Giao tiếp với trẻ tăng động giảm chú ý

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có đến 11% trẻ em ở tuổi đi học mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).[1] Trẻ em ADHD thường gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý. Trẻ có khoảng thời gian tập trung ngắn và dễ bị xao lãng. Trẻ cũng rất khó thu nhận nhiều thông tin cùng một lúc. Nhiều bậc cha mẹ và giáo viên cho rằng trẻ không chịu nghe lời hoặc không cố gắng; điều này là không đúng. Việc sống chung với chứng ADHD có thể rất thách thức, nhưng bạn có thể giúp trẻ bằng cách giao tiếp theo cách dễ dàng hơn với trẻ. Điều này có thể giúp bạn và trẻ tránh được nhiều căng thẳng và thất vọng.

Các bước[sửa]

Cải thiện cách giao tiếp hàng ngày[sửa]

  1. Hạn chế những thứ gây xao lãng. Trẻ ADHD rất khó tập trung. Chúng dễ bị xao lãng bởi các sự việc diễn ra xung quanh. Bạn có thể cải thiện việc giao tiếp bằng cách loại trừ các thứ gây xao lãng trong khả năng có thể.
    • Khi nói chuyện với một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm trí nhớ, bạn cần tắt tivi và dàn âm thanh. Cài điện thoại ở chế độ rung và không cố nói chuyện với người khác cùng lúc nói chuyện với trẻ.[2]
    • Thậm chí mùi hương đậm cũng có thể khiến người mắc chứng ADHD xao lãng.[2] Tránh dùng nước hoa có mùi hương nồng hoặc nước hoa xịt phòng.
    • Hiệu ứng ánh sáng cũng có thể gây ra vấn đề.[2] Thay các bóng đèn chớp tắt hoặc các chụp đèn tạo ra các kiểu bóng và ánh sáng khác lạ.
  2. Chờ cho đến khi trẻ chú ý. Không nói khi trẻ chưa tập trung.[3] Nếu trẻ chưa hoàn toàn tập trung vào bạn, rất có thể bạn sẽ phải nói lại.
    • Chờ hoặc yêu cầu trẻ giao tiếp bằng mắt với bạn trước khi bắt đầu nói.
  3. Truyền đạt một cách đơn giản. Nói chung, bạn nên cố gắng nói ít và dùng những câu đơn giản.[4] Trẻ ADHD chỉ theo kịp những câu ngắn gọn. Bạn nên diễn đạt sao cho hiệu quả và tập trung vào vấn đề.
  4. Khuyến khích trẻ tập luyện và vận động. Trẻ ADHD thường có biểu hiện tốt hơn nếu tập thể dục nhiều. Khi trẻ bồn chồn, việc vận động hoặc đứng lên có thể giúp trẻ tập trung và hạn chế xao lãng.[4]
    • Một số người mắc chứng tăng động giảm chú ý thấy việc bóp bóng stress ball cũng giúp ích khi họ ở trong tình huống phải ngồi yên.
    • Khi biết con bạn sắp phải ngồi yên một lúc, trước đó bạn có thể cho trẻ chạy vài vòng hoặc tập bài tập thể dục nào đó cũng là một ý hay.
  5. Trấn an trẻ. Nhiều trẻ ADHD có tính tự ti. Những thách thức mà các trẻ khác dễ dàng vượt qua lại là khó khăn không nhỏ đối với trẻ ADHD. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy mình ngu dốt hoặc vô dụng. Bạn có thể giúp bằng cách trấn an trẻ.
    • Rất khó để trẻ ADHD nghĩ rằng mình thông minh khi bạn bè hoặc anh chị em của trẻ có biểu hiện vượt trội hơn trẻ trong học tập. Điều này có thể khiến trẻ thiếu tự tin.[2]
    • Cha mẹ nên khuyến khích những trẻ cần chăm sóc đặc biệt đặt ra các mục tiêu và dạy trẻ hoàn thành các mục tiêu đó.[2]

Hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho trẻ[sửa]

  1. Chia thành nhiều bước nhỏ. Trẻ tăng động giảm chú ý thường bị choáng ngợp trước những nhiệm vụ dường như đơn giản.[5] Bạn có thể giúp nhiệm vụ đó dễ hoàn thành hơn bằng cách chia thành các bước nhỏ hơn.[6]
    • Các thầy cô giáo sẽ không giao nhiệm vụ cho học sinh bằng cách thông báo rằng chúng có bài luận dài 10 trang bao gồm các trích dẫn phải nộp trong vòng một tháng, rồi sau đó bỏ đi và chờ đợi học sinh hoàn thành. Họ sẽ phát cho học sinh các tờ hướng dẫn với các nhiệm vụ được chia nhỏ thành từng phần với thời hạn cần hoàn thành. Học sinh sẽ nhận phản hồi cho từng phần trong suốt quá trình làm bài. Cha mẹ cũng có thể làm như vậy với các nhiệm vụ ở nhà, lập thời gian biểu có ghi các hướng dẫn thích hợp.
    • Ví dụ, nếu con bạn được giao nhiệm vụ giặt quần áo, bạn có thể chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn như: cho quần áo, bột giặt và nước xả vào máy, bật máy giặt, lấy quần áo ra khi giặt xong, v.v…
  2. Yêu cầu trẻ lặp lại điều bạn vừa nói. Để chắc chắn là trẻ có nghe và hiểu các chỉ dẫn, bạn hãy yêu cầu trẻ lặp lại điều bạn vừa nói.[3]
    • Điều này cho phép bạn chắc chắn là trẻ hiểu và nói rõ hơn nếu cần thiết. Điều này cũng giúp trẻ củng cố nhiệm vụ trong đầu.
  3. Dùng các phương tiện nhắc nhở. Có nhiều kiểu nhắc nhở có thể giúp trẻ ADHD duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ.
    • Với nhiệm vụ dọn dẹp, bạn có thể tạo ra một hệ thống các hộp và ngăn kệ được mã hóa bằng màu sắc. Ghi nhãn hoặc dán hình ảnh cũng có thể giúp trẻ nhớ thứ gì cần phải bỏ vào đâu trong khi dọn dẹp.[6][3]
    • Bản liệt kê các việc cần làm, bảng kế hoạch trong ngày, lịch hoặc bảng ghi nhiệm vụ cũng có thể giúp ích cho trẻ có các vấn đề về việc tập trung chú ý.[5]
    • Ở trường, bạn hãy cố gắng sắp xếp một “bạn cùng học” để giúp nhắc trẻ về các bài tập cần hoàn thành.[5]
  4. Giúp đỡ trẻ trong vấn đề thời gian. Trẻ em nói chung thường không có ý thức chính xác về thời gian. Trẻ ADHD lại càng khó khăn hơn.[7] Để giúp trẻ ADHD làm theo chỉ dẫn và và kịp giờ, điều quan trọng là giải quyết các vấn đề về thời gian.
    • Ví dụ, bạn có thể cài đặt thiết bị hẹn giờ. Cho trẻ biết bạn muốn công việc phải hoàn thành trước khi tiếng chuông báo giờ vang lên. Hoặc bạn có thể bật bản nhạc quen thuộc của trẻ và nói rằng bạn muốn trẻ hoàn thành nhiệm vụ trước khi hết nhạc, hoặc trước khi một bài hát nào đó kết thúc.
  5. Khen ngợi trẻ sau mỗi bước thực hiện. Mỗi khi trẻ hoàn thành một bước, bạn hãy khen ngợi trẻ.[3] Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng và ý thức hoàn thành ở trẻ.[7]
    • Những lời khen ngợi sau mỗi nhiệm vụ cũng giúp tăng khả năng thành công của trẻ trong tương lai.[8]
  6. Đem lại niềm vui trong công việc. Việc biến nhiệm vụ thành trò chơi có thể giúp giảm áp lực mà trẻ ADHD có thể cảm thấy khi thực hiện một nhiệm vụ mới.[8] Sau đây là một vài ý tưởng:
    • Dùng giọng nói ngộ nghĩnh để chỉ dẫn cho trẻ.
    • Thử chơi trò sắm vai. Giả vờ là một nhân vật nào đó trong truyện, phim hoặc chương trình tivi, và/hoặc gợi ý cho trẻ đóng giả. Ví dụ, con bạn có thể ăn mặc như cô bé Lọ Lem khi làm việc nhà trong khi bạn bật nhạc phim “Cô bé Lọ Lem”.[8]
    • Nếu trẻ bắt đầu căng thẳng, tiếp theo bạn hãy cho trẻ làm một nhiệm vụ vui vẻ, hoặc bảo trẻ làm những động tác hay âm thanh ngộ nghĩnh khi làm việc.[6] Đừng ngại cho trẻ tạm nghỉ ngơi và ăn vặt nếu thấy tình hình trở nên quá khó khăn.

Đưa trẻ ADHD vào kỷ luật[sửa]

  1. Chuẩn bị trước. Cũng như bao trẻ khác, trẻ ADHD đôi khi cũng cần phải được đưa vào kỷ luật. Lời khuyên ở đây là bạn phải đặt kỷ luật sao cho hiệu quả để cho bộ não của trẻ ADHD có thể theo được. Bước đầu tiên thích hợp là chuẩn bị trước những tình huống khó xử.
    • Khi biết rằng bạn sắp ở trong tình huống khó khăn với trẻ (ví dụ như khi ở một nơi trẻ cần im lặng và ngồi yên một thời gian khá lâu), bạn hãy thảo luận với trẻ trước. Nói về các quy tắc, thỏa thuận về phần thưởng nếu trẻ tuân theo quy tắc và hình phạt nếu trẻ không nghe lời.[3]
    • Tiếp đó, nếu trẻ bắt đầu “ngọ ngoạy”, bạn hãy yêu cầu trẻ nhắc lại quy tắc và hình phạt đã nói trước đó. Điều này thường là đủ để ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi không hay của trẻ.[3]
  2. Có thái độ tích cực. Nếu có thể, bạn hãy dùng phần thưởng thay vì hình phạt. Điều này sẽ tốt hơn cho lòng tự trọng của trẻ và cũng hiệu quả hơn trong việc khuyến khích các hành vi tốt.
    • Cố gắng tìm các hành vi tốt của trẻ và thưởng cho trẻ hơn là cố gắng tìm lỗi và phạt trẻ.[3]
    • Chuẩn bị một thùng hoặc hộp đựng các phần thưởng nho nhỏ như những đồ chơi nhỏ, hình dán, v.v… Kiểu phần thưởng hữu hình này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khuyến khích hành vi tốt của trẻ. Sau một thời gian, bạn có thể cắt bớt các phần thưởng hữu hình và thay vào bằng những lời khen ngợi hoặc những cái ôm, v.v…[8]
    • Một phương pháp mà nhiều bậc cha mẹ thấy hữu ích là hệ thống điểm thưởng. Trẻ được thưởng điểm nhờ hành vi tốt có thể dùng điểm để “mua” các “đặc quyền” hoặc những hoạt động nào đó. Điểm thưởng có thể đổi lấy một buổi xem phim hoặc được thức thêm 30 phút sau giờ phải đi ngủ, v.v... Thử đặt ra các điểm thưởng trong thời gian biểu của trẻ. Điều này có thể củng cố các hành vi tốt hàng ngày và xây dựng lòng tự trọng cho trẻ thông qua chuỗi thành tích.[5]
    • Nếu có thể, bạn cũng nên cố gắng đặt ra các quy tắc tích cực trong nhà thay vì các quy tắc tiêu cực. Các quy tắc nên đặt ra hình mẫu về hành vi tốt thay vì bảo trẻ những việc không nên làm.[8] Điều này sẽ cung cấp cho trẻ ADHD một hình mẫu nên làm theo thay vì khiến trẻ buồn về những việc không nên làm.
  3. Hãy nhất quán. Trong trường hợp cần phải dùng hình phạt, bạn cần nhất quán về hình phạt vì hành vi không đúng mực của trẻ. Trẻ em cần biết khuôn phép. Trẻ cần biết về hình phạt nếu phá vỡ quy tắc, và hình phạt cần phải luôn như nhau mỗi lần trẻ phạm lỗi.[3]
    • Cả cha và mẹ nên nhất trí về việc các hình phạt theo cùng một cách.[9]
    • Hình phạt cần được áp dụng cho hành vi không đúng mực ở nhà cũng như ở nơi công cộng. Tính nhất quán là điều thiết yếu, và nếu bạn không thực hiện trước sau như một thì có thể khiến đứa trẻ trở nên bối rối hoặc bướng bỉnh.
    • Không bao giờ tranh cãi về hình phạt hoặc nhân nhượng khi trẻ nài nỉ hoặc thách thức. Nếu bạn nhân nhượng dù chỉ một lần, đứa trẻ sẽ thấy rằng có thể “thương lượng” về hình phạt và tiếp tục phạm lỗi.[3]
    • Tương tự, bạn cần hạn chế phản ứng với hành vi xấu. Không phản ứng với hành vi xấu bằng cách quan tâm nhiều hơn. Sự quan tâm nhiều hơn chỉ dùng để làm phần thưởng cho hành vi tốt.[3]
  4. Hành động tức thời. Trẻ ADHD gặp khó khăn về khoảng thời gian tập trung chú ý và tư duy về “nguyên nhân và kết quả”. Do đó, điều quan trọng là bạn cần áp dụng hình phạt sau khi trẻ phạm lỗi càng sớm càng tốt.[7]
    • Hình phạt áp dụng quá muộn sau khi trẻ phạm lỗi có thể không còn ý nghĩa. Các hình phạt này đối với trẻ có vẻ như độc đoán và bất công, khiến trẻ cảm thấy tổn thương và tiếp tục hành vi xấu.
  5. Đảm bảo tính hiệu lực. Hình phạt phải đủ mạnh mới có tác dụng.[9] Nếu hình phạt quá nhẹ, trẻ sẽ coi thường và tiếp tục phạm lỗi.
    • Ví dụ, nếu hình phạt khi trẻ không chịu làm việc nhà chỉ là trẻ phải làm sau thì có lẽ không thực sự có tác dụng. Tuy nhiên việc không được phép chơi game tối hôm đó có thể là hình phạt thích đáng.
  6. Giữ bình tĩnh. Không phản ứng mất bình tĩnh với các hành vi không ngoan của trẻ.[9] Giữ giọng nói bình tĩnh và thái độ điềm nhiên khi áp dụng hình phạt.
    • Thái độ giận dữ hoặc xúc động của bạn có thể khiến trẻ ADHD căng thẳng hoặc lo sợ. Điều này không có ích.
    • Thái độ nổi giận của bạn cũng là tín hiệu báo cho trẻ biết trẻ có thể điều khiển bạn bằng hành vi xấu. Đặc biệt nếu trẻ tỏ thái độ để gây chú ý thì điều này đã khuyến khích hành vi xấu đó.
  7. Dùng hình phạt time-out (cách ly hoặc úp mặt vào tường) hiệu quả. Một hình phạt phổ biến khi trẻ phạm lỗi là “time-out”. Đây có thể là chiến thuật hiệu quả để kỷ luật trẻ ADHD nếu được sử dụng đúng. Sau đây là một số chỉ dẫn:
    • Không dùng hình phạt này như một “án phạt tù ”.[3] Thay vào đó, bạn cần coi hình phạt này như một dịp để trẻ bình tĩnh lại và suy ngẫm về tình huống. Yêu cầu trẻ suy nghĩ về tình huống xảy ra và cách giải quyết. Bảo trẻ suy nghĩ làm sao để điều này không xảy ra nữa và hình phạt sẽ như thế nào nếu trẻ tái phạm. Sau khi hết thời gian phạt, bạn hãy nói chuyện với trẻ về các đề tài này.
    • Khi ở nhà, tìm một nơi để trẻ có thể đứng hoặc ngồi. Đây phải là nơi trẻ không thể xem tivi hoặc có các phương tiện tiêu khiển khác.
    • Đặt ra một khoảng thời gian nhất định mà trẻ phải ở yên một chỗ và bình tĩnh lại (thông thường không quá 1 phút cho mỗi năm tuổi của trẻ).
    • Khi cơ thể bắt đầu thoải mái hơn, trẻ sẽ ngồi yên một chỗ cho đến khi bình tĩnh lại. Có thể đến lúc này trẻ sẽ xin nói chuyện. Chìa khóa ở đây là cho trẻ thời gian và sự yên tĩnh. Khi thời gian chịu time-out có hiệu quả, bạn hãy khen trẻ vì đã làm tốt.
    • Đừng coi đây là một hình phạt; hãy coi đó là “nút reset”.

Lời khuyên[sửa]

  • Sẵn sàng lặp lại điều bạn đã nói. Trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có khoảng thời gian tập trung ngắn, do đó bạn thường phải nói đi nói lại. Cố gắng đừng bực bội.
  • Khi thấy mọi việc trở nên khó khăn, bạn hãy nhớ rằng trẻ cũng đang phải vật lộn với chứng bệnh này. Trong hầu hết các trường hợp, hành vi quấy nhiễu của trẻ là không cố ý.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. ADHD & You at http://www.adhdandyou.com/
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 On Their Own: Creating an Independent Future for Your Child With Learning Disabilities and ADHD by Anne Ford (2007).
  3. 3,00 3,01 3,02 3,03 3,04 3,05 3,06 3,07 3,08 3,09 3,10 Taking Charge of ADHD: The Complete, Authoritative Guide For Parents by Russell A. Barkley (2005).
  4. 4,0 4,1 http://www.adhd-made-simple.com/ADHD_Children.html
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 Why Is My Child’s ADHD Not Better Yet? Recognizing The Undiagnosed Secondary Conditions That May Be Affecting Your Child’s Treatment by David Gottlieb, Thomas Shoaf, and Risa Graff (2006).
  6. 6,0 6,1 6,2 Putting On The Brakes: Young People’s Guide to Understanding Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD) by Patricia O. Quinn & Judith M. Stern (1991).
  7. 7,0 7,1 7,2 ADHD and the Nature of Self-Control by Russell A. Barkley (1997).
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 Organize Your ADD/ADHD Child: A Practical Guide For Parents by Cheryl R. Carter (2011).
  9. 9,0 9,1 9,2 Dr. Larry’s Silver’s Advice to Parents on ADHD by Larry N. Silver (1999).