Học hiệu quả hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Biết cách học hiệu quả hơn, bạn sẽ có thể học được nhiều hơn, cải thiện thể hiện của bản thân trong các bài kiểm tra và tận dụng tối đa mỗi phút được dùng cho việc học. Học cách học tập hiệu quả hơn nghĩa là nhận biết điều gì đem lại hiệu quả tốt nhất dành cho bạn và tận dụng những lợi thế của việc là một sinh viên để trở nên xuất sắc trong trường lớp. Nếu muốn biết cách học hiệu quả hơn, hãy làm theo những bước đơn giản dưới đây.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị cho việc học[sửa]

  1. Có một kế hoạch chi tiết. Một khi đã hiểu được bản thân sẽ phải học điều gì, đó sẽ là lúc để hoàn thành kế hoạch chi tiết - kế hoạch giúp bạn sử dụng thời gian một cách tốt nhất, chuẩn bị trước cho kỳ kiểm tra hay bài tập để đến tránh rơi vào tình trạng nhồi nhét đêm trước khi thi, khiến bản thân phải đau đầu hay nhận điểm kém. Đây là những gì bạn nên làm:
    • Luôn có sổ kế hoạch. Liệt kê toàn bộ khóa học, hoạt động và tương tác xã hội của bạn. Xem qua sổ kế hoạch, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn tuần, tháng hay thậm chí, học kỳ của bản thân sẽ như thế nào. Đồng thời, nó cũng giúp nhận biết khi nào bạn sẽ có một tuần thật sự bận rộn và khi nào bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi.
    • Dù học để chuẩn bị cho kiểm tra hay chỉ là để theo kịp bài, hãy sắp xếp thời gian "học" khoảng một vài giờ mỗi tuần. Nghiêm túc với thời gian học định trước này, xem nó như một lớp học thật sự. Nếu bạn bè muốn hẹn hò trong thời gian đó, hãy nói rằng bạn đang bận và sẽ phải thu xếp lại thời gian.
    • Cố gắng cố định thời gian học trong ngày. Chọn thời điểm đầu óc tỉnh táo nhất. Một số người thích nghiên cứu tài liệu ngay sau buổi học, khi mà nội dung học còn tươi mới trong tâm trí. Một số khác cần thời gian nghỉ ngơi trước khi có thể học tiếp.
    • Đừng lên kế hoạch học trong vòng một giờ trước khi bắt đầu kiểm tra. Trong lịch, hãy để đó là thời gian "thư giãn". Nếu tuân thủ kế hoạch, chắc hẳn, tại thời điểm đó, bạn đã sẵn sàng cho bài kiểm tra!
    • Xây dựng nội dung chương trình cho toàn bộ thời gian học của bạn. Lên danh sách chi tiết cho những chương, khái niệm hay ý tưởng sẽ hoàn thành ở mỗi buổi học đã được tự sắp xếp từ trước. Danh sách này sẽ được tinh chỉnh thêm một khi hiểu rõ hơn nội dung học phần.
    • Lên nội dung học cho mỗi buổi. Trước khi lao vào một buổi học, lên danh sách chi tiết một vài nội dung bạn sẽ hoàn thành trong mỗi buổi. Đánh dấu hoàn tất cho mỗi mục khi đã hoàn thành.
    • Đừng quên bao gồm duy trì sức khỏe trong kế hoạch của bạn. Bạn vẫn nên có đủ thời gian để ngủ ít nhất 6-8 giờ mỗi đêm và tập thể dục 30 phút mỗi ngày hay 1 giờ vài lần một tuần, kể cả trong giai đoạn học tập căng thẳng và mệt mỏi. Đừng quên rằng nếu tâm trí và cơ thể không khỏe mạnh, bạn cũng sẽ không thể hiện tốt ở bài kiểm tra. Dù có thể ngủ và tập luyện ít hơn đôi chút, đừng loại bỏ hoàn toàn những hoạt động quan trọng này.
  2. Có thái độ đúng đắn. Thái độ đúng mực sẽ cho bạn suy nghĩ tích cực, giúp bạn sẵn sàng và hứng thú hơn với việc học. Thái độ không tốt có thể khiến bạn cảm thấy thua cuộc kể cả trước khi bắt đầu, gây khó khăn cho việc tập trung và tiếp thu kiến thức. Trước khi bắt đầu hành trình học tập của mình, bạn nên tự nhủ một số điều để duy trì thái độ đúng đắn.
    • Nhớ rằng bạn không chỉ học để được điểm 10 mà là để có kiến thức. Đó là lý do bạn đến trường, chẳng phải sao? Và nó thật là tuyệt.
    • Nói với chính mình rằng bạn sẽ thành công nhờ chuyên cần. Kể cả khi không trông chờ điểm 10, hãy nhắc nhở bản thân rằng chủ động học tập hiệu quả hơn sẽ có tác dụng lâu dài lên điểm số và giúp bạn trở thành một con người siêng năng hơn. Đừng tự nói mình sẽ thất bại cho dù nỗ lực đến thế nào, bằng không, điều đó sẽ thực sự đến.
    • Đừng quan tâm đến việc người khác học thế nào. Đừng so sánh bản thân với người bạn học 80 giờ một tuần hay người bạn khác luôn thành công ở trường mà dường như chẳng bao giờ học. Hãy tập trung vào việc tìm ra cách học hiệu quả nhất với bạn.
    • Đừng bị ám ảnh bởi điểm số trong bài kiểm tra sắp tới. Dù rõ ràng, điểm số tốt là điều mà bạn mong muốn, đừng để việc sẽ thực sự thể hiện thế nào ám ảnh quá nhiều cho đến khi bắt đầu làm bài kiểm tra. Nếu không, bạn sẽ không thể dồn sức để thực sự học và chuẩn bị cho điều đó.

Bắt đầu học[sửa]

  1. Chọn môi trường học phù hợp. Nhớ rằng môi trường học tập phù hợp với ai khác có thể không phải là môi trường tốt nhất dành cho bạn. Chọn môi trường học phù hợp nghĩa là chọn một nơi khiến bạn cảm thấy "như cá gặp nước" và không bị phân tâm. Một số người thích học với nhạc nền, một số khác lại cần không gian tĩnh lặng hoàn toàn để học. Trước khi chọn cho mình một chỗ học hoàn hảo, hãy tiến hành nhiệm vụ trinh sát để tìm nơi thích hợp. Đây là một vài điều cần cân nhắc khi lựa chọn môi trường tốt nhất dành cho bạn:
    • Chọn nơi không làm bạn xao nhãng. Tránh ở gần ti vi hay đến những nơi mọi người đang trao đổi và cười đùa vui vẻ. Nếu cần máy tính để học nhưng internet là yếu tố gây sao nhãng lớn với bạn, hãy chọn một nơi không có Wifi.
    • Có thể học trong phòng ký túc xá nhưng đừng làm vậy nếu bạn cùng phòng luôn ở quanh và bạn sẽ muốn trò chuyện với bạn ấy hơn là học chuẩn bị cho bài kiểm tra quan trọng. Nếu học ở ký túc xá, hãy đóng cửa phòng hoặc để bảng thông báo không quấy rầy.
    • Chọn một nơi với mức ồn phù hợp. Nếu muốn yên tĩnh hoàn toàn, hãy đến thư viện. Bạn sẽ được bao quanh bởi những sinh viên khác và điều này sẽ tạo thêm động lực học tập cho bạn. Nếu muốn có một chút âm thanh nền, hãy thử một quán cà phê yên tĩnh.
    • Chọn nơi có ánh sáng đầy đủ. Quán cà phê với ánh sáng mờ có thể trông tuyệt hơn nhưng sẽ làm hại mắt và khiến bạn dễ dàng buồn ngủ.
    • Chọn một nơi không quá nóng. Nhiệt độ khó chịu có thể khiến bạn muốn nằm thật thoải mái và ngủ một giấc. Hãy chọn nơi mát mẻ dễ chịu để có thể duy trì tỉnh táo.
    • Tìm một nơi thực sự khiến bạn cảm thấy hứng thú học tập. Khó để miêu tả nhưng bạn sẽ biết một khi bắt gặp. Đó sẽ là nơi mà ở đó, bạn cảm thấy thật sáng suốt, có thể làm bất cứ điều gì và đầy động lực ngay khi bước chân vào. Thậm chí, bạn còn có thể có một chiếc ghế hay góc học tập yêu thích trong thư viện hay phòng học chung, nơi thực sự đem lại cảm giác này cho bạn. Hãy tìm nơi phù hợp với bạn và kiên trì với nó.
    • Nếu cảm thấy âm nhạc giúp bạn tập trung, hãy tạo danh sách nhạc trong điện thoại hay thiết bị chơi nhạc để tránh bị thôi thúc sử dụng máy tính và lướt web. Nếu nghe nhạc, đảm bảo rằng đó là nhạc thư giãn, giúp bình tâm và tập trung vào những điều đang làm. Đôi khi, nhạc thư giãn không lời được khuyên dùng hơn bởi não bộ sẽ tự động tập trung dõi theo lời bài hát thay vì đọc và ghi nhớ những gì trong giáo trình.
    • Nghiên cứu cho thấy học ở khu vực gần gũi với thiên nhiên sẽ đem lại nhiều lợi ích. Hãy cân nhắc trang trí khu vực học tập bằng một vài cây xanh hoặc hoa để duy trì cân bằng giữa học tập và đồng thời, trân trọng thiên nhiên quanh bạn.
    • Nhớ rằng thời gian học trong ngày cũng quan trọng không kém môi trường. Nếu là một chú chim dậy sớm và tư duy tốt nhất vào buổi sáng, hãy tối đa hóa thời gian học sáng của bạn. Nếu là cú đêm và tập trung tốt nhất khi mặt trời đã lặn, vậy hãy tuân theo nếp sống của bạn. Nếu thích học buổi tối, đảm bảo ngủ đủ giấc là rất quan trọng bởi não bộ cần được nghỉ ngơi tốt để có thể hoạt động hiệu quả.
    • Đừng nên chọn chỗ học trong phòng ngủ bởi trong lúc phòng ngủ được bạn liên hệ với nghỉ ngơi hay dùng thời gian rảnh rỗi, góc học tập sẽ được liên hệ với tập trung và học hành. Hãy chắc là bạn không dành cả ngày trong một phòng bởi sau cùng, sự thay đổi môi trường sẽ tốt cho bạn.
  2. Mang theo đồ dùng phù hợp. Một khi đã chọn được vị trí học tập trong mơ, tiếp đến, bạn cần trang bị cho mình những vật dụng cần thiết. Biết cần gì để có thể học tập cũng quan trọng như nhận biết vật gì là không cần. Một khi đã xác định được chính xác điều bạn cần, bạn thậm chí có thể viết một danh sách liệt kê để biết thứ có tác dụng với bạn mọi lúc. Dưới đây là một số gợi ý để cân nhắc:
    • Trước hết, hiển nhiên là dụng cụ học tập. Hãy đem theo giáo trình, ít nhất hai thiết bị để viết, một tập ghi chép và thẻ ghi nhớ hay bất kỳ thứ gì được bạn dùng để học.
    • Mang theo bút dạ quang và bút nhiều màu để ghi chú thêm hiệu quả.
    • Mang những miếng dán để đánh dấu phần quan trọng trong giáo trình và ghi chép.
    • Mang theo máy vi tính nếu cần. Có thể bạn thật sự cần một chiếc máy vi tính để tìm kiếm thông tin trực tuyến hoặc tham khảo các ghi chú có sẵn trên mạng. Nhưng, cần nhớ rằng máy tính chứa đầy những thứ gây mất tập trung như thư điện tử, Facebook và bất kỳ trang web mà bạn muốn truy cập. In mọi ghi chú có trên mạng và đem chúng theo. Dù rời xa chiếc máy tính yêu quý có thể khó khăn, hãy tự nhủ: khi làm vậy, bạn sẽ không chỉ tập trung tốt hơn mà còn tốn ít thời gian hơn cho việc học.
    • Mặc đồ nhiều lớp. Đừng khoác lên người chiếc áo len nặng nhất của bạn. Hãy mặc thứ gì đó nhẹ nhàng, thoải mái và cầm theo một chiếc áo len hay áo nỉ. Nếu cảm thấy quá nóng khi ngồi học và không thể cởi bớt hoặc hoàn toàn lạnh cóng nhưng lại không có gì để giữ ấm thêm, bạn sẽ không thể tập trung vào việc cần làm.
    • Mang theo các món ăn nhẹ. Bạn nên ăn nhẹ khi học để giữ năng lượng ở mức cao và không để bản thân trở nên mệt mỏi. Ăn nhẹ cũng giúp bạn tránh xa những bữa ăn lớn nhiều dầu mỡ, thứ sẽ khiến bạn muốn lăn ra ngủ ngay giữa buổi học. Hãy mang theo các loại hạt như hạnh nhân, điều và óc chó, trái cây dễ mang như chuối và táo hay một hai thanh bánh, sô-cô-la. Những thức ăn này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn có thể thực sự cải thiện chức năng nhận thức.[1] Bạn cũng có thể cho nho hay nho khô vào hộp.
    • Nếu nghiền cafein, hãy mang theo một tách trà hay cà phê hoặc học ở nơi có thể cấp cho bạn lượng cafein cần thiết. Chỉ cần đừng làm quá và loạng choạng vì uống quá nhiều cafein cùng một lúc. Tránh mang theo nước tăng lực khi học. Dù có thể giúp bạn tỉnh táo trong chốc lát nhưng bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi một khi cạn kiệt năng lượng.
    • Luôn mang một chai nước bên mình. Đừng quên đảm bảo cơ thể được đủ nước.
    • Mang tai nghe và nhạc dành cho việc học mà bạn yêu thích. Nó sẽ giúp bạn học tập hiệu quả.
    • Đừng mang theo bất kỳ thứ gì có thể khiến bạn phân tâm. Bạn có thật sự cần điện thoại trong bốn giờ đồng hồ tới? Nếu có, hãy cố tắt máy. Đừng mang theo tiểu thuyết bỏ túi mới đang yêu thích trừ khi bạn muốn đọc đôi chút như là phần thưởng cho việc hoàn thành học tập một cách nghiêm túc.
    • Tránh mang quá nhiều. Hãy chắc rằng mọi thứ trong túi hay cặp xách của bạn là cần thiết cho buổi học. Khi mọi thứ rõ ràng, ngăn nắp hơn trong cuộc sống, đầu óc bạn cũng sẽ bớt hỗn độn hơn.
  3. Học bằng nhiều phương pháp. Học bằng nhiều phương pháp sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn và đồng thời, đa dạng hóa thói quen học tập, duy trì sự thú vị. Dưới đây là một vài cách học:
    • Dùng ghi chú và giáo trình, lập tóm tắt bài học. Đảm bảo rằng bạn đã viết tóm tắt bằng ngôn ngữ của chính mình, nhờ đó, thực sự học mà không phải chỉ là sao chép lại. Tóm tắt là cách tuyệt vời để học bài và sắp xếp suy nghĩ của bạn.
    • Dùng thẻ ghi nhớ. Viết những thuật ngữ quan trọng nhất lên thẻ và tự kiểm tra hay làm điều đó với một người bạn để thấy bản thân đã nhớ được bao nhiêu thuật ngữ. Đặt thuật ngữ bạn biết vào chồng "hoàn thành" và những thuật ngữ chưa chắc chắn vào chồng "cần học thêm". Tiếp tục tự kiểm tra cho đến khi mọi thứ đều nằm ở "hoàn thành". Thẻ ghi nhớ đặc biệt hữu hiệu khi học ngoại ngữ hoặc tham gia lớp lịch sử với nhiều số liệu lịch sử và thuật ngữ khác nhau. Bạn cũng có thể học thẻ ghi nhớ trên xe buýt nếu cần.
    • Dùng kỹ thuật hỗ trợ trí nhớ. Chúng là cách tuyệt vời để nhớ danh sách những thuật ngữ phức tạp, chẳng hạn như dùng "khi nào cần may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng áo phi âu" để ghi nhớ thứ tự dãy hoạt động hóa học của kim loại trong môn hóa (đại diện cho dãy K Na Ca Mg Al Zn Fe Ni Sn Pb H Cu Hg Ag Pt Au).
    • Viết lại ghi chép của bạn. Nếu đánh máy, hãy chép tay lại. Nếu bạn đã viết tay, vậy giờ hãy đánh máy. Nhớ thay đổi cấu trúc câu và diễn dịch lại để thật sự hiểu những gì bạn đã ghi chép trên lớp. Nhiều khả năng bạn đã viết quá vội vàng, đến nỗi không chú tâm vào ý nghĩa của chúng.
    • Làm đề luyện tập. Nếu thầy cô hay giáo sư ra đề luyện tập hoặc nếu có phần này ở cuối giáo trình, chúng có thể giúp bạn làm quen với trạng thái thi cử. Bạn cũng có thể tìm thấy niềm vui trong việc lên câu hỏi luyện tập khi học nhóm.
    • Xây dựng một trò chơi. Nếu học nhóm, xây dựng trò chơi hoặc tổ chức thi đấu có thể giúp các bạn không những nắm bài mà còn tạo được niềm vui trong học tập.
  4. Sử dụng nguồn tài nguyên của bạn. Khi học, đừng quên rằng đằng sau giáo trình và vở ghi chép còn có một lượng lớn tài nguyên dành cho bạn. Nếu đang đi học, chắc hẳn bạn vẫn còn đến trường và trường sẽ có vô số nguồn tài nguyên giúp bạn học hiệu quả hết mức có thể:
    • Thư viện luôn là một công cụ hữu ích. Sử dụng thư viện trường để tìm sách giúp bạn hiểu vấn đề tốt hơn hoặc trao đổi với thủ thư để biết liệu họ có thể giúp bạn tìm nguồn tài liệu bổ sung hay không.
    • Tận dụng giờ hành chính. Gặp giáo sư của bạn trong giờ làm việc với một vài câu hỏi và trao đổi với họ để hiểu rõ hơn tư liệu khóa học. Đến vào giờ làm việc cũng sẽ giúp giáo sư biết bạn là ai và chứng tỏ sự quan tâm của bạn với việc học.
    • Tham gia các buổi thảo luận. Dù không phải lớp nào cũng có giờ thảo luận nhưng nếu có, bạn nên cố gắng tham dự với một cây viết trong tay. Một số sinh viên thích bỏ qua chúng nhưng buổi thảo luận này lại là cơ hội giúp bạn có cái hiểu sâu sắc hơn về tư liệu học phần và trong nhiều trường hợp, tham dự sẽ có ích với điểm chuyên cần của bạn.
    • Nếu không có các buổi thảo luận, bạn vẫn nên trao đổi với trợ giảng (nếu có). Nếu lớp học lớn, trợ giảng có thể giúp bạn hiểu bài học tốt hơn và dành cho bạn sự quan tâm mang tính cá nhân hơn.
    • Tham gia học nhóm. Bất kể lớp được chia thành những nhóm học riêng biệt hay một nhóm những người bạn đang có kế hoạch học chung, bạn nên tận dụng lợi thế của việc học trong môi trường nhóm nhỏ. Học chỉ với 4-5 người cùng trình độ học vấn và động lực sẽ giúp bạn có được cách nhìn mới với bài học, học nhiều hơn thông qua việc đặt câu hỏi và giải đáp những thành viên khác của nhóm. Chỉ cần chắc rằng nhóm mà bạn tham gia là một nhóm hiệu quả và cam kết chính mình với việc học chứ không hề chây lười.
    • Học nhóm cũng tuyệt bởi chúng thường được tổ chức vào cùng một thời gian mỗi tuần, do đó, có thể giúp bạn hình thành thói quen học tập có hệ thống hơn.
  5. Nghỉ ngơi. Nhớ rằng dành thời gian giải lao cũng quan trọng như tập trung vào việc học. Trí óc làm việc tốt hơn khi giải lao ngắn mỗi 30 phút hay một giờ. Điều này hỗ trợ việc tiếp thu kiến thức và giảm căng thẳng, đồng thời, giúp trí óc trở nên sảng khoái hơn, sẵn sàng cho việc học tiếp. Nếu học liên tục trong vòng sáu giờ, bạn sẽ tự khiến mình phải đau đầu. Đây là những gì cần làm:
    • Đừng quên đi lại. Thử đi một vòng quanh thư viện, xếp hàng mua cà phê hay đi xuyên qua phòng học chung lấy nước. Nhờ đó, cơ thể thường xuyên di chuyển, giúp bạn tỉnh táo hơn và tạo điều kiện để mắt và cơ thể điều chỉnh từ việc dành thời gian ngồi một chỗ.
    • Hít thở không khí trong lành. Nếu đang nhốt mình trong thư viện, hãy giải phóng mình một lát bằng cách chuyển ra học ngoài trời hoặc đi dạo mười phút sau một lúc. Bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng trở lại và sẵn sàng để học tiếp.
    • Đừng quên ăn. Dù các món ăn phụ sẽ giúp bạn vượt qua buổi học đầy khắc nghiệt, đừng bỏ bữa để học được nhiều hơn. Tạm nghỉ để có một bữa trưa lành mạnh hay ăn những thực phẩm giúp bạn tiếp tục kiên trì như cá hay một ổ mỳ kẹp nguyên cám hoặc thậm chí là trứng. Tránh những thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc giàu chất béo để hệ tiêu hóa không phải làm việc quá sức.
    • Tự thưởng cho mình những phần thưởng nhỏ lúc này hay lúc khác. Tự nhủ rằng bạn có thể kiểm tra tài khoản Facebook một khi đọc xong Chương 1 hay bạn có thể mở điện thoại sau khi học được một giờ. Làm những gì cần thiết để có thêm động lực hoàn tất nhiệm vụ đề ra.
    • Biết thời điểm nghỉ ngơi. Khi mà tất cả những chữ trên trang sách đều bị mờ đi hay quá bận tâm đến điều gì đến nỗi không thể đọc được một câu nào, đó là lúc để giải lao. Nếu mắt nhắm lại mỗi lần mở sách và có cảm giác nặng như túi cát, đó là thời điểm để đi ngủ. Đừng tự ép bản thân học bài khi không còn khả năng làm điều đó một cách hiệu quả.
    • Đôi lúc, học có thể là nhiệm vụ khó khăn. Do đó, trao đổi với những người cũng đang trải qua tình huống tương tự để có được một vài lời khuyên từ họ sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đồng thời, bao gồm thành viên trong gia đình để họ có thể giúp đỡ bằng cách đảm bảo sức khỏe và môi trường học tập hiệu quả dành cho bạn cũng sẽ rất hữu dụng. Nếu cảm thấy bố mẹ luôn lén lút theo dõi những gì bạn đang làm thì đó không phải là họ muốn làm phiền mà chỉ đơn giản là họ muốn giúp đỡ để bạn có thể đạt được tiềm năng thực sự của bản thân. Nếu thích được một mình, hãy đơn giản nhờ họ giúp những việc như pha trà hay đưa bữa trưa đến cho bạn trong giờ nghỉ. Chúng sẽ giúp họ cảm thấy có ích và đồng thời, cũng giúp bạn: bạn sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Lời khuyên[sửa]

  • Đảm bảo rằng bạn biết mình đang học gì. Nếu chỉ đọc đi đọc lại câu chữ nhưng không hề chú tâm đến ý nghĩa của chúng, bạn sẽ chỉ phí hàng giờ cuộc đời để "học" mà chẳng hề biết thêm được điều gì. Hãy cố sắp xếp câu bằng ngôn từ của chính bạn để chứng tỏ với bản thân và những người khác rằng bạn biết rõ mình đang học gì.
  • Tránh trì hoãn. Nhồi nhét không chỉ là phương pháp học tập kém hiệu quả mà nó cũng áp lực và bức bối hơn rất nhiều. Hãy nhớ rằng học từng chút một mỗi ngày hiệu quả hơn so với học rất nhiều trong cùng một lúc.
  • Cầm trên tay một cây viết dạ quang khi đọc ghi chú có thể sẽ rất hữu ích bởi lúc này, bạn có thể đánh dấu những điểm rất quan trọng hoặc được giáo viên cho biết có thể sẽ hữu ích cho bài kiểm tra!
  • Trước khi học, tự hỏi bản thân khóa học khắc nghiệt đến mức nào. Đó là lớp học mà một điểm C đã là may mắn hay mọi người ai cũng có thể có điểm A? Ý thức được những gì sẽ đối mặt khi bước vào bài thi sẽ giúp bạn điều chỉnh thói quen học tập.
  • Không phải lúc nào giáo viên cũng sẽ tiết lộ lịch thi. Nếu không biết khi nào bài thi sẽ diễn ra, hãy học ít nhất 20 phút mỗi ngày về chủ đề mà bạn đang được học. Một khi giáo viên thông báo lịch thi, bắt đầu học ít nhất 45 phút mỗi ngày. Học hàng ngày, bất kể có lịch thi hay không, sẽ giúp bạn cải thiện điểm số.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]