Hạ huyết áp cao

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Huyết áp dùng để chỉ lực do dòng máu chảy qua tạo ra tác động lên thành động mạch. Động mạch càng hẹp và cứng, huyết áp càng cao. Huyết áp bình thường luôn dưới 120/80. Nếu con số cao hơn, bạn đã bị huyết áp cao (chứng tăng huyết áp). Sau khi tìm hiểu về huyết áp, bạn có thể thực hiện các bước đơn giản sau đây nhằm điều chỉnh lối sống và hạ huyết áp.[1][2]

Các bước[sửa]

Tìm hiểu huyết áp cao[sửa]

  1. Tìm hiểu các cấp độ tăng huyết áp. Nếu huyết áp trên 120/80, bạn đã mắc chứng tăng huyết áp. Các cấp độ tăng huyết áp thay đổi tùy thuộc vào cường độ áp lực trong tim.
    • Huyết áp 120-139/80-89 được xem là tiền huyết áp cao.
    • Huyết áp cao Cấp độ 1 là 140-159/90-99.
    • Huyết áp cao Cấp độ 2 là 160 hoặc hơn/100 hoặc hơn.[3][2]
  2. Chẩn đoán huyết áp cao. Huyết áp thay đổi liên tục trong ngày. Chúng hạ thấp khi bạn nghỉ ngơi và tăng lên khi bạn đang có tâm trạng hào hứng, căng thẳng, hay tham gia hoạt động thể chất. Đó là lý do tại sao chẩn đoán huyết áp cao chỉ được thực hiện khi đi khám bác sĩ ít nhất ba lần trong khoảng thời gian vài tuần cho đến vài tháng. Trong một số trường hợp, cơ thể có hai huyết áp tâm thu và tâm trương độc lập với nhau.[2]
    • Chẩn đoán cuối cùng dựa trên con số cấp độ cao nhất. Ví dụ, nếu huyết áp là 162/79, bạn đã mắc chứng tăng huyết áp Cấp độ 2.
  3. Tìm hiểu huyết áp cao vô căn. Có hai loại huyết áp cao đó là vô căn và thứ phát.[3][4] Huyết áo cao vô căn hình thành trong nhiều năm và có rất nhiều lý do. Thông thường nó kết hợp với nhiều yếu tố độc lập. Yếu tố nguy cơ chính là tuổi tác: càng lớn tuổi thì bạn càng dễ mắc chứng tăng huyết áp. Lý do là vì động mạch càng ngày càng bị xơ cứng và thu hẹp dần. Di truyền cũng là yếu tố góp phần gây nên huyết áp cao. Những người có cha mẹ bị huyết áp cao thường có nguy cơ mắc phải chứng này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc chứng huyết áp cao do di truyền có thể lên đến 30%.
    • Nếu bị béo phì, tiểu đường, hoặc rối loạn lipid máu, bạn cũng có thể bị huyết áp cao. Tăng cân là một yếu tố nguy cơ lớn. Khối lượng dư thừa làm gia tăng áp lực hoạt động lên tim mạch. Theo thời gian, quá trình trao đổi chất béo và đường bị rối loạn gây nên huyết áp cao. Bệnh tiểu đường và rối loạn lipid máu cũng ảnh hưởng đến sự trao đổi chất béo và đường.
    • Những người thường xuyên căng thẳng, lo âu và bị trầm cảm thường hay mắc chứng tăng huyết áp.
    • Người da đen thường có nguy cơ cao mắc chứng tăng huyết áp và thường bị nặng hơn. Đây được cho là kết quả của yếu tố môi trường, kinh tế xã hội, và di truyền.[5][2]
  4. Tìm hiểu chứng tăng huyết áp thứ phát. Loại huyết áp cao này do tình trạng bệnh cụ thể gây nên. Một số bệnh có thể bao gồm bệnh thận. Thận đóng vai trò điều hòa thành phần dịch trong máu và loại bỏ nước dư thừa, cho nên tình trạng bệnh thận cấp tính và mãn tính đều gây rối loạn chức năng thận, làm nước tích tụ trong cơ thể, tăng khối lượng máu và dẫn đến huyết áp cao.
    • Bạn có thể bị huyết áp cao thứ phát nếu mắc khối u tuyến thượng thận, sản sinh nội tiết tố ảnh hưởng đến nhịp tim, co thắt mạch máu, và chức năng thận dẫn đến tình trạng huyết áp cao.
    • Các nguyên nhân khác có thể là bệnh tuyến giáp làm thay đổi nồng độ nội tiết tố tuyến giáp ảnh hưởng đến nhịp tim và tăng huyết áp. Chứng ngưng thở trong khi ngủ gây áp lực lên hệ hô hấp và tuần hoàn, theo thời gian có thể gân nên huyết áp cao.
    • Một số loại thuốc, kể cả được kê toa và không theo toa, được chứng minh là có thể làm tăng huyết áp. Các thuốc này bao gồm thuốc tránh thai dạng uống, NSAID, thuốc chống trầm cảm, steroid, thuốc làm thông mũi, và chất kích thích. Ngoài ra việc sử dụng chất cấm như là cô-ca-in và methamphetamine cũng gây nên tình trạng huyết áp cao.[2]
    • Chế độ ăn uống không lành mạnh có hàm lượng muối cao cũng có thể gây nên chứng tăng huyết áp.

Điều chỉnh lối sống[sửa]

  1. Kiểm tra huyết áp. Tình trạng huyết áp cao có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm mà không hề xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, nhưng hậu quả của chúng có thể gây nên vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí là tử vong. Nói chung các vấn đề sức khỏe do huyết áp cao gây nên là kết quả của hai giai đoạn sức khỏe. Đầu tiên, mạch máu trong cơ thể thu hẹp và xơ cứng. Thứ hai, do tình trạng này cho nên lượng máu đến các cơ quan và phần khác của cơ thể như là tim, não, thận, mắt, và dây thần kinh bị giảm đi. Điều này có thể gây nên biến chứng nghiêm trọng và đe dọa đến mạng sống của bạn nếu không được phát hiện sớm.
    • Bạn cần đo huyết áp tại hiệu thuốc hoặc mua dụng cụ đo huyết áp để theo dõi huyết áp của mình. Nếu cho rằng huyết áp đang tăng cao, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán kỹ lưỡng.
  2. Tập thể dục thường xuyên. Bạn có thể tích hợp nhiều hoạt động thể chất vào thói quen thường ngày để cải thiện tình trạng huyết áp cao. Bạn có thể tập bài rèn luyện tim mạch như là đi bộ, chạy bộ, hoặc bơi lội và rèn luyện tăng cường thể lực. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, một tuần năm ngày với tổng thời gian hoạt động là 150 phút để tăng cường sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, bạn có thể tập thể dục nhịp điệu cường độ cao ít nhất 25 phút mỗi ngày, một tuần ba buổi với tổng thời gian 75 phút. Thêm vào đó, bạn có thể kết hợp thêm một số hoạt động tăng cường cơ bắp vừa và nặng ít nhất 2 ngày một tuần.[6]
    • Nếu cảm thấy tiêu chuẩn hoạt động này là quá sức, bạn có thể điều chỉnh theo khả năng tối đa của mình. Thà vận động ít còn hơn là ngồi ì một chỗ. Nỗ lực hết sức để rèn luyện thể chất. Ngay cả hoạt động đi bộ quãng ngắn cũng mang lại hiệu quả hơn so với việc nằm dài trên ghế sofa.[7][8]
    • Hoạt động thể chất cũng giúp chống lại béo phì. Cả chế độ ăn uống lành mạnh lẫn tập luyện cũng hỗ trợ giảm cân và hạ huyết áp.[6]
  3. Tránh căng thẳng. Căng thẳng, lo lâu, và trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao. Bạn nên học cách kiểm soát và giải quyết tình trạng căng thẳng để cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Theo đuổi sở thích riêng, thiền định, và tập yoga là những biện pháp giúp thư giãn hiệu quả.[9]
    • Nếu đang phải đấu tranh với lo âu hoặc trầm cảm, bạn nên đi khám bác sĩ.
  4. Hạn chế rượu bia. Nam giới chỉ nên uống mỗi ngày tối đa 2 ly rượu bia. Còn nữ giới thì không quá 1 ly đồ uống có cồn.
    • Người nghiện rượu bia nếu muốn hạn chế lượng tiêu thụ đồ uống có cồn nên từ từ giảm giần trong vài tuần. Trong trường hợp ngưng rượu bia đột ngột sẽ gặp phải rủi ro tăng huyết áp nghiêm trọng.[10]
  5. Cai thuốc lá. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong do tim mạch. Các chất hóa học trong thuốc lá làm tăng nhịp tim và co thắt mạch máu làm gia tăng huyết áp. Điều quan trọng hơn là việc hút thuốc gây xơ cứng động mạch theo thời gian và kéo dài trong nhiều năm ngay cả khi bệnh nhân đã cai thuốc.[11]
  6. Hạn chế tiêu thụ caffein. Chất này làm tăng nhịp tim và huyết áp, đặc biệt là ở những người không tiêu thụ thường xuyên. Nếu dùng liều cao có thể gây rối loạn nhịp tim. Bạn chỉ nên sử dụng không quá 400 mg mỗi ngày.
    • Để theo dõi lượng tiêu thụ hằng ngày, bạn cần nắm rõ liều lượng caffein trong đồ uống của mình. 240 ml cà phê chứa 100-150 mg, 30 ml espresso chứa 30-90 mg, và 240 ml trà caffein có chứa 40-120 mg.
  7. Sử dụng thảo dược. Mặc dù vẫn chưa được khoa học chứng minh, nhưng có một số loại thảo dược giúp cải thiện huyết áp. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên sử dụng các loại thảo dược này thay thế cho những loại thuốc đã được khoa học nghiên cứu. Thay vào đó, bạn chỉ nên bổ sung thảo dược vào chế độ ăn uống nếu được bác sĩ chấp thuận.
    • Dùng chiết xuất lá nhựa ruồi, được dùng làm trà ở Trung Quốc với tác dụng tăng cường tuần hoàn máu đến tim.[12]
    • Bạn có thể thử chiết xuất táo gai mọng giúp cải thiện nguồn cung cấp máu đến tim và hỗ trợ quá trình trao đổi chất của tim.[13]
    • Sử dụng chiết xuất tỏi để phòng bệnh tim mạch. Tỏi được cho là có khả năng kiểm soát huyết áp cao và cholesterol.[14]
    • Bạn có thể dùng hoa dâm bụt làm chất bổ sung hoặc pha trà có tác dụng lợi tiểu và tái tạo tác dụng của thuốc chẳng hạn như thuốc ức chế ACE và thuốc trị huyết áp cao. Ngoài ra bạn có thể uống trà gừng và thảo quả, một loại trà ở Ấn Độ có tác dụng giảm huyết áp tự nhiên.
    • Uống nước dừa. Trong nước dừa có hàm lượng kali và ma-giê cao giúp điều hòa chức năng cơ bắp.
    • Uống Dầu cá có thành phần axit béo omega-3 giúp tăng cường trao đổi chất béo và giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.[15]

Áp dụng chế độ ăn DASH[sửa]

  1. Thử chế độ ăn DASH (Phương pháp Tiếp cận Chế độ Ăn uống Giảm Huyết áp). Trong thực tế, chế độ này được chấp nhận trong y học làm điểm khởi đầu trong việc điều trị huyết áo cao. Chế độ ăn uống bao gồm chủ yếu rau củ quả, trái cây, sản phẩm sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, và protein nạc, cũng như hạn chế muối, đường, và chất béo. [16][17]
    • Hầu hết các lời khuyên dinh dưỡng dưới đây thường dựa trên chế độ ăn DASH. Nếu muốn tìm hiểu thêm về chế độ này và một số lời khuyên ăn uống khác, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
  2. Hạn chế tiêu thụ muối. Natri có tác động đáng kể đến mức huyết áp của cơ thể. Vì thế, mục tiêu chính của chế độ ăn DASH đó là giảm lượng muối mà bệnh nhân hấp thụ trực tiếp và thông qua thức ăn.
    • Lượng muối nên sử dụng hằng ngày theo tiêu chuẩn khuyến cáo là 2.300 mg.[18] Nếu bác sĩ cho rằng bạn cần áp dụng chế độ ăn DASH ít muối, bạn nên cân nhắc việc giảm lượng muối hấp thụ hằng ngày xuống còn 1.500 mg, tương đương ít hơn một thìa nhỏ muối mỗi ngày.
    • Đa số thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng muối rất cao. Bạn cần hết sức lưu ý loại thức ăn này trong khi theo dõi lượng muối hấp thụ. Ngay cả thực phẩm chế biến sẵn không có vị mặn cũng có thể chứa hàm lượng muối nhiều hơn tiêu chuẩn. Bạn có thể kiểm tra bao bì sản phẩm để xem thông tin hàm lượng muối. Thành phần này được ghi bằng đơn vị mg trên mỗi nhãn thành phần dinh dưỡng.
    • Lưu ý khẩu phần ăn và theo dõi hàm lượng muối tiêu thụ hằng ngày để duy trì ở mức dưới 1500 mg.[19]
  3. Thêm ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn. Chế độ ăn DASH bao gồm từ 6 đến 8 phần ngũ cốc hoặc ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày. [17] Bạn nên ăn ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh luyện. Có một vài thủ thuật giúp bạn tránh việc ăn ngũ cốc tinh luyện và thay thế bằng các loại ngũ cốc lành mạnh.
    • Diệm mạch, lúa mì sấy khô, yến mạch, gạo, kê, và lúa mạch là những loại ngũ cốc nguyên hạt điển hình.
    • Bất cứ khi nào có thể, bạn nên ăn mì ngũ cốc nguyên hạt thay vì loại mì thông thường, gạo lứt thay cho gạo trắng, và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt thay cho bánh mì trắng. Luôn đảm bảo rằng bao bì sản phẩm có ghi 100% ngũ cốc nguyên hạt.
    • Chọn thực phẩm càng ít qua chế biến càng tốt. Thức ăn bán trong túi, hộp với hơn 3 thành phần thường đã qua chế biến hoàn toàn. Sản phẩm được trồng và bán ở dạng tươi thường tốt cho sức khỏe hơn.
  4. Ăn nhiều rau quả. Rau quả có vị tươi ngon, đa dạng, và rất tốt cho huyết áp cũng như sức khỏe nói chung. DASH khuyến cáo nên ăn từ 4 đến 5 phần rau quả mỗi ngày. Bí đỏ, cà chua, bông cải xanh, rau bina, a-ti-sô, và cà rốt là nhóm rau quả có hàm lượng chất xơ, kali và ma-giê cao.
    • Cơ thể cần những loại vitamin này để hoạt động bình thường và hạ huyết áp cao.
  5. Thêm trái cây vào chế độ ăn của bạn. Cơ thể cần hấp thu vitamin, chất khoáng, và chất chống oxy hóa trong trái cây. Bạn có thể dùng trái cây để ăn vặt và thay thế thành phần đường tinh luyện nếu muốn. DASH khuyến cáo nên ăn từ 4 đến 5 phần trái cây mỗi ngày.
    • Ăn nguyên vỏ trái cây để tăng cường chất xơ. Vỏ táo, kiwi, lê, và xoài đều có thể ăn kèm phần ruột quả.
  6. Ăn protein nạc. Bạn nên bổ sung thành phần protein nạc vào bữa ăn, nhưng lưu ý nên hạn chế lượng tiêu thụ hằng ngày. DASH khuyến cáo không nên ăn quá 6 phần protein nạc, chẳng hạn như ức gà, đậu nành, hoặc sản phẩm sữa trong ngày.
    • Trước khi nấu thịt nạc, bạn nên lọc phần mỡ hoặc da trong miếng thịt.
    • Không chiên thịt. Thay vào đó nên chế biến bằng cách nướng, luộc, hoặc hầm.
    • Ăn nhiều cá tươi (không chiên). Các loại cá như cá hồi có chứa axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao.[17]
  7. Ăn các loại hạt, đậu, và rau đậu. Ngoài hàm lượng axit béo omega-3 cao, loại thực phẩm này giàu chất xơ và hóa học thực vật. DASH khuyến cáo nên ăn từ 4 đến 6 phần mỗi tuần thay vì hằng ngày.
    • Sự hạn chế này là do nhóm thực phẩm có hàm lượng calo cao và chỉ nên tiêu thụ có chừng mực.
    • Ưu tiên các loại hạt như là hạnh nhân, hạt lanh, hồ đào, hướng dương, đậu lăng, đậu Hà Lan và đậu tây.
  8. Giảm tiêu thụ các loại đồ ngọt. Bạn chỉ nên ăn 5 phần chất ngọt mỗi tuần nếu muốn tuân thủ nghiêm ngặt chế độ DASH. Nếu thích ăn đồ ngọt, bạn nên loại ít béo hoặc không béo chẳng hạn như kem trái cây hoặc bánh quy giòn.

Uống thuốc[sửa]

  1. Xác định nhu cầu dùng thuốc. Thường thì việc thay đổi lối sống chưa đủ để hạ huyết áp xuống mức bình thường. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ phải tìm đến sự trợ giúp của thuốc men. Trong trường hợp này, biện pháp điều trị hiệu quả nhất đó là kết hợp thay đổi lối sống và uống thuốc. Đôi khi bạn cần phải uống nhiều loại thuốc cùng lúc. Quá trình điều trị ban đầu huyết áp cao sẽ cần đến một vài loại thuốc khác nhau.
  2. Tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc lợi tiểu thiazide. Các thuốc như chlorthalidone và hydrochlorothiazide, được cho là có tác dụng giảm khối lượng chất lỏng trong cơ thể và thư giãn mạch máu. Bạn nên uống thuốc này một lần một ngày.
    • Tác dụng phụ của loại thuốc này làm giảm kali, khiến cho cơ bị suy yếu và rối loạn nhịp tim, cũng như hạ thành phần natri gây nên chóng mặt, nôn mửa, và mệt mỏi.[20]
  3. Dùng thuốc chặn kênh canxi. Các chế phẩm này là amlodipine, nicardipine, nifedipine, verapamil, hoặc diltiazem. Chúng có tác dụng thư giãn cơ bắp thành mạch máu. Nói chung, bạn nên uống từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.
    • Một số tác dụng phụ bao gồm sưng chân và giảm nhịp tim.[21]
  4. Dùng thuốc ức chế men chuyển hóa Angiotensin (ACE). Thuốc ức chế ACE và thuốc ức chế nội tiết tố Angiotensin II là những loại thuốc có tác dụng ức chế nội tiết tố có tên gọi Angiotensin II làm hẹp mạch máu. Ngoài ra chúng còn làm cho cơ thể tích trữ nước. Bạn nên dùng thuốc từ 1 đến 3 lần một ngày.
    • Tác dụng phụ chủ yếu bao gồm huyết áp thấp và nhịp tim thấp gây chóng mặt và ngất xỉu. Ngoài ra chúng còn làm tăng nồng độ kali gây yếu cơ, rối loạn nhịp tim, và ho. Khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế ACE đều bị ho khan từ 1 đến 2 tuần kể từ khi dùng thuốc.
    • Thuốc ức chế ACE và ARB có tác dụng đối với bệnh nhân ở độ tuổi từ 22-51.[22][23]
  5. Sử dụng thuốc điều hòa nhịp tim và hạ huyết áp. Bạn có thể dùng những loại thuốc này nếu không bị phản ứng với các loại thuốc khác. Chúng hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu từ dây thần kinh và nội tiết tố trong cơ thể gây hẹp mạch máu. Bạn nên dùng thuốc từ 1 đến 3 lần mỗi ngày.
    • Tác dụng phụ của thuốc điều hòa hoạt động tim bao gồm ho (nếu bệnh nhân bị hen suyễn hoặc dị ứng) và khó thở, hạ đường huyết, tăng nồng độ kali, trầm cảm, mệt mỏi, và suy giảm chức năng tình dục.
    • Tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp bao gồm đau đầu, buồn nôn, yếu ớt, và tăng cân.
    • Thuốc điều hòa hoạt động tim có hiệu quả đối với bệnh nhân ở độ tuổi từ 22 đến 51.[24][25]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn có thể giữ mức huyết áp bình thường từ một đến hai năm, bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm dùng thuốc hoặc ngưng hoàn toàn. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu bạn duy trì kiểm soát những thay đổi này. Mục tiêu chính là ngăn ngừa huyết áp cao, và nếu có thay đổi lối sống, giảm cân và hạn chế hấp thụ muối, bạn sẽ có thể giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc hoàn toàn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/understanding-high-blood-pressure-basics
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 http://www.uptodate.com/contents/overview-of-hypertension-in-adults?source=search_result&search=hypertension&selectedTitle=1~150
  3. 3,0 3,1 http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/blood-pressure-causes
  4. http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/blood-pressure-causes?page=2
  5. http://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/understanding-high-blood-pressure-basics?page=2
  6. 6,0 6,1 http://www.heart.org/HEARTORG/GettingHealthy/PhysicalActivity/FitnessBasics/American-Heart-Association-Recommendations-for-Physical-Activity-in-Adults_UCM_307976_Article.jsp
  7. http://www.uptodate.com/contents/exercise-in-the-treatment-and-prevention-of-hypertension?source=see_link&sectionName=EFFICACY&anchor=H2#H2
  8. http://www.cdc.gov/physicalactivity/everyone/guidelines/index.html
  9. http://www.uptodate.com/contents/acupuncture?source=search_result&search=acupuncture+hypertension&selectedTitle=1~150
  10. http://www.mayoclinic.com/health/blood-pressure/AN00318
  11. http://www.uptodate.com/contents/smoking-and-hypertension?source=search_result&search=smoking+and+hypertension&selectedTitle=1~150
  12. http://www.naturalherbalbloodpressureremedies.com/2010/03/holly-leaf-extract-lowers-blood.html
  13. http://www.herbwisdom.com/herb-hawthorn-berry.html
  14. http://www.worldhealth.net/news/garlic-extract-reduces-high-blood-pressure/
  15. http://everydayroots.com/high-blood-pressure-remedies
  16. http://www.uptodate.com/contents/diet-in-the-treatment-and-prevention-of-hypertension?source=see_link
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.mayoclinic.com/health/dash-diet/HI00047
  18. http://www.cdc.gov/salt/
  19. http://www.uptodate.com/contents/salt-intake-salt-restriction-and-primary-essential-hypertension?source=see_link
  20. http://www.uptodate.com/contents/use-of-thiazide-diuretics-in-patients-with-primary-essential-hypertension?source=search_result&search=thiazide+diuretics&selectedTitle=1~150#H3
  21. http://www.uptodate.com/contents/major-side-effects-and-safety-of-calcium-channel-blockers?source=search_result&search=calcium+channel+blockers&selectedTitle=1~150#H1
  22. http://www.uptodate.com/contents/major-side-effects-of-angiotensin-converting-enzyme-inhibitors-and-angiotensin-ii-receptor-blockers?source=search_result&search=ace+inhibitors&selectedTitle=1~150
  23. http://www.uptodate.com/contents/angiotensin-converting-enzyme-inhibitors-and-receptor-blockers-in-heart-failure-mechanisms-of-action?source=search_result&search=ace+inhibitors&selectedTitle=4~150
  24. http://www.uptodate.com/contents/major-side-effects-of-beta-blockers?source=search_result&search=beta+blockers&selectedTitle=1~150
  25. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/in-depth/alpha-blockers/art-20044214?pg=2

Liên kết đến đây