Giúp đỡ người mắc bệnh lo âu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người mắc bệnh lo âu có thể trải qua sự lo lắng trong một số tình huống xã hội do nhiều tác nhân kích thích và các triệu chứng khác có liên quan đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic Stress Disorder hay PTSD), Rối loạn Lo âu Xã hội, Rối loạn Hoảng sợ, và vì nhiều lý do khác, một số nguyên nhân thường không xác định được. Những vấn đề này có mức độ từ nhẹ đến nặng và trở nên nổi bật nhất khi sự lo âu trở nên nghiêm trọng. Nếu bạn có bạn bè, thành viên gia đình, hoặc một người thân đang đối phó với sự căng thẳng,hãy hỗ trợ họ mà không chỉ trích khi họ đang trong cơn lo âu cũng như những thời điểm khủng hoảng khác.

Các bước[sửa]

Xử lý rối loạn lo âu/cơn hoảng loạn[sửa]

  1. Giữ bình tĩnh. Bạn rất dễ trở nên lo lắng khi ở cạnh một người đang lo âu.[1] Bạn phải hít thở sâu và ổn định. Bạn cần bình tĩnh để giúp người thân của bạn bình tĩnh. Bạn cần giữ cho tâm trí của mình sáng suốt, bởi một người đang trải qua cơn lo âu sẽ ở trong trạng thái "chiến đấu hoặc bỏ chạy" và họ sẽ không suy nghĩ logic.[2]
  2. Đưa người thân của bạn đến nơi yên tĩnh và để họ ngồi thoải mái. Nếu có thể, đưa họ ra khỏi môi trường gây kích động rối loạn lo âu. Khi một người đang lo lắng, họ tin rằng mình đang gặp nguy hiểm: sự lo âu là nỗi sợ bắt nguồn từ bối cảnh xung quanh.[3] Đưa họ ra khỏi tình huống hiện tại sẽ giúp họ cảm thấy an toàn. Việc được ngồi sẽ làm giảm lượng adrenaline đang chạy khắp cơ thể, và giúp họ thoát khỏi chế độ chiến đấu hoặc bỏ chạy.[4]
  3. Cung cấp thuốc. Nếu người thân của bạn được kê thuốc để dùng khi trải qua rối loạn lo âu, hãy đưa thuốc cho họ ngay. Nếu bạn không biết liều lượng cần dùng, hãy hỏi họ. Tốt nhất là bạn nên nắm được liều lượng và sự chống chỉ định của loại thuốc mà họ phải dùng. Cũng rất tốt nếu bạn biết thuốc này đã được kê cách đây bao lâu và những hướng dẫn mà các bác sĩ đã đưa.[5]
  4. Nói với họ rằng họ an toàn. Nói một vài câu ngắn, đơn giản với giọng êm dịu, an ủi. Điều quan trọng là bạn phải nhắc họ rằng họ không gặp nguy hiểm, sự lo lắng rồi sẽ trôi qua[6], rằng bạn đang ở đó và sẵn sàng hỗ trợ. Nói những câu nói xoa dịu sau
    • "Mọi việc sẽ ổn thôi".
    • "Bạn đang làm tốt".
    • "Bình tĩnh nào".
    • "Ở đây bạn an toàn".
    • "Tôi đang ở đây với bạn".
  5. Tập bài tập hít thở cùng họ. Hít thở sâu sẽ làm giảm bớt triệu chứng lo lắng.[7] Yêu cầu họ cùng hít thở với bạn. Bạn cần nhắc họ hít vào bằng mũi trong khi bạn đếm đến 5 và thở ra bằng miệng khi bạn đếm tới 5. Nói rằng: "Chúng ta có thể tập hít thở sâu cùng nhau. Đặt tay bạn lên bụng, như thế này. Khi chúng ta hít vào, chúng ta sẽ cảm giác bụng phình lên và xẹp xuống khi thở ra. Tôi sẽ đếm khi chúng ta giữ hơi thở. Sẵn sàng chưa? Hít vào... một... hai... ba...bốn...năm... thở ra... một... hai... ba… bốn… năm..."
  6. Thực hiện chiến lược giúp tập trung vào hiện tại (Grounding Strategy). Tập trung vào sự thật ở hiện tại sẽ giúp một người bị rối loạn lo âu nhận ra rằng họ không gặp nguy hiểm.[8] Giúp họ tập trung và mô tả môi trường xung quanh vào thời điểm đó. Bạn cũng có thể yêu cầu họ đặt tên cho các vật dụng trong phòng, tiếp theo là những món đồ trang trí tường trong phòng và một số vật khác. Bạn sẽ giúp họ xao lãng khỏi trải nghiệm nội tâm bằng cách giúp họ tập trung vào trải nghiệm bên ngoài.
  7. Gọi xe cấp cứu hoặc đưa họ đến bệnh viện. Một vài triệu chứng của rối loạn lo âu tương tự như một cơn đau tim.[9] Nếu bạn không chắc về chuyện gì đang xảy ra hoặc nếu người thân của bạn bị rối loạn lo âu ngay khi họ đã bình tĩnh trở lại, hãy gọi cho chuyên gia để nhận được giúp đỡ. Một chuyên gia y tế có thể đánh giá tình hình đúng đắn nhất.

Đối phó với lo âu trong cuộc sống hằng ngày[sửa]

  1. Khuyến khích người thân của bạn luyện tập tự chăm sóc. Sự lo âu có thể khiến cho mọi người phớt lờ sức khỏe thể chất hoặc cảm xúc, và bạn có thể giúp bằng cách gợi ý họ làm điều gì đó nếu bạn thấy họ đã quên chăm sóc bản thân.[10] Một số hoạt động tự xoa dịu là rất quan trọng nếu họ thường xuyên lo âu. Ví dụ, hỏi xem họ có muốn ăn gì đó không, hoặc gợi ý họ đi tắm nước ấm thư giãn.
    • Khi xử lí tình huống với trẻ em, bạn cần tham gia vào các hoạt động thư giãn với trẻ. Để trẻ chọn những gì chúng muốn làm.
  2. Phân bổ thời gian để lo lắng. Không phải bất kì ai hay lo lắng cũng đều mắc chứng rối loạn lo âu nhưng như thế không có nghĩa là không cần phải xử lý cảm giác lo lắng. Dành 30 phút trong ngày để người thân của bạn được lo lắng bình thường. Trong suốt thời gian này, đừng để họ bị phân tâm bởi bất cứ điều gì ngoài sự lo lắng và cảm giác bồn chồn. Động viên họ nghĩ về giải pháp cho vấn đề. Phương pháp này hiệu quả với trẻ em cũng như người lớn và sẽ giúp họ có cảm giác kiểm soát được trở ngại của mình.[11]
  3. Ghi nhận cảm giác của họ. Người thân của bạn có thể nói cho bạn biết lý do tại sao họ cảm thấy khó chịu, hoặc bạn có thể biết được dựa trên tác nhân kích động sự lo âu. Thử nói cho họ biết họ trông buồn bã như thế nào, và nhận ra rằng việc đó thật khó khăn. Như vậy, họ sẽ biết rằng bạn quan tâm đến họ, và bạn nghĩ sự khó khăn của họ là chính đáng. Thật bất ngờ, việc ghi nhận đó có thể làm giảm sự căng thẳng.[12]
    • "Điều đó có vẻ thật sự khó khăn".
    • "Tôi có thể hiểu lý do khiến bạn khó chịu. Dường như việc đến thăm bố đôi khi thật khó khăn đối với bạn".
    • "Bạn trông có vẻ căng thẳng. Mặt bạn nhăn nhó và người thì gục xuống. Bạn có muốn trò chuyện không?"
  4. Chủ động tiếp xúc an ủi. Một cái ôm có thể an ủi người đang lo âu.[13] Bạn có thể vỗ lưng họ, ôm họ bằng một tay hoặc đặt tay còn lại lên vai để xoa dịu họ. Chỉ nên làm những việc mà cả hai bạn cảm thấy dễ chịu.
    • Luôn cho họ cơ hội để từ chối. Nếu họ đang đối mặt với tình trạng giác quan bị quá tải hoặc đang mắc chứng tự kỷ, sự tiếp xúc có thể khiến vấn đề tồi tệ hơn. Hoặc có lẽ họ không có tâm trạng tốt.
  5. Chấp nhận rằng nhu cầu của họ là khác biệt. Đây là một sự an ủi to lớn dành cho người mắc chứng lo âu.[14] Hãy sẵn lòng giúp đỡ, và đừng hỏi về những ngày tồi tệ hoặc nhu cầu bất thường của họ. Đừng coi sự lo âu của họ là một gánh nặng đối với cuộc sống của bạn. Nhận ra rằng cảm giác của họ là quan trọng, và đối xử với họ bằng lòng từ bi, sự quan tâm lo lắng, và nhiều hơn thế.
    • Trở nên linh hoạt. Có thể người mắc bệnh lo âu sẽ mất nhiều thời gian hơn để sẵn sàng cho những sự kiện, ví dụ như đến trường học. Bạn cần tính đến yếu tố này ở thời điểm hiện tại và chấp nhận sự trì hoãn.
  6. Khuyến khích họ tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Nếu người thân của bạn chưa được điều trị, việc gặp bác sĩ có chuyên môn về rối loạn lo âu có thể giúp họ nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Điều quan trọng là phải kiểm soát được mọi vấn đề sức khỏe hoặc sinh học tiềm ẩn gây bệnh.[15] Khi đã biết biết nguyên nhân khiến người thân lo lắng là do tâm lý, bạn sẽ có khả năng tìm kiếm cách điều trị tốt hơn. Để động viên họ, bạn có thể đề nghị đi cùng với họ để ghi chú, giúp họ nhớ về những triệu chứng, hoặc hỗ trợ tinh thần cho họ.
  7. Hình thành mạng lưới hỗ trợ. Việc nhờ người khác giúp đỡ có thể là nguồn động viên to lớn đối với một người mắc bệnh lo âu. Thực tế thì người có mạng lưới hỗ trợ thân thiết, mạnh mẽ sẽ có nhiều cơ hội nhận được lợi ích từ việc điều trị lo âu. [16] Bạn không phải làm bất cứ điều gì cụ thể. Người mắc chứng lo âu chỉ cần biết rằng luôn có người ở bên để họ trò chuyện và chia sẻ những sự lo lắng, họ sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều.[17]

Chăm sóc bản thân[sửa]

  1. Nhớ rằng bạn không phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe của bất kỳ ai. Bạn có thể giúp đỡ họ và đề xuất cách để xử lý vấn đề, nhưng bạn không thể chữa lành chứng rối loạn lo âu của họ.[18] Mọi triệu chứng khó chịu hoặc tái phát đều không phải là lỗi của bạn. Chứng lo âu mãn tính làm thay đổi chất hóa học trong não bộ và thần kinh[19]và điều này cần có thời gian để được chữa lành.[20] Người bệnh có trách nhiệm thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để cải thiện bản thân họ.
  2. Thực hành tự chăm sóc. Sống cùng hoặc là bạn với ai đó mắc chứng rối loạn lo âu hoặc có vấn đề về lo âu sẽ khiến bạn mệt mỏi.[21] Bạn cần dành nhiều thời gian cho bản thân. Bạn không cần cảm thấy tội lỗi. Nhu cầu và sức khỏe tình cảm của bạn cũng rất quan trọng. Hãy dành cho bản thân thời gian ở một mình và sẵn sàng thiết lập ranh giới cá nhận. Tắt điện thoại vào một khoảng thời gian nhất định mỗi đêm, và không nhận cuộc gọi. Bạn có thể ở bên họ trong 2 giờ, nhưng sau đó hãy về nhà để nghỉ ngơi.
  3. Sử dụng mạng lưới hỗ trợ của riêng bạn. Điều quan trọng là bạn cũng phải có bạn bè và gia đình riêng để hỗ trợ chính mình. Trò chuyện với ai đó để động viên bạn kiên nhẫn sẽ ngăn bạn bị kiệt sức và giúp bạn tránh căng thẳng.[22] Chăm sóc bản thân và luôn hạnh phúc sẽ mang lại cho bạn điều kiện tốt nhất để giúp đỡ một người mắc chứng lo âu.[23]
  4. Một mình đến gặp nhà tâm lý học nếu bạn cảm thấy bị quá tải. Khi gặp chuyên gia, bạn có thể tìm hiểu thêm về rối loạn lo âu, sức khỏe tâm thần, và cơ chế đối phó tích cực trong giai đoạn khủng hoảng và về lâu dài. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn đối phó với cảm xúc riêng về việc đối xử với người mắc chứng lo âu và đề xuất giải pháp để bạn chăm sóc họ. Rối loạn lo âu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và mối quan hệ của người chăm sóc với người bị rối loạn.[24]

Hiểu chứng lo âu[sửa]

  1. Hiểu rối loạn lo âu là một bệnh tâm lý.[25] Mặc dù chứng bệnh này không hiển hiện như bị gãy chân hay gãy tay, nhưng rối loạn lo âu sẽ ảnh hưởng các hoạt động hằng ngày và chất lượng cuộc sống của người bị lo âu. Rối loạn lo âu thường xảy ra nhiều hơn lo âu tạm thời (lo lắng hay sợ hãi) mà hầu hết mọi người trải qua hằng ngày và sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được điều trị.[26]
    • Điều này rất quan trọng nếu bản thân bạn chưa bao giờ bị rối loạn lo âu.
  2. Hiểu sự khác biệt giữa lo âu và rối loạn. Có một sự khác biệt lớn giữa việc đôi khi cảm thấy lo âu, như khi đi phỏng vấn hoặc gặp người mới, và sự rối loạn lo âu. Lo lắng là điều bình thường trong cuộc sống.[27] Rối loạn lo âu xảy ra do nhiều nguyên nhân: nhận thức, sinh học, thần kinh và có thể thậm chí là di truyền.[28] Rối loạn lo âu sẽ cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp để được điều trị thông qua liệu pháp trò chuyện, thuốc hoặc kết hợp cả hai.[29] Điều này nghe có vẻ khó khăn nhưng với sự kiên nhẫn, nó có thể thực hiện được.
  3. Tìm hiểu về rối loạn lo âu. Hiểu được người thân của mình đang chịu đựng những gì có thể giúp bạn thông cảm hơn với họ và có điều kiện giúp họ tốt hơn. Nếu bạn xác định được loại rối loạn lo âu mà người thân đang mắc phải, hãy tìm hiểu về các triệu chứng cụ thể của bệnh đó. Rối loạn lo âu bao gồm Rối loạn Lo âu Toàn thể, Hội chứng Sợ Xã hội/Ám ảnh Sợ Xã hội, Rối loạn Hoảng sợ, Rối loạn Căng thẳng sau Chấn thương (PTSD) Hội chứng Lo lắng Bị Xa cách.
  4. Tìm hiểu phương pháp thư giãn và chiến lược xoa dịu. Sự rối loạn và cơn lo âu không khó chữa.[30] Bạn sẽ giúp được người thân của mình nhiều hơn khi cơn lo âu của họ bộc phát nếu biết cách khiến họ bình tĩnh và giải tỏa một vài triệu chứng. Đặc biệt hãy học cách để thực hành bài tập hít thở và can thiệp để giúp một người tập trung vào hiện tại. (Chúng được biết đến là Grounding Technique).

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng cơn lo âu gần như không thể ngăn chặn được. Rất có thể bạn của bạn cảm thấy cực kỳ xấu hổ khi không thể kiểm soát sự lo âu của họ, đặc biệt nếu nó xảy ra ở nơi tình huống công cộng.[31] Cố gắng để nhắc nhở họ rằng đó không phải lỗi của họ, và họ rất rất dũng cảm khi đối mặt với cơn lo âu.
  • Đưa ra những lời khuyên tích cực. Người thân của bạn đã khá căng thẳng, vì thế tốt nhất là bạn nên nói với giọng điệu khích lệ và nhẹ nhàng. Đảm bảo thông tin phản hồi của bạn về cảm xúc của họ luôn mang tính xây dựng, và nhận ra cảm giác bất an, thậm chí trong môi trường an toàn, là một trải nghiệm hợp lý.
    • "Cố gắng hít thở chậm một chút." (Câu này tốt hơn là "Đừng hít thở quá nhanh", vì nó nói với họ những gì nên làm hơn những gì không nên làm.)
    • "Ngồi xuống nếu bạn muốn"
    • "Nước đây. Bạn có muốn uống không?"
    • "Bạn thực sự đang làm rất tốt. Hãy cố gắng phát huy".
  • Đừng giúp họ tránh những tác nhân khiến họ lo lắng. Khuyến khích họ dần đối mặt với nỗi sợ, trải nghiệm và hiểu rằng chúng không nguy hiểm. Tránh né có thể khiến sự lo âu càng tệ hơn, nghiêm trọng hơn theo thời gian.[32]
  • Thử dùng một ứng dụng kiểm soát sự lo âu.
  • Hành động an toàn nhất khi ai đó đang trải qua giai đoạn lo âu nghiêm trọng là gọi xe cấp cứu hoặc đưa họ đến phòng cấp cứu.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh làm tổn thương cảm xúc của đối phương. Việc này có thể gây khó chịu, nhất là nếu người mắc bệnh lo âu là một thành viên gia đình. Bạn cần giữ bình tĩnh.
  • Đừng cố gắng xúc phạm hoặc đưa ra yêu cầu khắt khe để động viên họ dừng một hành vi nào đó lại. Nếu bạn của bạn đang làm điều gì đó khiến tình hình trầm trọng thêm, như trách móc bản thân, bạn cần cố gắng đối mặt với họ bằng một giọng nói điềm tĩnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.anxiety.org/is-anxiety-contagious
  2. https://books.google.com.pk/books?id=avOVBgAAQBAJ&pg=PT21&dq=anxiety+attack+is+fight+or+flight+mode&hl=en&sa=X&ved=0CBsQ6AEwAGoVChMI0r34yKqhxwIVxjkaCh2csQBb#v=onepage&q=anxiety%20attack%20is%20fight%20or%20flight%20mode&f=false
  3. http://anxietynetwork.com/content/what-you-fear-most-cannot-happen
  4. http://www.get.gg/mobile/adrenaline.htm
  5. http://www.anxieties.com/152/introduction-common-medications-for-anxiety-disorders
  6. https://books.google.com.pk/books?hl=en&lr=&id=hnpfMUAYsCoC&oi=fnd&pg=PR5&dq=how+to+calm+a+panic+attack&ots=uIcON85ch9&sig=D5_GBqOsYOzAAeTYE_cS9Aezg2g#v=onepage&q&f=false
  7. https://books.google.com.pk/books?id=E2sKf-sexZwC&pg=PA106&dq=calming+anxiety+attack+through+breathing&hl=en&sa=X&ved=0CBsQ6AEwAGoVChMIk4mNiKuhxwIVS38aCh2Awg5W#v=onepage&q=calming%20anxiety%20attack%20through%20breathing&f=false
  8. https://www.psychologytoday.com/blog/anxiety-zen/201411/taking-control-panic-attacks
  9. http://www.calmclinic.com/anxiety/symptoms/heart-attack
  10. http://www.takingcharge.csh.umn.edu/conditions/anxiety-depression
  11. http://www.comh.ca/pchc/workbook/pages/02-02-skills-worry.cfm
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/pieces-mind/201204/understanding-validation-way-communicate-acceptance
  13. http://ajot.aota.org/Article.aspx?articleid=1882368
  14. http://www.mentalhealth.org.uk/help-information/mental-health-a-z/F/friendship/
  15. http://www.clinicaladvisor.com/features/separating-anxiety-from-physical-illness/article/117767/
  16. https://www.learntolive.com/importance-support-network-social-anxiety-forum/#.Vcocwfmqqko
  17. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/jclp.21925/abstract
  18. http://www.adaa.org/understanding-anxiety/myth-conceptions
  19. archpsyc.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=492820&resultclick=1
  20. https://socialanxietyinstitute.org/social-anxiety-chemical-imbalances-brain-neural-pathways
  21. http://www.adaa.org/finding-help/helping-others/spouse-or-partner
  22. www.uptodate.com/contents/psychosocial-issues-in-advanced-illness
  23. www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4446949/
  24. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18281843
  25. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/anxiety-disorders/index.shtml
  26. http://www.anxietycentre.com/anxiety-anxiety-disorder-panic-attacks.shtml
  27. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anxiety/basics/definition/con-20026282
  28. http://psychcentral.com/news/2008/03/04/genetic-disposition-for-anxiety/1997.html
  29. http://www.adaa.org/finding-help/treatment
  30. www.adaa.org/finding-help/treatment
  31. https://www.psychologytoday.com/blog/the-dance-connection/200909/anxiety-and-shame-lesson-in-courage
  32. https://www.psychologytoday.com/blog/hidden-motives/201102/anxiety-avoidance-denial-and-worse