Làm dịu mắt đau nhức

Từ VLOS
(đổi hướng từ Làm Dịu Mắt Đau nhức)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có nhiều yếu tố gây nhức mỏi mắt, nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là sử dụng mắt với cường độ cao hoặc mắt bị căng. Mắt có thể bị căng khi bạn làm việc trong phòng có ánh sáng yếu, lái xe trong thời gian dài, không đeo kính khi cần thiết hoặc nhìn quá lâu vào một chỗ (ví dụ như màn hình vi tính).[1] Nhức mắt còn có thể do chứng đau đầu, tăng nhãn áp, dị vật rơi vào mắt, viêm xoang và kích ứng. Nếu mắt đau nhức suốt cả ngày, bạn có thể dùng một số cách trị liệu tại nhà giúp làm dịu mắt.

Các bước[sửa]

Giảm Căng Mắt[sửa]

  1. Dùng thuốc nhỏ mắt. Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo có thể làm ẩm mắt bị khô và giảm đau nhức. Bạn có thể dùng dung dịch muối (nước muối gần giống với muối trong nước mắt) hoặc thuốc nhỏ mắt. Tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
    • Đừng để bị lệ thuộc vào thuốc nhỏ mắt. Nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt thường xuyên, bạn phải chắc chắn nó không chứa dược chất hoặc chất bảo quản. Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa dược chất thực ra có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề về mắt.[2]
  2. Sử dụng gạc ấm. Đắp một miếng gạc ấm lên mắt cũng giúp làm giãn các cơ xung quanh mắt và do đó có thể giảm căng mắt và cảm giác giật giật của đôi mắt mệt mỏi. Bạn có thể dùng gạc ấm khô hoặc ẩm, tùy bạn thấy thế nào là dễ chịu nhất. Nếu đeo kính hay kính sát tròng, bạn phải tháo ra trước khi đắp gạc.[3]
    • Nếu dùng gạc khô, bạn dùng một chiếc tất đổ đầy gạo hoặc hạt đậu sống vào và buộc kín lại. Bỏ vào lò vi sóng khoảng 30 giây cho đến khi ấm lên nhưng không quá nóng. Đắp băng gạc lên mắt.
    • Nếu dùng gạc ẩm, thấm ướt một miếng vải sạch hoặc một xấp khăn giấy với nước ấm (hơi nóng, nhưng không quá nóng). Đắp miếng vải lên mắt. Bạn cũng có thể dùng lòng bàn tay ấn nhẹ nếu muốn, nhưng đừng ép quá mạnh. Để yên trên mắt cho đến khi nguội hẳn.
  3. Sử dụng lòng bàn tay như một miếng gạc. Dùng lòng bàn tay nhẹ nhàng áp lên vùng mắt có thể giúp bạn đỡ căng mắt và bớt đau nhức. Nếu có đeo kính hoặc kính sát tròng, bạn hãy tháo ra trước khi dùng tay thay gạc đặt lên mắt.
    • Bắt chéo hai bàn tay, lòng bàn tay hướng vào người.
    • Nhẹ nhàng áp lòng bàn tay lên mắt.
    • Tiếp tục giữ trong vòng 30 giây, sau đó thả lỏng. Thực hiện lại nhiều lần nếu cần để giảm đau nhức mắt.
  4. Dùng túi trà thảo mộc làm gạc. Một số loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, hải cẩu vàng, eyebright, hoa cúc xuxi, oregon grape/barberry có chứa thành phần kháng viêm có thể làm dịu mắt.[4] Mặc dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh túi trà có hiệu quả hơn các loại gạc khác, nhưng bạn có thể thấy mùi hương của thảo mộc rất dễ chịu.[5]
    • Cho hai túi trà vào ca và rót nước sôi vào. Ngâm trà khoảng 5 phút hoặc đến khi nước vẫn còn ấm mà không nóng.
    • Vắt bớt nước hai túi trà và đắp mỗi bên mắt một túi. Ngả đầu ra sau và thả lỏng. Bỏ túi trà ra khi đã nguội hẳn. Bạn có thể thực hiện nhiều lần nếu muốn.
    • Nếu không có túi trà, bạn có thể lấy một chiếc tất da ngắn đến đầu gối, cắt phần ngón chân đi, cho thảo mộc khô vào, buộc lại và dùng như túi trà.
  5. Đảo mắt. Đây là vũ khí yêu thích của lứa tuổi teen, nhưng nó cũng có thể giúp bạn giảm căng mắt. Nhắm mắt lại và tập trung thở sâu trong lúc thực hiện những chuyển động sau:
    • Đảo mắt theo chiều kim đồng hồ. Sau đó đảo ngược lại. Như vậy là hoàn thành một lần đảo mắt.
    • Lặp lại 20 lần. Đầu tiên nên làm từ từ và mỗi lần lại nhanh hơn.
    • Thực hiện như vậy 2-4 lần mỗi ngày để giúp làm giảm và ngăn ngừa tình trạng căng mắt.
  6. Thường xuyên “cho mắt nghỉ”. Cho mắt nghỉ ngơi nhiều lần trong ngày theo nguyên tắc 20-20-20: cứ mỗi 20 phút, bạn để cho mắt nghỉ bằng cách nhìn vào một vật cách xa ít nhất 6 m trong ít nhất 20 giây.[6] Việc tập trung vào màn hình máy vi tính trong thời gian dài mà không cho mắt nghỉ ngơi có thể gây nhức mắt, đau đầu và thậm chí đau cơ.
    • Cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ, bạn cố gắng đứng lên, di chuyển xung quanh, phủi quần áo. Những động tác này sẽ giúp bạn tỉnh táo và giữ cho mắt khỏi căng ngay từ đầu.
  7. Thả lỏng. Hồi hộp, áp lực và căng cơ có thể gây căng và nhức mắt. Bạn hãy hít thở sâu vài lần, vung vẩy tay chân và xoay tròn đầu. Đứng dậy và bước đi nhanh. Làm vài động tác duỗi cơ thể. Bạn cũng có thể dùng phương pháp tăng thư giãn cơ trên mắt để giảm nhức và giảm căng mắt.[7]
    • Tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái để khỏi bị xao lãng nếu được. Thở sâu và đều.
    • Nhắm chặt mắt hết sức có thể. Giữ như vậy trong 10 giây, sau đó thả lỏng và mở mắt.
    • Nhướng chân mày càng cao càng tốt. Làm sao để bạn cảm thấy như mở mắt to hết mức. Giữ như vậy trong 10 giây, sau đó thả lỏng.
    • Lặp lại những bài tập này nhiều lần trong ngày nếu cần.

Ngăn ngừa Nhức Mắt[sửa]

  1. Giữ ẩm cho mắt. Ngồi trước màn hình vi tính trong nhiều giờ có thể làm giảm số lần chớp mắt và khiến mắt bị khô. Cố gắng chớp mắt thường xuyên để giữ ẩm cho mắt. Nếu vẫn không hiệu quả, bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo.[6]
    • Nếu sử dụng nước mắt nhân tạo có chất bảo quản, bạn không nên dùng quá 4 lần một ngày. Dùng loại nước nhỏ mắt này quá thường xuyên thực ra có thể làm nặng thêm những vấn đề về mắt! Nếu trong nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản thì bạn có thể dùng theo nhu cầu.
    • Dùng máy tạo ẩm có thể giúp giữ ẩm cho mắt và làm mắt tươi mát lại.
  2. Uống nhiều nước. Việc không uống đủ nước có thể khiến mắt có cảm giác khô, ngứa và nhức. Nếu bị mất nước, bạn không thể sản xuất đủ nước mắt để giữ ẩm cho mắt. Nam giới mỗi ngày cần uống ít nhất 13 cốc nước (3 lít). Phụ nữ cần uống ít nhất 9 cốc (2,2 lít) mỗi ngày.[8]
  3. Tẩy trang. Lớp mỹ phẩm trang điểm có thể bít các tuyến nhờn trên da, gây kích ứng và thậm chí viêm nhiễm. Bạn hãy chú ý rửa sạch mỹ phẩm như mascara và phấn mắt.
    • Bạn có thể dùng dầu gội em bé hoặc sản phẩm tẩy trang đặc biệt dùng cho mắt. Quan trọng nhất là phải đảm bảo tẩy sạch mỹ phẩm mỗi ngày.
  4. Chọn loại mỹ phẩm không gây kích ứng. Việc này cần có thử nghiệm và sai sót. Ngay cả những nhãn hiệu ghi “ít gây dị ứng” vẫn có thể gây kích ứng mắt. Bạn nên thử dùng một lượng nhỏ các loại mỹ phẩm khác nhau dành cho mắt nhạy cảm để tìm ra loại phù hợp nhất cho mình.
    • Nếu vẫn tiếp tục có vấn đề với mỹ phẩm, bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể giới thiệu loại mỹ phẩm không gây kích ứng cho mắt của bạn.
  5. Xoa rửa mí mắt. Nếu mắt bị khô, đỏ và ngứa, bạn có thể thấy đỡ hơn khi rửa mí mắt. Bạn có thể dùng dầu gội em bé hoặc một loại dầu gội nhẹ, không kích ứng và không chứa sulfate để rửa mí mắt.[2] Rửa mắt có thể giúp chất dầu tự nhiên trên da bạn lưu thông tốt và cung cấp dầu tốt hơn cho mắt.[9]
    • Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước ấm.
    • Hòa một phần dầu gội em bé và một phần nước ấm với tỷ lệ bằng nhau vào một bát nhỏ.
    • Dùng một miếng vải sạch (mỗi miếng vải cho một bên mắt), nhẹ nhàng xoa dung dịch lên lông mi và viền mí mắt.
    • Rửa sạch bằng nước ấm.
    • Rửa mỗi ngày hai lần.
  6. Để ánh sáng chiếu từ sau lưng tới. Khi bạn đọc sách, ánh sáng phản chiếu từ trang giấy hay màn hình có thể gây lóa và làm nhức mắt. Đặt đèn bàn hoặc nguồn sáng sau lưng bạn, hoặc dùng chao đèn.[10]
  7. Tạo thói quen tốt khi làm việc. Việc tạo tư thế đúng khi làm việc có thể giúp bạn ngăn ngừa chứng nhức mắt. Cúi người xuống bàn vi tính không những có thể làm căng mắt mà con gây đau cơ và mệt mỏi.[11]
    • Ngồi cách màn hình vi tính ít nhất 50 – 60 cm. Đặt máy ở độ cao vừa phải sao cho bạn không phải khom người hoặc ngước mắt lên nhìn.
    • Giảm chói. Sử dụng bộ lọc màn hình vi tính và thay đổi ánh sáng trong văn phòng nếu có thể. Các loại đèn huỳnh quang kiểu cũ phát ra ánh sáng nhấp nháy có thể gây căng mắt và nhức đầu. Bóng đèn huỳnh quang compact kiểu mới (CFL) không bị những hiệu ứng này.[12]
  8. Tránh hút thuốc và những chất khác gây kích ứng. Nếu mắt của bạn thường xuyên đỏ, ngứa, chảy nước mắt hoặc mệt mỏi, có lẽ là nó đang phản ứng với chất gì đó trong môi trường. Những chất kích ứng thường gặp là khói thuốc lá, khói mù và lông thú cưng.[13]
    • Nếu mắt có ghèn đặc hoặc màu xanh, phải đến bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là một triệu chứng của bệnh viêm kết mạc.[14]
  9. Thư giãn. Cảm giác bị áp lực hoặc căng thẳng hồi hộp có thể gây đau mắt. Chỉ cần vài phút mỗi ngày dùng phương pháp thư giãn, bạn có thể duy trì một đôi mắt khỏe khoắn.[11]
    • Đặt hai khuỷu tay lên bàn làm việc. Hai lòng bàn tay hướng về mặt và úp mặt vào tay. Nhắm mắt và lấy hai tay che mắt. Hít không khí vào đầy bụng qua mũi. Nín hơi trong 4 giây rồi từ từ thở ra. Lặp lại nhiều lần trong ngày, mỗi lần 15 -20 giây.
    • Mát-xa mặt. Nhẹ nhàng mát-xa các cơ xung quanh mắt có thể giúp ngăn ngừa đau nhức mắt. Dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng xoa thành vòng tròn ở bầu mắt trên trong 10 giây. Tiếp đó, xoa những vòng tròn ở bầu mắt dưới trong 10 giây. Động tác này giúp kích thích tuyến nước mắt và thư giãn các cơ.[6]
    • Tạo áp lực nhẹ lên mặt. Nhẹ nhàng vỗ lên mặt có thể giảm căng mắt và khỏi cảm giác đau mỏi mắt. Vỗ nhẹ lên trán phía trên chân mày khoảng 2,5 cm. Sau đó vỗ nhẹ lên điểm vòng cung chân mày. Ấn nhẹ vào trán, chỗ giữa hai chân mày. Tiếp đó vỗ vào đầu chân mày, rồi đuôi chân mày. Cuối cùng, véo vào đầu sống mũi.[15]
  10. Đeo kính bảo vệ mắt. Nếu hàng ngày phải nhìn vào màn hình vi tính nhiều giờ, việc đeo kính bảo vệ có thể giúp bạn giảm căng mắt. Một số loại kính được thiết kế để bảo vệ mắt khỏi khô và nhức. Bạn hãy tìm loại tròng kính màu hổ phách có tác dụng làm giảm độ chói của màn hình vi tính.
    • Hiệu kính mắt Gunnar Optiks có nhiều loại kính được thiết kế đặc biệt dành cho những người chuyên chơi game. Tròng kính với dạng đặc biệt có thể giúp đôi mắt của bạn khỏi khô và căng. Tròng kính màu hổ phách có thể giảm chói lóa.[16]
  11. Thay đổi các loại màn hình. Bao quanh chúng ta là các loại màn hình: vi tính, máy tính bảng, điện thoại, ti vi, v.v…, tất cả đều làm chói mắt. Bạn không thể loại bỏ hết các màn hình, nhưng có một số việc bạn có thể làm để giúp mắt của bạn không bị tổn hại.[17]
    • Giảm ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh có thể gây chói và thậm chí gây tổn thương cho mắt nếu tiếp xúc quá nhiều.[18] Bạn hãy dùng bộ lọc ánh sáng xanh cho máy tính bảng, điện thoại di động và lựa chọn giảm ánh sáng ngược trên màn hình ti vi. Bạn cũng có thể mua loại tròng kính chống tia phản xạ (AR) và chống lóa cho mắt kính của bạn. Những tròng kính này có thể giảm hiệu ứng ánh sáng xanh.
    • Mua bộ lọc chống lóa cho màn hình vi tính và ti vi. Bạn cũng có thể giảm bớt độ tương phản trên màn hình vi tính.
    • Lau sạch màn hình thường xuyên. Bụi bặm, đốm bẩn và những vết mờ có thể gây chói và làm căng mắt.[10]

Tìm kiếm Giúp đỡ Chuyên khoa[sửa]

  1. Kiểm tra dị vật trong mắt. Nếu mắt bị đau do bụi, sạn, bụi kim loại hay các vật lạ khác rơi vào mắt, có thể bạn cần đến bác sĩ. Khi một dị vật nằm trong mắt, bạn phải đến bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể thử làm theo các bước sau đây để loại bỏ những vật nhỏ ra khỏi mắt, nhưng nếu không thấy khá hơn, bạn phải nhờ sự giúp đỡ chuyên khoa.[19]
    • Rửa tay thật sạch với xà phòng và nước ấm.
    • Tháo kính sát tròng.
    • Dùng nước sạch và ấm (nếu có nước cất thì càng tốt) hoặc nước rửa mắt để giội rửa mắt. Bạn có thể dùng cốc dành cho mắt (mua ở hiệu thuốc) hoặc cốc uống nước nhỏ. Bạn có thể loại được các vật nhỏ ra khỏi mắt bằng cách cho nước ấm vào ống nhỏ thuốc và rửa mắt.
    • Nếu vẫn còn đau, đỏ và ngứa sau khi đã dị vật đã được lấy ra, bạn cần phải được chăm sóc y tế ngay.
  2. Xác định có cần cấp cứu hay không. Ngoài việc bị vật lạ rơi vào mắt, có thể còn có những triệu chứng khác khiến bạn cần sự chăm sóc y khoa. Những triệu chứng sau có thể là dấu hiệu của cách bệnh nghiêm trọng hoặc các vấn đề về sức khỏe:[20]
    • Mù tạm thời hoặc đột ngột xuất hiện những điểm mù.
    • Nhìn một thành hai hoặc thấy “vầng hào quang” (vòng tròn sáng xung quanh vật)
    • Tối sầm
    • Hình ảnh bị nhòe đột ngột và đau mắt
    • Đỏ và sưng khu vực gần mắt
  3. Xác định liệu bạn có triệu chứng tăng nhãn áp không. Tăng nhãn áp là một nhóm bệnh về mắt có thể làm tổn hại thần kinh thị giác. Việc đến bác sĩ kiểm tra mắt thường xuyên là cách tốt nhất để ngăn ngừa và phát hiện bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, khi thấy đau nhức mắt kèm theo những triệu chứng sau đây, bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt:[21]
    • Khó khăn trong việc thích nghi với sự thay đổi ánh sáng, đặc biệt là trong phòng tối.
    • Khó khăn trong việc tập trung vào một vật.
    • Nhạy cảm với ánh sáng (nheo mắt, chớp mắt, kích ứng)
    • Mắt đỏ, bong vảy hoặc sưng
    • Nhìn một vật thành hai, nhòe hoặc biến dạng
    • Chảy nước mắt không ngừng
    • Mắt ngứa, nóng và cực kỳ khô
    • Nhìn thấy “ma”, xuất hiện các điểm hoặc các đường kẻ trong tầm nhìn.
  4. Xác định liệu bạn có bị viêm kết mạc không. Bệnh viêm kết mạc có thể rất dễ lây nếu là do vi -rút gây ra. Mặc dù nhiều trường hợp viêm kết mạc có thể chữa trị tại nhà, nhưng nếu có những triệu chứng sau đây, bạn cần đi bác sĩ nhãn khoa hay đến phòng cấp cứu ngay lập tức:[22]
    • Có ghèn xanh hoặc vàng, hoặc “vảy cứng”
    • Sốt cao (trên 39 độ C), ớn lạnh, run, đau hoặc mất thị lực
    • Đau mắt dữ dội
    • Nhìn một thành hai, hình ảnh nhòe hoặc thấy “vầng hào quang”
    • Nếu trong vòng hai tuần mà bệnh viêm kết mạc không đỡ, bạn nên đến bác sĩ dù chỉ có triệu chứng nhẹ.
  5. Biết khi nào cần trợ giúp. Cho dù không phải cấp cứu, bạn nhất định vẫn phải đến bác sĩ nếu cách chữa trị ở nhà không giúp bạn đỡ đau. Nếu mắt đau nhức do bệnh viêm kết mạc, bạn có thể để nó tự khỏi, nhưng nếu không đỡ trong vòng hai tuần, bạn nên đến bác sĩ. Nếu có những triệu chứng khác và sau một đến hai ngày không thấy khá hơn với bất cứ cách chữa trị ở nhà nào, bạn hãy lên một cuộc hẹn với bác sĩ hoặc chuyên gia về nhãn khoa càng sớm càng tốt.[23]
  6. Trao đổi với bác sĩ. Theo dõi những triệu chứng để có thể cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho bác sĩ. Việc suy nghĩ về những câu hỏi sau đây có thể giúp bác sĩ chữa trị cho bạn:[24]
    • Bạn có gặp vấn đề về thị lực, ví dụ như hình ảnh nhòe, hào quang, điểm mù hoặc gặp khó khăn khi thích nghi với ánh sáng?
    • Bạn có đau mắt không? Nếu có, lúc nào là đau nhất?
    • Bạn có bị hoa mắt không?
    • Những triệu chứng đó bắt đầu từ khi nào? Chúng xuất hiện từ từ hay đột ngột?
    • Những triệu chứng đó có thường xuất hiện không? Nó luôn luôn như thế hay chỉ đến rồi đi?
    • Khi nào đau nhất? Có thể làm gì để đỡ đau không?

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu có trang điểm, bạn hãy tẩy trang nhưng đừng giụi mắt. Dùng động tác nhẹ nhàng khi tẩy trang mắt.
  • Đảm bảo kính đeo mắt của bạn phải đúng độ. Đeo kính không đúng có thể gây nhức mắt.
  • Có thể mọi việc bạn cần làm chỉ là tháo kính hoặc kính sát tròng ra và nghỉ ngơi cho đỡ đau nhức mắt.
  • Thường xuyên lau rửa kính và kính sát tròng. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa lóa mắt và kích ứng mắt.
  • Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời và ánh sáng gắt. Đeo kính mát hoặc kính sát tròng chống tia UV. Nếu ở gần công trường xây dựng hoặc khu vực có mức bụi trong không khí cao, bạn hãy đeo kính bảo vệ hay kính bảo hộ.
  • Cẩn thận đừng gãi mắt vì làm như vậy có thể gây kích ứng hoặc nhễm trùng.

Cảnh báo[sửa]

  • Không cho bất cứ vật gì vào mắt (nhíp, bông gòn, v.v...) vì như vậy có thể làm tổn thương nghiêm trọng cho mắt.
  • Nếu tiếp tục thấy khó chịu trong hơn một ngày đến hai ngày, hoặc tầm nhìn bị ảnh hưởng, hoặc cảm thấy buồn nôn/nôn hay đau đầu dai dẳng, bạn hãy đến chuyên gia nhãn khoa càng sớm càng tốt.
  • Nếu dùng thuốc nhỏ mắt có dược chất, hãy hỏi dược sĩ để chắc chắn rằng nó không gây ảnh hưởng cho bất cứ loại thuốc nào bạn đang dùng nếu có.
  • Không dùng trà xanh hoặc trà đen để làm gạc. Những loại trà này chứa hàm lượng tannin cao, có thể gây hại cho các mô mỏng manh ở mí mắt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eyestrain/basics/definition/con-20032649
  2. 2,0 2,1 http://www.webmd.com/first-aid/dry-eye-syndrome-treatment
  3. http://www.webmd.com/eye-health/tc/warm-compresses-for-eye-problems-topic-overview
  4. http://www.herbwisdom.com/herb-chamomile.html
  5. http://www.geteyesmart.org/eyesmart/ask/questions/warm-tea-bag-compress.cfm
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eyestrain/basics/prevention/con-20032649
  7. http://www.anxietybc.com/sites/default/files/MuscleRelaxation.pdf
  8. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  9. http://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/blepharitis?sso=y
  10. 10,0 10,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eyestrain/basics/lifestyle-home-remedies/con-20032649
  11. 11,0 11,1 http://www.webmd.com/eye-health/eye-fatigue-causes-symptoms-treatment?page=2#1
  12. http://www.scientificamerican.com/article/flickering-fallacy-cfl-bulb-headaches/
  13. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003034.htm
  14. http://www.webmd.com/eye-health/ss/slideshow-pinkeye
  15. https://www.oskiaskincare.com/beauty-bible/eyemassageroutine/
  16. http://news.discovery.com/tech/glasses-reduce-eye-strain-120205.htm
  17. https://www.thevisioncouncil.org/sites/default/files/VC_DigitalEyeStrain_Report2015.pdf
  18. https://www.thevisioncouncil.org/content/digital-eye-strain/adults
  19. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid/basics/art-20056645
  20. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003029.htm
  21. http://www.kellogg.umich.edu/patientcare/conditions/glaucoma.html#symptoms
  22. http://www.webmd.com/eye-health/pinkeye
  23. http://www.webmd.com/eye-health/eye-pain-causes-symptoms-diagnosis-treatment?page=2
  24. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003029.htm

Liên kết đến đây