Giúp trẻ đang buồn trở nên vui vẻ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trẻ em dường như tận hưởng cuộc sống nhiều hơn so với người lớn. Nhưng không có nghĩa tất cả chỉ là niềm vui và những trò chơi. Đôi khi trẻ cũng rơi vào tình trạng buồn bực. Với vai trò là cha mẹ hoặc người giám hộ, việc bạn cần làm là tìm ra những chuyện bất ổn và giúp trẻ cảm thấy tốt hơn. Hãy bắt đầu bằng cách nói chuyện về vấn đề mà trẻ đang gặp phải, sau đó tìm cách để khích lệ tinh thần, giúp trẻ trở nên vui vẻ bằng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Các bước[sửa]

Bắt đầu trò chuyện với trẻ[sửa]

  1. Hỏi xem trẻ đang gặp vấn đề gì. Nếu trẻ đang buồn, có lẽ bạn cũng cảm thấy lo ngại. Những đứa trẻ đang buồn bực có thể khóc, hờn dỗi, tách biệt, hay nói chung là có hành động bất thường rất đáng báo động đối với các bậc cha mẹ. Có nhiều lý do để giải thích vì sao trẻ thấy buồn, hãy bắt đầu bằng cách hỏi trẻ xem điều gì đang khiến chúng phiền lòng.
    • Đừng né tránh việc trò chuyện về những tình huống rắc rối. Nếu trong gia đình có ai đó mất, ly hôn hoặc ly thân, hãy thừa nhận và trả lời bất kỳ câu hỏi nào của trẻ.[1]
    • Một số trẻ gặp khó khăn khi diễn đạt cảm xúc bằng lời. Hãy kiên nhẫn, và tiếp tục đặt câu hỏi cho đến khi bạn nhận ra đâu là vấn đề của trẻ.
    • Nếu trẻ không biết cách bày tỏ vấn đề, hãy tạo ra một trò chơi với 20 câu hỏi (với câu trả lời "nhiệt tình" và "hờ hững") để khoanh vùng sự việc đang khiến trẻ thấy buồn phiền.[2]
    • Nếu tin rằng bạn biết lý do vì sao trẻ buồn, hãy đặt câu hỏi bằng cách gợi ý giúp trẻ chỉ ra đâu là vấn đề. Ví dụ, bạn có thể nói: "Có vẻ như con đang buồn vì Timmy chuyển đi", hoặc "Chắc là con bị tổn thương cảm xúc khi Billy không ngồi cùng con".[3]
  2. Đừng xem nhẹ cảm xúc của trẻ. Nếu trẻ đang đối mặt với vấn đề rắc rối nào đó, điều quan trọng cần làm là cho trẻ hiểu rằng cảm xúc của chúng là hợp lý. Điều này bắt đầu với cách mà bạn khởi đầu cuộc trò chuyện với trẻ và tiếp tục với cách bạn phản ứng khi trẻ kể cho bạn biết vấn đề của chúng.
    • Hãy để trẻ nói ra bất cứ điều gì đang làm phiền chúng. Ngay cả khi bạn thấy điều gì đó khó nói với trẻ, bạn cần phải thực sự lắng nghe và trả lời một cách trung thực và trìu mến.[1]
    • Đừng bao giờ ra lệnh cho trẻ (hoặc bất cứ ai về vấn đề đó) "hãy bỏ tính xấu này đi", "hãy vui lên", hoặc "hãy tụ tập vui vẻ cùng nhau". Nói những điều này có thể gửi đi thông điệp rằng cảm xúc của trẻ là không hề quan trọng.[4]
    • Tương tự như vậy, đừng bao giờ nói với trẻ rằng tình huống của con "không đến nỗi xấu như thế" - điều đó có thể đúng đối với quan điểm của người lớn, nhưng với trẻ, cảm giác bị bạn bè bỏ rơi trong bữa ăn trưa là cảm giác hụt hẫng vô cùng.
    • Nên biết rằng nhiều đứa trẻ buồn bã cũng trải qua những cảm xúc song hành cùng lúc, như giận dữ hay sợ hãi. Hãy kiên nhẫn và cố gắng nói chuyện nhẹ nhàng với trẻ nếu chúng cảm thấy sợ hãi hay đang giận một ai đó.
  3. Nói về điều buồn phiền của riêng bạn. Một số trẻ có thể không nhận ra rằng cha mẹ của chúng thường xuyên có nỗi phiền muộn. Nhiều bậc cha mẹ cố gắng che giấu cảm xúc tiêu cực để bảo vệ con cái của họ - điều này đôi khi có tác dụng tốt, nhưng không phải để trẻ nghĩ rằng bạn không bao giờ cảm thấy buồn.
    • Thể hiện cảm xúc hoặc nói về nỗi buồn của riêng bạn có thể giúp trẻ nhận ra rằng mình không là người duy nhất có nỗi buồn và thỉnh thoảng thấy buồn cũng là điều bình thường.[1]
    • Cho trẻ biết rằng khóc là điều rất bình thường, và đôi lúc bạn cũng có thể khóc trước mặt trẻ. Che chắn hoặc dắt trẻ ra xa những đứa trẻ khác để tránh bị gọi là "đứa trẻ mít ướt".
    • Kể cho trẻ biết những lần bạn gặp điều phiền muộn và để trẻ biết rằng đôi khi bạn cũng đã bật khóc.

Giúp trẻ vui vẻ trong thời gian ngắn[sửa]

  1. Chơi đùa cùng trẻ. Nếu trẻ đang cảm thấy buồn, hãy thử chơi đùa cùng trẻ. Điều này sẽ nhắc trẻ nhớ rằng bạn yêu thương và quan tâm tới chúng, đồng thời giúp trẻ quên đi vấn đề của mình.[5]
    • Nếu trẻ vẫn chơi cùng đồ chơi, hãy cùng trẻ chơi những trò chúng yêu thích. Nếu trẻ chuyển sang trò chơi điện tử, hãy thử chơi vài bàn cùng trẻ.
    • Chắc chắn rằng trẻ chơi loại đồ chơi / trò chơi mà có tác dụng giúp trẻ khích lệ tâm trạng, cảm xúc. Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng chơi với các vật liệu kích thích xúc giác, giống như đất sét, bột nặn play dough, cát, gạo, và thậm chí cả nước cũng có thể giúp trẻ em cải thiện tâm trạng, quên đi điều phiền muộn.[1]
  2. Quan tâm đến những điều khiến trẻ thích thú. Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tính cách, trẻ có thể quan tâm đến một số điều. Dù mối quan tâm của trẻ là gì đi nữa, hãy thử tham gia cùng trẻ. Điều này giúp trẻ kết nối với bạn, và nó có thể mở ra cánh cửa sâu hơn cùng cuộc trò chuyện có ý nghĩa hơn về nhiều khía cạnh khác quanh cuộc sống của trẻ.[2]
    • Nếu trẻ thích truyện tranh, hãy hỏi xem trẻ thích truyện gì, hoặc bạn cũng có thể hỏi xem mình có thể mượn một trong những cuốn truyện tranh yêu thích nhất của trẻ.
    • Nếu trẻ thích phim hoạt hình hay chương trình TV, hãy hỏi trẻ xem bạn có thể xem cùng với trẻ không. Điều này có thể là ý tưởng hay để giúp bạn biết được tính hài hước tương ứng với độ tuổi của trẻ và làm cho tâm trạng của trẻ vui lên khi chúng đang buồn phiền.
    • Nếu trẻ yêu thích các môn thể thao, hãy cùng xem một trận đấu, một trò chơi, hoặc mua vé để xem trận đấu tại địa phương.
    • Dù cho mối quan tâm của trẻ là gì, bạn nên quan tâm hơn đến những sở thích của trẻ. Nó sẽ giúp tạo ra sự liên kết và bạn sẽ biết cách tham gia cùng trẻ khi lần tới trẻ có tâm trạng buồn.
  3. Hãy để trẻ diễn lại những phiền muộn đang gặp phải. Điều này có thể không làm một số trẻ hứng thú, nhưng có nhiều trẻ muốn diễn lại hoặc giả vờ các hành động tương ứng với các vấn đề chúng lưu tâm. Điều này có thể là một vấn đề hiện tại của gia đình, có thể là sự ra đi vĩnh viễn của ai đó gần đây, hoặc một số sự việc trẻ tiếp xúc với nhưng hoàn toàn không thể hiểu được, như trách nhiệm ở nhà thờ hoặc trách nhiệm công việc.[1]
    • Diễn tập lại những vấn đề phiền muộn là một cách tuyệt vời để trẻ khám phá sự việc trong một môi trường an toàn và mang tính học hỏi.
    • Đảm bảo bạn đang ủng hộ sự lựa chọn của trẻ khi trẻ diễn tập lại những gì đang xảy ra với chúng. Bạn có thể cảm thấy khó chịu một chút nếu trẻ đang diễn lại cảnh tang lễ ngay sau đám tang trong gia đình, nhưng có thể đó là cách trẻ đang cố gắng hiểu được sự mất mát, cái chết và sự đau thương.
    • Tham gia diễn cùng trẻ nếu chúng yêu cầu, nhưng hãy cho trẻ không gian nếu trẻ muốn diễn một mình hoặc cùng với những đứa trẻ khác.
  4. Đi bộ hoặc đi xe đạp cùng nhau. Tập thể dục để giải phóng endorphin, chất làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Điều này luôn đúng với mọi lứa tuổi. Nếu trẻ đã cảm thấy buồn hoặc khó chịu về điều gì đó, hãy thử vài bài tập thể dục nhẹ nhàng cùng trẻ để đẩy lùi sự căng thẳng và làm cho tâm trạng tốt hơn.[3]
  5. Cho trẻ có thời gian ở một mình. Đôi khi trẻ cảm thấy choáng ngợp vì lúc nào cũng bị vây quanh bởi những người khác. Điều này có thể bao gồm việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử suốt cả ngày dài. Nếu trẻ muốn ngồi xuống với bạn, bạn nên để trẻ ngồi cùng. Nhưng phải chắc chắn rằng trẻ được quyền lựa chọn được có thời gian ở một mình mà không bị quấy rầy bởi bất kì thiết bị điện tử nào.[6]
    • Đừng để trẻ dành ra nhiều hơn 2 giờ một ngày xem TV, chơi máy tính, hoặc chơi trò chơi video. Thời gian tổng cộng cho mọi hoạt động với các thiết bị điện tử không được quá 2 giờ mỗi ngày.
    • Dành khoảng thời gian yên tĩnh một mình và dạy trẻ biết sống tự lực, không phụ thuộc. Dần dần, trẻ sẽ học cách xử lý cảm xúc cũng như biết cách thư giãn hoặc cảm thấy tốt hơn mà không cần đến các trò chơi điện tử hoặc những tác nhân gây phân tâm khác.
  6. Ôm trẻ. Có vẻ điều hiển nhiên rằng một cái ôm là cách tuyệt vời để an ủi khi trẻ cảm thấy buồn, căng thẳng, hoặc khó chịu. Hãy ôm trẻ khi chúng cảm thấy buồn, và không buông ra cho đến khi trẻ tự buông.[7]
  7. Gây ngạc nhiên cho trẻ bằng một số niềm vui. Niềm vui bất ngờ có thể là một cách tuyệt vời để giúp trẻ quên đi điều khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải cẩn thận để trẻ không mong đợi quà tặng / điều bất ngờ mỗi khi trẻ cảm thấy buồn. Bạn cũng nên cẩn trọng với tần suất hoặc chừng mực khi sử dụng những tác nhân gây xao lãng thay vì đối phó với các vấn đề tiềm ẩn, vì điều này có thể gây ra tổn hại cho sự phát triển của trẻ.[7]
    • Chọn một niềm vui, điều bất ngờ đơn giản và không phải tốn quá nhiều tiền. Đừng tổ chức thêm thêm một sinh nhật hay Giáng sinh cho trẻ, hãy tặng trẻ một món quà nhỏ hay một hoạt động vui chơi để giúp trẻ có một ngày thật vui vẻ.
    • Cố gắng chỉ dành điều bất ngờ vào ngày tồi tệ nhất của trẻ. Đừng sử dụng chúng mỗi khi trẻ cảm thấy buồn, nếu không trẻ sẽ có thể né tránh đối phó với các vấn đề của chúng trong tương lai.
  8. Thử giúp trẻ sẵn sàng đi ngủ. Một thói quen đi ngủ yên tĩnh rất quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là khi trẻ đang trải qua một thời gian buồn hay khó khăn trong cuộc sống. Hãy chắc chắn rằng trẻ ngủ đủ giấc và có nhiều thời gian để thư giãn trước khi đi ngủ để có thể thức dậy cảm thấy sảng khoái và vui vẻ.[6]
    • Giúp trẻ thư giãn và giải tỏa căng thẳng trước khi ngủ. Đọc sách cùng trẻ, nói chuyện xảy ra trong ngày, hoặc để trẻ được tắm nước ấm.
    • Giữ nhiệt độphòng ngủ của trẻ thật thoải mái cho giấc ngủ. Nhiệt độ lý tưởng là từ 18,3 đến 22,22 độ C, nhưng hãy làm bất cứ điều gì thoải mái nhất cho trẻ.[8]
    • Nhớ rằng trẻ em cần ngủ nhiều hơn so với người lớn. Một đứa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 12 cần 10 đến 11 giờ ngủ mỗi đêm.

Chăm sóc để trẻ được hạnh phúc hơn[sửa]

  1. Dạy trẻ thể hiện cảm xúc. Để trẻ có cuộc sống hạnh phúc sau này (và để bạn đánh giá mức độ hạnh phúc của trẻ), một trong những điều quan trọng là bạn cần dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc và tâm trạng. Một số trẻ có thể gặp khó khăn khi thực hiện điều này một mình, nhưng bạn có thể can thiệp bằng cách giúp trẻ nhận ra cảm xúc và thể hiện chúng phù hợp.
    • Thử để trẻ lập danh sách các cảm xúc hiện tại. Sau đó, nói về lý do tại sao trẻ có cảm giác đó, dành thời gian tập trung cho từng cảm xúc / cảm giác.
    • Để cho trẻ vẽ ra cảm xúc của chúng. Vẽ là một cách tuyệt vời để thể hiện những gì đang xảy ra trong nội tâm của trẻ, đặc biệt là khi trẻ tránh né nói về tình cảm hoặc gặp khó khăn trong thể hiện cảm xúc.
    • Cũng giống như người lớn, một số trẻ chỉ đơn giản là thích riêng tư và khép kín hơn so với những trẻ khác. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là đang có điều gì sai trái hay bị che giấu, nhưng hãy xác nhận với trẻ rằng bạn luôn có mặt và sẵn sàng trò chuyện khi chúng cần ai đó để tâm sự.[9]
  2. Hãy nhất quán. Một cách tuyệt vời để giúp trẻ cảm thấy vững vàng, ổn định khi ở nhà là bám chắc vào một thói quen phù hợp với trẻ. Đảm bảo bản thân luôn sẵn sàng cho việc an ủi, trấn an tinh thần cho trẻ và chắc chắn rằng bạn luôn ủng hộ trẻ. Có thể cần thời gian để phát triển thành một thói quen nhất quán, nhưng điều này rất quan trọng vì sự hạnh phúc và cảm giác thoải mái của trẻ.
  3. Giúp trẻ bắt đầu viết nhật ký về nguồn cảm hứng. Nếu trẻ chưa bao giờ viết nhật ký, hãy giúp trẻ bắt đầu thực hiện nó. Nếu trẻ đã tạo được nhật ký hàng ngày, hãy giúp trẻ hình thành thói quen viết thêm một nhật ký về nguồn cảm hứng.
    • Viết nhật ký về nguồn cảm hứng có thể giúp trẻ hiểu được rằng những trải nghiệm của chúng rất quan trọng và có ý nghĩa. Nó cũng có thể giúp trẻ khôi phục tinh thần khi trẻ có một ngày tồi tệ trong tương lai.[10]
    • Một nhật ký về nguồn cảm hứng có thể có nội dung rộng hay cụ thể như trẻ thích. Bắt đầu bằng cách để trẻ viết về những khám phá hàng ngày, kinh nghiệm, thắc mắc, và tất nhiên viết về nguồn cảm hứng.
  4. Tham gia phiêu lưu cùng trẻ. Khám phá nhiều địa điểm và điều mới mẻ cùng nhau có thể là những trải nghiệm liên kết tuyệt vời. Cách này huấn luyện cho trẻ mức độ ham học hỏi mới, cũng như là một cách nhìn mới và suy nghĩ mới về thế giới.[10]
    • Tham quan bảo tàng cùng nhau, tham dự lớp học khiêu vũ, hoặc tìm hiểu một sở thích mới cùng trẻ.
    • Thực hiện chuyến phiêu lưu nhỏ đến công viên, hoặc có một chuyến đi trên tuyến đường ngắn để xem điều gì đó thú vị và thích thú.
    • Chắc chắn rằng những cuộc phiêu lưu sẽ tạo sự thú vị cho trẻ. Hỏi trẻ về một số thông tin hoặc gợi ý, hoặc để trẻ lập ra kế hoạch trên ý tưởng của bạn trước khi khởi hành.
  5. Giúp trẻ tìm ra sở trường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng "sự tinh thông" – tập hợp các kỹ năng và thành công, có thể là rất quan trọng đối với một đứa trẻ đang phát triển. Nó có thể giúp trẻ nhận ra cảm giác về mục đích, mục tiêu phát triển, và cảm thấy tự hào về thành tựu của mình.[11]
    • Nếu trẻ thích hoạt động nào đó, ví dụ như xem trò chơi khúc côn cầu hay cuộc thi khiêu vũ, hãy hỏi xem trẻ có muốn đăng ký vào các lớp học hoặc tham gia một giải đấu nào đó không.
    • Đừng ép trẻ tham gia các môn thể thao hoặc hoạt động giải trí mà trẻ không hứng thú. Hãy để trẻ quyết định tham dự hay không và thời điểm mà chúng sẵn sàng bắt đầu theo đuổi một cái gì đó một cách nghiêm túc.
    • Chắc chắn rằng bạn không hướng trẻ tới một thái độ cạnh tranh quá mức trong các hoạt động. Hãy nhớ rằng trẻ sẽ không thể giành chiến thắng mọi trận đấu / cuộc thi. Do đó, hãy tập trung khen ngợi trẻ vì nỗ lực của chúng và cho trẻ biết chúng đã thể hiện tốt như thế nào.
  6. Dạy trẻ về lòng biết ơn. Lòng biết ơn vượt qua cảm giác biết ơn đối với những món đồ vật chất. Điều quan trọng là dạy cho trẻ biết tích lũy những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống, gia đình yêu thương luôn bảo bọc trẻ, các kỹ năng và sở thích của chính trẻ.[10]
    • Động viên trẻ biết trân trọng những "điều nhỏ nhặt" như quý trọng việc đi bộ qua công viên vào một ngày đẹp trời, hoặc trân trọng một ly nước trái cây yêu thích.
    • Thử dán một biểu đồ thực tế trên tường hoặc trên tủ lạnh. Để cho trẻ điền vào các biểu đồ với những điều mình thích về gia đình, bản thân chúng, và thế giới xung quanh.
  7. Biết khi nào nên tìm đến sự giúp đỡ. Hầu hết trẻ em đều trải qua những thăng trầm cảm xúc từ ngày này qua ngày khác, nhưng một số trẻ bị trầm cảm lâm sàng, gặp các vấn đề về hành vi, và bị một số chấn thương tâm lý. Nếu trẻ gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây một cách thường xuyên, hãy xem xét việc tìm kiếm bác sĩ chuyên khoa cho trẻ:[12]:
    • Chậm phát triển (lời nói, ngôn ngữ, hoặc hướng dẫn sử dụng nhà vệ sinh)
    • Khó khăn trong học tập hoặc tập trung
    • Vấn đề về hành vi, bao gồm cả quá tức giận / gây hấn, bùng phát "hành động", đái dầm, hoặc rối loạn ăn uống
    • Suy giảm đáng kể về điểm số và năng lực học tập
    • Nỗi buồn, khóc lóc, hay trầm cảm Xảy ra thường xuyên hoặc cứ lặp đi lặp lại
    • Lánh xa xã hội, cô lập, và / hoặc giảm hứng thú trong các hoạt động yêu thích trước đây
    • Trở thành nạn nhân bị bắt nạt, hay bắt nạt những đứa trẻ khác
    • Mất ngủ
    • Ngủ quá nhiều
    • Thường xuyên hoặc liên tục đi học trễ hoặc cúp học
    • Thay đổi tâm trạng khó đoán
    • Dấu hiệu của việc lạm dụng thuốc (bao gồm rượu, thuốc phiện, lạm dụng thuốc được kê theo đơn, hoặc lạm dụng dung môi)
    • Khó khăn khi gặp phải thay đổi trong cuộc sống
  8. Tìm bác sĩ chuyên khoa cho trẻ. Nếu bạn tin rằng liệu pháp điều trị sẽ có lợi cho trẻ, điều quan trọng là bạn phải tìm ra bác sĩ chuyên khoa thích hợp. Ngoài ra, bạn có thể cũng muốn tìm gặp một bác sĩ tâm thần (bác sĩ y khoa được đào tạo chuyên về tâm lý và dược học), một nhà tâm lý học lâm sàng (bác sĩ chuyên khoa có trình độ tiến sĩ và đào tạo nâng cao trong tâm lý học), hoặc một nhân viên xã hội lâm sàng (thường được đào tạo về tâm lý, nhưng không phải luôn luôn là như vậy--kiểm tra thông tin về tiêu chuẩn quy định tại quốc gia).
    • Bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ bệnh nhi về giấy giới thiệu hoặc đề nghị. Nếu bạn không có may mắn đó, bạn có thể nhờ đến một người bạn tin cậy, thân nhân, hoặc đồng nghiệp.
    • Bạn cũng có thể tìm kiếm bác sĩ chuyên khoa nhi có chứng chỉ trong khu vực của bạn trên mạng.
    • Một khi đã tìm thấy đúng bác sĩ chuyên khoa, hãy hỏi bác sĩ có sẵn sàng nhận lời tư vấn nhanh hoặc nói chuyện trên điện thoại. Bạn nên cố gắng để có được cảm nhận về tính cách của vị bác sĩ trước khi đồng ý cuộc hẹn thường xuyên.
    • Một số bác sĩ sẽ tính phí tư vấn, trong khi đó có một số người khác sẽ tư vấn miễn phí. Tìm hiểu trước để không phải ngạc nhiên khi được nhận hóa đơn.
    • Chắc chắn rằng vị bác sĩ mà bạn đang định gặp được cấp phép hành nghề tại quốc gia của bạn. Bạn cũng nên xem xét thông tin giấy chứng nhận và kinh nghiệm của vị bác sĩ.
    • Tìm hiểu xem bác sĩ đó đã hành nghề điều trị cho trẻ em và người lớn được bao lâu.
    • Xem xét liệu trẻ có muốn điều trị bằng cách liệu pháp này, và liệu bác sĩ đó có thân thiện và gần gũi.
    • Hãy hỏi xem bác sĩ chuyên áp dụng dạng trị liệu nào (liệu pháp nhận thức hành vi, v.v.).
    • Kiểm tra xem chương trình bảo hiểm sức khỏe của bạn có bao gồm các cuộc hẹn điều trị cho con của mình không.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu trẻ có nuôi thú cưng, hãy để trẻ giữ / chơi với thú cưng (nếu có thể), vì điều này có thể là một điều an ủi cho trẻ.
  • Dành thời gian cho trẻ khi chúng cảm thấy buồn. Để trẻ biết rằng bạn đang ở bên chúng là điều quan trọng.
  • Cố gắng hiểu những gì trẻ đang trải qua, và không phán xét hay trừng phạt trẻ vì cảm giác chúng đang trải qua.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bao giờ la mắng trẻ vì chúng cảm thấy buồn. Tương tự như vậy, bạn không nên nói với trẻ là "hãy bỏ tính/cảm xúc xấu đó đi" hay xem thường cảm giác hiện tại của trẻ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]