Làm mắt đỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu đã từng phải giả khóc để diễn kịch hay tham gia một trò đùa nào đó, bạn chắc hẳn hiểu rõ để làm mắt đỏ vào đúng thời điểm mong muốn khó thế nào. Người ta vẫn chưa hiểu rõ về phương pháp làm mắt đỏ nên rất khó nhận được kết quả như nhau vào mỗi lần cho dù bạn sử dụng cùng phương pháp. Tuy nhiên, bằng các chiến thuật thông minh và an toàn để làm kích ứng mắt, tự lừa mình khóc hoặc tận dụng hiệu ứng trang điểm, thông thường bạn sẽ nhận được kết quả tốt cho dù không phải lúc nào cũng như dự đoán.

Các bước[sửa]

Gây kích ứng mắt một cách an toàn[sửa]

  1. Bóc một củ hành và chà một miếng nhỏ bên dưới mắt. Cái gì rẻ, dễ tìm mà có thể khiến bạn chảy nước mắt hay đỏ mắt chỉ trong vài phút? Đó đơn giản chỉ là một củ hành! Khi cắt hành, syn-propanethial-S-oxide được giải phóng vào không khí, đây là hóa chất kích ứng mắt chảy nước và chuyển sang màu đỏ.[1] Bóc hay cắt hành thường khiến bạn chảy nước mắt, nhưng bạn cần tiếp xúc với hóa chất này lâu hơn để mắt có thể chuyển sang đỏ. Giữ lại phần lõi củ hành hoặc một phần nhỏ và thoa qua lại vài lần bên dưới mắt khi bạn muốn làm mắt đỏ.
    • Không sử dụng hành "ngọt" (như hành Vidalia) vì chúng không gây kích ứng và chảy nước mắt nhiều. Muốn có kết quả tốt nhất bạn nên dùng hành có mùi nặng màu trắng hay vàng.[2]
    • Muốn cay mắt ít hơn thì bạn nên bọc vài miếng hành trong khăn giấy hay khăn tay trước khi thoa vào dưới mắt. Lớp khăn giúp bảo vệ mắt không tiếp xúc trực tiếp với hành, nhưng hóa chất kích ứng vẫn có ảnh hưởng miễn là lát hành trong khăn không quá dày.
    • Nếu bạn muốn làm giả mắt đang khóc, để có ảnh hưởng mạnh hơn bạn nên thoa một ít hành vào đáy lỗ mũi để kích thích chảy nước mũi.
    • Cẩn thận không để hành tiếp xúc trực tiếp với mắt vì cảm giác rất khó chịu.
  2. Thay cho hành bạn có thể dùng tinh dầu bạc hà cay. Một phương pháp gần giống với cách sử dụng hóa chất bay hơi từ hành nói trên là sử dụng sản phẩm chứa tinh dầu bạc hà cay. Áp dụng các bước tương tự, thoa một ít tinh dầu bên dưới mỗi mắt để tạo hiệu ứng giống như hơi bốc lên từ tinh dầu và gây kích ứng mắt. Như đã nói, tránh để tinh dầu dính vào mắt vì nó gây ngứa và khó chịu kéo dài.
    • Tinh dầu bạc hà cay có bán ở các siêu thị hoặc mua trực tuyến. Tuy nhiên nếu bạn không có sẵn tinh dầu bạc hà thì nên dùng hành vì nó rẻ hơn.
  3. Kháng lại phản xạ nháy mắt. Nếu bạn cần có mắt đỏ ngay lập tức, không cần lo vì bạn có thể đạt được điều này mà không cần bất kì vật liệu đặc biệt nào. Đơn giản là cố mở mắt càng lâu càng tốt, chống lại phản xạ nháy mắt cho đến khi quá đau buộc phải nháy mắt. Vì nháy mắt là phản xạ của cơ thể để duy trì nhãn cầu được bôi trơn, nếu không nhãn cầu sẽ bị khô.[3] Khi điều này xảy ra, mắt sẽ bị kích ứng, sưng, đỏ và thường chảy nước.[4] Lưu ý là cảm giác khá khó chịu!
    • Để tăng hiệu quả bạn cố gắng nhìn vào ánh đèn trong khi giữ mắt mở. Không nhìn vào đèn quá sáng hay mặt trời vì mắt có thể bị tổn thương vĩnh viễn và mù.
  4. Dụi nhẹ khu vực bên dưới mắt. Một phương pháp tạo mắt đỏ thường được sử dụng trên tivi và phim ảnh là nắm bàn tay rồi dụi khu vực xung quanh mắt. Kiểu kích ứng vật lý nhẹ này có thể tạo ra hiệu ứng tương tự với cách dùng hành và các hóa chất kích ứng khác.[5] Nếu bạn muốn áp dụng phương pháp này thì phải dùng lực nhẹ. Các bộ phận thiết yếu của mắt như mống mắt và giác mạc rất mỏng manh, do đó bạn không được làm tổn thương thị lực chỉ để tạo mắt đỏ.
    • Ngoài ra bạn nhớ nhắm mắt và tránh chạm trực tiếp vào mắt. Chạm tay vào mắt có thể lây vi khuẩn (tay là nơi tiếp xúc với vô số vi khuẩn trong các hoạt động hằng ngày) vào nhãn cầu, tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng.[6]
  5. Đi bơi. Clorin là chất khử trùng cho nước hồ bơi nhưng cũng là chất kích ứng mắt, mặc dù có thông tin cho rằng thủ phạm là một hóa chất khác.[7][8] Điều rõ ràng là khi bạn lặn sâu trong hồ nước có chất clorin mà không đeo kính bơi thì mắt có thể bị sưng và viêm (mặc dù tổn thương thường không nghiêm trọng hoặc kéo dài). Hiệu ứng này sẽ tăng lên nếu bạn cố mở mắt dưới nước trong thời gian dài. Nhớ không đeo kính bơi vì nó bảo vệ mắt không chạm nước nên sẽ không có kết quả mong muốn.
    • Hồ bơi nước mặn cũng cho kết quả tốt với mục đích này. Tuy nhiên các thông tin về sức khỏe mắt khẳng định nước muối ít gây kích ứng hơn nước chứa clorin, do đó hiệu ứng sẽ giảm.[9]
  6. Ngủ ít hơn. Dù đây không phải là giải pháp lý tưởng với nhiều người (đặc biệt những người cần có đầu óc "nhạy bén" và tập trung cho công việc ngày hôm sau), thức đêm thường khiến mắt đỏ và xuất hiện đốm máu vào sáng hôm sau.[10] Không ngủ một đêm thường không thể tác động mạnh đến sức khỏe miễn là bạn không được tạo thói quen như vậy.
    • Tuy nhiên bỏ ngủ thường xuyên là điều bạn không nên làm, vì nó sẽ tác động lớn đến sức khỏe, bao gồm giảm khả năng nhận thức, giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ và bệnh tim.[10]
    • Nhớ không bao giờ được lái xe với tâm thần mệt mỏi hoặc không tỉnh táo. Nguyên nhân vì thiếu ngủ sẽ làm chậm phản xạ và tác động xấu đến khả năng ra quyết định trong tích tắc, khi đó bạn trở thành mối nguy hiểm lớn trên đường phố. Một nghiên cứu của Úc cho thấy những người không ngủ liên tục trong 24 giờ có mức độ khiếm khuyết tâm thần bằng với người có nồng độ cồn 0.1% (0.08% là giới hạn quy định tại hầu hết các quốc gia).[11]

Sử dụng chiến thuật tâm lý[sửa]

  1. Đặt bản thân vào tâm trạng buồn hoặc trầm lắng. Học cách làm mắt đỏ và chảy nước theo mệnh lệnh với mục đích "giả khóc" không hề dễ dàng, thậm chí đối với diễn viên chuyên nghiệp. Dù không có cách nào được xem là "chính xác" nhưng những mẹo về tâm lý có thể giúp ích rất nhiều. Chiến lược hiệu quả là tập trung vào những ký ức hay ý nghĩ khiến bạn buồn, như một người thân vừa qua đời, một sự kiện đáng xấu hổ bạn vừa trải qua, hoặc nỗi sợ lớn trong cuộc sống. Cũng như cảm xúc thực tế khi bạn trải qua các sự kiện này, suy nghĩ càng tối tăm và ảm đạm thì bạn càng có tâm trạng rơi nước mắt.
    • Một số ví dụ về các sự kiện bạn có thể nghĩ đến là: chia tay người yêu, tranh cãi gần đây, khó khăn trong công việc, thời điểm bạn bè hay người thân phản bội, những người không còn xuất hiện trong cuộc sống của bạn, và những lúc khiến bạn rất lo lắng cho bản thân và người thân.
    • Đặc biệt hữu ích khi bạn cố thuyết phục mình rằng tất cả những người khác đều có "cuộc sống vui vẻ bên nhau" ngoại trừ bạn. Cố gắng khơi gợi cảm xúc tràn trề hy vọng và rồi thất vọng, tự nhủ với mình "Đúng là vậy, mình sẽ không bao giờ thành công và hạnh phúc". Tuy nhiên, chắc chắn không để mình chìm đắm trong tâm trạng đó sau khi cần giả khóc, vì trầm cảm thật sự là điều tệ hại nhất.
  2. Tập trung vào nỗi đau của bản thân. Theo lời của một giáo viên dạy diễn suất tại Đại học New York, một diễn viên cố giả khóc nên "cụ thể hóa tình huống đó bằng điều gì rất cụ thể và mang tính cá nhân của người diễn, sao cho nó không còn xoay quanh việc đòi hỏi họ phải khóc mà về một bí mật, mong muốn hay nỗi sợ thầm kín bên trong".[12] Nói cách khác, cách tốt nhất để khiến mình buồn đến độ khóc là làm sao để bản thân chìm trong suy nghĩ về nỗi sợ sâu thẳm, tối tăm trong tâm thức. Cố gắng thuyết phục mình tin rằng mục đích cần giả khóc hoàn toàn là vấn đề liên quan đến bạn cho dù không phải vậy. Chuẩn bị tinh thần khơi dậy và đối đấu với những nỗi sợ tồi tệ nhất của bản thân.
    • Bryan Cranston, một diễn viên được đánh giá cao, đã từng tiết lộ trong các buổi phỏng vấn về việc những nỗi sợ thầm kín kinh khủng bên trong đã giúp anh ấy diễn suất rất thật với vai diễn một người bị tra tấn về tâm thần. Khi nói đến cảnh phim mà vai diễn của anh ấy chứng kiến cái chết của nhân vật do một diễn viên nữ trẻ đóng, Cranston nói: "Tôi tưởng tượng cô ấy chính là con gái tôi, vì vậy tôi rất xúc động ... Cô ấy chỉ là một một cô bé nên cũng có thể là con gái tôi".
  3. Khiến mình tức giận hay bức xúc. Mắt đỏ đầy nước mắt không phải luôn luôn do buồn gây ra. Đôi khi các dấu hiệu này xảy ra cùng với cảm xúc mãnh liệt hoặc bức xúc, đặc biệt khi cảm giác đó do người thân gây ra cho bạn. Nếu bạn không thể khóc nhờ những suy nghĩ buồn đơn thuần, cố gắng kết hợp sự tức giận ở mức độ vừa phải để đạt được kết quả. Ví dụ, bạn nên nghĩ về một khó khăn hiện tại trong cuộc sống mà khiến mình bức xúc, chẳng hạn một người thân có hành vi tự hủy hoại bản thân nhưng không chịu nghe lời khuyên của bạn.
    • Một số ví dụ mà bạn có thể nghĩ về là: thời điểm bạn bị gạch tên khỏi danh sách xem xét thăng chức, thời điểm đối thủ thành công hơn bạn, khi bạn bị cấp trên đối xử bất công, và khi bạn chứng kiến hay trải qua những bất công trong xã hội.
  4. Xem phim dễ gây xúc động. Xúc động đến độ khóc không nhất thiết phải xuất phát từ 100% nguyên nhân bên trong, mà các nguyên nhân bên ngoài cũng đóng vai trò rất lớn. Đây là chiến thuật mà nhiều diễn viên sử dụng để có tâm trạng trước khi diễn một cảnh xúc động, và để vào vai một người trải qua cảm xúc mãnh liệt như vậy. Phim, nhạc, sách và các sản phẩm nghệ thuật khác có thể lan truyền cảm giác buồn hay bức xúc là phương tiện rất hiệu quả cho mục đích này. Dưới đây là một số ý tưởng để bạn áp dụng.
    • Phim: Nhật ký tình yêu, Dặm xanh, Titanic, Hãy đến mà xem (Phim Nga)
    • Sách: Người đua diều, Người truyền ký ức, Đồi gió hú, các phần sau này của truyện Harry Potter, bất kỳ sách nào là cốt truyện của các phim trên đây.
    • Nhạc: Tình khúc buồn (Ngô Thụy Miên), Mười năm yêu em (Trầm Tử Thiêng), Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn) và v.v...
  5. Mong đợi hợp lý. Điều quan trọng bạn phải nhớ là các chiến thuật trong phần này có thể khó mang lại hiệu quả hơn các mẹo khác trong bài viết, cho dù bạn là người dễ khóc khi buồn. Làm mình buồn đến độ phát khóc không phải chuyện dễ, cũng giống như bạn rất khó làm nhột chính mình. Thậm chí các diễn viên hạng A cũng gặp khó khăn khi "đóng" cảnh khóc, vì vậy bạn nên chuẩn bị sử dụng phương pháp khác nếu các chiến thuật tâm lý này không hiệu quả.

"Giả" mắt đỏ[sửa]

  1. Cân nhắc trang điểm. Nếu không thể làm mắt đỏ thật sự thì phải giả! Với vài mánh phù hợp bạn có thể sử dụng kỹ thuật trang điểm để làm mắt có vẻ đỏ và sưng như vừa mới khóc, dù cảm thấy hoàn toàn bình thường. Vì những mánh này không thật sự gây kích ứng cho mắt nên chúng dễ chịu hơn nhiều so với các phương pháp nói trên. Ví dụ, thử áp dụng kỹ thuật trang điểm sau để tạo mắt đỏ:[13]
    • Sử dụng bút kẻ mắt đỏ chấm các điểm xung quanh mắt. Bạn cũng có thể dùng bút vẽ bóng mắt hay bút kẻ môi đỏ nhưng đối với bút kẻ môi thì phải sử dụng loại đủ mềm để vẽ gần mắt. Chấm các điểm dọc theo toàn bộ mí dưới mắt. Để tạo mắt đỏ nhiều hơn thì bạn chấm thêm các điểm dọc theo mí trên.
    • Làm nhòe đường chấm trên da bằng bông gòn hoặc bút làm nhòe. Để làm mắt trông đỏ bạn phải tạo được "bóng" đỏ nhạt xung quanh đường chấm. Trang điểm làm sao để các chấm đỏ ban đầu không thể nhìn thấy, vì vậy bạn cần tiếp tục làm nhòe cho đến khi không còn thấy được các chấm đỏ.
  2. Cân nhắc sử dụng kính áp tròng có màu. Một cách khác để tạo hiệu ứng "đỏ" cho mắt là đeo kính áp tròng được sản xuất đặc biệt với sắc đỏ hoặc có mạch máu vẽ trên đó. Tuy nhiên bạn phải chọn loại kính làm đỏ phần trắng của mắt, không phải mống mắt (phần thường có màu nâu hay đen). Nếu đeo kính làm mống mắt chuyển sang màu đỏ bạn sẽ trông giống như ma cà rồng hay quỷ, không phải người mới khóc.
    • Một số công ty chuyên cung cấp thiết bị cho sân khấu sản xuất kính áp tròng đặc biệt cho phim ảnh và diễn kịch, bạn có thể liên hệ với họ nếu muốn mua sản phẩm chất lượng cao. Nhưng các sản phẩm này không rẻ, kính áp tròng chuyên nghiệp thường trên 2 triệu đồng.
  3. Gia tăng hiệu ứng bằng "que tạo nước mắt". Nếu đang giả mắt đỏ để diễn kịch hay đóng phim, bạn nên kết hợp các mẹo ở trên với một số giọt nước mắt thật để trông giống thật hơn. Trong trường hợp này bạn nên cân nhắc mua một chiếc "que tạo nước mắt", là dụng cụ mà diễn viên thường sử dụng, thật ra là chiếc que làm từ gel hay sáp chứa tinh dầu bạc hà. Que thường được sản xuất kèm ống bọc ngoài giống như thỏi son môi, sử dụng bằng cách thoa dưới mắt để hơi bạc hà bốc lên và kích thích mắt chảy nước mắt.
    • Lưu ý rằng vì "hoạt chất" trong que tạo nước mắt là tinh dầu bạc hà nên phương pháp này cũng tương tự như cách thoa tinh dầu đề cập trên đây.

Biết phải tránh thứ gì[sửa]

  1. Không sử dụng những chất kích ứng mạnh như tiêu, hơi cay v.v... Mạo hiểm sức khỏe mắt không bao giờ là ý tưởng hay chỉ để giả khóc. Không bao giờ cho thứ gì vào mắt mà có thể gây ra kích ứng nghiêm trọng, bao gồm các hóa chất mạnh như "hơi cay" và những chất tự nhiên như sản phẩm làm từ ớt. Với một liều lượng nhất định những chất này có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc mù.
  2. Không kích ứng nhãn cầu một cách trực tiếp. Nếu bạn đang áp dụng một phương pháp mà phải chà vùng da quanh mắt để tạo ra màu đỏ, nhớ không được chạm vào nhãn cầu. Cho dù bạn có thể tránh gây tổn thương cho nhãn cầu, sự tiếp xúc sẽ làm dính vi khuẩn từ tay vào nhãn cầu, có rủi ro dẫn đến nhiễm trùng (như đã lưu ý trong phần trên). Rủi ro này càng lớn hơn nếu bạn vừa chạm tay vào vật gì đó rất nhiều vi khuẩn (như nắm tay cửa).[14]
    • Ngoài ra, vì nhãn cầu rất mỏng manh, việc chạm vào chúng đôi khi dẫn đến chấn thương vật lý. Chỉ cần vài vết xước nhỏ cũng khiến bạn rất khó chịu, trong khi chấn thương nghiêm trọng hơn (như làm kích ứng võng mạc) có thể phải điều trị y tế.
  3. Không sử dụng cần sa để tạo mắt đỏ. Có lẽ tất cả chúng ta đã từng nghe cần sa có thể khiến mắt đỏ. Đây là sự thật nhưng hút (hay ăn) sản phẩm từ cần sa không phải là cách hay để tạo mắt đỏ. Nếu bạn muốn tạo mắt đỏ để biểu diễn, sự khiếm khuyết về nhận thức do sử dụng cần sa sẽ khiến bạn rất khó thực hiện thành công vai diễn. Thêm vào đó, phê cần sa là hành vi bị pháp luật cấm, với hình phạt từ nhẹ đến nặng tùy vào khu vực tài phán.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn đang tắm, thử để một ít xà phòng gội đầu dính vào mắt, mắt sẽ đỏ nhưng cũng rất khó mở sau một lúc.
  • Nếu muốn tạo mắt đỏ bằng cách đi bơi, bạn cố gắng mở mắt dưới nước càng lâu càng tốt.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh để hóa chất kích ứng dính vào mắt. Mắt chảy nước để đẩy chất kích ứng ra ngoài là một phản xạ tự nhiên vì chất kích ứng có thể gây tổn thương cho mắt.
  • Không bôi tinh dầu bạc hà gần mắt, nó có thể làm da sưng lên và chảy nước mắt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]