Giữ thức ăn trong dạ dày khỏi trào lên khi bị ốm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn, trong đó có việc chữa bệnh bằng hóa trị hoặc chỉ đơn giản là bị cảm cúm. Nhiều người cảm thấy khó giữ được bất cứ thứ gì trong dạ dày khi họ nôn hoặc buồn nôn. Tuy nhiên có nhiều cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để giúp thức ăn hoặc đồ uống không bị trào lên khi cảm thấy đang ốm.

Các bước[sửa]

Áp dụng chế độ ăn đơn giản[sửa]

  1. Áp dụng thực đơn BRAT. Một số bác sĩ khuyên áp dụng chế độ ăn BRAT – các chữ cái đầu tiên của Bananas (chuối), Rice (cơm), Applesauce (sốt táo), và Toast (bánh mì nướng). Các thức ăn này có thể giúp bạn đỡ buồn nôn và nôn do ít chất xơ, dễ tiêu hóa và bù lại các chất dinh dưỡng đã mất.[1] Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAFP) hiện này không còn khuyến nghị áp dụng chế độ ăn BRAT cho trẻ em. Thay vào đó, họ khuyên nên cho trẻ ăn chế độ ăn bình thường, cân bằng chất dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi của trẻ trong vòng 24 giờ khi bắt đầu ốm.[2]
    • Một số thức ăn khác dễ tiêu hóa gồm:
    • Bánh quy: bánh quy mặn, bánh giòn mặn, bánh gạo hoặc các loại bánh quy làm từ “bột trắng” khác.
    • Khoai tây luộc
    • Mì sợi/mì ống: mì trứng, mì ống, mì ramen. Tránh bột mì nguyên hạt.
    • Gelatin: các nhãn hiệu như "Jello" thường được ưa chuộng, tuy nhiên hiệu nào cũng tốt, miễn là hợp khẩu vị của bạn.[3]
  2. Bổ sung dần các thức ăn phức tạp hơn. Khi đã giữ yên được các món ăn đơn giản như nước thịt trong, cơm, chuối, và bánh mì nướng, bạn có thể thêm vào các thức ăn phức tạp hơn khi đã đỡ. Điều này có thể giúp giảm thiểu cảm giác buồn nôn và nôn, đồng thời không làm căng tức dạ dày.[3]
    • Một số thức ăn phức tạp hơn mà bạn có thể dần dần thêm vào là ngũ cốc, hoa quả, rau nấu chín, gà, bơ đậu phộng và mì trắng không kèm nước sốt.[4]
  3. Tránh các thức ăn có thể làm xáo trộn dạ dày. Điều quan trọng trong giai đoạn này là phải ăn các thức ăn nhẹ cho dạ dày. Tránh các thức ăn như sữa hoặc các món nhiều gia vị để khỏi gây nôn thêm.[3]
    • Không ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, bao gồm các món chiên xào. Ví dụ, nếu bạn đang bị nôn, món bánh kẹp phô mai béo ngậy có thể tăng cảm giác buồn nôn và khiến bạn nôn nhiều hơn.[3]
    • Tránh xa các thức ăn nhiều gia vị như cà ri, ớt, cánh gà cay hoặc món thịt nướng ướp gia vị.[3]
    • Các sản phẩm từ sữa gồm sữa, sữa chua và phô mai có thể khiến bạn nôn hoặc buồn nôn nhiều hơn.[1]
    • Đồ ngọt như bánh quy và bánh ngọt có thể kích thích cơn buồn nôn hoặc nôn nặng thêm.[1]
    • Tránh các loại bánh mì, ngũ cốc và mì nguyên hạt cho đến khi hết buồn nôn.[4]
    • Quả hạch và các loại hạt cũng có thể kích thích dạ dày.[4]
  4. Uống nhiều chất lỏng trong. Giữ cho cơ thể đủ nước trong thời gian bị nôn hoặc ốm. Việc uống nhiều chất lỏng có thể giúp bạn duy trì nước cho cơ thể, đồng thời làm dịu dạ dày và giảm buồn nôn.[3]
    • Chất lỏng quan trọng hơn thức ăn đặc. Cơ thể bị mất nước rất lâu trước khi việc nhịn ăn gây ra vấn đề. Có nhiều loại thức ăn chứa nhiều chất lỏng như gelatin, chuối hoặc cơm.
    • Bạn có thể uống bất cứ thức uống nào trong suốt như đá viên, súp, nước gừng hoặc kem que đá.[5]
    • Nước, nước quả ép (không lẫn xác quả), nước thịt hầm, nước ngọt trong như nước gừng hoặc Sprite, trà và kem que đá có thể giúp bạn giữ nước cho cơ thể và chống nôn.[5]
    • Các loại nước uống thể thao hay nước điện giải có thể bù một số chất dinh dưỡng và giúp ổn định dạ dày. Tuy nhiên, bạn không nên dùng nguyên chất mà cần pha loãng với một nửa nước, hoặc uống một ngụm nước thể thao kèm một ngụm nước trắng. Các loại nước thể thao thường quá cô đặc, và bạn cần pha loãng để dạ dày được nhẹ hơn.[5]
  5. Pha trà gừng hoặc trà bạc hà cay. Một số bằng chứng khoa học cho thấy trà gừng và trà bạc hà cay có thể giúp cải thiện chứng buồn nôn và nôn.[6] Bạn hãy pha cho mình tách trà gừng hoặc bạc hà cay để giúp làm dịu và ổn định dạ dày, đồng thời cung cấp nước cho cơ thể.[7]
    • Bạn có thể pha trà bằng cách mua trà gừng hoặc bạc hà cay túi lọc hoặc dùng vài lá bạc hà hay vài lát gừng ngâm trong nước sôi.[7]
  6. Tránh xa các chất lỏng có thể gây buồn nôn hay nôn. Tránh uống bất cứ thứ gì gây khó chịu cho dạ dày. Các chất lỏng như rượu bia, cà phê hoặc sữa có thể khiến cơn buồn nôn trở nên tồi tệ hơn và gây nôn.[5]
    • Không cho thêm kem vào bất cứ thức uống nào.[5]

Ăn uống khi bị nôn[sửa]

  1. Chờ cho đến khi hết nôn mới ăn. Đây có vẻ là điều tất nhiên, nhưng không may là đôi khi người ta lại vội ăn trước khi dạ dày ổn định. Nếu đang bị nôn, bạn nên khoan ăn thức ăn đặc cho đến khi có thể ăn vào mà không bị nôn ra. Thay vào đó, bạn hãy uống các chất lỏng trong hoặc các nước điện giải để ngăn ngừa mất nước.[1]
    • Chỉ ăn thức ăn đặc sau khi hết nôn khoảng 6 tiếng.[3]
  2. Không ăn thức ăn mà khi nhìn thấy hoặc nghĩ đến bạn đã cảm thấy dạ dày đảo lộn. Đôi khi cơ thể chúng ta khôn ngoan hơn đầu óc. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi nghĩ đến thức ăn nào đó thì có lẽ thức ăn đó không giữ được trong dạ dày của bạn. Có một yếu tố tâm lý trong cách cơ thể xử lý cảm giác buồn nôn, và điều này rất khó vượt qua. Nếu cảm thấy dạ dày đảo lộn khi nghĩ đến việc ăn chuối nhưng một bát cơm nhỏ thì không sao, vậy thì bạn hãy ăn cơm.
  3. Ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Một số thức ăn, bao gồm sữa, có thể khiến bạn buồn nôn và nôn nhiều hơn. Các thức ăn dễ tiêu hóa có thể giúp bạn giữ ổn định và giảm buồn nôn.[1]
    • Nếu có thể, bạn hãy thử ăn thức ăn đặc theo chế độ ăn BRAT và các thức ăn đơn giản như khoai tây luộc và nước súp trong. Bạn có thể ăn thêm các thức ăn phức tạp hơn khi đã cảm thấy đỡ hơn.
  4. Ăn những bữa nhỏ và nhai kỹ. Ngoài việc áp dụng chế độ ăn đơn giản và dễ tiêu hóa, bạn cũng nên ăn những bữa nhỏ trong cả ngày, đồng thời đảm bảo nhai chậm và kỹ. Điều này có thể giúp giảm thiểu chứng buồn nôn và giúp thức ăn trong dạ dày khỏi trào lên.[4]
    • Bắt đầu với một lát bánh mì nướng hoặc quả chuối. Dần dần thêm vào những thức ăn đơn giản nếu ăn được. Nếu giữ được lát bánh mì trong dạ dày và vẫn còn đói, bạn hãy ăn thêm một quả chuối sau nửa giờ hoặc một giờ.
    • Việc nhai kỹ thức ăn sẽ giúp dạ dày đỡ phải làm việc nhiều để tiêu hóa thức ăn.
    • Bạn sẽ dễ dàng nhai kỹ hơn khi cắn từng miếng nhỏ. Như thế bạn sẽ biết mình có thể ăn được đến đâu dễ hơn là nhét thức ăn đầy dạ dày.
  5. Nhấp từng ngụm nước nhỏ. Cũng quan trọng như việc ăn từng miếng nhỏ, việc nhấp từng ngụm nước nhỏ cũng có ích. Điều này có thể giúp dạ dày không bị đầy gây buồn nôn nhiều hơn.[5]
    • Cách mỗi tiếng uống 120-240 ml nước và mỗi lần chỉ nhấp khoảng 30 – 60 ml. Như vậy bạn sẽ cung cấp đủ nước cho cơ thể mà vẫn không tăng rủi ro bị nôn thêm hoặc bị hạ natri, tức tình trạng quá ít sodium trong cơ thể.[8]
    • Nếu không muốn uống từng ngụm chất lỏng, bạn có thể thử mút những viên đá nhỏ cho đến khi bạn có thể nạp vào 30-60 ml chất lỏng mỗi lần một cách an toàn.[8]

Dùng các liệu pháp thay thế để giảm buồn nôn và nôn[sửa]

  1. Lưu ý về các loại thuốc có thể khiến dạ dày bị rối loạn. Một số thuốc như oxycodone có thể khiến dạ dày đảo lộn và gây buồn nôn. Nếu bạn uống loại thuốc nào đó và thấy nôn nao, bạn cần nói chuyện với bác sĩ về việc ngưng dùng thuốc cho đến khi cảm thấy khá hơn.[9]
    • Các thuốc giảm đau như codeine, hydrocodone, morphine, hoặc oxycodone có thể gây buồn nôn.[10]
    • Một số thuốc không kê toa như thực phẩm bổ sung sắt hoặc potassium, thậm chí cả aspirin cũng có thể gây buồn nôn.[10]
  2. Nghỉ ngơi đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, việc nghỉ ngơi cũng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn. Bạn nên nằm nghỉ bất cứ khi nào có thể để giữ thức ăn ở lại trong dạ dày, đặc biệt là sau khi ăn. [11]
    • Hoạt động quá nhiều cũng có thể khiến chứng buồn nôn và nôn thêm tồi tệ do dạ dày bị đảo lộn.[3]
  3. Thử uống thuốc chống say tàu xe và thuốc kháng histamine. Nếu không thể giữ cho thức ăn trong dạ dày khỏi trào lên do bị say xe, bạn có thể cân nhắc uống thuốc chống say tàu xe hoặc thuốc kháng histamine. Các thuốc này có thể giúp giảm buồn nôn và nôn, đồng thời cho phép bạn có thể ăn thứ gì đó.[11]
    • Bạn có thể thử các thuốc kháng histamine không kê toa như dimenhydrinate để giữ thức ăn trong dạ dày. Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hay hướng dẫn trên nhãn thuốc.[11]
    • Nếu chứng buồn nôn và nôn xảy ra nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê cho bạn toa thuốc scopolamine dưới dạng miếng dán.[11] Scopolamine chỉ dùng cho người lớn.[11]
    • Giảm buồn nôn bằng cách ấn huyệt. Liệu pháp này thực sự hữu hiệu và không đòi hỏi thuốc men hoặc chuyên gia tinh thông nào của y học phương Đông.
  4. Đến bác sĩ. Bạn cần đến bác sĩ nếu chứng buồn nôn, nôn hoặc không thể giữ thức ăn trong dạ dày kéo dài. Bác sĩ sẽ loại trừ khả năng có các căn bệnh nghiêm trọng hơn và đưa ra phác đồ điều trị để giúp bạn cải thiện các triệu chứng.
    • Nếu bị nôn quá 24 tiếng, bạn cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt.[11]
    • Nếu không thể giữ bất cứ loại chất lỏng nào trong dạ dày từ 12 tiếng trở lên, bạn cần tìm sự chăm sóc y tế.[11]
    • Nếu chất nôn có màu đen hoặc có máu, bạn hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức.[11]
    • Nếu bị nôn nghiêm trọng (quá ba lần một ngày), bạn hãy đến bác sĩ.[11]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]