Giảm triệu chứng viêm da xốp hóa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm da xốp hóa là bệnh về da thường được xem là một dạng bệnh chàm cấp tính.[1] Mặc dù thường gây đau đớn nhưng viêm da xốp hóa lại tương đối dễ phòng ngừa và điều trị. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh viêm da xốp hóa, bạn có thể sử dụng các liệu pháp tại nhà và can thiệp y tế để điều trị bệnh khi cần thiết.

Các bước[sửa]

Tiếp nhận Chẩn đoán và Xác định Triệu chứng[sửa]

  1. Tiếp nhận chẩn đoán từ bác sĩ. Nếu có triệu chứng bệnh viêm da xốp hóa, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Bác sĩ sẽ tiến hành các bước điều trị bệnh, thông qua phòng ngừa và liệu pháp tại nhà hoặc điều trị bằng thuốc.
  2. Xác định triệu chứng viêm da xốp hóa. Triệu chứng của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người nhưng sẽ có một số dấu hiệu chung giúp bạn xác định bệnh. Triệu chứng điển hình của bệnh viêm da xốp hóa gồm có: [2]
    • Ngứa ngáy, đặc biệt là về đêm
    • Mảng đỏ hoặc xám nâu trên da
    • Mụn nhỏ nổi lên chứa dịch và đóng vảy khi gãi
    • Da dày, nứt nẻ, khô và bong tróc
    • Da thô ráp, nhạy cảm và sưng do ngứa
    • Vị trí thường bị viêm da xốp hóa nhất là ngực, bụng và mông. Viêm da ở những vị trí này có thể lan sang những phần khác trên cơ thể. [1]
  3. Cẩn thận đối với các tác nhân gây kích ứng và yếu tố nguy cơ. Một số tác nhân kích thích và yếu tố nguy cơ có thể khiến bạn dễ bị viêm da xốp hóa. Cẩn trọng đối với những yếu tố này có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh đúng cách.
    • Làm việc trong môi trường tiếp xúc với kim loại như niken, dung môi hoặc dung dịch vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ viêm da xốp hóa.[3]
    • Một số bệnh như suy tim sung huyết, bệnh Parkinson và HIV/AIDS cũng khiến bạn dễ bị viêm da xốp hóa hơn.[3]
    • Bệnh viêm da xốp hóa có thể bùng phát nếu da bạn nhạy cảm và/hoặc do sử dụng xà phòng quá mạnh dẫn đến phản ứng dị ứng trên da.

Sử dụng Liệu pháp tại Nhà[sửa]

  1. Xác định nguyên nhân gây viêm da xốp hóa. Bệnh thường bùng phát do một tác nhân kích thích cụ thể. Xác định tác nhân đó là gì có thể giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh.
    • Tác nhân kích thích có thể là một chất gây dị ứng, dị ứng thực phẩm, mỹ phẩm, yếu tố môi trường, vết côn trùng cắn hoặc do xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh.
    • Nếu nghi ngờ, bạn nên hạn chế tiếp xúc với tác nhân kích thích để xem triệu chứng có giảm bớt không.
    • Một số yếu tố bên ngoài có thể khiến viêm da xốp hóa trở nặng, bao gồm da khô do tắm nước quá nóng, căng thẳng, đổ mồ hôi, mặc đồ len, tiếp xúc với khói thuốc và ô nhiễm.[4]
    • Một số thực phẩm cũng có thể khiến viêm da xốp hóa trở nặng, bao gồm trứng, sữa, lạc, đậu nành, cá và lúa mì.[2]
    • Sử dụng xà phòng và chất tẩy rửa quần áo nhẹ hoặc “không gây dị ứng”. Những sản phẩm này chứa ít hóa chất gây hại kích ứng da. Xả quần áo với nước sạch sau khi giặt để đảm bảo rằng chất tẩy rửa được xả sạch.
    • Sản phẩm được đánh dấu “không gây dị ứng” là sản phẩm đã được thử nghiệm cho da nhạy cảm và thường không gây kích ứng da.
  2. Không gãi. Dù muốn tìm kiếm cách gì để điều trị viêm da xốp hóa thì bạn cũng không được gãi. Gãi có thể khiến lỗ chân lông hở ra và gây ra các vấn đề khác, bao gồm nhiễm trùng.[5]
    • Nếu không thể tránh khỏi việc gãi các vị trí kích ứng, thỉnh thoảng bạn có thể đắp băng gạc lên vị trí bị viêm da xốp hóa nghiêm trọng. Cách này giúp giảm tiếp xúc với chất kích thích và ngăn bạn khỏi gãi.[6] Không đắp băng gạc thường xuyên để tránh gây kích ứng thêm.
  3. Giữ ẩm da để giảm kích ứng. Duy trì độ ẩm tự nhiên cho da sẽ giúp ngăn khô da và phòng ngừa kích thích thêm. Bạn có thể giữ ẩm da bằng nhiều cách khác nhau như sử dụng sữa dưỡng ẩm, tránh nhiệt độ quá cao và sử dụng máy tạo độ ẩm trong không khí.[6]
    • Sử dụng sản phẩm vệ sinh nhẹ dùng cho da nhạy cảm khi tắm. Bạn có thể dùng sản phẩm của Dove, Aveeno và Cetaphil. Không tắm nước quá nóng để tránh làm khô và kích ứng da.
    • Thoa kem dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần mỗi ngày. Thời điểm tốt nhất để thoa kem dưỡng là sau khi tắm, khi da còn ẩm. Gần cuối ngày, bạn có thể sử dụng dầu để dưỡng ẩm cho da.[6]
    • Nên dùng kem dưỡng ẩm không màu, không mùi để tránh gây kích ứng da. [6] Nếu không chắc kem dưỡng có tốt cho da không, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ. Sử dụng kem hoặc thuốc mỡ vì chúng thường đặc hơn, hiệu quả hơn so với các loại kem dưỡng và thường ít kích ứng da hơn.
    • Tắm 10-15 phút trong nước ấm có pha muối nở, yến mạch chưa nấu chín hoặc bột yến mạch sẽ giúp dưỡng ẩm cho da. Ngoài ra, bạn nên dùng kem hoặc dầu để dưỡng ẩm cho da sau khi tắm.[6]
    • Đặt máy tạo ẩm không khí trong nhà sẽ giúp cho không khí được ẩm và không làm khô da.[6]
    • Tránh nhiệt độ quá cao vì như vậy sẽ khiến da bị khô.
  4. Uống nhiều nước. Bạn phải uống đủ nước để giữ ẩm cho da. Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày để giữ da duy trì độ ẩm vốn có và ngăn mất nước. [7]
  5. Chườm lạnh để giảm ngứa và viêm. Ngứa và viêm nhiễm do viêm da xốp hóa là do histamine trong máu. Chườm lạnh có thể giúp giảm ngứa và viêm do viêm da xốp hóa bằng cách hạn chế tuần hoàn máu và làm mát da.[6]
    • Histamine được sản sinh khi tác nhân dị ứng xâm nhập vào cơ thể. Nó gây ra tất cả các triệu chứng của phản ứng dị ứng, bao gồm ngứa và viêm.
    • Bạn có thể chườm lạnh lên vết phát ban khoảng 10-15 phút mỗi 2 tiếng hoặc khi cần.[6]
  6. Bảo vệ da. Bạn có thể phòng ngừa và giảm triệu chứng viêm da xốp hóa bằng cách bảo vệ da. Mặc quần áo, đeo băng gạc và dùng sản phẩm xịt côn trùng cũng sẽ giúp bảo vệ da.
    • Mặc quần áo mát mẻ, rộng rãi và làm từ chất liệu mềm như cotton hoặc lụa để ngăn bản thân khỏi gãi ngứa và ngăn đổ quá nhiều mồ hôi. [6] Không mặc quần áo len để tránh gây kích ứng da.
    • Mặc áo tay dài và quần dài để ngăn bản thân khỏi gãi ngứa và bảo vệ chỗ ngứa khói tác nhân gây kích ứng bên ngoài.[6]
    • Khi ra ngoài, tức có nguy cơ bị côn trùng cắn, bạn có thể thoa kem chống côn trùng lên vùng da không bị phát ban. Bước này giúp ngăn côn trùng đến gần và khiến chúng không thể gây phản ứng dị ứng.
  7. Thoa kem dưỡng Calamine hoặc kem chống ngứa. Kem dưỡng Calamine hoặc kem chống ngứa không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng viêm da xốp hóa. Bạn có thể mua các loại kem này ở cửa hàng hoặc hiệu thuốc (có bán trực tuyến).
    • Kem chống ngứa không kê đơn, hay hydrocortisone, có thể giúp giảm ngứa. Lưu ý nên mua kem có chứa ít nhất 1% hydrocortisone.
    • Thoa kem lên vùng da bị ảnh hưởng trước khi dưỡng ẩm cho da.[6]
    • Tuân thủ hướng dẫn trên sản phẩm về tần suất thoa kem lên da.
  8. Sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn để giảm viêm và ngứa. Các thuốc này sẽ chặn histamine (nguyên nhân gây phản ứng dị ứng) và giúp giảm ngứa, viêm nhiễm trên da. Có nhiều loại thuốc kháng histamine dạng không kê đơn được bày bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng (có bán trực tuyến). Trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì thuốc có thể tương tác với thuốc chữa bệnh hoặc bệnh lý.
    • Chlorpheniramine có sẵn ở dạng viên 2 mg và 4 mg. Người trưởng thành có thể uống 4 mg mỗi 4-6 tiếng. Không uống quá 24 mg mỗi ngày.
    • Diphenhydramine (Benadryl) có sẵn ở dạng viên 25 mg và 50 mg. Người trưởng thành có thể uống 25 mg mỗi 6 tiếng. Không uống quá 300 mg mỗi ngày.
    • Ceterizine (Zyrtec) có sẵn ở dạng viên 5 mg và 10 mg. Người trưởng thành có thể uống đến 10 mg mỗi 24 tiếng.
    • Các thuốc này có tác dụng an thần nên bạn không được lái xe, uống đồ uống chứa cồn hoặc vận hành máy móc khi uống thuốc.
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về liều dùng thích hợp nếu muốn điều trị cho trẻ nhỏ.
  9. Sử dụng kem corticosteroid không kê đơn để giảm ngứa và viêm. Kem corticosteroid có thể giúp giảm viêm, từ đó giảm ngứa và giúp bạn bớt muốn gãi ngứa. Nên thoa kem lên vùng da bị ảnh hưởng một lần mỗi ngày.
    • Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên thoa kem vào buổi sáng sau khi tắm để kem có thể thấm vào da suốt cả ngày.
    • Một loại kem corticosteroid đó là kem hydrocortisone 1%.

Tiếp nhận Hỗ trợ Y tế[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ nếu tình trạng bệnh nặng hơn. Nên đi khám bác sĩ ngay nếu mụn nước và phát ban không biến mất sau 1 tuần hoặc bạn cảm thấy khó chịu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc đường uống, kem steroid hoặc liệu pháp ánh sáng để điều trị viêm da xốp hóa.
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu: cảm thấy khó chịu đến mức không ngủ được hoặc bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, da cảm thấy đau đớn, liệu pháp tại nhà và tự điều trị không hiệu quả, hoặc nghi ngờ da bị nhiễm trùng.[8]
  2. Tiếp nhận liệu pháp ánh sáng. Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành liệu pháp ánh sáng để chữa lành viêm da xốp hóa. Phương pháp điều trị hiệu quả này có thể đơn giản là tiếp xúc với ánh nắng có giới hạn hoặc sử dụng ánh nắng nhân tạo. Mặc dù vậy, phương pháp này cũng có những rủi ro.[9]
    • Liệu pháp ánh sáng liên quan đến việc cho da tiếp xúc với lượng ánh nắng tự nhiên được kiểm soát hoặc tia cực tím nhân tạo A (UVA) và dải hẹp UVB. Liệu pháp này có thể được tiến hành riêng biệt và kết hợp với thuốc. [10]
    • Tiếp xúc với ánh nắng sẽ làm tăng nguy cơ lão hóa sớm và ung thư da. [10]
  3. Sử dụng corticosteroid dạng kê đơn. Nếu cảm giác ngứa hoặc phát ban không giảm khi thoa thuốc corticosteroid dạng không kê đơn, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn thuốc corticosteroid đường uống hoặc thoa tại chỗ mạnh hơn như Prednisone.[10]
    • Steroid đường uống và steroid dạng bôi mạnh hơn có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng trong thời gian dài. Vì vậy, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và không dùng thuốc quá thời gian được chỉ định.[11]
    • Liên tục dưỡng ẩm da khi sử dụng thuốc corticosteroid đường uống hoặc dạng thoa tại chỗ. Bước này không những giúp giữ ẩm cho da mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tái phát sau khi ngưng dùng steroid.[11]
  4. Uống kháng sinh kê đơn để chống nhiễm trùng. Trong trường hợp mụn nước hoặc vết phát ban bị nhiễm trùng, bạn có thể uống kháng sinh để giúp cơ thể được khỏe mạnh. Luôn trao đổi với bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, da ấm hoặc cương mủ.
    • Loại thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn có thể rất đa dạng, Thuốc kháng sinh thông thường gồm có Erythromycin, Penicillin, Dicloxacillin, Clindamycin hoặc Doxycycline.[12]
  5. Sử dụng kem ức chế Calcineurin để giúp phục hồi da. Bạn nên dùng kem ức chế Calcineurin để giúp hồi phục da khi các phương pháp khác không có hiệu quả. Các thuốc này, bao gồm Tacrolimus và Pimecrolimus, sẽ giúp duy trì làn da bình thường, kiểm soát cơn ngứa và giảm bùng phát viêm da xốp hóa.
    • Kem ức chế Calcineurin ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch và có thể gây tác dụng phụ như vấn đề về thận, huyết áp cao, đau đầu. Các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp gồm có tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.[13]
    • Các thuốc này chỉ được kê đơn cho bệnh nhân trên 2 tuổi và khi các phép điều trị khác không thành công.[14]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây