Làm thế nào để đưa khoa học vào cuộc sống của bạn?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

( Góp ý kiến về bài Hãy đưa khoa học vào đời sống của bạn

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã và đang từng ngày, từng giờ tác động lên cuộc sống của mỗi người trên trái đất này trên cả hai mặt tốt và xấu. Tốt bởi nó làm cho chất lượng cuộc sống ngàycàng được nâng cao, xấu bởi nó đưa con người đối mặtvới những nguy cơ, những thảm hoạ mới xuất phát từ chính sự phát triển không đồng bộ của khoa học. Có thể nói rằng phần lớn nhân loại hiện nay đều có liên quan đến khoa học dù vô tình hay hữu ý, dù muốn hay không. Ai đó không đến với khoa học thì khoa học cũng đến với họ với một hình thức và phạm vi nội dung nào đó, dưới một mục đích nào đó. Có nghĩa là không cần một cố gắng lắm thì khoa học vẫn đi vào cuộc sống của bạn và ảnh hưởng đến bạn. Vì vậy khi Giáo sư Vật lý Brian Greene đặt vấn đề hãy đưa khoa học vào cuộc sống của bạn thì cần hiểu đó là đưa nhận thức khoa học vào tư duy của bạn. Bởi nếu không như vậy thì việc đặt vấn đề sẽ rất to tát còn việc giải quyết vấn đề lại chỉ nằm trong một phạm vi hẹp. Trong ý tứ bài viết của Giáo sư, tuy tôi không đọc được nguyên văn hay bản dịch có thể chưa làm toát lên ý tứ của nguyên văn thì vấn đề chỉ nằm trong phạm vi khơi gợi sự ham mê và truyền dạy khoa học, làm thế nào để thúc đẩy năng lực tư duy khoa học trong mỗi người. Vấn đề này không đơn giản chỉ là dạy cho tuổi trẻ và truyền đạt cho người lớn tri thức khoa học, cũng không đơn giản là trả lại cái hồn cho giáo dục hoặc chỉ chú trọng vào cách diến đạt hay tự thân các giáo viên cần giữ được ngọn lửa đam mê khoa học trong lúc truyền thụ tri thức khoa học là vấn đề được giải quyết. Những cái nhìn trên đây là những cái nhìn phiến diện. Bài viết này chỉ nhằm mục đích bổ xung một số vấn đề làm thế nào để đưa khoa học vào cuộc sống của mỗi người trong phạm vi nhận thức khoa học.

Do nhiều yếu tố cho nên xu hướng và khả năng tiếp nhận tri thức khoa học của các cá nhân là khác nhau. Điều này là không giống với nhận định của Gs Brian Greene “ chúng ta bắt đầu cuộc sống như những nhà khoa học nhỏ”. Nhu cầu hiểu biết về thế giới xung quanh, trong đó có nhu cầu về tri thức khoa học, là nhu cầu tự thân của con người từ lúc sinh ra. Nhưng nhu cầu đó không giống nhau trong những con người khác nhau. Có người vẫn giữ và thậm trí ngày càng có nhu cầu cao hơn về tri thức khoa học trong suốt cuộc đời mình, với họ, niềm đam mê khoa học mang tính bẩm sinh. Nhưng cũng có người mà những nhu cầu khác phát triển mạnh mẽ hơn đã lấn át nhu cầu tri thức khoa học. Những người này chỉ cần khoa học đem đến cho họ đầy đủ mọi tiện nghi cho cuộc sống là tốt rồi và khi khoa học đã đem đến cho họ một cuộc sống tốt, họ sẽ đi tìm nguồn vui từ văn học, nghệ thuật, thể thao và không ai có quyền ngăn cấm họ làm việc này để buộc họ nhớ đến khoa học và quay về với khoa học. Ở đây có nguyên nhân từ cấu trúc bộ não của mỗi người, có nguyên nhân từ hệ thống giáo dục, có nguyên nhân từ sự phát triển của xã hội. Nguyên nhân từ cấu trúc sinh học của bộ não đưa đến khả năng ghi nhớ và tư duy. Tri thức khoa học là những điều khó nhớ và tư duy khoa học là một việc làm rất khó khăn. Tâm lý chung là không ai muốn phải bỏ nhiều thời gian nghiền ngẫm để có thể ghi nhớ được một chút tri thức khoa học và mệt mỏi vì phải căng thẳng trong tư duy khoa học. Do đó số lượng người đam mê và tâm huyết với khoa học không có nhiều trong khi số người tham gia vào các lĩnh vực khác của đời sống như chính trị, kinh tế, khoa học, nghệ thuật, thể dục thể thao là rất nhiều. Trong sự phát triển của xã hội ngày nay thì không có lĩnh vực nào là không cần đến khoa học. Khoa học là gốc của sự phát triển. Nhưng tạo cho cái gốc đó vững mạnh thì không phải quốc gia nào cũng làm được mặc dù có sự nhất thức rất rõ về vai trò của khoa học. Ngay như nước Mỹ, nơi có nhiều sự quan tâm đến khoa học, những nhà khoa học trẻ cũng không nhiều cơ hội được làm công tác khoa học trừ phi đó là những người thật nổi trội. Cơ hội thăng tiến trong khoa học không nhiều. Điều này có nghĩa là sự động viên, quyền lơị của nhà khoa học là không cao. Xin nói rõ thêm cơ hội ở đây là cơ hội do xã hội tạo ra và dành cho khoa học, còn cơ hội để khám phá khoa học thì còn rất nhiều, mảnh đất khoa học còn rất thưa thớt người. Đây là mẫu thuẫn lớn giữa sự làm việc khó khăn (theo nghĩa tư duy chứ không theo nghĩa điều kiện làm việc) với sự đãi ngộ dành cho các nhà khoa học. Xã hội rất cần khoa học nhưng với nghĩa là cần kết quả nghiên cứu của khoa học, còn khoa học làm thế nào để có kết quả thì lại quan tâm của xã hội là không nhiều hoặc không cần biết. Vì vậy để khoa học vào tư duy cần nhiều điều kiện. Dưới đây nêu một số điều kiện:

  • Yếu tố con người. Yếu tố con người mang tính sinh học. Đây là điều kiện tiên quyết. Điều kiền này bắt nguồn từ cấu trúc sinh học của bộ não. Không phải ai sinh ra cũng có khả năng khoa học mặc dù nhu cầu tìm hiểu thế giới là một nhu cầu thíêt yếu cho sự tồn tại và phát triển. Gs Brian Greene đã nêu ví dụ về sự háo hức của các em nhỏ khi nghe kể về hố đen, về vũ trụ. Nhưng rồi sẽ có bao nhiêu em trong đó trở thành nhà khoa học? Có những người chỉ có nhu cầu biết và khi biết rồi thì nhu cầu đó chấm dứt. Nhưng có những người không chỉ muốn biết mà còn muốn hiểu nhiều. Với những người chỉ có nhu cầu biết thì họ chỉ cần được trả lời đó là ai, cái gì, ở đâu, khi nào, bao lâu, trình tự thế nào. Nhưng với người có nhu cầu hiểu thì ngoài những câu trả lời đó họ còn muốn biết thêm tại sao lại thế, tại sao là thế này mà không phải là thế kia, có thể là cái khác được không và có bao nhiêu cái khác,v.v...Các nhà khoa học là những người luôn không thoả mãn với các câu trả lời và không tin chắc vào các câu trả lời. Với họ, để có thể tin được cái gì đó thì trước hết họ nghi ngờ chúng. Muốn tin vào câu trả lời thì phải nghi ngờ tính đúng đắn của câu trả lời đã có. Đây là phẩm chất của những người làm khoa học và muốn tìm được người làm khoa học phải tìm (hoặc tạo) được phẩm chất này trong họ. Cố gắng đào tạo và sử dụng những người không thể làm khoa học trong các ngành khoa học sẽ là một sự lãng phí. Nhưng không sử dụng những người có thể làm khoa học còn lãng phí gấp bội.
  • Yếu tố văn hoá và giáo dục. Đây là hai yếu tố quan trọng. Hai yếu tố này có thể tạo nên một số phẩm chất nào đó, nhưng quan trọng nhất là chúng tạo nên phong cách tư duy và tài nguyên cho tư duy. Phong cách tư duy là phương pháp tư duy sáng tạo hay tư duy khoa học. Tài nguyên tư duy là tri thức khoa học mà giáo dục cung cấp. Có năng lực và phong cách tư duy khoa học nhưng không có tri thức khoa học thì cũng không tư duy được cái gì. Ngược lại, có tri thức nhưng không có phong cách tư duy khoa học thì cũng không thu được kết quả. Điều này giống như việc có tài nguyên dồi dào nhưng lại không có khả năng khai thác hay một nhà nông giỏi nhưng không có ruộng cày thì vẫn phải nhịn đói. Tuy nhiên không phải cứ đầu tư nhiều vào việc xây dựng nền văn hoá và giáo dục cứ cung cấp mọi tri thứ khoa học là sẽ tạo ra được các nhà khoa học. Vấn đề còn nằm cả trong nội dung và phương pháp.
  • Yếu tố chính trị, xã hội. Đây là điều kiện về sự nhận thức của xã hội, của các nhà lãnh đạo đối với vai trò của khoa học trong sự phát triển. Khi xã hội nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học trong sự phát triển thì sự đầu tư cho khoa học bao gồm cả đầu tư công sức, tiền của và thời gian chokhoa họpc sẽ tăng lên. Nhưng nếu sự đầu tư này không có sự tổ chức mà mang tính tự phát thì hiệu quả sẽ không cao. Điều này đòi hỏi Nhà nước có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của khoa học. Nhà nước sẽ xác định lĩnh vực ưu tiên, mức độ, thứ tự đầu tư, kế hoạch phát triển, tạo môi trường nghiên cứu, vận động đóng góp, chính sách sử dụng các nhà khoa học,v.v... Có một yếu tố hạn chế nhiều đến sự phát triển của khoa học là hội chứng “sợ năng lực của các nhà khoa học” trong tư duy của các nhà lãnh đạo. Họ sợ các nhà khoa học có tư duy tốt hơn họ, thẳng thắn chỉ cho họ thấy những điểu yếu mà họ đang muốn giữ kín để đảm bảo có uy tín lãnh đạo, vì vậy họ thường tìm mọi cách để những người làm khoa học dưới quyền họ không có điều kiện nghiên cứu khoa học, không thể phát triển được. Đây là một sai lầm trong lãnh đạo nhưng đáng tiếc điều này vẫn đang tồn tại và phổ biến trong những cơ quan mà người lãnh đạo được bổ nhiệm không bằng con đường chính đáng nhất. Người làm khoa học có những phẩm chất khác với những người làm chính trị. Điều này có nghĩa là không phải bất kỳ nhà khoa học giỏi nào cũng có thể làm lãnh đạo và sẵn sàng tranh chấp vị trí lãnh đạo. Nếu họ có niềm đam mê với khoa học thì vị trí lãnh đạo không phải là mục tiêu mà họ hướng tới. Nói chung chẳng có lýa do gì để các nhà lãnh đạo sự các nhà khoa học. Hơn thế, nếu họ biết sử dụng tài năng của các nhà khoa học thì lợi ích mà họ thu được sẽ lớn hơn nhiều những cái mà họ trả cho các nhà khoa học.

Riêng Việt nam thì còn cần thêm một điều kiện là khắc phục được xu hướng thích dùng hàng ngoại và coi thường hàng nội trong khoa học. Điều này làm cho khoa học Việt nam rất chậm phát triển trong khi Việt nam không thiếu nhân tài.

Khi nhiều điều kiện cần không được đáp ứng thì cái quan trọng nhất để đưa khoa học, hay đưa tư duy khoa học vào cuộc sống của mình là hãy tự thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học trong lòng mình.