Ghi chép bài

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ghi chép hiệu quả không chỉ là ghi âm hay chép lại. Đó là một phần chủ động của quá trình học tập, đòi hỏi sự tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng và viết lại những điểm chính theo cách thức phù hợp với phong cách học của bạn. Một khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho buổi học, hãy tối ưu hóa quá trình ghi chép của bạn. Những bước này, cùng chỉnh sửa và tái sắp xếp nhanh, có thể giúp bạn trở thành một người ghi bài tốt hơn.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho tiết học[sửa]

  1. Hoàn thành việc đọc trước ngày đến lớp. Giáo viên cho bài đọc để bạn có thể làm quen với chủ đề cần thảo luận trên lớp. Nếu hoàn thành việc đọc trước khi đến lớp, bạn đã biết nhiều chi tiết tổng quan. Khi đó, bạn có thể tập trung ghi chép những khái niệm chính yếu.
    • Đồng thời, đừng quên đọc qua ghi chép từ buổi học trước trước khi đến lớp. Nhờ đó, bạn sẽ nắm được điểm dừng từ buổi học trước và mọi thông tin cần thiết cho buổi học tiếp theo.[1]
  2. Tìm tư liệu học tập và đề cương bài giảng trực tuyến. Nếu giáo viên cung cấp đề cương, bài giảng PowerPoint hay thậm chí tóm tắt cơ bản dành cho buổi học tiếp theo, hãy tận dụng chúng. Hãy nghĩ về chúng như bộ khung của một ngôi nhà, thứ mà sau đó, bạn sẽ hoàn thành và trang trí với việc ghi chép.
    • Có thể rất dễ rơi vào trường hợp chỉ in đề cương hay bài giảng và rồi bỏ qua ghi chép trong giờ hoặc chỉ ghi chú nhanh vài thứ vào tài liệu được in, chỗ này hay chỗ khác. Thế nhưng, sử dụng những tài liệu này để xây dựng ghi chép của riêng bạn sẽ tốt hơn nhiều. Đó là cách tốt nhất để xử lý thông tin, điều mà sau cùng, là mục đích của ghi chép.[2]
  3. Cân nhắc ưu và nhược điểm của việc đánh máy bài trong giờ học. Nhiều sinh viên thoải mái với việc đánh máy hơn là ghi chép. Dù vậy, vẫn có lý do để chúng ta cân nhắc sử dụng phương pháp giấy và bút truyền thống đáng tin cậy. Một số nghiên cứu cho thấy sinh viên ghi tay có thể hiểu và nhớ bài tốt hơn. Rất dễ rơi vào trạng thái chép lại đơn thuần với laptop. Đó là lúc bạn cố đánh máy mọi thứ nghe được thay vì chủ động nhận biết đâu là thông tin quan trọng nhất cần ghi lại. Viết tay có thể giúp bạn tập trung tốt hơn.[3]
    • Mặt khác, sử dụng laptop hay thiết bị điện tử khác giúp việc định dạng, lưu, chỉnh sửa, chia sẻ và đọc lại (mà không cần lo lắng về cách viết nguệch ngoạc) trở nên dễ dàng hơn.
    • Có vô số hỗ trợ ghi chép dành cho laptop, chẳng hạn như: định dạng “notebook layout” (dàn trang sổ ghi chép) có trong Microsoft Word, phần mềm kết nối phần ghi âm bài giảng với ghi chép của bạn, chương trình sắp xếp ghi chép giúp bạn hợp nhất tài liệu từ nhiều loại và định dạng khác nhau như thư điện tử hay tập tin PDF, nền tảng ghi chép liên kết cho phép bạn phối hợp ghi chép cùng những người khác trong cùng một thời gian. Chúng có thể là cứu cánh hoặc cũng có thể là điều khiến bạn phân tâm. Chỉ bạn mới có thể đánh giá đâu là điều hiệu quả nhất dành cho bạn.
    • Một số giảng viên và trường, viện cấm sử dụng laptop trong lớp học. Vì vậy, đừng xem nhẹ sự cần thiết của việc biết cách ghi chép bằng tay.
  4. Ngồi gần phía trên của phòng. Chọn vị trí trong lớp mà tại đó, bạn ít bị phân tâm. Khi đó, bạn sẽ có thể tập trung và ghi chép tốt hơn. Tìm một nơi mà bạn có thể nhìn và nghe rõ giảng viên. Bạn cũng nên nhìn rõ được bảng. Hãy đến lớp sớm hơn đôi chút để đảm bảo chỗ ngồi đã chọn.
    • Nếu nhận thấy bản thân bị sao nhãng bởi sự ồn ào của một vài sinh viên khác, quạt điều hòa không khí hay không may bị lóa từ màn hình máy chiếu, hãy kín đáo chuyển chỗ nếu có thể làm vậy mà không ảnh hưởng đáng kể đến lớp. Nếu không thể, hãy nỗ lực hết mức có thể trong giờ học đó và tìm một vị trí khác vào lần sau.
  5. Đảm bảo dự trữ đầy đủ cho việc ghi chép. Nếu ghi chép bằng tay, mang theo bút viết, bút chì và giấy dự phòng. Nếu ghi bài bằng laptop hoặc thiết bị điện tử khác, hãy chắc rằng chúng đủ pin và sẵn sàng ngay khi lớp học bắt đầu.
    • Một số người thích sử dụng những tờ ghi chú rời để có thể trải rộng trên bàn hay sàn nhà khi học. Một số khác lại cảm thấy tập ghi chép gọn gàng hơn.
  6. Đề ngày tháng và chủ đề bài giảng cho tập ghi chép. Đảm bảo ghi chép được ghi chú rõ ràng để dễ dàng tham chiếu trong tương lai. Viết ngày và chủ đề bài giảng lên đầu mỗi trang.[1]
    • Nếu có nhiều trang ghi chép, cũng đừng quên đánh số trang. Nhờ đó, lưu giữ ghi chép theo thứ tự sẽ dễ dàng hơn.
  7. Cân nhắc các tùy chọn định dạng cho ghi chép của bạn. Ghi chép tại thời điểm ban đầu càng gọn gàng, ngăn nắp thì chúng sẽ càng dễ hiểu, chỉnh sửa và nghiên cứu về sau. Định dạng theo kiểuDàn ý là một lựa chọn dành cho bạn, đặc biệt trong trường hợp bài giảng có kết cấu rõ ràng và/hoặc được trình bày như vậy. Ở định dạng này, bạn sẽ ghi đề mục từng phần. Dưới đó, các ý được ghi lại ở dạng gạch đầu dòng và các ý hỗ trợ sẽ được ghi lại bằng gạch đầu dòng con. Điều này tốt hơn nhiều so với viết mọi thứ như ý mới, ngang hàng.
    • Lưu ý rằng giảng viên không phải lúc nào cũng có kết cấu chặt chẽ trong việc trình bày điểm chính và các ý hỗ trợ. Nhớ rằng, có thể bạn sẽ phải sắp xếp lại ghi chép sau giờ học.

Tối ưu hóa ghi chép của bạn[sửa]

  1. Nhớ ghi chú thay vì ghi lại bài giảng. Để ghi chép tốt hơn, bạn cần là một “người nghe chủ động”. Nghĩa là, không chỉ ghi lại những gì nghe được. Thay vào đó, bạn nên tương tác với bài và quyết định đâu là phần thiết yếu của những gì đã được trình bày.
    • Ví dụ, thay vì dành thời gian viết lại mọi chi tiết về những hành động trong chính sách đối ngoại của Theodore Roosevelt, hãy nỗ lực thiết lập những khái niệm chính trong chính sách đối ngoại chung của ông và xác định ví dụ làm rõ. Bằng cách đó, bạn đã bắt đầu quá trình học và hiểu (hay nói cách khác, tiếp thu kiến thức).
    • Sự cần thiết của tương tác chủ động này là một trong những nguyên nhân nhiều chuyên gia phản đối ghi âm bài giảng.[4][1]
    • Nếu cương quyết ghi âm bài giảng hoặc có lý do chính đáng để làm điều đó, trước khi thực hiện, hãy hỏi ý kiến giáo sư của bạn. Bài giảng được coi là tài sản trí tuệ của giáo sư. Thêm vào đó, một số trường hay viện có chính sách cụ thể dành cho việc ghi âm.
  2. Lắng nghe phần giới thiệu một cách cẩn thận. Đừng tốn thời gian để có thể khởi động cho việc ghi chép tại thời điểm mở đầu của lớp học. Hãy sẵn sàng ngay từ đầu.
    • Bài giảng thường bắt đầu bằng cách đi thẳng vào những điểm sẽ được trình bày hay ít nhất, “đầu mối” trực tiếp về những điều sắp sửa được học. Nghe kỹ để nắm được những định hướng nội dung ở phần đầu bài giảng sẽ giúp bạn sắp xếp và nhận định đâu là phần quan trọng nhất.
    • Đừng chú tâm đến người đến trễ hoặc chưa sẵn sàng cho việc ghi chép.
  3. Chép lại những gì được viết trên bảng. Mọi giảng viên đều sắp xếp bài giảng thành một dạng đề cương nào đó, kể cả khi nó không thực sự rõ ràng hay không được bám sát trong quá trình giảng. Thông tin có trong slide bài giảng sẽ cho bạn gợi ý sắp xếp, trình bày bài ghi đáng tin cậy.
  4. Học cách nắm bắt gợi ý và ám chỉ của người dạy. Họ sẽ dùng lối diễn đạt ngôn từ, ký hiệu bằng tay và những cách ám chỉ khác để nhấn mạnh những phần quan trọng trong bài giảng. Hãy bắt đầu quan sát những lối diễn đạt và cử chỉ này để nhận thức được đâu là thông tin quan trọng.[1]
    • Nhận biết ý chính bằng cách nhận diện từ và cụm từ báo hiệu, cho thấy điều gì đó là quan trọng, cần theo dõi. Giáo viên sẽ không phóng hỏa tiễn khi trình bày một ý tưởng mới quan trọng hay đưa ví dụ. Tuy vậy, họ sẽ dùng dấu hiệu để truyền đạt những gì đang làm. Mọi diễn giả có kỹ năng đều làm vậy và bạn nên trông chờ nhận được những dấu hiệu trên. Ví dụ bao gồm:
      • Có ba lý do vì sao...
      • Thứ nhất... thứ hai... thứ ba...
      • Sự quan trọng của điều này là...
      • Ảnh hưởng của điều này là...
      • Từ đây, chúng ta có thể thấy…
    • Bạn cũng cần học nhận diện những đầu mối khác. Khi đưa ra ý chính, người dạy có thể sẽ nói chậm hoặc to hơn, lặp lại một từ hay cụm từ, dừng lâu hơn trước khi nói tiếp (thậm chí có thể là để uống nước), ra hiệu bằng tay cởi mở hơn, dừng đi quanh và / hoặc nhìn chăm chú hơn vào người nghe,…
  5. Xây dựng phương pháp tốc ký riêng của bạn. Viết tốc ký là cách dùng lối tắt để không phải viết hết mọi từ. Bạn cũng có thể ghi chép nhanh hơn - đó là kỹ năng thiết yếu khi nghe giảng trên lớp. Tuy nhiên, khi ghi chép, đừng dùng lối viết tốc ký thực thụ như một người hành nghề tốc ký. Điều này đòi hỏi ghi chép khá dài. Thay vào đó, hãy phát triển hệ thống lối tắt, viết tắt, ký hiệu, phác thảo,… Kể cả khi không ai hiểu, bạn sẽ biết bạn muốn ám chỉ điều gì.[1]
    • Viết tắt và bỏ bớt những từ không quan trọng để ghi chú một cách hiệu quả. Chỉ ghi lại những từ ngữ mấu chốt cần thiết để nắm được ý. Bỏ qua những từ như "là" và "thì", những từ không bổ sung thêm ý nghĩa cho nội dung bài giảng. Tạo ký hiệu giúp bạn viết bài nhanh, chẳng hạn như mũi tên để ám chỉ sự tăng/giảm hoặc quan hệ nguyên nhân, kết quả và đặc biệt là viết tắt của những thuật ngữ lặp lại nhiều lần (ví dụ: QHQT cho quan hệ quốc tế).
    • Diễn đạt lại mọi thứ trừ công thức và định nghĩa cụ thể hay nội dung nhiều khả năng sẽ đòi hỏi nguyên văn trong bài kiểm tra.[2]
    • Gạch chân, khoanh tròn, đánh dấu sao, tô màu hay tương tự cho những ví dụ then chốt, định nghĩa hay nội dung quan trọng khác. Đặt ra hệ thống đánh dấu riêng cho từng loại thông tin.
    • Thử vẽ sơ đồ hay hình minh họa cho những khái niệm mà bạn không thể nhanh chóng diễn đạt hoặc hiểu ngay lập tức. Ví dụ, vẽ biểu đồ tròn để thể hiện một cách sơ bộ sức mạnh tương đối của các đảng chính trị trong một cuộc bầu cử nhất định thay vì viết thông tin chi tiết.
  6. Viết rõ ràng. Hãy chắc là các chữ cái và chữ có đủ khoảng cách và đủ rõ để bạn có thể đọc lại chúng. Không gì nản lòng bằng thất bại trong việc đọc lại ghi chép của chính mình, đặc biệt là khi đang ôn thi sinh học.
  7. Dành chỗ trống cho việccghi chép, chỉnh sửa sau. Đừng cố nhồi nhét hết mức có thể trên trang giấy.[1] Hãy dành cho chính mình nhiều chỗ trống. Nhờ đó, bạn có thể thoải mái chỉnh sửa và chú thích về sau. Cách viết này cũng giúp bạn dễ đọc và tiếp nhận thông tin hơn.
  8. Chú tâm vào phần kết của bài giảng. Rất dễ mất tập trung khi đồng hồ nhích dần đến giờ tan lớp. Những sinh viên khác có thể bắt đầu thu dọn tài liệu và thì thầm về việc dùng gì cho bữa trưa. Tuy nhiên, phần kết của bài giảng cũng quan trọng không kém phần mở đầu trong việc đưa ra bức tranh tổng thể và những khái niệm, chủ đề then chốt.
    • Nếu cuối bài giàng có phần tóm tắt, hãy thật tập trung vào nội dung đó. Bạn có thể dùng nó để kiểm tra kết cấu bài ghi. Nếu dường như ghi chép của bạn chưa thực sự được tổ chức, sắp xếp hợp lý, hãy ghi lại ý chính được đề cập trong phần tóm tắt. Nó sẽ giúp bạn chỉnh sửa ghi chép sau này.[5]
  9. Đặt câu hỏi. Trong giờ học cũng như ở cuối bài giảng, hãy chắc rằng bạn đã đặt câu hỏi về những điểm còn chưa rõ. Khi sinh viên khác đặt câu hỏi, hãy ghi lại câu hỏi cũng như trả lời của người dạy.[4] Thông tin bổ sung này có thể cũng sẽ trả lời cho câu hỏi của bạn.
    • Nếu tự cảm thấy được đang làm chậm trễ cả lớp bằng những câu hỏi (và gây khó chịu cho các bạn khác, những người đã bước một chân khỏi cửa), hãy đặt câu hỏi với giáo sư sau giờ học. Nhiều khả năng bạn sẽ bắt gặp nhiều sinh viên khác cũng làm điều đó và cũng có thể lắng nghe, tham khảo trao đổi liên quan đến câu hỏi của họ.
    • Bạn cũng có thể cùng danh sách câu hỏi đến gặp giáo sư trong giờ hành chính.

Chỉnh sửa ghi chép[sửa]

  1. Xem lại ghi chép càng sớm càng tốt. Làm điều đó trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc lớp học. Đến thời điểm đó, có thể bạn đã quên 80% nội dung bài giảng.[4] Hãy học sâu thêm dựa trên những gì vừa học được thay vì học lại toàn bộ nội dung.
  2. Chỉnh sửa, đừng chép lại. Hãy xem ghi chép trên lớp như một bản nháp và bản chỉnh sửa như phiên bản đã được biên tập của bạn. Tạo một bản ghi chép mới. Nó sẽ đặc biệt hữu ích nếu ghi chép của bạn không có hệ thống, lộn xộn hoặc không phân rõ chữ, khó đọc. Đừng chỉ chép lại y nguyên. Hãy để đây trở lành một quá trình chỉnh sửa có tính chủ động.[4]
    • Dùng những đầu mối liên quan đến kết cấu và khái niệm chính mà bạn đã chọn được trong quá trình nghe giảng để sắp xếp lại khi viết.
    • Bổ sung những chỗ ghi chép không tốt bằng nội dung từ giáo trình.
  3. Đánh dấu phần quan trọng của bài giảng. Khi chỉnh sửa ghi chép, bạn cũng nên dành thời gian đánh dấu hay gạch chân những phần quan trọng trong bài giảng. Sử dụng bút tô nhiều màu hoặc bút viết để mã hóa bằng màu sắc những khái niệm lặp lại nhiều lần. Ghi chép được đánh dấu sẽ rất có giá trị khi bắt đầu ôn tập cho kỳ kiểm tra. Chúng cho phép bạn nhớ lại nội dung thiết yếu của từng phần bài học một cách nhanh chóng và hiệu quả.
  4. Lấy ghi chép cho những buổi học vắng mặt. Nếu không thể đến lớp vì bệnh hay lý do nào khác, đừng quên mượn và sao lại ghi chép từ bạn học. Đồng thời, trao đổi với người dạy để có thể hiểu nội dung bài.
    • Đừng phụ thuộc vào dịch vụ bán ghi chép sẵn. Hầu hết trường đại học đều có chính sách cấm các loại ghi chép này.[3] Nhớ rằng, sử dụng ghi chép mua được không phải là “học chủ động”, điều sẽ hỗ trợ bạn trong việc hiểu và nhớ bài.
    • Nếu có khuyết tật về thể chất hay tương tự khiến việc ghi chép trở nên khó khăn, hãy trao đổi với các giáo sư và dịch vụ hỗ trợ sinh viên của trường hay viện về những lựa chọn khả thi. Nhiều khả năng sẽ có vô số lựa chọn dành cho bạn, chẳng hạn như hướng dẫn bài học đặc biệt, hỗ trợ ghi chép, quyền ghi âm bài giảng hay phụ đạo.

Cố dùng phương pháp ghi chép Cornell[sửa]

  1. Chia trang giấy thành ba phần. Phương pháp Cornell là cách ghi chép mà trong đó, đầu tiên, bạn ghi chép ý chính và rồi, phát triển câu hỏi từ những ghi chép đó. Chia đôi trang giấy bằng cách kẻ một đường dọc cách lề bên trái khoảng 8 cm. Kéo đường này gần hết trang giấy, cách mép cuối của trang khoảng 5 cm.
    • Với người dùng laptop, có những chương trình có thể giúp bạn định dạng phần mềm soạn thảo theo Phương pháp Cornell.
  2. Viết ý chính của bài giảng. Ở phần lớn nhất của trang đã được chia, ghi lại ý chính của bài khi nghe giảng. Chừa đủ chỗ cho việc chỉnh sửa về sau.
    • Thêm ví dụ, biểu đồ, đồ thị và những nội dung khác được trao đổi trên lớp.
  3. Đặt câu hỏi cho chính mình sau giờ học. Phần bên trái của trang được dùng để tự tạo câu hỏi từ phần ghi chép. Những câu hỏi này có thể giúp làm rõ ý, định nghĩa,… Xem lại ghi chép trong vòng một đến hai ngày. Nhờ đó, đảm bảo khả năng hồi tưởng thông tin tốt hơn.
    • Bạn có thể xây dựng những câu hỏi kiểm tra tiềm năng từ tài liệu này. Bạn nghĩ người dạy sẽ hỏi gì trong một bài kiểm tra?
    • Khi ôn lại ghi chép, chuẩn bị bài kiểm tra, che phần bên phải trang của bạn và xem xét liệu bạn có thể trả lời câu hỏi ở phần bên trái hay không.
  4. Tóm tắt ghi chép bài giảng ở phần cuối của trang. Sử dụng phần chân trang giấy để tóm tắt ghi chép có trong trang. Nó sẽ giúp bạn nhớ lại những điểm quan trọng trong phần này của bài học.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bỏ lỡ một buổi học, hãy đảm bảo điều đó đã được ghi lại trong ghi chép để không bị lãng quên. Cách này đảm bảo việc mượn ghi chép từ bạn học thay vì bỏ qua toàn bộ nội dung buổi học.
  • Có thái độ đúng đắn. Nghe tốt liên quan đến việc có tập trung chú ý hay không. Hãy chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì giảng viên có thể sẽ trình bày, kể cả khi bạn không đồng ý với nội dung đó.
  • Tập trung và lưu giữ ghi chép của từng môn ở cùng một chỗ, một tập viết riêng hoặc một phần trong tập viết. Đảm bảo rằng các ghi chép được sắp xếp theo trình tự và có tiêu đề rõ ràng. Cân nhắc sử dụng sổ rời thay vì tập ghi chép có gáy cố định - nhờ đó, bạn có thể sắp xếp lại ghi chép theo cách thức hiệu quả nhất khi cần ôn tập kiểm tra.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh làm bất kỳ điều gì có thể khiến bạn hay người khác sao nhãng ghi chép, chẳng hạn như vẽ nguệch ngoạc hoặc xoay bút. Những hoạt động đó phá vỡ tiếp xúc mắt và tập trung, đồng thời, gây khó chịu cho những người xung quanh. Vì vậy, nếu vẽ nguệch ngoạc hay xoay bút giúp bạn học tốt, hãy ngồi gần người có cùng thói quen hoặc tìm vị trí cô lập hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]