau giờ lên lớp cũng phải được đặt ra một cách nghiêm túc hơn để có thể đưa ra một hệ thống bài tập hợp lí, phù hợp với thời gian và điều kiện học tập thực tế của các em. Đồng thời phải có sự hướng dẫn cần thiết về nội dung, phương pháp và kế hoạch... đối với những vấn đề khoa học phức tạp.

Tác giả: GS.TSKH Thái Duy Tuyên, ThS Bùi Hồng Thái

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này