Tránh kích ứng vết loét dạ dày

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Loét dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày hay phần đầu ruột non bắt đầu xói mòn. Triệu chứng bao gồm cảm giác cồn cào hoặc đau rát ở bụng, giữa xương ức và rốn, ợ hơi, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, sụt cân và cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt.[1] Nếu đã chẩn đoán bạn bị loét dạ dày, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng axit, thuốc chặn axit hay kháng sinh để giảm đau và chữa lành vết loét. Bên cạnh việc tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ, bạn có thể thực hiện nhiều cách để tránh kích ứng vết loét và ngăn bệnh tái phát.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Uống đúng thuốc[sửa]

  1. Uống tất cả các thuốc được kê đơn. Nếu bạn được bác sĩ xác định bị loét dạ dày do khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), thuốc kháng sinh có thể được kê đơn để tiêu diệt vi khuẩn. H. pylori là vi khuẩn làm suy yếu lớp bảo vệ của dạ dày, gây tổn thương cho các lớp dạ dày nhạy cảm bên dưới. Nếu bị nhiễm khuẩn H. pylori, có thể bạn sẽ được kê đơn "Triple Therapy - 3 loại thuốc". Đơn thuốc này bao gồm việc uống 3 loại thuốc trong một khoảng thời gian nhất định.
    • Bạn sẽ cần uống hai loại kháng sinh và một loại thuốc ức chế bơm proton. Thuốc ức chế sẽ hoạt động để giúp giảm tiết axit.[2]
  2. Tránh dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Một số thuốc NSAID có thể khiến vết loét thêm trầm trọng và gây đau, kích ứng. Các thuốc phổ biến như Aspirin và Ibuprofen có thể khiến dạ dày nhạy cảm hơn với axit và pepsin. Các thuốc này thường có trong thuốc không kê đơn dùng điều trị đau đầu hoặc đau cơ. Luôn nhớ phải đọc kỹ thành phần của thuốc và trao đổi với bác sĩ xem có thể uống thuốc NSAID không.[1]
  3. Cẩn trọng với thuốc kháng axit. Nhiều thuốc kháng axit bán ở dạng thuốc không kê đơn có thể giúp giảm kích ứng và đau do ợ nóng, khó tiêu. Mặc dù giúp giảm khó chịu nhưng thuốc không giúp điều trị hay chữa khỏi vết loét. Nếu muốn dùng thuốc kháng axit, bạn nên trao đổi với bác sĩ vì thuốc có thể cản trở quá trình hấp thụ và làm giảm hiệu quả của thuốc kê đơn.
    • Nói chung, bác sĩ thường khuyến nghị uống thuốc kháng axit ít nhất một tiếng trước hoặc hai tiếng sau khi uống thuốc kê đơn.
    • Một số thuốc kháng axit dễ tìm mua gồm có magie hydroxit, nhôm hydroxit, canxi cacbonat và natri bicacbonat. [2]

Ăn uống lành mạnh[sửa]

  1. Tránh thực phẩm làm tăng sản sinh axit dạ dày. Thực phẩm gây kích ứng vết loét dạ dày sẽ khác nhau tùy mỗi người. Một số trường hợp có thể ăn bất cứ thứ gì mà không lo vết loét bị kích ứng, trong khi một số khác lại không như vậy. Do đó, bạn phải tìm cách nhận biết thực phẩm nào gây viêm loét trong trường hợp của mình và cắt giảm hoặc loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn. Ví dụ, nên bắt đầu xác định thực phẩm làm tăng sản sinh axit dạ dày.[3]
    • Bệnh nhân loét dạ dày nên tránh chế độ ăn nhiều thịt đỏ, đồ chiên hoặc nhiều dầu mỡ, thực phẩm tinh chế như bột mì và đường.
    • Cẩn trọng với chế phẩm từ sữa động vật nguyên béo hoặc nguyên kem.
    • Húng lủi, bạc hà và các món ăn có vị bạc hà có thể làm tăng sản sinh axit dạ dày.[4]
    • Chế độ ăn nhiều thực phẩm kể trên có thể dẫn đến kích ứng thêm vết loét và tăng sản sinh axit dạ dày.
  2. Tránh xa thực phẩm có thể kích ứng vết loét. Giống như những thực phẩm kích thích sản sinh axit dạ dày, một số thực phẩm khác có thể kích ứng vết loét một cách trực tiếp hơn. Trên thực tế, thực phẩm kích ứng vết loét ở mỗi người sẽ khác nhau nhưng người bị loét dạ dày thường được khuyên tránh xa một số thực phẩm nhất định. Đầu tiên là tránh ăn đồ cay. Dạ dày hoặc ruột sẽ bị xót nếu bạn bị loét dạ dày và ăn đồ cay.
    • Tiếp theo, chuyên gia khuyến nghị người bị loét dạ dày nên tránh ăn hoa quả họ Cam và thức ăn, nước uống có tính axit. Nước ép cam, nước cốt chanh có tính axit cao có thể kích ứng vết loét và gây đau.[4]
    • Ngoài ra, bạn nên tránh xa các món ăn từ cà chua, hành tây, tỏi và thức ăn nêm nếm nhiều.[3]
  3. Tăng cường bổ sung chất xơ. Chế độ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ, cùng với chế phẩm từ sữa ở mức điều độ, có thể giúp kiểm soát quá trình sản sinh axit dạ dày. Chế độ ăn cân bằng và tốt cho sức khỏe nên có nhiều loại rau củ nhiều chất xơ. Không bổ sung đủ thực phẩm giàu vitamin có thể khiến cơ thể khó chữa lành vết loét.[5]
    • Nguồn thực phẩm giàu chất xơ gồm có bánh mì, mì ống từ lúa mì nguyên hạt và gạo lứt.
    • Nên tiêu thụ thịt nạc và chế phẩm sữa ít béo ở mức vừa phải.[3]
    • Không có chế độ ăn khuyến nghị chung cho người bị loét dạ dày nên bạn cần xác định loại thực phẩm gây ra kích ứng và trao đổi thêm với bác sĩ. [1]
    • Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxi hóa (việt quất, anh đào, cà chua, bí đỏ và ớt chuông), flavonoid (táo, cần tây, mâm xôi, hành tây, tỏi và trà), vitamin nhóm B và canxi (hạnh nhân, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau bina, cải xoăn và rong biển) có thể giúp giảm triệu chứng loét dạ dày.[6]
    • Uống đủ 6-8 cốc nước mỗi ngày như một phần của chế độ ăn tốt cho sức khỏe.[2]
  4. Ăn uống điều độ. Người bị loét dạ dày không nên ăn bữa ăn tại những thời điểm khác nhau và với khẩu phần khác nhau. Ăn uống không điều độ có thể gây gián đoạn quá trình sản sinh axit dạ dày bình thường, gây kích ứng vết loét. Vì vậy, bạn nên ăn những bữa nhỏ, đều đặn để giúp duy trì nồng độ axit dạ dày. Dạ dày có thể xử lý những bữa ăn nhỏ, đều đặn tốt hơn so với những bữa lớn, không đều đặn.
    • Không nên ăn bất cứ thứ gì trong vòng hai tiếng trước khi đi ngủ.[3]

Nhận biết những thứ cần tránh[sửa]

  1. Giảm tiêu thụ đồ uống chứa cồn. Uống quá nhiều thức uống chứa cồn là yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày. [7] Nếu bạn đã được chẩn đoán bị loét dạ dày mà vẫn tiếp tục uống rượu bia, vết loét có thể bị kích ứng. Vì vậy, bạn cần tránh đồ uống chứa cồn, đặc biệt là rượu mạnh và đồ uống chứa lượng cồn cao.[8]
    • Đồ uống chứa cồn có thể dẫn đến viêm dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng thời gian cần thiết cho vết loét lành lại.[4]
  2. Cắt giảm caffeine. Giống như một số thực phẩm, caffeine có thể góp phần làm tăng tiết axit dạ dày, từ đó tăng nguy cơ kích ứng vết loét. Nhiều chất kích thích có chứa thành phần caffeine và nên tránh tiêu thụ nếu bạn bị loét dạ dày. Caffeine có trong nhiều loại thức uống như cà phê, trà, thức uống tăng năng lượng và soda. Đọc kỹ nhãn sản phẩm nếu không chắc chắn. [1]
    • Người ta cho rằng cà phê tách caffeine cũng có thể làm tăng sản sinh axit dạ dày. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh tiêu thụ cả cà phê tách caffeine.[4]
  3. Tránh nicotine. Bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc. Hóa chất trong khói thuốc lá có thể làm suy yếu niêm mạc dạ dày, kích ứng vết loét và thậm chí có thể gây thêm vết loét mới. Tương tự như các chất kích thích khác, nicotine có thể làm tăng sản sinh axit dạ dày, khiến vết loét bị kích ứng. Nicotine còn gây viêm, ảnh hưởng đến quá trình lành lại của vết loét.[4]
  4. Giảm căng thẳng. Mặc dù mối tương quan giữa tình trạng căng thẳng và loét dạ dày chưa được rõ ràng nhưng ở một số trường hợp, người bệnh nhận thấy căng thẳng về mặt tinh thần có thể làm tăng kích ứng vết loét. Thiết lập chương trình giúp giảm căng thẳng có thể mang đến nhiều lợi ích và giúp bạn tránh kích thích vết loét. Bạn nên thử tập các bài tập thư giãn điều độ như Yoga, thiền hoặc Thái Cực Quyền.
    • Một số nghiên cứu cho rằng đối với người bị loét dạ dày, tham gia chương trình giúp giảm căng thẳng theo nhóm/lớp có thể hiệu quả hơn so với việc tự thực hiện tại nhà.[2]

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bác sĩ ngay nếu đột nhiên bị đau bụng, đau dữ dội, nôn ra máu hoặc nôn ra thứ giống bột cà phê, hoặc có máu trong phân, phân có màu đen hoặc giống hắc ín.[2]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này