Giảm thiểu cơn đau bụng kinh nghiêm trọng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hơn 75% phụ nữ bị đau bụng khi hành kinh (còn gọi là đau bụng kinh), và ít nhất là 10% trong số họ bị đau bụng kinh nặng.[1] Đau bụng kinh nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống của nữ giới trong một vài ngày của mỗi chu kỳ. Nếu chu kỳ mỗi tháng của bạn kèm theo đau đớn, nhức nhối, và khó chịu, bạn có thể xoa dịu triệu chứng thông qua một vài biện pháp y tế hoặc thay đổi trong cuộc sống. Có thể đối với bạn, có kinh không phải là quá trình vui vẻ gì, nhưng ít ra, bạn có thể loại bỏ một vài triệu chứng tồi tệ nhất của nó.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm phương pháp điều trị y tế để giảm thiểu cơn đau trầm trọng[sửa]

  1. Xác định tình trạng đau bụng kinh mà bạn đang trải nghiệm. Có hai loại đau bụng kinh: đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát. Loại đầu tiên khá phổ biến và ít nghiêm trọng hơn loại thứ hai, mặc dù cả hai tình trạng đều gây nên sự đau đớn trầm trọng. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về loại thuốc giảm đau cho hai loại này, nhưng nếu bạn đang bị đau bụng kinh thứ phát, bạn sẽ phải cần đến phương pháp điều trị y tế và nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
    • Đau bụng kinh nguyên phát là tình trạng phổ biến và do nội tiết tố và các chất tương tự như nội tiết tố được phóng thích trong chu kỳ kinh nguyệt gây nên. Prostaglandin (một chất thuộc nhóm axit béo trong cơ thể) giúp làm bong niêm mạc tử cung, nhưng cơ thể cũng có thể sản sinh quá mức loại chất này. Trong trường hợp đó, prostaglandin sẽ hạn chế lượng máu lưu thông đến tử cung, gây đau bụng.[2] Bất kỳ một phụ nữ nào khi có kinh cũng có thể trải nghiệm triệu chứng đau bụng kinh nguyên phát, và nó thường bắt đầu một vài ngày trước khi có kinh và thuyên giảm khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc.[3]
    • Tuy nhiên, đau bụng kinh thứ phát là do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây nên, như lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu, bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục, gặp vấn đề với dụng cụ đặt trong tử cung (còn gọi là IUD), hoặc u xơ.[4] Đau bụng kinh thứ phát nghiêm trọng hơn, và thường ảnh hưởng đến phụ nữ đã có kinh trong nhiều năm. Tình trạng này cũng sẽ gây đau đớn ngay cả khi người đó không gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc trong khi hành kinh.[5]
    • Nếu cơn đau của bạn là do lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ, bạn cần phải phẫu thuật để chấm dứt nó.[6] Nếu đau bụng kinh là do viêm vùng chậu gây nên, bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh được kê toa.[7]
  2. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn đang trải qua triệu chứng đáng lo ngại. Nếu bạn gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau kèm theo đau đớn, bạn nên đi khám bệnh ngay lập tức. Chúng có thể là dấu hiệu của vấn đề trầm trọng hơn là cơn đau bụng kinh thông thường:[4]
    • Thay đổi trong dịch âm đạo
    • Sốt
    • Cơn đau bất ngờ hoặc đau nhói khi trễ kinh
    • Bạn đã đặt dụng cụ IUD được một vài tháng và vẫn bị đau
    • Bạn nghĩ rằng bạn đang mang thai
    • Cơn đau không chấm dứt khi kinh nguyệt kết thúc
    • Bạn nên trò chuyện với bác sĩ nếu tình trạng đau bụng kinh không thuyên giảm sau khi bạn đã thực hiện một vài thay đổi theo như đề nghị. Bác sĩ của bạn sẽ tiến hành siêu âm hoặc nội soi bụng để bảo đảm rằng bạn không có u nang, nhiễm trùng, hoặc gặp các bệnh lý mãn tính khác.[8]
  3. Yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc tránh thai. Các dạng thuốc tránh thai (miếng dán, vòng tránh thai, thuốc uống, thuốc tiêm) sẽ giảm thiểu triệu chứng.[6] Thuốc tránh thai liều thấp sẽ làm giảm sự sản sinh prostaglandin, từ đó, xoa dịu cơn đau. Thuốc tránh thai là một trong những phương pháp y tế phổ biến nhất và được khuyên dùng để làm giảm đau bụng kinh.[5]
    • Thuốc ngừa thai có chứa nội tiết tố sẽ gây tác dụng phụ, như huyết khối tĩnh mạch sâu, nổi mụn, đau tức ngực, và tăng huyết áp.[9] Tuy nhiên, ngày nay, các loại thuốc này an toàn hơn nhiều so với trong quá khứ, và rủi ro mà nó đem lại không đáng kể.[10] Bạn nên thảo luận về vấn đề này với bác sĩ.
    • Ngay cả khi bạn ngừng uống thuốc sau 6 – 12 tháng sử dụng, tác dụng giảm đau vẫn kéo dài. Nhiều phụ nữ cho rằng cơn đau của họ thuyên giảm thậm chí là sau khi họ ngưng uống thuốc tránh thai.[4]
    • Thiết bị đặt trong tử cung (IUDs) có chứa hormone, như Mirena, sẽ giúp điều trị cơn đau nặng.[5]
    • Một vài hình thức tránh thai cũng sẽ giảm thiểu tần suất có kinh của bạn, có nghĩa là một vài phụ nữ chỉ trải qua 4 chu kỳ kinh nguyệt thay vì 12 chu kỳ trong một năm, và nhiều người khác thậm chí sẽ không có kinh. Những hình thức này được gọi là thuốc tránh thai liên tục, và nhiều bác sĩ cho rằng chúng cũng an toàn như các biện pháp ngừa thai khác.[11] Giảm thiểu tần suất của chu kỳ kinh nguyệt sẽ làm giảm tình trạng đau bụng khi có kinh.
  4. Bạn nên nhờ bác sĩ kê toa thuốc giảm đau mạnh hơn cho bạn nếu các loại thuốc thông thường không đem lại kết quả. Mặc dù, bạn nên thử qua thuốc giảm đau không cần kê toa trước tiên, có khả năng chúng không hiệu quả đối với bạn. Bạn nên thảo luận về việc sử dụng thuốc giảm đau kê toa, như axit mefenamic, với bác sĩ.[6]

Sử dụng thuốc không cần kê toa để giảm thiểu cơn đau[sửa]

  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ xem liệu bạn có thể dùng thuốc NSAID (thuốc kháng viêm không chứa steroid) hay không. Thuốc Kháng viêm Không chứa Steroid (NSAID) thông thường rất hữu hiệu trong việc xoa dịu cơn đau bụng kinh. NSAID không chỉ là thuốc giảm đau, mà còn là thuốc kháng viêm, có nghĩa là chúng sẽ giúp kích thích lượng máu lưu thông đến tử cung, từ đó, giúp giảm đau. Chúng cũng có thể giảm thiểu lượng máu kinh.[6] Thuốc NSAID phổ biến bao gồm Iburprofen và Naproxen.
    • Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể sử dụng NSAID. Người chưa đủ 16 tuổi, hoặc mắc bệnh hen suyễn, gặp vấn đề về gan, thận, không nên dùng NSAID. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi uống bất kỳ một loại thuốc giảm đau nào.[7]
    • NSAID là loại thuốc hiệu quả nhất để điều trị đau bụng kinh, nhưng bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau thay thế khác nếu bạn không được phép uống NSAID.[7] Ví dụ, thuốc giảm đau như acetaminophen sẽ giúp ích được cho bạn.[6]
  2. Bạn nên sử dụng thuốc NSAID theo như chỉ định khi triệu chứng xuất hiện. Để thuốc NSAID đem lại hiệu quả, bạn không nên ngừng uống thuốc. Bạn nên bắt đầu dùng NSAID khi vừa mới phát hiện triệu chứng, và tiếp tục dùng thuốc theo như chỉ định trong 2 – 3 ngày hoặc cho đến khi chúng thuyên giảm. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ tuân theo hướng dẫn in trên bao bì.[12]
    • Cân nhắc viết nhật ký kinh nguyệt để biết rõ thời điểm triệu chứng xuất hiện mỗi tháng.
    • Bạn nên nhớ không được dùng quá nhiều NSAID. Tuân theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì và từ phía bác sĩ. NSAID có một vài tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng lâu dài, vì vậy, bạn không nên lạm dụng thuốc quá nhiều mỗi tháng.[13]
  3. Dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin để xoa dịu cơn đau. Mặc dù vitamin sẽ không làm giảm đau bụng kinh nếu bạn đang trải nghiệm cơn đau nặng, thực phẩm chức năng bổ sung Vitamin D sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đau bụng kinh ngay từ đầu.[1] Các loại thực phẩm bổ sung khác có thể giúp giảm đau bao gồm axit béo Omega-3, Magiê, Vitamin E, Vitamin B-1, và B-6.[14]
    • Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung vitamin để bảo đảm rằng bạn sẽ không trải nghiệm bất kỳ tác dụng phụ có hại nào. Luôn nhớ tuân theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì cẩn thận khi dùng thuốc không cần kê toa và thực phẩm chức năng.
  4. Trò chuyện với bác sĩ về việc sử dụng thuốc kê toa. Nếu cơn đau của bạn khá nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu về loại thuốc kê toa có thể giúp bạn quản lý cơn đau. Bác sĩ có thể đưa ra khá nhiều lựa chọn cho bạn:
    • Hydrocodone và acetaminophen (Vicodin, Lortab) là loại thuốc thường được dùng cho tình trạng đau đớn nghiêm trọng do đau bụng kinh gây nên.[12]
    • Axit tranexamic acid (Lysteda) sẽ giúp ích cho cơn đau bụng kinh do máu kinh ra nhiều. Bạn chỉ nên uống loại thuốc này khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt để giảm thiểu lượng máu kinh và cơn đau bụng.[15]

Sử dụng hoạt động thể chất để làm giảm cơn đau bụng kinh[sửa]

  1. Tập thể dục nhẹ khi bạn bị đau bụng kinh. Mặc dù, bạn không thực hiện bài tập vận động mạnh, liên tục khi bị đau bụng kinh nặng, tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp xoa dịu triệu chứng bằng cách kích thích tuần hoàn máu và giải phóng endorphin.
    • Bài tập thể dục hiệu quả khi đau bụng do có kinh là bài tập aerobic như đi bộ, đạp xe đạp, hoặc bơi lội.[16]
    • Tư thế yoga kéo căng cơ lưng, háng, ngực, và bụng cũng sẽ kích thích máu lưu thông đến tử cung và xoa dịu cơn đau.[17]
    • Bạn nên nhớ tập thể dục nhẹ nhàng, và mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.[18] Vận động quá sức hoặc lựa chọn trang phục bó sát cơ thể sẽ khiến triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
    • Một lợi ích khác của việc tập thể thao chính là giảm cân, và từ đó, giảm thiểu tần suất đau bụng kinh của bạn.[19]
  2. Đạt cực khoái. Mặc dù quan hệ tình dục khi gặp phải tình trạng đau bụng kinh nghe có vẻ khác thường, nó là biện pháp tuyệt vời để xoa dịu triệu chứng. Sự cực khoái giúp làm giảm cơn đau bụng bằng cách kích thích tuần hoàn màu, phóng thích endorphin, và loại bỏ cơn đau.[1] Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò như tác nhân gây xao nhãng khiến bạn ngừng suy nghĩ về cơn đau.
  3. Mát-xa bụng. Chà xát khu vực bị ảnh hưởng sẽ giúp kích thích máu lưu thông đến tử cung, giúp cải thiện cảm giác đau bụng kinh. Bạn có thể dùng đầu ngón tay mát-xa vùng bụng dưới nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.[4] Bạn cũng có thể mát-xa bụng lâu như bạn cần, và thường xuyên như bạn muốn, để làm giảm triệu chứng.
    • Châm cứu và bấm huyệt cũng đem lại hiệu quả tương tự như mát-xa. Một vài phụ nữ nhận thấy rằng chúng giúp xoa dịu cơn đau.[5] Châm cứu và bấm huyệt sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương để chữa lành chấn thương và làm giảm đau. Nếu bạn thực hiện theo biện pháp này, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước tiên và tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về nó: bạn chỉ nên đến gặp chuyên gia đã được cấp phép hành nghề, chứ không phải là người nghiệp dư.[20]
  4. Tắm nước nóng. Nhiệt sẽ giúp làm tăng lượng máu lưu thông, giảm thiểu cơn đau bụng kinh.[21] Bạn nên tắm nước nóng mỗi khi bạn cảm nhận sự xuất hiện của cơn đau nặng nề.
    • Nếu bạn không thể tắm nước nóng, áp một chai nước nóng hoặc túi chườm nóng trên bụng trong 20 phút mỗi lần cũng sẽ đem lại hiệu quả tương tự.
    • Bạn nên nhớ không được sử dụng nước quá nóng: bạn sẽ không muốn bị phỏng. Độ ấm vừa đủ cũng sẽ đem lại hiệu quả và an toàn toàn hơn là nhiệt độ nóng phỏng tay.
    • Nhiệt cũng hữu hiệu như thuốc giảm đau trong việc xoa dịu đau bụng kinh, và không có tác dụng phụ.[14]

Thay đổi chế độ ăn uống để giảm thiểu cơn đau bụng kinh[sửa]

  1. Tránh xa caffein, rượu bia, và thực phẩm quá mặn một vài ngày trước khi diễn ra chu kỳ kinh nguyệt. Bởi vì đau bụng kinh thường là do co thắt mạch máu, vì vậy, bạn không nên tiêu thụ bất kỳ một sản phẩm nào hạn chế sự lưu thông máu, như thuốc lợi tiểu hoặc thực phẩm chứa nhiều natri. Không dùng caffein, rượu bia, và thức ăn vặt trước khi có kinh sẽ giúp làm giảm cơn đau.[21] Bạn nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của bạn một vài ngày trước khi có kinh, và duy trì theo chế độ này trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
    • Bạn cũng nên tránh hút thuốc lá khi hành kinh nếu bạn không muốn trải nghiệm cơn đau bụng vì lý do tương tự: bạn không nên gây co thắt mạch máu nhiều hơn.[22]
  2. Uống nhiều nước. Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp mạch máu không bị co thắt. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn tham gia hoạt động thể chất nào đó giúp xoa dịu cơn đau, như tắm nước nóng hoặc tập thể thao.
  3. Uống trà hoa cúc. Trà hoa cúc sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm, và từ đó, giảm thiểu triệu chứng đau bụng kinh.[23] Trà hoa cúc cũng sẽ giúp thay thế ham muốn của bạn trong việc sử dụng thức uống có chứa caffein như cà phê và trà đen, và chúng là những thứ mà bạn nên tránh khi bị đau bụng kinh.
  4. Thường xuyên ăn nhẹ. Thay vì ăn no bụng ba bữa mỗi ngày, bạn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, nhẹ nhàng hơn.[4]
  5. Tiêu thụ thực phẩm giàu canxi. Thực phẩm giàu canxi cũng có thể giúp xoa dịu triệu chứng.[24] Thực phẩm chứa nhiều canxi, bao gồm rau lá xanh sẫm như cải xoăn hoặc rau bina, đậu phụ, hạt hạnh nhân, đậu nành, cá mòi, và thực phẩm chế biến từ sữa ít béo, đều là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh.[25]

Lời khuyên[sửa]

  • Cân nhắc kết hợp nhiều phương pháp trên với nhau để chiến đấu với cơn đau bụng kinh. Ví dụ, tập thể dục nhẹ và uống thuốc NSAID sẽ hiệu quả hơn là chỉ dùng một biện pháp duy nhất.
  • Bạn nên bảo đảm rằng cơn đau bụng kinh không can thiệp vào cuộc sống hằng ngày hoặc quá trình học tập của bạn. Những cô gái tuổi vị thành niên thường rất dễ bị đau bụng kinh, và nó chính là một trong các nguyên nhân chính khiến họ phải nghỉ học.[26] Và nhiều phụ nữ trưởng thành phải nghỉ làm vì tình trạng đau bụng kinh nghiêm trọng. Bạn nên trò chuyện với bác sĩ nếu triệu chứng mà bạn trải nghiệm đang gây gián đoạn cho hoạt động hằng ngày của bạn.
  • Bạn có thể viết nhật ký kinh nguyệt để theo dõi bất kỳ một triệu chứng hoặc cơn đau nào trong giai đoạn hành kinh cũng như thời lượng của nó. Phương pháp này sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước khi triệu chứng bắt đầu và tiến hành thực hiện điều chỉnh cần thiết, như giảm lượng caffein mà bạn tiêu thụ và bổ sung thêm canxi. Nhật ký kinh nguyệt sẽ cho phép bạn biết rõ nếu bạn đang trải qua bất kỳ một thay đổi khác thường hoặc bất ngờ nào trong chu kỳ của mình mà bạn cần phải thảo luận với bác sĩ. [10]

Cảnh báo[sửa]

  • Trò chuyện với bác sĩ trước khi uống bất kỳ một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng không cần kê toa nào để bảo đảm rằng chúng an toàn. Tìm hiểu kỹ về bất kỳ mọi tác dụng phụ của những loại chất thông thường mà bạn sử dụng. Bạn nên nhớ uống thuốc theo như chỉ định, và không nên vượt quá liều lượng cho phép.
  • Đi khám bệnh ngay lập tức nếu cơn đau kéo dài hơn chu kỳ kinh nguyệt của bạn, nếu bạn bị chảy máu bất thường, buồn nôn hoặc nôn mửa, hoặc có khả năng đang mang thai.[21]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.medicaldaily.com/menstrual-cramps-6-home-remedies-247558
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/causes/con-20025447
  3. http://www.mckinley.illinois.edu/handouts/menstrual_cramps.html
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003150.htm
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 http://www.acog.org/-/media/For-Patients/faq046.pdf?dmc=1&ts=20151026T1257463357
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 6,4 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/treatment/con-20025447
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.nhs.uk/Conditions/Periods-painful/Pages/Treatment.aspx
  8. http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/dysmenorrhea/treatment.html
  9. http://www.healthline.com/health/birth-control-effects-on-body
  10. 10,0 10,1 http://umm.edu/health/medical/reports/articles/menstrual-disorders
  11. http://bedsider.org/features/290-a-quick-guide-to-skipping-periods-with-birth-control
  12. 12,0 12,1 http://emedicine.medscape.com/article/253812-medication
  13. http://www.health.harvard.edu/pain/pain-relief-taking-nsaids-safely
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menstrual-cramps/basics/lifestyle-home-remedies/con-20025447
  15. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menorrhagia/basics/treatment/con-20021959
  16. http://www.webmd.com/women/features/exercise-eases-menstrual-cramps
  17. http://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/4-yoga-poses-to-beat-menstrual-pain-they-work/
  18. http://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/tried-and-tested-tips-to-reduce-pain-during-menstrual-periods/
  19. https://shcs.ucdavis.edu/topics/dysmenorrhea.html
  20. http://www.hopkinsmedicine.org/healthlibrary/conditions/complementary_and_alternative_medicine/acupuncture_85,P00171/
  21. 21,0 21,1 21,2 http://www.everydayhealth.com/womens-health/ideas-for-menstrual-cramp-relief.aspx
  22. http://www.webmd.com/women/menstrual-cramps?page=2
  23. https://umm.edu/health/medical/altmed/herb/german-chamomile
  24. http://brown.edu/Student_Services/Health_Services/Health_Education/womens_health/menstruation.php#4
  25. http://www.everydayhealth.com/heart-health/calcium-rich-foods-a-boost-for-your-bones-and-heart-4825.aspx
  26. http://www.nytimes.com/ref/health/healthguide/esn-menstrualcramps-ess.html