Làm hoa khô

Từ VLOS
(đổi hướng từ Làm Hoa khô)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có muốn ngôi nhà nhỏ của mình tràn đầy sắc hoa ngay cả trong mùa đông giá lạnh? Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó bằng cách làm hoa khô từ những loài hoa yêu thích. Có nhiều cách để làm hoa khô và quá trình thử nghiệm để tìm ra cách làm hoa khô tốt nhất cho mỗi loại hoa cũng là một việc rất thú vị.

Các bước[sửa]

Để Hoa Khô Tự nhiên[sửa]

  1. Hái hoa. Phương pháp để hoa khô tự nhiên sẽ có hiệu quả cao nhất khi hoa mới chớm nở. Trong quá trình làm khô, hoa sẽ nở thêm một chút. Nếu bạn chọn hoa đã nở to, hoa sẽ bị rụng cánh trong quá trình khô.[1] Nên áp dụng phương pháp này cho các loài hoa nhỏ và khỏe như hoa oải hương hoặc phi yến thảo.[2]
    • Hoa héo và bị sâu hại khi khô sẽ xấu hơn. Vì vậy, hãy chọn những bông hoa đẹp nhất, và hái nhiều hơn số hoa định làm khô để đề phòng bị hỏng.[1]
  2. Bó hoa. Ngắt hết lá ở cuống hoa. Tách riêng từng cành hoa và bó thành bó khoảng 10 cành mỗi loại. Với hoa to như hoa hồng, cẩm tú cầu hoặc mẫu đơn, bạn nên để riêng từng bông để làm khô.[3][1]
    • Hoa bất tử và một vài loài hoa khác có thân rất yếu và sẽ bị gãy khi khô lại. Do đó, hãy cắt bỏ cuống hoa và dùng sợi chuyên dụng cắm vào đế hoa để thay thế.[1]
  3. Dùng dây chun buộc cuống hoa. Buộc dây chun vào 2-3 cuống hoa, sau đó buộc vài vòng vào cả bó hoa; cuối cùng, vòng 1 vòng quanh 2-3 cuống hoa khác.[4] Cuống hoa sẽ ngót đi khi khô và cách buộc như vậy sẽ giúp cố định cuống hoa tốt hơn.
    • Không buộc quá chặt vì có thể cứa vào cuống hoa, tạo thành rãnh chứa nước hoặc hơi ẩm khiến cuống hoa bị thối. Nếu bạn lo lắng về việc này, bạn có thể dùng sợi xe hoặc sợi cọ để buộc. Bạn có thể sẽ phải buộc lại sợi xe sau khi cuống hoa khô một nửa.
  4. Treo ngược hoa. Treo hoa trong môi trường ấm, tối để tránh bị thối và giảm phai màu.[1] Không khí thông thoáng sẽ giúp hoa khô nhanh hơn và tránh nấm mốc. Vì vậy, bạn hãy treo các bó hoa cách nhau ở nơi có gió chéo nhẹ và cách trần ít nhất 15 cm.[3]
    • Bạn có thể treo hoa lên móc, đinh hoặc móc áo. Có một cách khá dễ là dùng kẹp giấy uốn cong thành hình chữ S để treo hoa. Móc một đầu chữ S vào dây buộc hoa và đầu còn lại treo lên móc. [4]
  5. Đợi từ 2-4 tuần. Hoa đủ khô là khi cánh hoa trở nên giòn. Đôi khi, bạn sẽ mất nhiều hơn 4 tuần để làm hoa khô vì điều kiện phòng không lý tưởng hoặc cánh hoa quá dày.
    • Cuống hoa khi đã khô thường rất thẳng. Nếu bạn muốn cuống hoa có độ cong tự nhiên, hãy ngâm cuống hoa đã khô vào nước ấm cho đến khi mềm và uốn cong theo ý muốn. Sau đó, bạn phải giữ cuống hoa cố định như vậy cho đến khi khô hoàn toàn.[1]
  6. Bảo quản hoa bằng keo xịt tóc (tùy chọn). Một lớp mỏng keo xịt tóc hoặc xịt hoa sẽ giúp định hình cho hoa, bảo vệ hoa tránh bị gãy hoặc rụng cánh.[3]

Dùng Lò vi sóng và Chất làm khô[sửa]

  1. Chọn hoa. Các loài hoa phù hợp với phương pháp này là hoa có nhiều cánh và bề mặt cánh không dính hoặc không có lông. Hoa hồng, cúc ngũ sắc và cúc vạn thọ là những lựa chọn phù hợp trong khi hoa có cánh dày sẽ không mang lại kết quả tốt.[1] Cắt hoa khi hoa mới nở được một nửa và cánh hoa còn cứng, trước khi cánh hoa bắt đầu rụng.[5]
    • Cắt hoa sao cho cuống hoa chỉ ngắn khoảng 2,5–5 cm.
  2. Buộc dây thép (tùy chọn). Sau khi làm khô bằng lò vi sóng, cuống hoa sẽ có hình dáng cố định. Do đó, nếu muốn uốn cuống hoa, bạn có thể dùng một sợi dây thép buộc vào phần đài hoa, sau đó quấn vòng quanh cuống hoa theo kiểu xoáy ốc. Tuy nhiên, không nên cho kim loại vào lò vi sóng.[1]
    • Nếu đài hoa không đủ dày, bạn có thể xuyên dây thép từ chính giữa bông hoa xuống cuống hoa và ấn dây thép xuống sâu nhất có thể để giấu dây.
  3. Đổ chất làm khô vào hộp đựng có thể sử dụng cho lò vi sóng. Chất làm khô có thể là bất cứ loại vật liệu có khả năng hút ẩm nào. Keo silica là lựa chọn tốt nhất cho hoa có cảnh mỏng và nhiều màu, nhưng bạn cũng có thể dùng đất sét vệ sinh cho mèo để thay thế, hoặc hỗn hợp borax và bột ngô theo tỉ lệ 1:1. Đổ vật liệu vào hộp đựng với độ dày khoảng 2,5-5 cm. [6][5]
  4. Vùi hoa trong chất làm khô. Cẩn thận úp hoa xuống lớp chất làm khô, mỗi hoa cách nhau ít nhất 2 cm. Sau đó, từ từ đổ thêm chất làm khô lên trên.[5]
    • Dùng tăm sắp xếp lại các cánh hoa trong quá trình làm nếu chúng bị uốn và không giữ được hình dạng ban đầu.
    • Thử trước với 1-2 bông hoa để đề phòng hoa bị cháy. Dần dần, bạn sẽ được biết được chính xác thời gian đủ để làm khô mỗi loại hoa.
  5. Cho một cốc nước vào trong lò. Một cốc nước trong lò sẽ giúp hấp thụ bớt năng lượng, giúp hoa đỡ bị cháy hoặc quá khô.[7]
  6. Bật lò. Cho hộp chứa hoa vào và bật lò trong 2 phút. Dùng tăm để thăm dò xem hoa đã khô hay chưa. Nếu chưa, hãy tiếp tục bật lò và dừng lại để kiểm tra sau mỗi phút.
    • Bạn có thể sẽ thất bại và phải làm lại công đoạn này nhiều lần vì mỗi loài hoa và lò vi sóng khác nhau đòi hỏi thời gian khác nhau. Một số loài hoa mỏng như cúc sẽ thích hợp với chế độ nhiệt thấp, chỉ trên mức rã đông.[2] Trong khi nhiều loài hoa khác với cánh hoa dày sẽ cần phải đặt trong lò khoảng 8 phút ở chế độ nhiệt trung bình hoặc cao.
  7. Để 1 ngày cho hoa nguội. Lấy hộp đựng hoa khỏi lò, đậy nắp khép hờ và để như vậy trong vòng 24 tiếng.[2] Chất làm khô (đặc biệt là keo silica) cần nhiều thời gian để nguội và đạt nhiệt độ an toàn.
    • Với hoa thược dược, păng xê và mẫu đơn, bạn phải để trong 36 tiếng.[5] Với các loài hoa to và dày như hoa hồng và hoa cẩm chướng, bạn nên để khoảng 10 tiếng.
    • Để hoa ngoài tầm với của trẻ nhỏ và động vật.
  8. Loại bỏ chất làm khô. Khi hộp đựng đã nguội, vỗ nhẹ vào hộp để hoa lộ ra. Sau đó, nhẹ nhàng nhấc hoa ra, đỡ hoa từ phía dưới. Dùng chổi mềm để loại bỏ chất làm khô.
    • Nếu muốn, bạn có thể bảo quản hoa bằng keo xịt tóc hoặc xịt hoa chuyên dụng.

Ép Hoa[sửa]

  1. Chọn hoa. Phương pháp ép hoa sẽ cho kết quả tốt nhất với những loại hoa nhỏ và phẳng như păng xê hoặc đinh tử hương. Hãy tránh xa các loại hoa có cuống to hoặc cánh quá mỏng vì chúng rất dễ bị hỏng.[1]
  2. Đặt hoa lên giấy khô. Đặt hoa lên một loại giấy mờ, không bóng như giấy báo, các tông hoặc khăn giấy, sau đó đặt một tờ giấy khác lên trên. Lưu ý, không đặt hoa chồng lên nhau.
    • Loại giấy hút ẩm càng tốt thì hoa sẽ càng đẹp. Bạn có thể thử đặt hoa vào giữa hai tờ giấy báo, sau đó đặt cả hoa và giấy báo vào giữa hai tờ giấy thấm, rồi đặt tiếp vào giữa hai tấm bìa các tông dập sóng. Cuối cùng, dùng băng dính để dính chặt các lớp với nhau. [1]
  3. Ép hoa. Đặt dưới một vật nặng, phẳng và to. Từ điển, sách bách khoa toàn thư có thể là lựa chọn tốt. Bạn cũng có thể dùng những chiếc hộp hoặc miếng gỗ đủ nặng.
    • Đặt hoa ở nơi khô và ấm.
  4. Đợi 1-3 tuần. Sau tuần đầu tiên, thay giấy mới cho hoa và tiếp tục ép hoa dưới vật nặng.
  5. Ngừng ép. Sau khi đã được một vài tuần, hãy lấy hoa ra khỏi vật nặng và các lớp giấy. Lúc này, hoa phải giòn, mỏng như tờ giấy và trong suốt.

Làm khô trong Lò nướng Đối lưu[sửa]

  1. Chuẩn bị hoa. Cắt một miếng lưới thép mỏng đủ rộng cho tất cả số hoa của bạn. Sau đó, xuyên cuống hoa qua mắt lưới sao cho mắt lưới giữ phần đài hoa ở bên trên còn cuống hoa có thể đung đưa ở phía dưới.
    • Những loài hoa thích hợp nhất với phương pháp này là hoa có nhiều cánh, ví dụ như thanh cúc hoặc cúc đại đóa.
  2. Làm nóng lò ở nhiệt độ thấp trong vài giờ. Với lò đối lưu, hãy bật lò ở 38ºC, cho hoa đã cắm vào lưới thép lên ray nướng. Nhiệt độ trong lò thấp sẽ giúp hoa khô từ từ; để hoa trong lò vài giờ đồng hồ.[3] Thời gian làm khô hoa tùy thuộc vào loại hoa mà bạn lựa chọn.
    • Lò đối lưu có thông khí tốt sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Bạn không nên thực hiện phương pháp này với lò nướng thông thường vì chúng giữ lại quá nhiều hơi ẩm trong lò và nhiệt độ thấp nhất có thể thường lớn hơn 38ºC.
  3. Lấy hoa khỏi lò. Khi hoa đã khô hoàn toàn, bạn có thể lấy hoa khỏi lò và để hoa lên giá phơi cho hoa nguội. Đợi đến khi hoa đạt được nhiệt độ phòng để tiến hành bước tiếp theo.
    • Xịt keo xịt tóc hoặc nước xịt hoa chuyên dụng để có những bông hoa khô cứng hơn, bền hơn.

Vùi Hoa trong Chất làm khô[sửa]

  1. Chọn hoa. Loại hoa phù hợp nhất với phương pháp này là hoa to, tinh tế và không dễ rụng cánh như hoa ly.[4] Lí tưởng nhất, bạn hãy cắt hoa khi mới nở và làm khô ngay sau đó.
  2. Chọn chất làm khô. Chất làm khô là loại vật liệu có khả năng thấm hút tốt, có khả năng từ từ hút hết nước từ hoa. Dù lựa chọn của bạn là gì, chất làm khô phải đảm bảo thật khô để có hiệu quả tốt. Dưới đây là một số loại thường dùng: [7]
    • Keo silica: đây là lựa chọn nhanh nhất, có bán hầu hết các cửa hàng chuyên đồ làm vườn. Mặc dù keo này khá đắt, bạn có thể tái sử dụng nhiều lần (xem phần Lời khuyên bên dưới).
    • Borax và bột ngô trắng: đây là một lựa chọn không tốn kém và đơn giản. Trộn hai nguyên liệu theo tỉ lệ 1:1 hoặc 1:6.[7]
    • Cát mịn: đây chỉ là cách giúp định hình cho hoa và làm khô hoa bằng không khí. Phương pháp này sẽ tốn nhiều thời gian nhất nhưng rẻ nhất.
  3. Cho thêm muối không i-ốt (tùy chọn). Mặc dù không được tán thành, một vài người cho rằng muối sẽ giúp hoa giữ màu tốt hơn.[7] Thử cho 3 thìa cà phê muối vào 1 lít vật liệu khác (15 ml/l).
  4. Chọn hộp đựng. Nếu bạn có đủ vật liệu, hãy chọn một hộp đựng đủ lớn sao cho có thể chứa được toàn bộ cuống hoa khi dựng đứng. Tuy nhiên, mọi người thường tiết kiệm vật liệu bằng cách cắt bỏ cuống hoa và chỉ để lại phần bông sao cho có thể để vừa trong hộp nông. Mỗi loại nguyên liệu khác nhau sẽ có cách bố trí khác nhau:[7][4]
    • Với keo silica, dùng hộp đựng có nắp đậy kín. Một hộp đựng cà phê là lựa chọn hoàn hảo cho một bông hoa.
    • Với borax hoặc cát, hãy dùng hộp không nắp đậy. Một hộp các tông cứng là lựa chọn lí tưởng; tuy nhiên, trước tiên, bạn nên kiểm tra xem hộp có bị thủng hay không.
  5. Vùi hoa trong chất làm khô. Đổ vật liệu làm khô vào trong hộp đựng với độ dày từ 2,5-5 cm. Đặt hoa thẳng đứng lên trên lớp vật liệu sao cho hoa đứng vững. Sau đó, từ từ đổ thêm chất làm khô lên trên cho đến khi hoa được vùi hoàn toàn.
    • Nếu dùng cát, bạn không cần phải vùi hoa hoàn toàn vì cát chỉ đóng vai trò đỡ hoa và không khí sẽ giúp cánh hoa khô nhanh hơn.
    • Với hoa thuộc họ cúc, bạn nên úp ngược hoa xuống.[4] Với một số loài hoa khác như hoa mõm chó hoặc phi yến, cách tốt nhất là đặt hoa nằm ngang.[8]
    • Nếu vẫn muốn để lại cuống hoa, bạn cần đổ đầy chất làm khô vào hộp, đủ để giữ cuống.
  6. Đợi đến khi hoa khô. Để hộp đựng hoa ở nơi khô và ấm. Nếu dùng hộp không có nắp đậy, bạn nên để hộp ở nơi thoáng khí. Sau vài ngày, dùng tăm để thăm dò xem hoa đã khô hay chưa.
    • Keo silica là vật liệu làm khô hoa nhanh nhất; thường mất khoảng 2-4 ngày để hoa khô hoàn toàn. Với hoa dày cánh, thường sẽ mất khoảng 1 tuần.[4] Keo silica chuyển sang màu hồng nghĩa là keo đã đạt đến giới hạn hút ẩm.
    • Với hỗn hợp borax, bạn sẽ cần 5-14 ngày để làm hoa khô.
    • Dùng cát sẽ tốn nhiều thời gian nhất, thường là từ 14-21 ngày.[8]
  7. Lấy hoa. Vỗ nhẹ vào thành hộp để hoa lộ dần ra. Sau đó, nhẹ nhàng lấy hoa ra khỏi hộp, đỡ hoa từ bên dưới. Dùng chổi mềm phủi nhẹ để loại bỏ chất làm khô.
    • Nếu chất làm khô dính vào hoa, nhẹ nhàng đổ cát xuống hoa từ độ cao 30 cm để giúp loại bỏ chất làm khô còn bám vào hoa.[8]
    • Lấy hoa khỏi hộp quá sớm sẽ làm cánh hoa bị rụng. Do đó, hãy kiểm tra để chắc chắn cánh hoa đủ độ giòn và mỏng như giấy trước khi lấy ra.
    • Keo xịt tóc hoặc xịt hoa sẽ giúp hoa giảm gãy rụng.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn cũng có thể làm khô đài hoa chứa hạt (thường là sau khi đã dụng hết cánh hoa) để làm đồ trang trí như đài hoa mỹ nhân hoặc bát sen.[9] Đặt một miếng lưới thép mỏng hoặc lưới hoa chuyên dụng nằm ngang và đóng vào hai miếng ván gỗ để tạo thành một cái giá. Cắm mỗi đài hoa vào một mắt lưới sao cho phần cuống có thể lơ lửng ở phía dưới.[3]
  • Hoa sau khi khô sẽ có màu tối hơn. Hoa trắng thường sẽ chuyển thành nâu trong khi hoa đỏ thẫm hoặc tím sẽ chuyển thành màu đen và hoa vàng sẽ gần như giữ nguyên màu sắc ban đầu.[5]
  • Keo silica sẽ chuyển thành màu hồng khi bị ẩm. Để làm khô keo và có thể sử dụng lại, hãy đổ keo lên một tờ giấy nướng bánh và cho vào lò nướng ở 121ºC trong 2-3 tiếng. [5]

Cảnh báo[sửa]

  • Hoa sẽ bị phai màu dần sau khi ngắt. Vì vậy, để có kết quả tốt nhất, hãy làm khô hoa ngay sau khi ngắt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây