Vượt qua ngày đèn đỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Kinh nguyệt là một điều tự nhiên trong cuộc sống của phái nữ. Đôi khi điều này mang lại sự bực dọc và căng thẳng, cũng như đau đớn hoặc khó chịu. Tuy nhiên, bạn sẽ dễ dàng vượt qua nếu chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể chất lẫn tâm lý. Bằng cách chăm sóc cơ thể và kiểm soát triệu chứng, bạn có thể bắt đầu đối mặt với ngày "đèn đỏ" của mình.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho ngày đèn đỏ[sửa]

  1. Thay đổi quan niệm về kinh nguyệt. Nhiều phụ nữ sợ hãi khi đến ngày đèn đỏ và xem nó như là thứ mà họ phải chịu đựng. Trong thời gian này, nội tiết tố trong não thay đổi và có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, nhưng bạn có thể chủ động thay đổi cách suy nghĩ về kinh nguyệt.[1] Bạn có thể cảm thấy tự tin khi xem kinh nguyệt là biểu tượng của phái nữ và là một phần tự nhiên trong cuộc sống.
    • Lần kinh nguyệt đầu tiên thường được làm lễ kỷ niệm là ngưỡng cửa dành cho các cô bé khi bước sang giai đoạn trở thành phụ nữ.[2] Khi nhận ra rằng kinh nguyệt là điều được ăn mừng, bạn sẽ ngừng khiếp sợ khi đến ngày và có thể vượt qua khoảng thời gian đó.
  2. Theo dõi kinh nguyệt. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt không chỉ giúp bạn dự đoán khi nào sắp đến ngày đèn đỏ mà còn nắm bắt thời gian rụng trứng và có thể mang thai.[3] Ngày đèn đỏ đến bất ngờ có thể khiến bạn cảm thấy thiếu sự chuẩn bị và căng thẳng. Bạn có thể theo dõi ngày bắt đầu và kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt bằng lịch, nhật ký, hoặc ứng dụng trên thiết bị di động.
    • Có nhiều ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như Strawberry Pal hoặc Clue, giúp bạn theo dõi kinh nguyệt và nhắc nhở thời gian bắt đầu chu kỳ tiếp theo.
    • Ghi nhớ rằng trong năm đầu tiên, kinh nguyệt thường không diễn ra cố định thời gian và hay xuất hiện ngẫu nhiên. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn có thể mất một chu kỳ. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên, kinh nguyệt sẽ đều hơn và bạn sẽ dễ dàng theo dõi.
    • Mỗi người có chu kỳ kinh nguyệt khác nhau. Chúng có thể kéo dài từ 21 đến 35 ngày, và thời gian đèn đỏ có thể kéo dài từ hai đến bảy ngày. Chu kỳ có thể đều đặn và diễn ra cùng thời điểm mỗi tháng hoặc có thể bất thường.[4]
    • Việc theo dõi kinh nguyệt đóng vai trò rất quan trọng khi bạn có quan hệ tình dục. Điều này giúp bạn xác định khi nào rụng trứng để phòng tránh thai hoặc dự định mang thai.[3]
  3. Luôn mang theo đồ vệ sinh bên mình. Cất tampon, băng vệ sinh trong túi xách và xe. Bằng cách này, nếu ngày đèn đỏ đến và chưa chuẩn bị sẵn, bạn vẫn có thể dùng đồ dự phòng. Cách này đặc biệt quan trọng khi kinh nguyệt không đều và bạn không thể dự đoán chính xác khi nào bắt đầu chu kỳ tiếp theo.
    • Bạn nên chuẩn bị thêm nhiều sản phẩm vệ sinh để giúp người khác nếu cần.
  4. Ăn thực phẩm giàu chất sắt. Trong thời gian rụng trứng diễn ra từ 12 đến 16 ngày trước khi bắt đầu kinh nguyệt, cơ thể sẽ chuẩn bị thụ thai. Hai nội tiết tố khác nhau là progesterone và estrogen được tiết ra để báo hiệu cho cơ thể biết rằng phải chuẩn bị cho việc mang thai.[5] Quá trình trao đổi chất sẽ tăng lên trong thời gian này, vì thế bạn cần phải nạp nhiều năng lượng hơn bình thường. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt để bổ sung lượng sắt mà bạn sẽ mất đi ngay trước và trong thời gian đèn đỏ.[6]
    • Thịt đỏ, đậu, đậu lăng, trứng, và rau lá xanh là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào.
    • Bạn nên tiếp tục ăn thực phẩm giàu chất sắt trong thời gian có kinh nguyệt. Điều này giúp làm dịu một số triệu chứng trong thời gian này, chẳng hạn như mệt mỏi và đau bụng kinh.[7]
    • Vitamin C có thể cải thiện chức năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Bạn nên ăn thực phẩm giàu Vitamin C, chẳng hạn như cam, ớt, và cải xoăn.

Giảm thiểu cơn đau và khó chịu[sửa]

  1. Uống đủ nước. Nhiều phụ nữ cảm thấy đầy hơi và khó chịu trong khi có kinh nguyệt. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống nhiều nước. Cố gắng hạn chế sử dụng cà-phê-in, rượu bia, và thức uống có đường.[8] Đặc biệt uống nhiều nước để giảm tình trạng đầy hơi.
  2. Uống thuốc giảm đau. Nhiều phụ nữ trải qua các cơn đau với nhiều mức độ khác nhau trong ngày đèn đỏ. Thường thì cơn đau có liên quan đến tình trạng đau bụng kinh vì thành tử cung co thắt. Bạn có thể mua các loại thuốc như ibuprofen, acetaminophen, và aspirin để kiểm soát cơn đau. Những thuốc này có bán tại hiệu thuốc, và bạn nên tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất về liều dùng.[9]
    • Đi khám nếu thuốc giảm đau không có tác dụng và bạn tiếp tục bị đau dữ dội trong các cơn co thắt.
  3. Sử dụng nhiệt để làm dịu cơn đau bụng kinh. Sức nóng giúp thư giãn cơ bụng khi bạn đau bụng kinh. Bạn có thể đặt túi chườm nhiệt hay chai nước nóng lên vị trí đau, hoặc tắm nước nóng.
    • Mát-xa bụng dưới theo chuyển động tròn nhẹ nhàng cũng giúp làm giảm cơn đau.[10]
  4. Điều chỉnh chế độ ăn uống. Trong thời gian có kinh nguyệt, bạn có thể nhận thấy mình thèm ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thật không may là thức ăn nhiều muối, đường và chế biến sẵn có thể làm cho cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn. Thực phẩm mà bạn ăn nên đầy đủ dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cả ngày. Bạn có thể thèm ăn loại thức ăn vặt nào đó, chẳng hạn như sô-cô-la hoặc kem, và bạn có thể ăn một ít miễn là vừa phải.[11]
    • Thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như chuối và rau lá xanh, có thể làm giảm tình trạng đầy hơi tự nhiên.
    • Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như đậu, quả hạch, và sản phẩm từ sữa.
  5. Kiểm soát cơn buồn nôn. Nhiều phụ nữ cảm thấy buồn nôn trong ngày đèn đỏ, và điều này gây cảm giác rất khó chịu. Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố có thể ảnh hưởng tiêu hóa, hoặc bạn có thể cảm thấy buồn nôn do bị đau bụng kinh hoặc đau đầu.[12] Có thể ăn không ngon miệng, nhưng bạn vẫn nên cố gắng ăn thực phẩm nhạt chẳng hạn như cơm trắng, táo, và bánh mì nướng để làm dịu dạ dày. Gừng trong trà, trong chất bổ sung, hoặc gừng tươi là thành phần tự nhiên giúp giảm buồn nôn.
    • Khắc phục cơn buồn nôn bằng thuốc không kê toa, đặc biệt là thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID), chẳng hạn như naproxen hoặc ibuprofen. Những loại thuốc này có thể kiểm soát buồn nôn do kinh nguyệt bằng cách ngăn chặn sản sinh nội tiết tố prostaglandins có thể là nguyên nhân gây buồn nôn.[13]
  6. Tham gia hoạt động thể chất. Tập luyện là cách hiệu quả trong việc giảm đau tự nhiên. Khi vận động, cơ thể sản sinh endorphin nâng cao tâm trạng, giúp giảm đau và xua tan cảm giác khó chịu do kinh nguyệt.[14] Bạn có thể tập luyện cường độ nhẹ hơn so với thường ngày nếu bị đau.
    • Tập luyện nhẹ nhàng làm nóng người, chẳng hạn như yoga, cũng có thể giảm thiểu tình trạng đầy hơi.[15]
    • Tạm ngưng hoạt động thể chất nếu bạn cảm thấy chưa phù hợp. Tuy rằng việc luyện tập có thể giúp kiểm soát triệu chứng, nhưng bạn không cần ép buộc mình phải tập thể dục.
  7. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Mặc dù cảm giác đau và khó chịu là điều bình thường trong thời gian có kinh nguyệt, bạn vẫn cần phải đi khám nếu triệu chứng càng ngày nặng hơn. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ tổng quát hoặc bác sĩ phụ khoa về những vấn đề này, và họ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau, khuyến nghị thay đổi lối sống, hoặc đề nghị dùng thuốc tránh thai.[16]
    • Bạn nên đi khám nếu bị ra máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng kinh dữ dội hoặc nếu thời gian đèn đỏ kéo dài hơn 10 ngày.[16]

Chăm sóc bản thân[sửa]

  1. Nghỉ ngơi thật nhiều. Trong ngày đèn đỏ, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Đau đớn và khó chịu do đau bụng kinh và đầy bụng có thể gây khó ngủ, trong khi sự mệt mỏi làm giảm khả năng chịu đựng cơn đau.[17] Cố gắng ngủ ít nhất tám tiếng mỗi đêm và ngủ trưa nếu cần.
    • Tập luyện nhẹ nhàng, chẳng hạn như thiền, yoga, và kéo dãn có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
    • Nhiệt độ cơ thể thường tăng lên trong thời gian đèn đỏ khiến bạn cảm thấy nóng hơn. Cảm giác này gây khó ngủ, vì thế nên duy trì nhiệt độ phòng từ 15,5 đến 19 độ C.[18]
  2. Mặc quần áo thoải mái. Hầu hết phụ nữ không thích mặc quần áo chật bó sát hoặc gây cảm giác không thoải mái khi đang có kinh nguyệt. Bạn nên mặc trang phục thoải mái nhất nếu có thể. Phụ nữ bị đầy bụng thích mặc áo rộng hoặc quần lưng thun.
  3. Mặc quần lót phù hợp. Trong thời gian đèn đỏ, bạn nên mặc loại quần lót không ngại dính bẩn. Ngay cả khi bạn dùng sản phẩm vệ sinh đúng cách, quần lót vẫn có thể bị dính bẩn. Một số phụ nữ thích chuẩn bị loại quần dành riêng cho ngày đèn đỏ. Bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi mặc loại quần lót thông thường thay vì quần lọt khe trong khi có kinh nguyệt, đặc biệt nếu bạn đang dùng băng vệ sinh.
    • Mặc quần vải bông khi đang có kinh nguyệt. Loại quần này không những thoải mái mà còn giảm nguy cơ viêm nhiễm nấm.[19]
    • Vết bẩn sẽ khó phát hiện khi dính trên quần màu tối.
    • Quần lót nếu làm từ chất liệu bông giúp làm thông thoáng vùng kín và dịu nhẹ cho da.[20]
  4. Tìm biện pháp thư giãn. Thời gian đèn đỏ có thể làm tăng áp lực và bất tiện. Bạn nên thư giãn sau một ngày và tìm nơi yên tĩnh chỉ để suy nghĩ và cảm nhận. Tìm biện pháp thư giãn và đưa tâm trí thoát khỏi cơn đau hoặc khó chịu mà bạn đang trải qua.
    • Làm những việc khiến bạn vui vẻ. Ví dụ như nghe bài nhạc và ca sĩ yêu thích hoặc nhảy múa trong phòng.
    • Tìm hoạt động có tác dụng thư giãn hoặc xoa dịu, chẳng hạn như thiền, viết nhật ký, hội họa, nghe nhạc nhẹ, hoặc xem tivi.
    • Liệu pháp hương thơm cũng giúp bạn thư giãn. Thử dùng tinh dầu ngải đắng, oải hương, hoặc tinh chất hoa hồng.
  5. Dự kiến thay đổi cảm xúc trong thời gian đèn đỏ. Sự thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cảm xúc trong ngày có kinh nguyệt. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy buồn bã, lo âu, hoặc cáu gắt về những điều mà bình thường không gây tác động đến bạn. Lưu ý rằng nếu đang lo lắng về điều gì đó, cảm xúc của bạn có thể liên quan đến nội tiết tố, không phải cảm xúc thật sự. Trong thời gian này bạn không nên đưa ra quyết định quan trọng, hoặc cố gắng tránh xung đột.
    • Bạn có thể ghi lại cảm xúc của mình mỗi ngày trong thời gian đèn đỏ để xem liệu bản thân có cảm thấy buồn bã hoặc lo âu hơn trong thời gian này không.
    • Nếu tâm trạng thật sự thất thường hoặc có ý nghĩ tự làm hại bản thân, bạn nên đến bác sĩ ngay lập tức.[21] Bạn có thể đang gặp tình trạng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có thể tác động đáng kể đến cảm xúc của bạn.
  6. Thay sản phẩm vệ sinh khi cần. Bạn nên thay băng vệ sinh từ ba đến sáu tiếng một lần và tampon từ bốn đến sáu tiếng một lần. Không để tampon trong cơ thể quá tám tiếng; điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng nhiễm độc cấp tính (TSS). Bạn có thể dùng cốc kinh nguyệt liên tục hơn mười hai tiếng, và đây là biện pháp thân thiện với môi trường nhất. Thay sản phẩm vệ sinh cũng giúp bạn cảm thấy sảng khoái và tự tin rằng máu sẽ không chảy ra ngoài.
    • Bạn cần thay sản phẩm vệ sinh thường xuyên hơn nếu ra máu nhiều hoặc trong những ngày đầu tiên của kinh nguyệt.
    • TSS là tình trạng nhiễm khuẩn nặng và đe dọa đến tính mạng. Nếu bắt đầu thấy phát ban giống cháy nắng, đặc biệt ở lòng bàn tay và chân, sốt cao, giảm huyết áp, hoặc bắt đầu nôn mửa, bạn nên đi khám.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu không may để máu dính vào quần lót, bạn nên ngâm trong nước lạnh. Nước nóng sẽ làm vết bẩn bám chặt hơn.
  • Trong giờ học, nếu cần thay băng, bạn có thể xin phép giáo viên để vào phòng vệ sinh. Và nếu không có, bạn có thể dùng giấy vệ sinh, hoặc nhét băng vào giày.
  • Nên dùng tampon hay băng vệ sinh? Tampon thường dùng khi chơi thể thao, nhưng chúng có thể gây nên TSS. Băng vệ sinh bảo vệ quần lót, nhưng chúng có thể gây rỉ và bạn không thể bơi lội khi dùng băng.
  • Nếu lo lắng về việc dính bẩn lên ga giường trong lúc ngủ, bạn có thể trải thêm lớp khăn màu tối. Và nếu ngủ lại nhà người khác, bạn nên mang theo chăn (không ngại dính bẩn) để lót phía dưới khi ngủ.
  • Ngoài ra, nếu việc mang băng vào phòng vệ sinh gây sự chú ý, bạn có thể giấu trong tay áo nếu có.
  • Nếu không có sẵn băng vệ sinh hay tampon, bạn có thể bọc ba lớp giấy vệ sinh xung quanh quần lót để làm băng vệ sinh hoặc nhờ y tá ở trường hay bạn nữ khác giúp đỡ.
  • Tìm loại băng hoặc tampon có khả năng thấm hút phù hợp với bạn. Mỗi người có nhu cầu khác nhau, và khi tìm được loại phù hợp, bạn có thể cảm thấy tự tin hơn và điều này giúp tránh tình trạng rò rỉ.
  • Nếu bạn và bạn bè đang nói chuyện về kinh nguyệt trước mặt bạn trai, bạn nên dùng mật mã giúp bạn mình hiểu được, chẳng hạn như cây bút đỏ. "Mình có cây bút đỏ."

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên mang tampon liên tục hơn 8 tiếng. Sau 8 tiếng, bạn đang có nguy cơ cao mắc hội chứng nhiễm độc cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Đọc kỹ thông tin ghi trên nhãn của bất kỳ loại thuốc nào đang sử dụng, ngay cả thuốc bán tại hiệu thuốc, đặc biệt nếu bạn bị dị ứng thuốc. Luôn tuân theo hướng dẫn liều lượng và không uống thuốc giảm đau khi bụng đói.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.medicaldaily.com/menstruation-and-female-brain-how-fluctuating-hormone-levels-impact-cognitive-341788
  2. http://www.womens-health.co.uk/a-girls-first-menstrual-period-menarche.html
  3. 3,0 3,1 https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/fertility-awareness
  4. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/menstrual-cycle/art-20047186
  5. http://greatist.com/live/hungry-during-period
  6. http://youngwomenshealth.org/2013/12/06/iron/
  7. http://www.nytimes.com/health/guides/symptoms/menstrual-periods-heavy-prolonged-or-irregular/lifestyle-changes.html
  8. http://www.nytimes.com/health/guides/symptoms/menstrual-periods-heavy-prolonged-or-irregular/lifestyle-changes.html
  9. http://www.nhs.uk/Conditions/Periods-painful/Pages/Introduction.aspx
  10. http://www.nhs.uk/Conditions/Periods-painful/Pages/Introduction.aspx
  11. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/menstrual-pain
  12. 12,0 12,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/toxic-shock-syndrome/basics/definition/con-20021326
  13. https://baby-pedia.com/nausea-during-periods/
  14. http://www.health.com/menstruation/5-things-to-know-about-exercising-during-your-period
  15. http://www.organicauthority.com/health/natural-menstrual-cramps-remedies-period.html
  16. 16,0 16,1 http://www.webmd.com/women/features/period-problems-what-they-mean-when-to-see-doctor#1
  17. https://sleep.org/articles/how-to-sleep-better-during-period/
  18. https://sleepfoundation.org/sleep-news/6-sleep-problems-occur-during-your-period-and-what-do-make-them-go-away
  19. http://www.webmd.com/women/guide/10-ways-to-prevent-yeast-infections
  20. http://www.huffingtonpost.com/2013/10/15/thong-health_n_4026307.html
  21. https://www.med.unc.edu/psych/wmd/mood-disorders/menstrually-related