Hàn gắn hôn nhân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hôn nhân là mối quan hệ luôn vận động giữa hai người và cần có sự quan tâm chăm sóc. Những đam mê và cảm xúc ban đầu có thể phai nhạt theo thời gian nếu không được nuôi dưỡng, đặc biệt khi phải đối mặt với những căng thẳng phát sinh từ vấn đề tài chính, nhu cầu công việc hay nuôi dạy con cái. Nếu hôn nhân của bạn đang trong thời kỳ khó khăn, đừng đánh mất hy vọng. Có nhiều cách giúp bạn và đối tác nhớ lại lý do vì sao hai người yêu nhau để có thể làm lại từ đầu.

Các bước[sửa]

Đánh giá vấn đề[sửa]

  1. Liệt kê các vấn đề. Trước khi bắt tay vào cải thiện hôn nhân, bạn cần phát hiện ra vấn đề nằm ở đâu. Hãy xem xét kỹ mối quan hệ, bản thân và vợ/chồng của bạn để biết vấn đề gì đang tồn tại. Viết những vấn đề đó ra có thể giúp bạn tập trung vào điều gì cần giải quyết trong hôn nhân của mình.[1]
    • Hãy chân thật. Bạn cần tìm ra sự thật của vấn đề để cải thiện hôn nhân.
    • Cố gắng khách quan, tìm kiếm các vấn đề mà không để cảm giác oán giận hay bực tức xen vào.
  2. Nghiên cứu xem điều gì có thể sửa chữa được. Cố gắng ép buộc người khác cư xử khác đi có thể gặp phải sự phản ứng. Thay vào đó, tập trung vào các vấn đề của chính bạn và điều chỉnh để trở thành người tốt hơn. Thấu hiểu, yêu thương và thay đổi bản thân có thể giúp bạn cải thiện hôn nhân.[1]
    • Thay đổi hành vi của bạn sẽ dễ hơn thay đổi người khác.
    • Điều chỉnh để loại bỏ cách cư xử tiêu cực hoặc phản ứng tức giận và thay vào đó bằng phản hồi bình tĩnh và có tính xây dựng.
    • Xem xét cẩn thận và chân thực những vấn đề của bản thân có thể ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân và tìm cách thay đổi.
  3. Cam kết cải thiện hôn nhân. Thiếu cam kết là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến ly hôn. Tìm lý do để giữ cam kết và hết mình trong việc cải thiện hôn nhân có thể giúp mối quan hệ của bạn bền chặt hơn. Cố gắng tạo dựng và duy trì ý nghĩa của từ “chúng ta” mà vợ chồng bạn có thể cùng phát triển và củng cố.[2]
    • Nhớ những lúc vui vẻ và tập trung vào những khoảnh khắc đó.
    • Cùng nhau lên kế hoạch và thảo luận ước mơ về tương lai.
    • Cam kết cần xuất phát từ cả hai phía.
  4. Cân nhắc gặp gỡ tư vấn hôn nhân. Nếu bạn không biết làm thế nào hoặc làm gì để cải thiện hôn nhân, nhưng biết được nguyên nhân thì hãy cân nhắc gặp tư vấn hôn nhân. Chuyên gia có thể giúp các bạn giải quyết vấn đề và đưa ra cách tiếp cận tốt nhất. [3]
    • Mọi chuyên gia tư vấn hôn nhân đều sẵn sàng giúp đỡ bạn. Đừng ngại đến gặp họ nếu cả hai cùng đồng ý.
    • Bạn cũng có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn hôn nhân bằng cách tìm kiếm từ khóa “liệu pháp cho các cặp vợ chồng”.
    • Tư vấn hôn nhân là một dạng liệu pháp tâm lý được thực hiện bởi các nhà trị liệu có giấy phép hoạt động.
    • Trong một số trường hợp, tư vấn hôn nhân có thể được thực hiện với sự có mặt của vợ hoặc chồng.

Cải thiện giao tiếp[sửa]

  1. Nói chuyện một cách xây dựng. Trong những cuộc tranh cãi nảy lửa, rất dễ nói những điều gây tổn thương lẫn nhau. Thay vì chỉ trích nhau, hãy cẩn thận lựa lời để đưa ra những ý kiến có tính xây dựng. Bạn vẫn có thể nói ra những gì mình nghĩ và thể hiện bản thân một cách chân thực dù không dùng những lời nói gây tổn thương đối tác.[1]
    • Sử dụng các câu bắt đầu bằng từ “Anh/Em” như “Em cảm thấy...” hoặc “Anh muốn...”
    • Hỏi để có thêm thông tin. Ví dụ như: “Anh nghĩ thế nào về...”
    • Tập trung lắng nghe và cởi mở về những gì vợ/chồng bạn nói.
    • Hãy chân thật và nói những gì bạn nghĩ một cách bình tĩnh và thẳng thắn.
  2. Tránh quát tháo. Khi mọi thứ trở nên căng thẳng, cuộc thảo luận có thể biến thành cuộc cãi lộn. Quát tháo lẫn nhau không giúp ích gì chỉ làm tổn hại thêm mối quan hệ. Nên tránh những cơn thịnh nộ bằng mọi giá khi bạn cố gắng cải thiện hôn nhân.[4]
    • Quát tháo sẽ không truyền tải bất cứ thông điệp hữu ích nào mà bạn hy vọng đối tác sẽ hiểu.
    • Bạn có thể bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, không nên là sự bùng nổ giận dữ trong những lúc nói chuyện.
  3. Cùng nhau đưa ra quyết định. Nếu một người cố gắng đưa ra mọi quyết định trong mối quan hệ, điều đó có thể khiến người kia cảm thấy không có tiếng nói hoặc bị hạ thấp. Những lựa chọn liên quan đến hai người nên do cả hai cùng quyết định. Cố gắng lưu tâm đến nhu cầu của bạn và vợ/chồng khi thảo luận các dự định.[1]
    • Đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với cả hai người.
    • Đừng cố gắng ép buộc lựa chọn theo ý của mình. Quyết định là kết quả của sự hợp tác không phải là sự cạnh tranh.
  4. Chủ động lắng nghe. Bất cứ lúc nào vợ/chồng bạn nói chuyện, nghe một cách chủ động sẽ giúp họ cảm thấy mình được lắng nghe. Bạn cũng có thể tham gia vào câu chuyện của đối phương tốt hơn khi lắng nghe họ nói và đưa ra những gợi ý mà bạn quan tâm.[5]
    • Nhắc lại những điều vợ/chồng bạn đã nói, như: "Em muốn biết chắc mình đã hiểu..."
    • Tóm tắt lại những gì bạn nghe. "Điều đó có vẻ là..."
    • Dùng những từ cảm thán mang tính khích lệ như "Ồ, vậy à", "Anh hiểu", hoặc "Ừ, đúng rồi".
    • Xác nhận những gì đang được nói đến. "Anh thấy mừng vì em đã đề cập đến chuyện này".
    • Dành thời gian cho những khoảng lặng. Đừng nói ngay sau khi vợ/chồng bạn vừa dứt lời.
  5. Tránh hành vi xung hấn-thụ động. Hành vi này có nghĩa là khi bạn bên ngoài tỏ ra đối xử tử tế với một người nhưng bên trong lại cảm thấy tức giận và ngấm ngầm hại người đó. Thông thường, sợ đối mặt trực tiếp hoặc thể hiện cảm xúc có thể dẫn đến hành vi này. Bằng cách tránh hành vi xung hấn-thụ động, bạn có thể giảm những tổn hại có thể gây ra cho hôn nhân.[6]
    • Quan sát hành vi của mình và cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến bạn hành xử kiểu xung hấn-thụ động.
    • Thể hiện sự kiên quyết và chân thật đối với những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
    • Nhìn nhận hành vi xung hấn-thụ động như một dạng nói dối.
    • Nhớ rằng bất đồng quan điểm là việc hoàn toàn bình thường và lành mạnh.

Thay đổi thái độ[sửa]

  1. Tránh thái độ ganh đua. Cạnh tranh là việc cần thiết trong cuộc sống nhưng không phải trong hôn nhân. Ngoài việc ganh đua cho vui, nếu bạn thấy bản thân hoặc vợ/chồng mình cố gắng biến mọi thứ thành sự ganh đua thì hãy hành động để chấm dứt hành vi đó. Nói chuyện và tranh luận phải nhằm giải quyết vấn đề, không phải để phân định thắng thua.[4]
    • Nhiều khi việc cảm thấy thiếu tự tin có thể dẫn đến thái độ ganh đua quá mức. Hãy thay đổi để cải thiện sự tự tin và tránh lối hành xử ganh đua do sự thiếu tự tin gây ra.
    • Người chiến thắng trong hôn nhân phải là cả vợ và chồng, không phải là một trong hai người.
    • Ủng hộ vợ mình thay vì cạnh tranh với cô ấy.
  2. Sống tích cực. Mặc dù có những thời điểm khó khăn, nhưng duy trì cái nhìn tích cực sẽ tốt cho mối quan hệ. Tìm những điều bạn thích ở vợ/chồng mình và tập trung vào những khía cạnh đó. Đừng sợ thể hiện hay nói cho vợ/chồng bạn biết những điều bạn cảm thấy biết ơn. Tập trung vào mặt tốt không chỉ giúp bạn cải thiện tinh thần và cái nhìn của bản thân mà cả tình trạng hôn nhân nữa.[4]
    • Làm mọi thứ cho vợ mình mà bạn biết sẽ khiến cô ấy hạnh phúc. Đừng hy vọng sẽ được “đền đáp”, đơn giản hãy tận hưởng niềm vui vì đã làm điều tốt đẹp cho cô ấy.
    • Làm việc hào phóng thực sự có thể khiến bạn cảm thấy rộng lượng và yêu thương nhiều hơn.
    • Duy trì sự tích cực trong một thời gian sẽ giúp vợ/chồng bạn nhận thấy hành động của bạn là chân thành và đáng tin cậy.
  3. Ngừng suy nghĩ tiêu cực. Chìm đắm trong những vấn đề không hay chỉ làm tăng cảm xúc và phản ứng tiêu cực. Mặc dù việc nhìn nhận tính xấu của vợ/chồng là cần thiết nhưng có thể bạn đang làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Từ bỏ suy nghĩ tiêu cực và tránh sa lầy vào những suy nghĩ đó.[1]
    • Sự bực tức, oán giận và chê trách sẽ chỉ gây ra thêm căng thẳng cho mối quan hệ.
    • Bằng cách rũ bỏ những suy nghĩ không hay, bạn có thể hiểu rõ hơn những gì bạn cần cải thiện thay vì chỉ trích lẫn nhau.

Lời khuyên[sửa]

  • Tập trung vào những mặt tích cực của vợ/chồng.
  • Tránh để ý quá mức những mặt xấu của vợ/chồng hoặc của cuộc hôn nhân. Cảm thấy bực tức và oán giận chỉ gây ra thêm cảm xúc tiêu cực.
  • Nói chuyện một cách chân thực và cởi mở.
  • Bằng mọi giá, hãy tránh quát tháo lẫn nhau. Đừng ngại dừng lại và trấn tĩnh trước khi tiếp tục trao đổi.
  • Đừng cố gắng cho mình là đúng hoặc “chiến thắng”. Hôn nhân không phải là cuộc đua.
  • Tư vấn có thể là một lựa chọn để hàn gắn hôn nhân.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cảm thấy sợ hoặc bị đe dọa dùng vũ lực, hãy đi ra chỗ khác và gọi điện thoại đến dịch vụ trợ giúp khẩn cấp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]