Kính hiển vi dùng cho phẫu thuật u não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm phẫu thuật thần kinh Đại học Goettingen (Đức) đã ứng dụng công nghệ OCT kết hợp với kính hiển vi để cho ra đời chiếc kính hiển vi đầu tiên dùng cho phẫu thuật các khối u trong não.

OCT (Optical coherence tomography) giúp thu và xử lý các tín hiệu quang học cho phép quan sát cấu trúc vật thể với với hình ảnh không gian ba chiều ở độ phân giải cao (ở kích thước micrô mét). OCT đã được đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học, quan sát các mô của cơ thể... OCT cũng có khả năng cho hình ảnh với độ phân giải nhỏ hơn micrô mét phụ thuộc vào bước sóng của nguồn sáng được sử dụng. Các tia la de với phổ sáng xấp xỉ 100 nano mét có thể giúp thực hiện công việc này. OCT giúp chúng ta quan sát cấu trúc bên trong của vật thể với chiều sâu gấp khoảng 3 lần so với phương pháp phát triển gần đây và được coi như đối thủ cạnh tranh là confocal microscopy.

Tuy nhiên, tích hợp công nghệ OCT với chức năng của kính hiển vi để ứng dụng trong quan sát và phẫu thuật các khối u trong não bộ, đặc biệt là ứng dụng OCT trong phát hiện các tế bào khối u di căn là kỹ thuật hoàn toàn mới và cần thiết vì ranh giới giữa phần mô khối u (đặc biệt là u ác tính) và mô lành trong não thường không rõ ràng. Giáo sư Veit Rohde, chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật thần kinh thuộc ĐH Goettingen cho rằng đây là công việc có thể thực hiện được. Ông cũng cho biết kính hiển vi ứng dụng OCT giúp các nhà phẫu thuật thần kinh thao tác với độ chính xác cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, nó cho phép phát hiện các tế bào khối u còn sót lại hay nằm trong các mô não lành xung quanh. Thiết bị tích hợp công nghệ này được phát triển bởi GS Rohde và đồng nghiệp của ông, GS Alf Giese, và được coi là chiếc kính hiển vi phẫu thuật u não duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm này. Trong quá trình phẫu thuật, phần mô được chiếu tia la de, quá trình quan sát, phân tích và chẩn đoán được tiến hành song song. Các bệnh nhân đầu tiên đã được phẫu thuật với sự hỗ trợ của chiếc kính hiển vi này tại Goettingen. Các tác giả cũng cho rằng việc ứng dụng thiết bị tích hợp công nghệ này để phân biệt các tế bào khối u, tế bào đã bị chết trong vùng mô não bị tổn thương có thể được thực hiện trong tương lai và hy vọng những cải tiến mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị u não bằng phương pháp phẫu thuật giúp kéo dài tuổi thọ bệnh nhân u não ác tính. <veterinary>

Nguồn: Goettinger Tageblatt, 15.8.2008

Liên kết đến đây