Giúp trẻ em đối mặt với sự qua đời của thú cưng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự qua đời của thú cưng là trải nghiệm khó khăn với mọi người, nhưng trẻ em có thể gặp nhiều vấn đề hơn khi đối mặt với điều đó. Con của bạn có thể không hiểu được chuyện gì đã xảy ra và gặp khó khăn khi xử lý cảm giác tiếc thương. Có một số việc bạn có thể làm để giúp trẻ vượt qua sự mất mát, bao gồm: thành thật với trẻ, lắng nghe trẻ nói, trấn an và giúp đỡ trẻ lưu giữ kỉ niệm về thú cưng.

Các bước[sửa]

Giải thích với trẻ về sự qua đời của thú cưng[sửa]

  1. Nói với trẻ ngay lập tức. Đôi khi, người lớn tránh nói với trẻ con về sự ra đi của thú cưng vì đó có thể là một cuộc trò chuyện khó khăn. Khi thú cưng qua đời, tốt nhất là hãy nói với trẻ ngay khi việc đó xảy ra thay vì trốn tránh hoặc trì hoãn. Trẻ có thể cảm thấy bị phản bội nếu bạn không kể cho trẻ ngay về sự ra đi của thú cưng.[1]
  2. Hãy thành thật, nhưng nên bỏ qua các chi tiết có khả năng khiến trẻ đau buồn quá mức. Quan trọng là bạn phải thành thật với trẻ và tránh dùng những cụm từ như “đi ngủ” hoặc “đi xa”để tránh làm trẻ bối rối. Hãy nói thẳng thắn với trẻ là thú cưng của gia đình đã qua đời, và không có cách nào để thay đổi điều đó.
    • Đừng chia sẻ những chi tiết gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Ví dụ: không mô tả nguyên nhân cái chết của thú cưng.[1]
  3. Chỉ giải thích về an tử (cái chết nhân đạo) khi trẻ đã đủ lớn để hiểu. Khái niệm về an tử có thể rất khó hiểu đối với trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi). Những đứa trẻ lớn có thể dễ dàng hiểu được khái niệm đó, nhưng bạn cũng sẽ phải trả lời một số câu hỏi khó hơn của chúng.[1]
    • Ví dụ: có phải an tử là khiến cho thú cưng phải chết không? Hãy cố gắng trả lời thành thật nhất có thể, nhưng không cần phải đi quá sâu vào chi tiết để tránh làm trẻ buồn bã hơn.
  4. Chuẩn bị đón nhận phản ứng của trẻ. Phản ứng của trẻ còn tuỳ thuộc vào độ tuổi và trải nghiệm với sự mất mát của chúng. Ví dụ: trẻ nhỏ có thể sẽ rất buồn, nhưng vài phút sau sẽ bình tĩnh trở lại, nhưng trẻ vị thành niên có thể giận dữ và bỏ chạy.[2]
    • Lưu ý rằng mỗi người sẽ phản ứng với cái chết theo một cách khác nhau. Ngay cả khi con bạn có vẻ ổn, vẫn có khả năng là trẻ đang phải xử lý rất nhiều cảm xúc hỗn loạn.

An ủi trẻ[sửa]

  1. Lắng nghe khi trẻ cần tâm sự. Đảm bảo trẻ biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe khi trẻ có điều muốn nói. Có thể trẻ muốn nói ngay, hoặc vài ngày sau hoặc không muốn nói gì. Nếu trẻ thật sự có nhu cầu tâm sự, hãy dành cho chúng toàn bộ sự chú ý.[3]
    • Cho phép trẻ bày tỏ cảm xúc khi bạn đang lắng nghe.
    • Dỗ dành trẻ nếu trẻ bắt đầu khóc.
    • An ủi trẻ rằng những cảm xúc này thật khó vượt qua nhưng dần dần chúng sẽ thấy khá hơn.
    • Sau khi đã trò chuyện xong, hãy ôm trẻ.
  2. Trấn an trẻ. Trẻ có thể sẽ cảm thấy tội lỗi hoặc lo lắng về sự qua đời của thú cưng. Một số đứa trẻ có thể cảm thấy thú cưng qua đời là do chúng chăm sóc chưa đủ tốt khi thú cưng còn sống, hoặc lẽ ra chúng đã có thể cứu được thú cưng của mình. Hãy trấn an ngay khi trẻ có bất kì cảm giác tội lỗi nào.[4]
    • Ví dụ: nếu trẻ cho rằng lẽ ra mình có thể làm được nhiều việc hơn để cứu mạng thú cưng, hãy nói rằng bác sĩ thú y đã làm hết sức có thể rồi.
  3. Trả lời mọi câu hỏi của trẻ trong khả năng tốt nhất của bạn. Trẻ sẽ có rất nhiều câu hỏi về sự ra đi của thú cưng, nhất là khi đây là trải nghiệm đầu tiên về cái chết. Hãy cố gắng trả lời, nhưng cũng sẽ ổn nếu bạn nói “Bố/mẹ không biết”. [3]
    • Ví dụ: nếu trẻ hỏi về cuộc sống sau cái chết đối với động vật, bạn có thể vận dụng kiến thức của mình về lĩnh vực tâm linh để giải thích, nhưng bạn cũng có thể để mở câu hỏi này và nói rằng “bố/mẹ cũng không chắc lắm”. Bạn có thể giải thích về những điều mà mọi người thường tin, hoặc nếu không thì hãy nói với trẻ là bạn không dám chắc. Sau đó, bạn có thể chia sẻ hình dung của mình về những điều mà bạn hi vọng thú cưng sắp được cảm thấy, ví dụ như được gặm xương thoải mái mà không bị đau bụng, được chạy ở đồng cỏ mênh mông êm ái dưới ánh nắng ấm áp...
    • Đối với một số câu hỏi, bạn nên trả lời rõ ràng và chính xác. Ví dụ: nếu trẻ hỏi lúc chết, thú cưng có đau đớn không, bạn nên trả lời thành thật và luôn an ủi trẻ. Bạn có thể nói như thế này: “Milu đã rất đau khi phải tới gặp bác sĩ, nhưng bác sĩ đã cho nó uống thuốc để giảm đau trước khi qua đời”.
  4. Khuyến khích trẻ sinh hoạt như bình thường. Bạn dễ có xu hướng cho phép trẻ bỏ qua một buổi thực hành đá bóng hoặc không tới dự sinh nhật bạn bè vì trẻ đang buồn, nhưng tốt hơn là bạn hãy giúp trẻ luôn vận động và giao tiếp như bình thường. Nếu trẻ có biểu hiện trốn tránh các hoạt động và gặp gỡ bạn bè, sẽ rất có hại nếu bạn cứ để tình trạng đó tiếp diễn lâu dài.
  5. Kiểm soát cảm xúc của bạn khi ở bên trẻ. Hãy nhớ rằng bạn có thể khóc trước mặt trẻ, nhưng không nên để cảm xúc trở nên mất kiểm soát. Ví dụ: đừng khóc lóc thảm thiết trước mặt trẻ. Việc này có thể khiến trẻ sợ hãi hoặc cảm thấy quá tải. Hãy kiếm cớ để ra chỗ khác nếu bạn bắt đầu không kiểm soát được cảm xúc.[5]
  6. Để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ đang vật lộn với sự tiếc thương. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cảm thấy khó khăn với việc phải rời xa thú cưng. Lúc đó, đưa trẻ đi tư vấn có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Bạn có thể sắp xếp lịch hẹn với giáo viên cố vấn tại trường học hoặc tìm một chuyên gia trị liệu tâm lý cho trẻ em. Một số biểu hiện cho thấy trẻ đang gặp khó khăn với việc xử lý nỗi thương tiếc là:[5]
    • Cảm thấy buồn liên tục.
    • Buồn bã dai dẳng (diễn ra hơn một tháng).
    • Gặp khó khăn trong học tập.
    • Khó ngủ hoặc các triệu chứng thể chất khác xảy ra sau khi thú cưng qua đời.

Tưởng nhớ thú cưng[sửa]

  1. Hãy tổ chức một buổi lễ đặc biệt để chôn hoặc rải tro của thú cưng. Việc chôn hoặc rải tro của thú cưng có thể là một cách tốt để giúp trẻ nói lời từ biệt và bày tỏ sự thương tiếc. Bạn nên tổ chức một buổi lễ đặc biệt để tưởng nhớ cuộc đời của thú cưng. Bạn có thể nhờ trẻ giúp lên kế hoạch cho buổi lễ nếu bạn nghĩ là trẻ muốn tham gia.[3]
  2. Hỏi xem trẻ có muốn bày tỏ cảm xúc của mình qua một bức vẽ hoặc thư không. Trẻ có thể cảm thấy khá hơn khi vẽ một bức tranh về thú cưng, hoặc viết một bức thư để thể hiện tình cảm của mình. Hỏi xem trẻ có thích thú với những hoạt động đó không và đề nghị giúp đỡ trẻ.
    • Bạn có thể hướng dẫn trẻ làm việc này bằng cách ngồi gần và hỗ trợ nếu trẻ cần lời khuyên về nội dung của bức vẽ hoặc bức thư.
    • Sau khi trẻ đã vẽ hoặc viết xong, hãy hướng dẫn trẻ đặt bức vẽ/bức thư ở một nơi đặc biệt, ví dụ như trên mộ của thú cưng hoặc tại nơi mà thú cưng thích nằm ngủ.
  3. Trồng một cái cây hoặc loại hoa đặc biệt để tưởng nhớ thú cưng. Trẻ có thể thích ý tưởng trồng cây hoặc hoa ở sân sau để tưởng nhớ thú cưng. Nhờ trẻ giúp bạn chọn một loại cây hoặc hoa. Sau đó, cùng nhau chọn một vị trí để trồng.
  4. Chọn riêng một chỗ trong nhà để làm nơi tưởng nhớ thú cưng. Một nơi tưởng niệm trong nhà cũng là một cách tuyệt vời để giúp trẻ vượt qua sự mất mát. Hãy dọn riêng một chỗ để đặt ảnh của thú cưng, đó có thể là mặt trên của lò sưởi hoặc một chiếc kệ nhỏ. Đặt ảnh thú cưng trong một chiếc khung đẹp và đặt nó tại nơi tưởng nhớ. Rủ trẻ thắp nến bên cạnh ảnh thú cưng để giúp những kí ức đẹp đẽ sống mãi.[5]
  5. Làm một cuốn sổ lưu niệm. Nhờ trẻ giúp bạn làm một cuốn sổ lưu niệm để lưu giữ những kỉ niệm đáng nhớ. Chọn ra vài bức ảnh đặc biệt quan trọng đối với trẻ và giúp trẻ dán ảnh vào sổ. Cho phép trẻ giữ cuốn sổ trong phòng để trẻ có thể nhìn ngắm và nhớ tới những khoảnh khắc vui vẻ với thú cưng.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng dù sau vài tuần hoặc vài ngày, trẻ có vẻ đã khá hơn nhưng sự tiếc thương chưa hẳn đã nguôi ngoai. Có thể phải mất vài tháng thì trẻ mới quay lại nếp sống bình thường được.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]