Giao tiếp với người đang giận dữ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chúng ta đều từng gặp phải nhiều người có thái độ giận dữ trong cuộc sống. Họ là những người không có khả năng kiểm soát cảm xúc và phản ứng của mình. Không may mắn thay, họ thường trút giận lên người khác. Khi một người nào đó đang tức giận, sẽ khó để người đó kiểm soát cảm xúc của bản thân khi phải đối phó với tình huống nào đó. Đôi khi, sự giận dữ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Giao tiếp với họ có nghĩa là bạn phải duy trì sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Bạn cũng cần phải lắng nghe một cách hiệu quả và giúp người đó tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình.

Các bước[sửa]

Phản ứng trước Sự giận dữ của Người khác[sửa]

  1. Không nên hồi đáp bằng sự tức giận. Khi một người nào đó đang giận dữ, đặc biệt là tức giận với bạn, sẽ khá dễ dàng để bạn cũng cảm thấy bực tức. Nhưng khi bạn đang cố gắng giao tiếp với họ, cách tốt nhất là bạn nên loại bỏ sự bực tức của mình.
  2. Duy trì khoảng cách về mặt tình cảm. Không nên cá nhân hóa sự giận dữ của người đó. Thay vì vậy, bạn nên chuyển hướng cảm xúc của bản thân thành thái độ tò mò trước sự bực tức của người đó. Bạn có thể tự hỏi bản thân câu hỏi chẳng hạn như: “Người này đang rất tức giận. Mình không biết chuyện gì đã khiến người đó giận dữ như vậy”.[1]
  3. Nói chuyện một cách từ tốn và chậm rãi. Không nên lên giọng hoặc nói với giọng điệu truyền tải sự tức giận. Bạn có thể hít thở sâu nếu cần, và trò chuyện với giọng điệu từ tốn và với âm lượng bình thường.
  4. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể không có ý nghĩa đe dọa. Ngôn ngữ cơ thể cởi mở, nồng nhiệt có thể giúp bạn xoa dịu sự bực tức của người khác. Người đó sẽ nhận thấy rằng bạn không đang chống đối họ. Một vài ngôn ngữ cơ thể tích cực bao gồm:[2]
    • Duy trì sự giao tiếp bằng mắt.
    • Đứng hoặc ngồi với hai tay đặt hai bên người chứ không phải khoanh tay trước ngực.
    • Đứng chếch về một góc, thay vì đối mặt trực diện với người đó.
    • Nhẹ nhàng chạm vào vai người đó nếu họ cho phép. Bạn nên nhớ rằng chạm vào người khác không phải lúc nào cũng là hành động phù hợp. Nếu người đang giận dữ là vợ/chồng hoặc bạn thân của bạn, bạn có thể chạm vào họ. Nếu họ là khách hàng của bạn, bạn không nên thực hiện điều này.
  5. Không nên kích động sự giận dữ của người khác. Khi bạn biết rõ về tách nhân kích hoạt sự tức giận của người đó, bạn có thể sẽ thực hiện hành động kích thích sự bực tức của người đó một cách vô tình hoặc cố ý. Tuy nhiên, khi một ai đó đang tức giận, bạn nên tránh các hành động mà bạn biết rằng sẽ khiến họ giận dữ hơn hoặc cảm giác như thể họ không được tôn trọng.[3]

Đề xuất Kỹ thuật Đem lại Sự bình tĩnh[sửa]

  1. Đánh giá tình huống trước khi đưa ra lời đề nghị. Đưa ra lời đề xuất giúp người khác trở nên bình tĩnh hơn có thể sẽ không thích hợp đối với những người không cần bạn giúp đỡ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều này nếu người đó đang tìm kiếm sự trợ giúp để có thể bình tĩnh lại. Hành động này cũng sẽ giúp ích cho bạn khi cuộc trò chuyện trở nên không hiệu quả hoặc đang tăng cao và chắc chắn sẽ “bùng nổ”.
  2. Khuyên người đó hít thở sâu. Hít thở sâu có thể sẽ khá hữu hiệu trong việc điều chỉnh cảm xúc. Bạn có thể hướng dẫn người đó thực hiện theo phương pháp sau:
    • Hít vào trong 4 nhịp đếm, nín thở trong 4 nhịp tiếp theo và sau đó, thở ra trong 4 nhịp đếm.
    • Bạn nên chắc chắn rằng người đó hít thở tại vị trí cơ hoành chứ không phải là tại vùng ngực. Khi hít thở bằng cơ hoành, bụng của người đó sẽ phình to (họ có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận).
    • Thực hiện biện pháp này cho đến khi đối phương cảm thấy bình tĩnh hơn.
  3. Yêu cầu đối phương đếm đến 10. Bạn có thể nói với người đó rằng họ không cần thiết phải phản ứng ngay lập tức. Đếm số có thể giúp trì hoãn sự tức giận trong giây lát. Bạn nên khuyên người đó dành một chút thời gian để sắp xếp cảm xúc của mình bằng cách đếm đến 10.[4]
  4. Gây xao nhãng cho đối phương. Giúp người đó ngừng suy nghĩ về sự tức giận bằng cách gây xao nhãng cho họ. Bạn có thể kể chuyện cười hoặc cho họ xem video. Bạn có thể trấn an đối phương rằng bạn quan tâm đến sự bực tức của họ, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn giúp người đó chuyển hướng sự tập trung trong vòng một vài phút để giúp họ “hạ nhiệt”.[2]
  5. Khuyên người đó nên đi dạo. Tách người đó ra khỏi tình huống sẽ giúp họ bình tĩnh hơn.[5] Bạn có thể khuyên người đó đi dạo, ra khỏi nhà, hoặc nếu không, hãy khuyên họ cố gắng tách bản thân ra khỏi tình huống.

Lắng nghe Một cách Hiệu quả[sửa]

  1. Hãy để cho đối phương được nói. Điều quan trọng là bạn cần phải chắc chắn rằng người đó cảm thấy rằng bạn hoàn toàn nhìn nhận họ một cách nghiêm túc. Cho phép đối phương trình bày suy nghĩ và lắng nghe điều mà họ nói.
    • Không ngắt lời hoặc chỉnh sửa lời nói của người khác khi họ đang nói.
  2. Bày tỏ sự cảm thông. Bạn không cần thiết phải đồng ý với người đó, nhưng bạn có thể cho họ biết rằng bạn hiểu rõ lý do vì sao họ lại cảm thấy như vậy. Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Nếu tôi cảm thấy rằng người khác không đối xử công bằng với tôi, tôi cũng sẽ tức giận”.[6]
    • Bày tỏ sự đồng tình với người đang tức giận sẽ giúp bạn xoa dịu cảm xúc giận dữ của họ. Hành động này sẽ giúp người đó cảm thấy như là anh ta đã đúng theo cách nào đó.
  3. Không ngừng đặt ra câu hỏi. Sử dụng câu hỏi “mở” để thăm dò thêm nhiều thông tin. Câu hỏi mở sẽ yêu cầu đối phương phải đưa ra câu trả lời chi tiết hơn là chỉ thông qua câu nói có hoặc không đơn giản. Loại câu hỏi này sẽ khiến đối phương phải cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn. Sau đó, bạn có thể tìm hiểu gốc rễ của vấn đề.[7] Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Chuyện gì đã xảy ra trong cuộc họp sáng nay?”.
    • Sử dụng từ “chính xác” để thu thập nhiều thông tin hơn. Ví dụ, “Chính xác thì bạn có ý gì khi bạn nói rằng không ai muốn lắng nghe bạn?”
  4. Diễn giải lời nói của người đó để làm rõ điều họ nói. Cho đối phương thấy rằng bạn muốn hiểu rõ hơn về vấn đề mà họ đang nói. Diễn giải lời nói của họ để bạn có thể chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ nó.[6]
    • Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Để tôi nói xem có đúng không. Bạn tham dự một buổi họp và bị yêu cầu phải thuyết trình vào phút chót, và vì vậy, bạn cảm thấy căng thẳng. Sau đó, sếp của bạn không ngừng kiểm tra điện thoại trong suốt cuộc họp và khiến bạn cảm thấy như thể bạn không được chú ý. Tôi nói vậy có đúng không?”

Tìm kiếm Giải pháp[sửa]

  1. Tìm thời điểm phù hợp để giải quyết vấn đề. Trạng thái phòng thủ về mặt cảm xúc của một người nào đó sẽ giảm sút khi họ cảm thấy mệt mỏi hoặc đói bụng. Tìm kiếm thời điểm khi người đó đã được nghỉ ngơi hoàn toàn và có thể tiếp cận vấn đề mà không đắm chìm trong cảm xúc tiêu cực.[8]
  2. Xin lỗi nếu cần. Nếu bạn làm sai một điều gì đó hoặc nếu bạn vô tình gây tổn thương cho người khác, xin lỗi không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nó cho thấy rằng bạn quan tâm đến đối phương cho dù lời xin lỗi này có xuất phát từ đáy lòng hay không.
  3. Giúp người đó tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Cố gắng giải quyết vấn đề. Bạn có thể tham khảo xem người đó muốn nhận được giải pháp nào. Nếu bạn không thể đáp ứng sự hy vọng của người đó hoặc nếu người đó đang trở nên vô lý, bạn có thể tìm hiểu xem liệu bạn có thể thương lượng hay không.
  4. Sử dụng từ “Chúng ta”. Loại từ này sẽ cho thấy rằng bạn đang hợp tác với người đó để giải quyết vấn đề. Ví dụ, bạn có thể nói rằng “Tôi có thể giúp gì được cho bạn để chúng ta có thể giải quyết vấn đề?”[9]
  5. Theo sát vấn đề trước mắt. Nếu bạn đang cố gắng để đi đến sự thoả hiệp, bạn nên theo sát vấn đề đang xảy ra. Không nên nhắc đến sự tranh cãi hoặc vấn đề trong quá khứ. Không sử dụng niềm thù hận cũ để đạt được điều mà bạn mong muốn trong tình huống nào đó.[3]
  6. Chuẩn bị sẵn sàng trước việc không thể đưa ra một giải pháp nào. Có thể là bạn sẽ không thể nào đưa ra giải pháp cho đến khi người đó bình tĩnh lại. Điều này sẽ tốn một chút thời gian, và quá trình giải quyết vấn đề sẽ bị trì hoãn cho đến khi người đó có thể hồi đáp mà không trở nên quá tức giận.[9]

Đối phó với Một Đứa trẻ đang Tức giận[sửa]

  1. Dạy trẻ con tôn trọng lẫn nhau. Trẻ con cần phải được hướng dẫn trong việc đối phó với sự giận dữ của chúng. Không phải người nào cũng biết cách hướng dẫn con cái mình cách để đối phó với sự tức giận, vì vậy, nhiều đứa trẻ phải tự mình tìm cách đối phó với chúng. Hành động này có thể dẫn đến tình trạng kém kiểm soát cơn bốc đồng, đây là lịch sử của hành vi bạo lực, và đánh nhau với bạn bè trong trường học và với anh chị em ở nhà. Trẻ em học hỏi cách cư xử từ cha mẹ và từ những người trưởng thành khác mà chúng thường tiếp xúc. Để có thể dạy trẻ tôn trọng lẫn nhau, bạn cần phải cố gắng hết sức để giao tiếp một cách tôn trọng với con của bạn.
    • Hướng dẫn lũ trẻ nhà bạn đối xử với nhau bằng sự tử tế. Chúng không nên bày tỏ sự mỉa mai với nhau.
    • Không la mắng hoặc ra dấu hiệu nghiêm cấm bằng tay với chúng. Tránh khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, gọi chúng bằng những cái tên không hay, hoặc nghiêm cấm chúng ngay cả khi hành vi của chúng không phù hợp. Không nên khiến trẻ cảm thấy tội lỗi.
    • Nếu trẻ không giao tiếp một cách tôn trọng, bạn không nên buộc tội trẻ đã xử sự vô lễ với bạn. Hành động này sẽ gây tổn thương cho chúng. Nếu con của bạn còn khá nhỏ, chúng thậm chí sẽ không hề nhận ra rằng chúng đã xử sự với thái độ bất kính. Nếu con bạn ở độ tuổi vị thành niên, bạn có thể trình bày với chúng bằng thái độ quả quyết rằng giọng điệu của chúng có vẻ khá bực tức và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Nói cách khác, bạn chỉ cần tiến hành quan sát mà không tỏ vẻ khó chịu. Sử dụng giọng điệu không trách móc. Cho phép con của bạn có cơ hội để giải thích.
  2. Giữ bình tĩnh và thư giãn. Bạn nên chắc chắn rằng khuôn mặt của bạn hoàn toàn thư giãn. Sử dụng giọng điệu không có vẻ như là tức giận hoặc căng thẳng.
  3. Không nên tha thứ cho hành vi bạo lực. Bạn không nên cho phép con bạn thực hiện hành vi bạo lực chẳng hạn như ném hoặc đấm đồ đạc. Nếu hành động này chỉ mới xuất hiện lần đầu, bạn nên trò chuyện với con bạn để chúng biết rằng đấm đá là hành vi sai trái. Bạn có thể nói với trẻ rằng hành động này chỉ là một sai lầm nhất thời và bạn tha thứ cho chúng, nhưng chúng sẽ không còn đặc ân này nếu điều này tiếp tục xảy ra.
  4. Nhận thức quyền được tức giận của trẻ. Cũng tương tự như người lớn, trẻ con có quyền được cảm thấy giận dữ. Trẻ lớn tuổi hơn hoặc trẻ vị thành niên có thể sẽ hồi đáp khá tốt trước câu nói sau: “Mẹ/cha nhận thấy rằng trán con đang nhăn, miệng con đang mím lại, và tay khoanh trước ngực. Theo mẹ/cha thì con đang tức giận. Nhưng không sao cả, con được quyền cảm thấy giận dữ, và đôi khi, bất kỳ người nào cũng phải trải qua cảm giác này. Kèm theo sự giận dữ, có thể là con cũng đang có những cảm xúc khác, và điều này cũng không sao”.
    • Đối với trẻ nhỏ hơn, câu nói phản ánh trực tiếp, ngắn gọn sẽ giúp ích nhiều hơn cho bạn. Sự phản ánh có thể giúp con của bạn học cách nêu lên cảm xúc và cách để đối phó với chúng một cách phù hợp hơn. Bạn có thể nói rằng "Con đang tức giận vì con không được ăn bánh quy trước bữa tối". Đừng lo lắng nếu đây không phải là cảm xúc chính xác của con bạn – chúng sẽ điều chỉnh bạn. Điều quan trọng là khiến cho lũ trẻ tái tập trung vào cảm xúc của chúng.
    • Giúp trẻ xác định càng nhiều cảm xúc càng tốt, vì sự giận dữ thường xuất hiện kèm theo các cảm xúc cụ thể khác trước tình huống. Ví dụ, trẻ có thể đang tức giận bởi vì em của chúng bước vào phòng chúng mà không xin phép. Con của bạn cũng có thể cảm thấy như đang bị xâm phạm quyền riêng tư.
  5. Giúp trẻ bình tĩnh. Phương pháp đem lại hiệu quả cho người trưởng thành cũng sẽ có tác dụng tương tự đối với trẻ em. Nếu bạn nhận thức được rằng trẻ nhỏ hoặc trẻ vị thành niên đang “sôi sục” trong một khoảng thời gian, hãy ngồi cùng chúng. Cùng trẻ đếm to và hít thở sâu. Hít vào trong vòng 4 nhịp đếm, nín thở trong 4 nhịp và thở ra trong 4 nhịp đếm.
    • Sẵn sàng cho phép trẻ trút giận đôi chút và giúp trẻ bình tĩnh lại. Chúng sẽ cần đến kỹ năng này trong suốt cuộc sống. Ngoài ra, một vài đứa trẻ rất muốn bản thân có thể bình tĩnh lại.
  6. Sử dụng yếu tố gây xao nhãng. Đối với một vài trẻ em, bạn hoàn toàn có thể gây xao nhãng cho chúng đủ lâu để chúng có thể ngừng tập trung vào vấn đề mà chúng đang chú tâm. Biện pháp này khá dễ dàng đối với trẻ nhỏ. Gây xao nhãng là cách để giúp trẻ đối phó với cảm xúc và khiến chúng bình tĩnh lại.
    • Thay đổi phong cảnh và cho con của bạn cùng đi đến nhà xe để giúp bạn một công việc nhỏ nhặt nào đó. Một nhiệm vụ nhỏ có thể giúp trẻ ngừng tập trung vào điều khiến chúng tức giận. Và sau đó, bạn có thể bàn luận về vấn đề.
  7. Lắng nghe kỹ và cung cấp sự thừa nhận. Khi trẻ con bàn luận vấn đề của chúng và về điều khiến chúng tức giận, hãy lắng nghe một cách cẩn thận. Diễn giải và tóm tắt điều mà chúng nói. Hành động này sẽ cho trẻ biết rằng bạn đang theo dõi câu chuyện.
    • Đối với trẻ con, dạy cho trẻ biết sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi là điều rất quan trọng. Tức giận là điều hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta phải hướng dẫn cho trẻ cách để bộc lộ sự tức giận theo hướng đúng đắn. Điều này đặc biệt đúng đối với những đứa trẻ thường thể hiện sự bực tức của mình ra bên ngoài thông qua hành động đấm đá, hoặc đập phá đồ đạc.
    • Đặt ra câu hỏi. Con của bạn có thể vẫn cảm thấy giận dữ và trình bày câu chuyện của mình một cách lung tung. Bằng cách đưa ra câu hỏi, bạn cũng sẽ giúp chúng tổ chức suy nghĩ của mình.
    • Ví dụ, nếu một điều gì đó trong trường học khiến con bạn giận dữ, bạn có thể tóm tắt lại điều mà chúng nói: “Để mẹ/cha xem coi mẹ/cha nói có đúng không. Bạn Bình xô đẩy con trong giờ ăn trưa. Con báo với cô/thầy giáo, nhưng cô/thầy giáo chỉ đơn giản là bảo bạn ấy ngừng lại, và con cảm thấy rằng cô/thầy cần phải trừng phạt bạn ấy. Mẹ/cha nói có đúng không?”.
    • Ví dụ, nếu con của bạn có mâu thuẫn với bạn bè của mình, bạn nên nhìn nhận quyền được tức giận của trẻ. Chúng có thể đang cảm thấy bị tổn thương. Và sẽ cần một khoảng thời gian để xóa tan những cảm xúc này, tuy nhiên, bạn nên bảo với con của bạn rằng mọi cảm xúc mà chúng đang trải nghiệm dần dần sẽ qua đi.
  8. Động não về cách giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp chuyển hướng tập trung vào quá trình giải quyết vấn đề hơn là vào sự tức giận. Bạn nên khuyến khích trẻ nhỏ suy nghĩ về giải pháp mà cả đôi bên cùng có lợi, biện pháp này sẽ giúp bảo đảm việc hình thành sự hợp tác trong ngôi nhà của bạn.
    • Bạn cũng có thể cung cấp một vài lời đề nghị, nhưng tốt nhất là bạn nên để trẻ tự hình thành giải pháp. Con của bạn có thể sẽ cảm thấy được quyền kiểm soát nhiều hơn khi chúng được phép xác định cách thức giải quyết vấn đề. Chúng cũng sẽ có thể học cách tự giải quyết vấn đề của riêng chúng, và đây là kỹ năng mà chúng sẽ rất cần đến trong cuộc sống.
  9. Hãy kiên định và nhẫn nại. Bạn đang dạy cho con của bạn kỹ năng sống quan trọng, vì vậy, thực hiện theo từng bước và vào từng thời điểm phù hợp sẽ giúp chúng thấm nhuần bài học này.
  10. Giúp trẻ đối phó với tình huống khó khăn. Trong một vài trường hợp, trẻ con có thể cảm thấy giận dữ bởi vì chúng đã bị đối xử một cách sai trái. Cho dù đó có là bị bắt nạt hoặc là vì người khác đối xử không tốt với chùng, chúng có lý do rất chính đáng để tức giận.
    • Nếu đó là tình huống mà con bạn cần đến sự bảo vệ, chẳng hạn như bị bắt nạt, bạn có thể giải thích về cách đối phó với tình huống này một cách quyết đoán. Hãy đến gặp hiệu trưởng nhà trường để được giúp đỡ và báo cáo với giáo viên của trẻ. Tiếp tục tìm đến bộ máy điều hành cao hơn cho đến khi đạt được giải pháp tích cực.
    • Kiên nhẫn trong tình huống khó khăn sẽ giúp con của bạn nhận thức được bản chất của quá trình giải quyết vấn đề.

Đảm bảo cho Sự an toàn của Bạn[sửa]

  1. Giữ an toàn cho bản thân và cho con của bạn. Điều đầu tiên mà bạn cần biết khi phải thường xuyên hoặc trong hầu hết mọi thời điểm bạn đều ở cạnh người đang tức giận đó chính là đảm bảo cho sự an toàn về mặt thể chất của bản thân.[10] Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ và chúng bị hành hạ về mặt thể chất, cảm xúc, và tinh thần, hoặc chúng chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, bạn cần phải đảm bảo cho sự an toàn của chính bạn và của con cái bạn.
    • Có kế hoạch cụ thể để bạn biết cần phải làm gì khi sự an toàn của bạn đang bị đe dọa.
    • Nếu có thể, bạn nên tìm đến một nơi nào khác hoặc đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân.
    • Hình thành các từ ngữ ra hiệu (code word) với con của bạn để sử dụng khi bất kỳ người nào đang gặp nguy hiểm. Hướng dẫn chúng những điều cần làm trong trường hợp bạn sử dụng loại phương pháp ra hiệu này (ví dụ, trẻ phải rời khỏi nhà và chạy đến nhà bạn bè).
  2. Trình bày về tình hình của bạn cho người thân và bạn bè được biết. Nếu có thể, hãy trò chuyện với bạn bè, láng giềng hoặc người thân về kế hoạch an toàn của bạn. Cho họ biết về dấu hiệu trực quan mà bạn có thể sử dụng khi gặp nguy hiểm.[11]
  3. Biết rõ đường thoát thân của mình. Xác định lối thoát hiểm gần nhất. Nếu bạn không thể ra khỏi nhà, bạn nên tìm đến khu vực an toàn trong nhà, nơi không có vũ khí hoặc các dụng cụ khác mà người khác có thể sử dụng để gây tổn thương cho bạn.[11]
    • Luôn nhớ đỗ xe hướng mặt về phía đường đi và đổ đầy xăng.
  4. Luôn mang theo điện thoại bên mình. Giữ điện thoại bên mình và lưu những số điện thoại quan trọng.
  5. Gọi điện thoại cho cho công an. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm cách thoát khỏi tình huống nghiêm trọng, bạn có thể gọi đến số 113 của Lực lượng Cảnh sát Phản ứng Nhanh. Họ có thể giúp bạn lên kế hoạch trong tình huống khẩn cấp. Và họ cũng có thể cung cấp cho bạn nơi ẩn náu an toàn.
    • Đường dây nóng “Phím số diệu kỳ” 18001567 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kết hợp cùng tổ chức Plan được thành lập để giúp đỡ và hỗ trợ trẻ em và phụ nữ gặp phải vấn đề liên quan đến bạo hành gia đình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây