Giảm axit dạ dày bằng nguyên liệu tại nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Axit dạ dày rất cần cho việc tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, quá nhiều axit trong dạ dày có thể gây trào ngược axit (ợ nóng) hoặc một căn bệnh gọi là trào ngược dạ dày (GERD).[1] Bạn có thể gặp các triệu chứng khó chịu hoặc thậm chí đau đớn, bao gồm đầy hơi và đầy bụng, cảm giác nóng trong dạ dày hoặc sau cuống họng, ho khan, thở khò khè và đau ngực. [1] Hầu hết mọi người đều mắc các triệu chứng này sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định, ăn quá nhanh và nhai không kỹ thức ăn, hoặc nằm quá sớm sau khi ăn. Béo phì, mang thai và các bệnh khác cũng có thể dẫn đến tăng axit dạ dày.[2]

Các bước[sửa]

Xác định Triệu chứng[sửa]

  1. Kiểm tra các triệu chứng của viêm thực quản. Axit trào ngược có thể là triệu chứng của viêm thực quản, tức thực quản bị viêm, gây hẹp thực quản, gây tổn hại các mô, và tăng nguy cơ nghẹn thức ăn. Nếu không được điều trị, viêm thực quản có thể dẫn đến tổn thương mô nghiêm trọng và ung thư thực quản. Triệu chứng thường gặp là ợ nóng, khó nuốt, đau ngực trong khi ăn. [3] Bệnh cảm lạnh, cảm cúm, hoặc nhiễm trùng do siêu vi trùng cần được điều trị ngay lập tức nếu bạn bị chứng trào ngược axit vì nó có thể gây viêm thêm ở ống dẫn thức ăn. Đến khám bác sĩ ngay nếu các triệu chứng:[3]
    • Kéo dài hơn vài ngày hoặc không cải thiện khi dùng thuốc kháng axit không kê đơn
    • Nghiêm trọng đến mức gây khó ăn
    • Kèm theo các dấu hiệu của bệnh cúm và các triệu chứng như đau đầu, sốt và đau nhức cơ bắp
    • Kèm theo tình trạng khó thở hoặc đau ngực ngay sau khi ăn
    • Tiếp nhận chăm sóc khẩn cấp nếu bị đau ngực kéo dài hơn vài phút, nghi ngờ có thức ăn mắc trong thực quản, có tiền sử bệnh tim hoặc bị suy giảm chức năng miễn dịch.
  2. Kiểm tra các triệu chứng viêm dạ dày. Ợ nóng cũng có thể là triệu chứng của viêm dạ dày. Viêm dạ dày là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày thường do vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra, vi khuẩn này có thể gây viêm loét dạ dày. Rối loạn tự miễn dịch, mật trào ngược vào dạ dày, hoặc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen trong thời gian dài, cũng có thể gây viêm dạ dày. [4] Triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày bao gồm:[4]
    • Khó tiêu
    • Ợ nóng
    • Đau bụng
    • Nấc cụt
    • Ăn mất ngon
    • Buồn nôn
    • Nôn mửa, có thể nôn ra những thứ trông giốngcà phê bột(máu)
    • Phân đen
  3. Kiểm tra các dấu hiệu của liệt dạ dày. Liệt dạ dày là tình trạng chuyển động của các cơ trong dạ dày không hoạt động bình thường, khiến hoạt động làm trống dạ dày diễn ra không hoàn chỉnh. Tình trạng này có thể gây trào ngược axit và nôn do trào ngược axit dạ dày lên thực quản.[5] Người bị bệnh tiểu đường hoặc vừa trải qua phẫu thuật có nhiều khả năng bị liệt dạ dày hơn. Các triệu chứng của liệt dạ dày bao gồm:[6]
    • Nôn mửa
    • Buồn nôn
    • Cảm giác đầy bụng sau khi ăn chỉ vài miếng
    • Bụng đầy hơi
    • Đau bụng
    • Thay đổi nồng độ đường trong máu
    • Ăn không ngon
    • Sụt cân và suy dinh dưỡng
  4. Tiếp nhận chăm sóc y tế khẩn cấp. Triệu chứng của ợ nóng, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim có thể rất giống nhau. Các triệu chứng do chứng ợ nóng và đau tim gây ra sẽ giảm dần sau một thời gian. Bạn nên đến phòng cấp cứu ngay nếu thấy các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của đau tim như:[7]
    • Áp lực, căng, đau hoặc cảm giác siết chặt hoặc đau ở ngực hoặc cánh tay và có thể lan đến cổ, hàm hay lưng
    • Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng, đau bụng
    • Khó thở
    • Mồ hôi lạnh
    • Mệt mỏi
    • Đầu óc quay cuồng hay chóng mặt đột ngột

Thay đổi Lối sống để Giảm Axit Dạ dày[sửa]

  1. Ngủ đủ giấc. Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng sản sinh hormone căng thẳng, loại hormone có thể kích thích tình trạng trào ngược axit, khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và làm giảm tuổi thọ. Nếu bị ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ để được điều trị.
    • Để có thể ngủ đủ giấc, bạn hãy tìm một nơi yên tĩnh, tối, môi trường mát mẻ và tránh caffeine, rượu và thức ăn có đường trước khi đi ngủ 4-6 tiếng. Ngoài ra, nên tránh ăn trước khi đi ngủ 2-3 tiếng và tránh làm việc hoặc tập thể dục trước khi đi ngủ 3-4 tiếng. [8]
    • Bạn có thể tìm đọc các bài viết khác để biết thêm về cách ngủ đủ giấc.
  2. Ngủ nghiêng một bên. Nằm sấp đè lên dạ dày hoặc nằm ngửa ngay sau khi ăn có thể làm tăng axit dạ dày, gây khó tiêu và ợ nóng. Vì vậy, bạn nên thử nằm nghiêng bên trái và kẹp gối vào giữa hai đầu gối để hạn chế căng cột sống, hông và cơ lưng dưới.[9] Một số nghiên cứu cho thấy nằm nghiêng bên trái giúp hạn chế trào ngược axit dạ dày vào thực quản bằng cách đỡ đường cong tự nhiên của cơ thể.[2]
    • Co đầu gối lên một chút về phía ngực. Gối đầu sao cho cột sống được giữ thẳng. Có thể đặt khăn cuộn hoặc gối nhỏ dưới eo để giúp giữ thẳng cột sống. [9]
    • Nếu gặp vấn đề về hô hấp hoặc cảm lạnh, bạn nên gối đầu lên gối để cải thiện lưu thông khí. Gối phải đỡ đường cong tự nhiên của cổ và tạo cảm giác thoải mái. [9] Gối quá cao có thể gây căng cơ lưng, cổ và vai do sai tư thế cổ. Điều này có thể làm tăng căng thẳng, gây đau đầu và kích thích trào ngược axit. Nên chọn gối giữ cho cổ thẳng hàng với ngực và lưng dưới.
  3. Mặc quần áo rộng. Quần áo bạn mặc có thể ảnh hưởng đến tình trạng trào ngược axit, đặc biệt nếu bạn bị thừa cân. Quần áo chật có thể làm tăng áp lực ở vùng bụng, có thể khiến axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Vì vậy, bạn nên mặc quần áo thoải mái và rộng rãi.[2]
  4. Tránh kéo giãn hoặc uốn người sau bữa ăn. Nói chung, bạn nên tránh tập thể dục ít nhất 2-4 tiếng sau khi ăn. Nếu thường xuyên gặp tình trạng trào ngược axit hoặc ợ nóng thì dù uốn người nhẹ, giãn cơ hoặc leo cầu thang cũng có thể làm tăng axit dạ dày. Ngược lại, đi bộ với nhịp độ nhẹ nhàng sẽ giúp giảm axit trong dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.[2]
  5. Nhai thức ăn thật kỹ. Nhai kỹ sẽ giúp nuốt và tiêu hóa thức ăn dễ hơn, giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng ợ nóng. Cách này cũng làm tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng bằng cách giải phóng các enzym trong thực phẩm và giúp thúc đẩy giảm cân bằng cách giảm cảm giác thèm ăn. [10]
    • Nếu có vấn đề về răng khiến bạn khó nhai, hãy hỏi nha sĩ cách làm thế nào để nhai đúng, đồng thời học cách chăm sóc sức khỏe răng miệng.
  6. Bỏ hút thuốc. Nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng tiết axit, làm suy yếu phản xạ của cơ ở cổ họng và gây tổn hại đến màng nhầy bảo vệ. Hút thuốc làm giảm tiết nước bọt (nước bọt giúp trung hòa axit).[11][2]
    • Hiện ta vẫn chưa biết liệu khói thuốc, nicotine, hoặc cả hai có gây kích thích trào ngược dạ dày hay không. Ví dụ, một số người sử dụng miếng dán cai thuốc lá để bỏ hút thuốc sẽ bị ợ nóng, nhưng ta chưa thể xác định rõ là do nicotine hay căng thẳng mới là tác nhân gây ra trào ngược axit.
    • Ngoài ra, hút thuốc lá có thể dẫn đến bệnh khí phế thủng, tứctình trạng các túi khí trong phổi bị tổn thương và phình to, gây khó thở.

Thiết lập Chế độ ăn[sửa]

  1. Uống nhiều nước. Nước có độ pH trung tính giúp trung hòa axit trong dạ dày và giúp cơ thể dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Cố gắng uống ít nhất 240 ml nước mỗi 2 tiếng. Lượng nước được khuyến nghị cho người lớn là 2 lít mỗi ngày. Nước điện giải với độ pH 8,8 có thể có lợi hơn cho những người mắc các triệu chứng nghiêm trọng của chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày. [12]
    • Nếu uống đồ uống có chứa caffeine, bạn nên uống thêm 1 lít nước cho mỗi cốc đồ uống chứa caffeine..
    • Không uống đủ nước có thể dẫn đến mất nước. Mất nước có thể gây nhức đầu, khó chịu, chóng mặt, nhịp tim bất thường và khó thở. Thức uống thể thao không chứa caffeine, không glucose với chất điện giải có thể giúp làm giảm bớt tình trạng mất nước.[13]
  2. Viết nhật ký sử dụng thực phẩm. Không có một chế độ ăn uống cụ thể nào có thể ngăn chặn tất cả các triệu chứng của ợ nóng và trào ngược dạ dày. Cách duy nhất để giúp bác sĩ đưa ra một chế độ ăn thích hợp cho bạn đó là xác định xem loại thực phẩm mà bạn có thể tiêu thụ được và những loại thực phẩm làm tình trạng trào ngược nặng thêm. Cố gắng ghi chép danh sách thực phẩm chi tiết trong 1 hoặc 2 tuần. Ghi chép này có thể gồm 3 mục:[14]
    • Loại và lượng thực phẩm hoặc đồ uống, chẳng hạn như 1 cốc nước cam. Hãy lưu ý cả loại gia vị mà bạn đã sử dụng trong bữa ăn.
    • Thời gian trong ngày
    • Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, chẳng hạn như trào ngược axit nhẹ.
  3. Ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn món tốt cho sức khỏe. Ăn 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm cân và cung cấp năng lượng mà không gây trào ngược axit.[15] Hãy hỏi bác sĩ về nhu cầu calo hàng ngày được khuyến nghị để vừa kiểm soát cân nặng của bạn và vừa có bữa ăn lành mạnh hơn. Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ bằng cách: [16]
    • Chia sẻ món khai vị với mọi người thay vì ăn tất cả, hoặc chỉ mang theo nửa hộp đồ ăn.
    • Kiểm soát phần ăn bằng cách cho một lượng thức ăn vừa đủ vào bát thay vì ăn trong hộp.
    • Bày món ăn lên đĩa riêng và cất đĩa nhỏ dành cho món ăn phụ trong bếp để làm giảm sự cám dỗ từ các món khác.
    • Con người ta có xu hướng ăn nhiều hơn khi họ có thể dễ dàng tiếp cận thực phẩm. Vì vậy, bạn nên đặt các thực phẩm lành mạnh lên phía trước tủ lạnh và tủ bếp, đồng thời cất những thực phẩm ít lành mạnh hơn ở nơi khuất tầm nhìn.
  4. Tránh các thức ăn làm tăng axit dạ dày. Cacbon-hydrat tinh chế, thực phẩm chiên và đã qua chế biến, đồ uống có đường, thịt đỏ, dầu chưa bão hòa và bơ thực vật có thể làm tăng tình trạng viêm thực quản.[17] Bữa ăn có hàm lượng chất béo cao và các món chiên cũng có xu hướng làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới (LES) và làm chậm quá trình làm sạch dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ trào ngược.
    • Nên tránh tiêu thụ ớt và hạt tiêu đen vì chúng có chứa các hợp chất như capsaicin và piperine có thể làm tăng sản sinh axit dạ dày. Tuy nhiên, ớt chuông ngọt lại an toàn vì chúng không chứa các hợp chất này.
    • Không nên ăn sôcôla vì nó có chứa methylxanthine, hợp chất làm giãn cơ thắt thực quản dưới, khiến axit dạ dày trào ngược vào thực quản.[14]
    • Bác sĩ có thể giúp bạn thiết lập kế hoạch cho bữa ăn cá nhân nếu bạn bị dị ứng với thực phẩm hoặc nếu bạn đang bị đầy hơi và khó tiêu do trào ngược axit.
  5. Ăn thức ăn bổ dưỡng. Nhiều thức ăn lành mạnh không kích thích sản sinh axit dạ dày, giúp giảm viêm trong thực quản và dạ dày, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ các chức năng cơ thể khác nhau. Những thực phẩm này cũng có lợi trong việc giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh và có hàm lượng chất xơ cao giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, quá nhiều chất xơ có thể làm chậm quá trình làm sạch dạ dày ở người bị liệt dạ dày. Hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để họ giúp bạn đưa ra một kế hoạch cho bữa ăn phù hợp. Nói chung, bạn nên cố gắng ăn nhiều:[17]
    • Các loại rau xanh như rau chân vịt (cải bó xôi) hay cải xoăn bởi chúng chứa các chất chống oxy hóa và chất xơ thực vật.
    • Atisô giúp hỗ trợ tiêu hóa.
    • Ớt chuông ngọt chứa nhiều vitamin C.
    • Ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, hạt diêm mạch, hạt kê, bột yến mạch và hạt lanh.
    • Đậu khô và đậu lăng. Nên tránh tiêu thụ các loại đậu đóng hộp vì chúng có hàm lượng natri cao và có thể chứa chất phụ gia như chất béo bão hòa từ động vật và đường, có thể gây nhiều bệnh.
    • Thịt nạc gia cầm như thịt gà tây, chim cút và thịt gà.
    • Cá nhiều chất béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi.
    • Hạt như hạnh nhân hoặc quả óc chó.
  6. Tiêu thụ hoa quả có chọn lọc. Mặc dù hoa quả và cà chua có lợi cho sức khỏe nhưng axit citric trong những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ bị ợ nóng và trào ngược axit dạ dày. Ăn trái cây không thuộc họ cam quýt có thể giúp giảm axit trong dạ dày. Hãy thử ăn táo, chuối, dưa chuột và dưa hấu. [17][14]
  7. Sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe. Một số loại dầu thực vật như dầu hạt lanh, dầu hạt cải, dầu ôliu và dầu đậu nành rất giàu axit béo thiết yếu như omega-3 và omega-6 giúp ngăn ngừa chứng ợ nóng bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và tạo lớp phủ thực quản để giảm viêm.[2]
    • Dầu cám gạo thường được dùng để giúp giảm triệu chứng trào ngược axit.
    • Bạn cũng có thể sử dụng các loại dầu này làm dầu trộn salad.
  8. Sử dụng probiotic (men vi sinh). Probiotic là vi khuẩn có tự nhiên trong dạ dày giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch và giúp chống lại chứng viêm.[18] Probiotic có trong sữa chua, một số loại sữa, các sản phẩm từ đậu nành cũng như thực phẩm bổ sung. [19]
    • Ăn sữa chua hoặc uống thực phẩm chức năng bổ sung probiotic với 120-180 ml nước khi dạ dày rỗng. Bạn có thể xoay hoặc cắt viên nang và cho probiotic dạng bột vào ly, thêm nước và một thìa cà phê muối nở để trung hòa axit trong dạ dày.
    • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng probiotic nếu hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  9. Tránh tiêu thụ tỏi và hành tây. Mặc dù không gây trào ngược axit nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỏi và hành tây có thể làm các triệu chứng nặng thêm đối với những người thường xuyên bị trào ngược axit và ợ nóng. Chúng có thể làm tăng nồng độ axit trong món ăn và gây trào ngược. [20][21]
    • Tỏi và hành tây đã được chứng minh là có lợi cho nhiều căn bệnh về tim và hô hấp, do đó có thể sử dụng ở mức độ vừa và liều nhỏ tùy tình trạng mỗi người để tránh gây ra trào ngược axit.
  10. Tránh sử dụng đồ uống có cồn. Tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức vừa phải sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tiêu hóa nhưng nó cũng có thể gây viêm và tổn thương thực quản ở người có triệu chứng ợ nóng, viêm thực quản và bệnh trào ngược dạ dày.[22] Hầu hết các chuyên gia đã phát hiện rằng sử dụng đồ uống có cồn, với lượng đặc biệt lớn, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày. Bất kỳ loại đồ uống có cồn nào như bia, rượu vang, hay rượu mạnh đều có thể gây trào ngược axit và nên tránh. Cố gắng hạn chế xuống còn 1 ly mỗi tuần.[2]

Sử dụng Thảo dược và Nguyên liệu tại Nhà[sửa]

  1. Uống trà hoa cúc. Mặc dù hoa cúc được dùng làm phương thuốc chữa chứng khó tiêu từ hàng ngàn năm nay nhưng nghiên cứu về tác dụng của nó với cơ thể người lại rất ít. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra hoa cúc Đức giúp giảm viêm. [23] Phân tích của nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng sự kết hợp của hoa Iberis, bạc hà và hoa cúc có thể giúp giảm các triệu chứng khó tiêu. [23]
    • Để ủ trà hoa cúc, cho 2-4 g hoa cúc khô vào 1 cốc nước nóng. Uống trà hoa cúc có nồng độ cao có thể gây buồn nôn và nôn mửa. Do đó, bạn không nên ủ trà lâu hơn 5 phút.
    • Hoa cúc La Mã được bán dưới dạng thực phẩm chức năng ở các hiệu thuốc. Nếu bị dị ứng với cúc cánh mối, hoa cúc dại, hoa cúc hoặc cỏ phấn hương, bạn cũng có thể bị dị ứng với hoa cúc La Mã. [24]
    • Hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng cúc La Mã nếu bạn đang dùng thuốc điều trị tiểu đường, huyết áp hoặc thuốc an thần.
  2. Sử dụng cây du trơn. Vỏ cây du trơn có chứa chất nhầy, một chất sẽ biến thành gel trơn khi pha với nước, sẽ bao phủ thực quản, dạ dày và thành ruột để giảm kích ứng và giảm trào ngược axit. Các chất chống oxy hóa trong cây du trơn cũng giúp chống lại viêm loét dạ dày và viêm nhiễm. [25] Vỏ cây du trơn có sẵn ở dạng viên nang, viên ngậm, trà và chiết xuất dạng bột tại hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng dinh dưỡng.[25] Bạn nên sử dụng cây du trơn 2 tiếng trước hoặc sau khi dùng thảo dược hoặc thuốc khác để tránh làm chậm sự hấp thu của các thuốc khác. [25][2]
    • Để làm trà từ cây du trơn, cho 1-2 g (khoảng 1 thìa) chiết xuất vỏ bột vào cốc nước sôi khoảng 3-5 phút. Uống 3 lần mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
    • Liều chỉ định cho viên nang cây du trơn là 400-500 mg, ít nhất 3-4 lần mỗi ngày, trong 4-8 tuần hoặc cho đến khi tình trạng được cải thiện. Uống với một ly nước đầy.[25]
    • Không cho trẻ sử dụng cây du trơn mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.[25]
  3. Sử dụng gừng. Nghiên cứu cho thấy dùng 1-2 g gừng sống hoặc bột rễ gừng ít nhất 1 tiếng trước bữa ăn có thể giúp hỗ trợ làm sạch dạ dày, từ đó làm giảm các triệu chứng ợ nóng và trào ngược axit dạ dày. [26][27] Gừng còn giúp giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và viêm do trào ngược axit trong thực quản. Rễ gừng được bán rộng rãi tại hầu hết các chợ và cửa hàng tạp hóa.
    • Có thể làm trà gừng bằng cách ngâm 1-2 g gừng bóc vỏ trong cốc nước sôi trong 5 phút. Lọc lấy nước và uống 2 lần mỗi ngày, ít nhất 1 tiếng trước bữa ăn.
    • Hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng gừng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn chảy máu, hoặc nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Hãy cung cấp cho bác sỹ thông tin về loại thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng để tránh tác dụng phụ.
  4. Sử dụng muối nở. Muối nở (sodium bicacbonat) thường được sử dụng như chất kháng axit tự nhiên giúp trung hòa axit trong dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa. [28] Muối nở được bán sẵn ở dạng viên uống và bột, có thể sử dụng lên đến 4 lần mỗi ngày, ít nhất 1-2 tiếng sau khi ăn hoặc sau khi uống thuốc. Tránh dùng muối nở khi dạ dày quá no.[28]
    • Trộn 1 thìa cà phê muối nở vào ly nước, khuấy tan hoàn toàn và uống để trung hòa axit trong dạ dày. Dùng thìa đong để đong liều sử dụng. Thêm mật ong hoặc chanh để tăng hương vị nếu muốn.
    • Trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng muối nở nếu chế độ ăn cần hạn chế natri, người mắc bệnh tim, bệnh đường tiêu hóa, hoặc đang sử dụng thuốc, các loại thảo mộc và thực phẩm chức năng.
    • Sử dụng muối nở theo đúng chỉ dẫn. Không sử dụng muối nở quá 2 tuần trừ khi được bác sĩ yêu cầu. Không cho trẻ dưới 12 tuổi sử dụng muối nở. [28]
    • Nếu quên uống một liều, hãy bổ sung lại ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, không uống liều bị quên nếu gần liều kế tiếp và hãy tiếp tục lịch uống thuốc như thường ngày. [28]
  5. Nhai kẹo cao su. Nhai kẹo cao su không đường khoảng nửa giờ sau bữa ăn có thể làm giảm chứng ợ nóng vì nó kích thích sản xuất nước bọt. [29] Nước bọt có tính kiềm nên nuốt nước bọt sẽ giúp trung hòa axit dạ dày.[2][30][31]
    • Kẹo cao su không đường có chứa xylitol ức chế vi khuẩn gây sâu răng.
    • Kẹo cao su có đường có thể khiến nước bọt đặc lại gây khô miệng và không có tác dụng như kẹo cao su không đường.
    • Không nhai kẹo cao su vị bạc hà vì nó có thể kích thích trào ngược axit.
  6. Tránh sử dụng bạc hà. Bạc hà có thể làm giãn cơ vòng giữa dạ dày và thực quản, làm axit dạ dày chảy ngược vào thực quản. Các cơ thắt thực quản dưới (LES) là cơ ngăn cách thực quản khỏi dạ dày. Bằng việc làm giãn cơ vòng, bạc hà có thể khiến triệu chứng ợ nóng và khó tiêu trở nên tồi tệ hơn. [32] Mặc dù không gây trào ngược nhưng bạc hà có thể kích thích chảy chất nhầy và chảy nước mũi, đặc biệt là khi bạn bị cảm, từ đó gây kích thích trong thực quản. [33]

Tập Thư giãn[sửa]

  1. Tránh tác nhân gây căng thẳng. Căng thẳng có thể làm tăng trào ngược axit vì căng thẳng khiến bạn ăn nhiều hơn, uống rượu, hút thuốc, hoặc ngủ ít hơn. Khi bạn căng thẳng,thực phẩm sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và thực phẩm khó thải ra ngoài. Vì vậy, học cách tránh môi trường căng thẳng và kiểm soát các tình huống căng thẳng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.[2] Cách đơn giản để giảm căng thẳng là: [34]
    • Hít thở chậm, sâu trong môi trường yên tĩnh
    • Tập trung vào kết quả tích cực
    • Sắp xếp lại việc làm cần ưu tiên và loại bỏ các công việc không cần thiết
    • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Các thiết bị này có thể gây căng mắt và đau đầu.
    • Tìm kiếm sự hài hước. Nghiên cứu cho thấy hài hước là cách hiệu quả để đối phó với căng thẳng cấp tính.
    • Nghe nhạc thư giãn
  2. Tập thiền. Có thể thiền bằng dành ra 5 phút để thư giãn và ngừng nghĩ về những bộn bề cuộc sống bên ngoài. [34] Có thể ban đầu bạn sẽ thấy hơi khó nhưng đây là một cách đơn giản, tuyệt vời để giúp giảm căng thẳng. Để thiền, hãy làm theo các bước sau:[2]
    • Tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái, ví dụ như một địa điểm kín đáo tại văn phòng, công viên hay ngay cả ở nhà.
    • Ngồi ở tư thế thoải mái, cột sống thẳng, bắt chéo chân nếu có thể, hoặc ngồi trên ghế, sàn nhà hoặc bãi cỏ.
    • Tập trung vào một thứ gì đó. Chọn một từ có ý nghĩa hoặc cụm từ và lặp lại. Bạn thậm chí có thể tập trung sự chú ý vào một bông hoa hoặc tay nắm cửa hoặc đơn giản là nhắm mắt lại.
    • Trong khi ngồi thoải mái và thư giãn, đừng để suy nghĩ trong đầu khiến bạn phân tâm. Thay vào đó, hãy cố gắng giữ cho đầu óc tập trung vào các từ hoặc đối tượng nào đó trong vòng 5-10 phút hoặc cho đến khi bạn cảm thấy bình tĩnh và thanh thản.
  3. Tập thử Thái Cực Quyền. Nếu không thể ngồi yên hơn 5 phút, hãy cân nhắc việc tập Thái Cực Quyền. Thái Cực Quyền gồm động tác chậm có chủ đích, thiền và hít thở sâu.[35]
    • Tập Thái Cực Quyền đều đặn để thành thạo, 15-20 phút tại nhà hai lần mỗi ngày.[35]
    • Trước khi bắt đầu bài tập về Thái Cực Quyền, bạn nên đến bác sỹ kiểm tra và trao đổi về nhu cầu sức khỏe với người hướng dẫn tập Thái Cực Quyền. Hãy trao đổi về bệnh mà bạn đang mắc phải (nếu có) ngoài bệnh trào ngược axit để người hướng dẫn tạo chương trình tập luyện cho riêng bạn.

Tìm kiếm Trợ giúp Y tế Chuyên nghiệp[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Chữa trị tại nhà có thể hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng nếu các triệu chứng lại trở lại, bạn nên đến gặp bác sĩ. Trào ngược axit hoặc ợ nóng có thể đi kèm cảm giác nóng rát ở ngực, hay có vị như chất lỏng chua cuống họng và thường xảy ra sau khi ăn, bị căng thẳng, sau khi tập thể dục hoặc nằm xuống. Đôi khi trào ngược axit có thể dẫn đến trào ngược dạ dày (GERD) với các triệu chứng khác như thở khò khè, ho, khó nuốt và đau ngực, đặc biệt là khi nghỉ ngơi. Nếu thường xuyên gặp các triệu chứng trên, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra xem có bị trào ngược dạ dày hay không.
  2. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc điều trị trào ngược axit. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc theo toa giúp điều trị các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng của trào ngược axit.[2] Nếu được cho dùng thuốc kê đơn, bạn phải cho bác sĩ biết về các loại thuốc, thảo dược và thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng (nếu có) để tránh tác dụng phụ. Các loại thuốc có thể hiệu quả là: [1]
    • Thuốc kháng axit dùng để điều trị chứng ợ nóng mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc này là sự kết hợp của magiê, canxi và nhôm với chất độn, chẳng hạn hydroxit hoặc ion bicacbonat. Thuốc kháng axit có thể giúp giảm tức thời chứng ợ nóng kéo dài đến 1 tiếng. Tác dụng phụ của thuốc kháng axit là tiêu chảy hoặc táo bón.
    • Thuốc kháng thụ thể H2 giúp giảm histamine 2, một loại hóa chất trôi nổi trong dạ dày để ra hiệu cho dạ dày tạo ra axit. Thuốc này tuy không làm giảm chứng ợ nóng nhanh chóng như thuốc kháng axit nhưng có thể có ích cho người có triệu chứng trào ngược dạ dày mức độ nặng.
    • Thuốc ức chế bơm Proton có hiệu quả hơn so với các thuốc kháng thụ thể H2 ở chỗ giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày mức độ trung bình đến nặng và ợ nóng, đồng thời chữa lành niêm mạc thực quản.
    • Bác sĩ có thể giúp xác định đúng thuốc và liều tối ưu cho tình trạng của bạn.
  3. Hãy hỏi bác sĩ về tác dụng phụ của thuốc khác. Một số loại thuốc chữa bệnh bạn dùng có thể khiến tình trạng trào ngược axit trở nên tệ hơn, có thể là do tác dụng phụ hoặc gây không dung nạp. Vì vậy, bạn hỏi bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể làm các triệu chứng tệ hơn. Một số loại thuốc khác thường gây trào ngược axit là:[2]
    • Thuốc chống viêm như aspirin và Aleve, chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng.
    • Thuốc chặn kênh canxi dùng điều trị huyết áp cao hoặc đau thắt ngực
    • Thuốc kháng choline dùng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, dị ứng hoặc cườm nước
    • Chất chủ vận Beta dùng điều trị bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn
    • Thuốc Bisphosphonates dùng cho người bị bệnh loãng xương.
    • Một số thuốc an thần, thuốc kháng sinh, thực phẩm bổ sung kali hoặc sắt.
  4. Cân nhắc việc phẫu thuật. Phẫu thuật có thể là lựa chọn phù hợp nếu thuốc và việc điều chỉnh lối sống không giúp giảm triệu chứng trào ngược axit và gây trở ngại cho hoạt động hàng ngày hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho thực quản. Bác sĩ có thể khuyên bạn tiếp nhận phép phẫu thuật Fundoplication, phương pháp điều trị phẫu thuật ít xâm lấn bao gồm việc quấn phần trên của dạ dày xung quanh cơ vòng thực quản dưới (LES) để tăng cường và giúp cơ vòng thực quản dưới khỏe mạnh hơn. Phẫu thuật này an toàn và hiệu quả cho người bệnh ở mọi lứa tuổi,người có triệu chứng trào ngược dạ dày mức độ vừa phải đến nặng và không muốn phụ thuộc lâu dài vào thuốc.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Thừa cân làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày và khiến bạn thường xuyên bị ợ nóng. Nguyên nhân là do trọng lượng thừa gây áp lực lên cơ vòng thực quản dưới khiến vùng cơ này bị lỏng và suy yếu theo thời gian.

Cảnh báo[sửa]

  • Căng thẳng quá mức kéo dài làm tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề sức khỏe, bao gồm viêm loét dạ dày, trào ngược axit và các triệu chứng axit dạ dày khác. Hãy tìm cách để giảm thiểu và kiểm soát căng thẳng để giữ cho dạ dày khỏe mạnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/expert-answers/heartburn-gerd/faq-20057894
  2. 2,00 2,01 2,02 2,03 2,04 2,05 2,06 2,07 2,08 2,09 2,10 2,11 2,12 2,13 Bella, M., (2012), The Complete Idiot's Guide to the Acid Reflux Diet, ISBN: 9781101559581
  3. 3,0 3,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophagitis/basics/symptoms/con-20034313
  4. 4,0 4,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/gastritis
  5. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastroparesis/basics/definition/con-20023971
  6. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gastroparesis/basics/symptoms/con-20023971
  7. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn-gerd/in-depth/heartburn-gerd/ART-20046483?p=1
  8. http://healthysleep.med.harvard.edu/healthy/getting/overcoming/tips
  9. 9,0 9,1 9,2 http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4460
  10. http://www.health.harvard.edu/blog/why-eating-slowly-may-help-you-feel-full-faster-20101019605
  11. http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/digestive-diseases/smoking/Pages/facts.aspx#gerd
  12. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/alkaline-water/faq-20058029
  13. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/dehydration
  14. 14,0 14,1 14,2 http://www.mckinley.illinois.edu/handouts/gerd_diet.html
  15. http://www.health.harvard.edu/healthbeat/eating-to-boost-energy
  16. http://www.cdc.gov/healthyweight/healthy_eating/portion_size.html
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/foods-that-fight-inflammation
  18. https://www.prebiotin.com/probiotics-and-stomach-acid/
  19. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/lactobacillus-acidophilus
  20. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2327378
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2714564/
  22. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2880354/
  23. 23,0 23,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/german-chamomile
  24. https://nccih.nih.gov/health/chamomile/ataglance.htm
  25. 25,0 25,1 25,2 25,3 25,4 http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/slippery-elm
  26. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21218090
  27. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/961.html
  28. 28,0 28,1 28,2 28,3 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682001.html
  29. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16246942
  30. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/11768700
  31. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9144299
  32. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/peppermint
  33. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10383511
  34. 34,0 34,1 http://umm.edu/health/medical/reports/articles/stress
  35. 35,0 35,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/treatment/tai-chi

Liên kết đến đây