Hạ huyết áp một cách nhanh chóng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu huyết áp của bạn đột ngột tăng cao, bạn sẽ cần phải nhanh chóng hạ huyết áp. Có nhiều biện pháp để hạ huyết áp mà không cần bạn phải sử dụng bất cứ hình thức nào ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống của bạn, nhưng nếu bạn thường xuyên mắc phải chứng bệnh tăng huyết áp, phương pháp điều trị tốt nhất dành cho bạn là đi khám bệnh. Sau đây là một số phương pháp hạ huyết áp mà bạn có thể tìm hiểu.

Các bước[sửa]

Hạ Huyết áp Thông qua Chế độ Dinh dưỡng[sửa]

  1. Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Một chế độ ăn uống bao gồm các loại ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau củ, và các loại thực phẩm chế biến từ sữa ít béo có thể giúp hạ huyết áp của bạn xuống 14 mm Hg, đặc biệt khi chế độ ăn uống này cũng bao gồm một lượng nhỏ các chất béo bão hòa và cholesterol.[1]
    • Thay đổi chế độ ăn uống là bước đầu tiên để hạ huyết áp. Hiệu quả mà nó đem lại có thể diễn ra khá chậm nếu bạn không thực hiện thêm các biện pháp nào khác ngoài việc cân bằng chế độ ăn uống, nhưng nếu bạn tập trung vào việc sử dụng các loại thực phẩm được biết đến như là nhân tố giúp hạ huyết áp và ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, hãy thêm vào sự hoạt động và thay đổi lối sống, huyết áp của bạn sẽ có thể nhanh chóng hạ thấp.
    • Sau khi huyết áp của bạn đã giảm đến mức phù hợp, thỉnh thoảng, bạn có thể ăn một thanh kẹo hoặc bánh quy, nhưng bạn cũng cần phải tuân theo chế độ dinh dưỡng mà bạn đang thực hiện để ngăn ngừa huyết áp tăng cao trở lại.
  2. Hạn chế dùng muối. Natri là kẻ thù tự nhiên của bệnh cao huyết áp. Thông thường, giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm huyết áp từ 2-8 mm Hg.
    • Hạn chế lượng natri tiêu thụ trong khoảng 2300 mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Nếu bạn trên 51 tuổi hoặc nếu bạn có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn làm tăng huyết áp, bạn chỉ nên sử dụng nhiều nhất là 1500 mg natri mỗi ngày.
    • Nếu bạn muốn tăng thêm hương vị cho thức ăn, bạn có thể sử dụng một số loại thảo mộc và gia vị an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, một số loại thảo mộc và gia vị có thể giúp bạn hạ huyết áp.
      • Ớt cayen có thể làm giãn nở mạch máu và giúp cải thiện lưu lượng máu.
      • Nghệ làm giảm viêm nhiễm trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng tim mạch và giúp hạ huyết áp.
      • Tỏi giúp giảm lượng cholesterol và giúp hạ huyết áp.
  3. Hạn chế uống rượu bia. Một lượng nhỏ rượu bia có thể giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều, rượu bia sẽ gây tăng huyết áp.
    • Đối với nam giới và nữ giới trên 65 tuổi, mỗi ngày bạn có thể uống một ly rượu hoặc nước giải khát có nồng độ cồn tương tự. Đối với người dưới 65 tuổi, bạn có thể uống khoảng hai ly rượu mỗi ngày.
    • Để tiện theo dõi, một ly tương đương với 350 ml bia, 150 ml rượu, hoặc 45 ml các loại rượu có độ cồn 40%.
    • Nếu sử dụng một lượng vừa phải, rượu và các loại thức uống chứa cồn khác có thể làm giảm huyết áp của bạn từ 2-4 mm Hg.
    • Tuy nhiên, hãy nhớ rằng biện pháp này chỉ hữu dụng nếu bạn đang uống rượu bia. Nếu bạn không thường xuyên uống rượu bia, các kết quả sẽ ít được thể hiện rõ rệt hơn và nguy cơ rủi ro sẽ cao hơn.
    • Sử dụng quá nhiều rượu bia có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hạ huyết áp.
  4. Sử dụng sữa tươi ít béo hoặc không béo. Sữa tươi có chứa rất nhiều kali và canxi, và cả hai loại chất dinh dưỡng này đều có tác dụng hạ huyết áp. Các loại thực phẩm từ sữa cũng có chứa vitamin D, vitamin D cũng có thể sẽ khá hữu ích cho bạn.
    • Sữa tươi ít béo và không béo tốt hơn sữa tươi nguyên chất. Sữa tươi nguyên chất có chứa axit Palmitic và theo một vài nghiên cứu, loại axit này có thể ngăn chặn các tín hiệu của cơ thế giúp thư giãn các mạch máu. Kết quả là, các mạch máu của bạn bị thu hẹp làm cho huyết áp của bạn vẫn duy trì trạng thái tăng cao.[2]
  5. Uống trà hoa râm bụt. Các loại trà được chiết xuất từ hoa râm bụt có thể làm giảm huyết áp một cách nhanh chóng và đáng kể nếu bạn uống ba tách trà mỗi ngày.
    • Ngâm trà trong nước trong vòng sáu phút trước khi thưởng thức trà lạnh hoặc nóng.
    • Nếu bạn không sử dụng các biện pháp khác ngoài việc uống trà hoa râm bụt ba lần mỗi ngày, bạn có thể giảm huyết áp tâm thu xuống bảy điểm trong vòng sáu tuần.
    • Trà hoa râm bụt có chứa anthocyanin và các chất chống oxy hoá khác giúp tăng cường khả năng giãn nở các mạch máu, ngăn chúng không bị thu hẹp dẫn đến huyết áp tăng cao.
  6. Uống một ly nước ép nam việt quất. Một ly nước ép nam việt quất có thể giúp làm giảm huyết áp một cách hiệu quả như một ly rượu vang đỏ.
    • Nước ép nam việt quất có chứa các chất chống oxy hoá được biết đến dưới tên gọi Proanthocyanidin. Các chất dinh dưỡng này ngăn ngừa cơ thể sản xuất ET-1 (Endothelin 1), một hợp chất được biết đến như là tác nhân làm co các mạch máu và gây tăng huyết áp.
  7. Ăn các loại hoa quả và rau củ có tác dụng làm giảm huyết áp. Trong khi hoa quả và rau củ là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống cân bằng, một số loại rau củ quả có thể đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc hạ huyết áp.
    • Ăn quả kiwi. Trong một vài nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng dùng 3 quả kiwi mỗi ngày trong vòng 8 tuần có thể làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu. Kiwi có chứa nhiều chất chống oxy hóa như lutein.[3]
    • Dùng một miếng dưa hấu. Dưa hấu có chứa chất xơ, Lycopenes, vitamin A, và kali, tất cả các chất dinh dưỡng này đều có tác dụng hạ huyết áp. Dưa hấu cũng chứa axit amin có tên gọi L-Citrulline/L-arginine và các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các axit amin này cũng có thể giúp làm giảm huyết áp.
    • Thêm các loại hoa quả và rau củ giàu kali vào chế độ dinh dưỡng của bạn. Các nhà khoa học đều đồng ý rằng kali là một chất bổ sung quan trọng cho các chế độ dinh dưỡng dành riêng cho việc hạ huyết áp. Nguồn cung cấp kali bao gồm đậu, chuối, khoai tây, cà chua, nước ép cam, đậu tây đỏ, dưa vàng, dưa mật và nho khô.
  8. Uống nước dừa. Nước dừa có chứa nhiều kali, chất điện giải, và các chất dinh dưỡng khác giúp giảm huyết áp.
    • Một nghiên cứu được công bố trong Tài liệu Y khoa Khu vực Tây Ấn đã chỉ ra rằng nước dừa giúp làm giảm huyết áp tâm thu của 71% số người tham gia nghiên cứu và giúp giảm huyết áp tâm trương của 29% số người tham gia.[4]
  9. Ăn nhiều đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành. Các sản phẩm từ đậu nành có chứa isoflavon, các chất dinh dưỡng có liên quan trực tiếp đến khả năng hạ huyết áp.
    • Trong nghiên cứu vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng chế độ dinh dưỡng cung cấp nhiều isoflavon sẽ giúp hạ huyết áp 5.5 điểm so với tình trạng cao huyết áp có liên quan đến hàm lượng isoflavon thấp.[5]
    • Trà xanh và củ lạc cũng chứa hàm lượng isoflavon cao.
  10. Dùng một ít sôcôla đen. Nhìn chung, sôcôla rất giàu flavanol. Các loại chất dinh dưỡng này khuyến khích mạch máu giãn nở rộng hơn giúp hạ huyết áp.
    • Mặc dù mọi loại sôcôla đều có thể giúp bạn, sôcôla đen và ca cao nguyên chất có nồng độ cao hơn các loại sôcôla sữa và chúng sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng sôcôla có thể giúp làm giảm huyết áp ở những người có huyết áp cao, nhưng kết quả ít rõ rệt hơn ở những người có huyết áp bình thường hoặc gần mức độ bình thường.
  11. Sử dụng ớt. Capsaicin, thành phần tạo vị cay của ớt, có thể giúp giảm huyết áp.
    • Đây là kết quả của một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2010, trong đó những con chuột mắc bệnh cao huyết áp sau khi sử dụng capsaicin đã có dấu hiệu hạ huyết áp. Tuy nhiên, tác dụng của capsaicin đối với huyết áp của con người vẫn chưa được làm rõ.

Hạ Huyết áp Thông qua Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Dành 30 phút cho các bài tập thể dục có cường độ vừa phải. Tập thể dục trong ít nhất 30 phút hầu hết mỗi ngày trong tuần có thể giúp hạ huyết áp một cách nhanh chóng và đáng kể. Bạn có thể tập thể dục thông qua các hoạt động thể thao hoặc thông qua các công việc lặt vặt trong nhà.[6]
    • Trước khi có thể gia tăng khối lượng các bài tập thể dục trong ngày, bạn nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ. Tăng cường hoạt động thể chất quá mức có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
    • Đi bộ nhanh là một trong những bài tập đơn giản nhất mà bạn có thể bổ sung vào thói quen hàng ngày của bạn. Đi bộ nhanh trong vòng 30 phút có thể hạ huyết áp vào khoảng 8 mmHg.
    • Các hoạt động thể thao khác mà bạn có thể thử bao gồm bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, đạp xe đạp, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu dưới nước, bơi lội và nhảy dây.
    • Nhiều công việc hữu ích bạn có thể thực hiện tại nhà bao gồm rửa xe, lau cửa sổ và sàn nhà, làm vườn, thu gom lá, xúc tuyết, và đi bộ lên xuống cầu thang.
  2. Hít thở sâu. Các động tác thở chậm theo xu hướng thiền định giúp thư giãn cơ thể và sản xuất nhiều nitric oxide hơn và ít các kích thích tố gây căng thẳng hơn.
    • Nitric oxide giúp các mạch máu giãn nở, từ đó làm hạ huyết áp của bạn.
    • Kích thích tố gây căng thẳng làm tăng lượng renin trong cơ thể, một loại enzyme do thận giải phóng và có liên quan đến tình trạng cao huyết áp.
    • Hãy dành ít nhất 5 phút vào mỗi buổi sáng để hít thở sâu và thực hiện phương pháp "thở bằng bụng" mỗi khi hít thở.
    • Để có thể đem lại kết quả rõ rệt hơn cho huyết áp, hãy xem xét tập thiền, yoga, khí công hoặc thái cực quyền.
  3. Giảm thời gian làm việc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm việc quá 41 giờ một tuần sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp vào mức 15%. Vì vậy, nếu bạn muốn hạ huyết áp một cách nhanh chóng, bạn nên giảm thời gian làm việc bất cứ khi nào có thể.
    • Điều này đặc biệt quan trọng nếu công việc của bạn thường đem lại sự bận rộn và căng thẳng cho bạn. Kích thích tố gây căng thẳng làm co mạch máu dẫn đến máu khó có thể lưu thông. Và kết quả là, huyết áp của bạn sẽ tăng cao.
  4. Nghe nhạc. Nghe các loại nhạc thư giãn trong vòng 30 phút mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp, đặc biệt nếu được kết hợp với kỹ thuật hít thở sâu và thuốc chữa trị tăng huyết áp.
    • Hãy lựa chọn loại nhạc thư giãn, như nhạc cổ điển, Celtic, hay nhạc Ấn Độ.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau một tuần nghe nhạc, huyết áp tâm thu của bạn sẽ giảm 3.2 điểm.
  5. Ngưng hút thuốc lá. Nicotine là thủ phạm gây tăng huyết áp. Nếu bạn hút thuốc lá hoặc thường bị vây quanh bởi những người hút thuốc, loại bỏ thói quen này là cách nhanh chóng để làm giảm huyết áp.
    • Hút thuốc lá làm huyết áp của bạn tăng 10 mm Hg trong vòng 1 giờ sau khi hút. Nếu bạn thường xuyên hút thuốc lá, huyết áp của bạn sẽ không ngừng tăng. Những người ở gần người hút thuốc lá cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương tự.

Hạ Huyết áp Thông qua Sử dụng Thuốc[sửa]

  1. Sử dụng thực phẩm bổ sung CoQ10. Coenzyme Q10 là một chất bổ sung và chất chống oxy hoá tự nhiên có khả năng giảm huyết áp xuống 17 mmHg trên 10 mmHg khi sử dụng thường xuyên. Thực phẩm bổ sung CoQ10 giúp làm giãn nở các mạch máu, vì vậy, tim sẽ dễ dàng bơm máu qua các mạch máu hơn.
    • Tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thực phẩm bổ sung. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng từ 60-100 mg chất bổ sung CoQ10 vào khoảng 3 lần trong ngày.
  2. Tìm hiểu về thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu giúp loại bỏ lượng natri và lượng nước dư thừa khỏi cơ thể.[7]
    • Vì natri là thủ phạm gây tăng huyết áp, loại bỏ lượng natri dư thừa sẽ giúp giảm huyết áp một cách đáng kể.
  3. Xem xét việc sử dụng thuốc ức chế beta. Thuốc ức chế beta làm giảm nhịp tim.
    • Kết quả là tim sẽ bơm ít máu hơn, giúp hạ huyết áp.
  4. Sử dụng thuốc ức chế ACE. ACE là viết tắt của "Angiotensin-Converting Enzyme" (thuốc kháng men biệt hóa angiotensin). Loại enzyme này khiến cơ thể sản sinh angiotensin, một loại hoá chất chịu trách nhiệm gây co thắt các động mạch của cơ thể.
    • Thuốc ức chế ACE làm giãn nở các mạch máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và hạ huyết áp.
  5. Tìm hiểu về loại thuốc ức chế thụ thể angiotesin II. Loại thuốc này trực tiếp ngăn chặn các ảnh hưởng của angiotensin, chịu trách nhiêm gây co thắt động mạch.
    • Angiotensin cần phải được kết hợp với một thụ thể để có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu. Loại thuốc này khống chế các thụ thể, và từ đó làm cho hoá chất không thể tác động đến cơ thể.
  6. Tìm hiểu về các loại thuốc ức chế kênh canxi. Thuốc ức chế kênh canxi hoạt động bằng cách ngăn canxi xâm nhập vào tim và động mạch.
    • Canxi làm các tế bào cơ trơn tại các khu vực này trở nên cứng, có nghĩa là tim phải sử dụng nhiều lực hơn để có thể bơm máu qua động mạch.
    • Loại thuốc này giúp thư giãn các mạch máu bị thu hẹp, từ đó làm giảm huyết áp.
  7. Tìm hiểu về thuốc ức chế alpha. Thuốc ức chế alpha làm giảm sự kháng cự của các động mạch.
    • Kết quả là các cơ của mạch máu được thư giãn, giúp máu dễ dàng lưu thông.
  8. Tìm hiểu về thuốc đồng vận thụ thể alpha-2. Loại thuốc này làm giảm chức năng của bộ phận giao cảm thuộc hệ thần kinh không tự chủ.
    • Điều này có nghĩ là lượng andrenaline sẽ được sản sinh ra ít hơn. Andrenaline, cùng với các kích thích tố gây căng thẳng khác, có thể thu hẹp các mạch máu.
  9. Sử dụng thuốc ức chế alpha-beta kết hợp. Đây là giải pháp tuyệt vời cho bệnh nhân thường mắc bệnh cao huyết áp vì loại thuốc này giúp hạ huyết áp nhanh hơn so với hầu hết các loại thuốc khác.
    • Loại thuốc này giúp giảm sự kháng cự của các động mạch và nhịp tim.
  10. Tìm hiểu về loại thuốc kích thích thần kinh trung ương. Các loại thuốc này dễ dàng ngăn sự co thắt các mạch máu, từ đó giúp máu dễ dàng lưu thông.
    • Cần lưu ý rằng tác dụng của thuốc cũng tương tự như loại thuốc ức chế alpha-beta kết hợp.
  11. Tìm hiểu về thuốc ức chế andrenergic ngoại biên. Não bộ là mục tiêu chính của nhóm thuốc này.
    • Khi sử dụng loại thuốc này, các chất dẫn truyền xung động thần kinh chịu trách nhiệm báo cáo với các cơ trơn của tim và mạch máu rằng chúng đã bị ngăn chặn, vì vậy, các mạch máu sẽ không thể co thắt.
  12. Sử dụng biện pháp giúp giãn nở mạch máu hoặc thuốc giãn mạch. Loại thuốc này giúp thư giãn các cơ của mạch máu.
    • Kết quả là các cơ này sẽ giãn nở, giúp máu dễ dàng lưu thông mà không cần phải sử dụng nhiều áp lực.

Lời khuyên[sửa]

  • Một trong những cách tốt nhất để hạ huyết áp trong thời gian dài là giảm cân. Huyết áp thường tăng khi bạn tăng cân, và nếu bạn có thể giảm khoảng 4,5 kg, huyết áp của bạn sẽ giảm một cách đáng kể. Giảm cân lành mạnh nên đi kèm với một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường mức độ luyện tập thể dục thể thao.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây