Lúc vãn đời của danh tướng Hoàng Kế Viêm (phần 1)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Năm 1883, triều đình Huế ký Hiệp ước Harmand với Pháp, rồi ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Kinh, nhưng ông không nghe lệnh, tiếp tục ở lại phối hợp với quân Thanh đánh lại quân Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa và quân Pháp. Những nghi vấn về việc xuất xử của ông chắc chắn đã xuất hiện trong giai đoạn này.

Mộ Hoàng Kế Viêm (1820-1909) tại Lệ Thủy, Quảng Bình

Trước khi đi sâu vào câu chuyện cuối đời Hoàng Kế Viêm xin được xét sơ lược tình hình từ 1883 về sau thế này: Sau thất bại lần thứ hai tại Bắc Kỳ Pháp thấy nguy phải cử cấp tướng ra chỉ huy và tăng thêm quân, sai Harmand làm toàn quyền kinh lý việc Bắc Kỳ. Dân chúng Bắc Kỳ nổi lên kháng Pháp khắp nơi và quân Nam phản công ở Hà Nội, Nam Định nhưng đều thất bại. Trong tình trạng hiểm nghèo đó, triều đình Huế sinh nhiều việc rối loạn. Năm 1883 Tự Đức mất, Dục Đức lên ngôi được 3 ngày thì Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết truất ngôi, lập Hiệp Hoà. Trong khi đó quân Pháp đánh Thuận An, uy hiếp Huế. Triều đình phải cử Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp thương nghị với với Harmand và De Champeaux để ký Hoà ước 23.7.1883. Hoà ước có 27 khoản, theo đó triều đình Huế chịu nhận Pháp bảo hộ, Pháp được đặt công sứ, chỉ huy tại các tỉnh, vua Việt chỉ có quyền cai trị từ Thanh Hoá tới đèo Ngang. Hoà ước ký xong không thi hành được vì Bắc Kỳ vẫn trong tình trạng chiến tranh, quân Tàu và quân triều đình vẫn tiếp tục đánh. Pháp phải gọi thêm quân tiếp viện từ chính quốc sang rồi tiến chiếm Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Tuyên Quang. Quân Tàu thua, phải rút lên vùng biên giới Hoa-Việt, quân Nam phải lui về Huế. Ỏ Huế, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tiếp tục phế vua Hiệp Hoà lập vua Kiến Phúc. Triều đình Huế yêu cầu Pháp ký hoà ước khác để quyền hành của vua Việt được nới rộng hơn. Nguyễn Văn Tường cùng Patenôtre ký Hoà ước 6.6.1884, gồm 19 khoản. Hoà ước này cũng như hoà ước 1883, nhưng giới hạn cai trị của triều đình Huế được nới rộng thêm từ Thanh Hoá tới Bình Thuận. Tại vùng biên giới Hoa-Việt, quân Tàu vẫn chiếm đóng, quân Pháp tiến đánh nhưng thất bại ở Bắc Lệ và Lạng Sơn. Pháp liền đem hải quân đánh Phúc Châu và Đài Loan, Trung Hoa phải ký hoà ước Thiên Tân năm 1885, nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam và rút quân về Tàu. Sau nhiều năm chiến tranh và qua 4 bản hoà ước 1862, 1874, 1883 và 1884 nước Pháp thực dân đã hoàn tất việc xâm lăng Việt Nam. Nam Kỳ trở thành thuộc địa, Bắc Kỳ là đất bị bảo hộ và Trung Kỳ là nơi Pháp lập chế độ trú sứ, nhưng trên thực tế cả ba miền đều là thuộc địa của Pháp, nhà Nguyễn ở Huế không có quyền hành gì. Hoà ước 1884 xác định quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam và đã được thi hành tới ngày 9.3.1945. Trong giai đoạn sau 1884 này có nhiều phong trào yêu nước mà ai học sử ta cũng đều biết. Tôi chỉ xin nói về những sự kiện liên quan đến Hoàng Kế Viêm, nhất là phong trào Cần Vương với Vua Hàm Nghi. Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim có đoạn chép về “Việc đánh dẹp ở Trung và Bắc Kỳ” như sau:

Vua Đồng Khánh ra Quảng Bình

Đất Trung-Kỳ từ Quảng-Trị trở ra chưa được yên. Vua Đồng-Khánh bèn định ra tuần thú mặt bắc, để dụ vua Hàm-Nghi và những quan đại thần về cho yên việc đánh-dẹp. Quân Pháp sai đại-úy Henry Billet đi hộ-giá.

Ngày 16 tháng 5 năm Bính-Tuất (1886), xa-giá ở Kinh đi ra, mãi đến cuối tháng 7 mới tới Quảng-Bình. Xa-giá đi đến đâu thì đảng cựu thần vẫn không phục, cứ đem quân đến chống-cự, cho đến việc vua đi tuần-thú lần ấy, không có kết-quả gì cả. Ra đến Quảng-Bình thì vua Đồng-Khánh yếu, ở được vài mươi ngày rồi phải xuống tầu đi đường hải đạo trở về Huế.

Hoàng Kế Viêm Ra Quân Thử Mạn Quảng Bình

Vua Đồng-khánh về Huế được vô sự. Đến tháng 9 vua khai phục nguyên hàm cho Hoàng Kế Viêm và phong cho làm Hữu-trực-kỳ An-phủ kinh-lược đại-sứ, được quyền tiện-nghi hành-sự, để ra Quảng-Bình dụ vua Hàm-Nghi và các quan cựu thần về. Trong tờ dụ của vua Đồng-Khánh ban cho Hoàng Kế Viêm đại-lược nói rằng: Nếu vua Hàm Nghi mà thuận về, thì sẽ phong cho làm làm Tổng-trấn ba tỉnh Thanh-Hóa, Nghệ-An và Hà-Tĩnh, và lại cấp cho bổng lộc theo tước vương. Các quan cựu-thần như các ông Trương Văn Ban, Nguyễn Trực, Nguyễn Chư, Lê Mô Khải, Nguyễn Nguyên Thành, Phạm Trọng Mưu, Nguyễn Xuân Ôn, Ngô Xuân Quỳnh, ai về thú thì được phục nguyên chức, cho vào làm quan ở các tỉnh từ Quảng-Trị trở vào. Còn như các ông Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng mà có chịu về thì sẽ tha những điều lỗi trước, và sẽ phong cho làm chức hàm khác. Những điều ấy đã bàn với viên Thống-đốc Paul Bert, hai bên đã thuận cho như thế, quyết không sai lời.

Bấy giờ quân của quan Đề-đốc Lê Trực đóng ở mạn Thanh-Thủy , thuộc huyện Tuyên-Chánh; quân của Tôn-Thất Đạm là con Tôn-Thất Thuyết thì đóng ở ngàn Hà-Tĩnh, về hạt Kỳ-anh và Cẩm-xuyên. Còn Tôn-thất Thiệp và Nguyễn Phạm Tuân thì phò vua Hàm-Nghi ở mạn huyện Thanh-hóa.

Ông Hoàng Kế Viêm ra Quảng-bình, sai người đi dụ ông Lê Trực về. Nhưng các ông ấy cứ nhất thiết không chịu, chỉ có bọn thủ-hạ lác đác vài người ra thú mà thôi. Bởi vậy, việc Hoàng Kế Viêm ra kinh-lược cũng không thành công, cho nên đến tháng 5 năm Đinh-Hợi (1887), lại phải triệt về.

Vậy là Hoàng Kế Viêm tuân lệnh triều đình đã ra Quảng Bình chiêu dụ Vua Hàm Nghi (1871 - 1943, làm vua 1884-88) và các nhân vật hàng đầu của phong trào Cần Vương (kéo dài từ 1885 đến 1895), được hiểu là phong trào chống Pháp xâm lược. Vậy, phải chăng ông từ một người chủ chiến trong công cuộc đánh Pháp và đã lập những chiến công hiển hách nay thành ra một người a dua triều đình “bán nước” của Vua Đồng Khánh (do Pháp dựng lên)? Xin hãy lắng nghe ý kiến của các bậc minh triết.

Một người thông minh tài giỏi như Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), mà vua nào cũng phải nghe lời tham vấn chân xác của ông về các quan tướng triều đình, đã từng gửi bản “Bắc Kỳ tấu nghị” lên Vua Tự Đức ngày 20.6.1873 nhận xét về Hoàng Kế Viêm như sau:

Hoàng Kế Viêm bản chất rất bao dung, vốn có tài lâm cơ đoán định, lay chuyển chẳng dời, được xem là một tay đảm đương vậy. (Tôi - Đặng Thân - nhấn mạnh).

Thế nhưng, thời đó trong dân gian có câu ca dao:

Nước Nam có bốn anh hùng;

Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu!

Đó là tên 4 người trong phe chủ chiến: Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thuyết. Hoàng Kế Viêm chưa bao giờ “chủ hòa” vậy. Sau ngày kinh đô thất thủ, phe thân Pháp và bọn bậu xậu lên nắm quyền, các vị chủ chiến thất thế bị rơi vào thế đối lập chống lại triều đình... Và danh dự của các ông đã bị bôi nhọ, xuyên tạc ngay tại kinh đô Huế... Chắc chắn những lời bia miệng báng bổ độc ác đó đã phát ra từ những kẻ thù của các ông - những kẻ thân Pháp cầu vinh.

Thực chất, Hoàng Kế Viêm bất đắc dĩ đã phải theo dụ của Đồng Khánh truy dụ các nghĩa sĩ Cần Vương. Vì sử sách đã ghi nhận lời của Hoàng Kế Viêm bày tỏ quan điểm của mình:

Đánh [nghĩa sĩ Cần vương] để yên dân, chứ không cốt đánh để thắng, (Đại Nam thực lục, Chính biên, Kỉ Đồng Khánh).

Vậy là đã rõ. Trước cái thế “châu chấu đá xe” cùng kinh nghiệm máu xương một đời trận mạc dường như ông thừa biết rằng phong trào Cần Vương trước sau cũng bị dập tắt vì những lí do rất rõ ràng:

1. Tính chất địa phương: sự thất bại của phong trào Cần Vương có nguyên nhân từ sự kháng cự chỉ có tính chất địa phương. Các phong trào chưa quy tụ, tập hợp thành một khối thống nhất đủ mạnh để chống Pháp. Các lãnh tụ Cần Vương chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ hoặc giải tán hay đầu hàng.

2. Quan hệ với dân chúng: các đạo quân này không được lòng dân quê nhiều lắm bởi để có phương tiện sống và duy trì chiến đấu, họ phải đi cướp phá dân chúng.

3. Mâu thuẫn với tôn giáo: sự tàn sát vô cớ những người Công giáo của quân Cần Vương khiến giáo dân phải tự vệ bằng cách thông báo tin tức cho phía Pháp. Những thống kê của người Pháp cho biết có hơn 20.000 giáo dân đã bị quân Cần Vương giết hại.

4. Mâu thuẫn sắc tộc: Chính sách sa thải các quan chức Việt và cho các dân tộc thiểu số được quyền tự trị rộng rãi cũng làm cho các sắc dân này đứng về phía Pháp. Chính người Thượng đã bắt Hàm Nghi, các bộ lạc Thái, Mán, Mèo, Nùng, Thổ đều đã cắt đường liên lạc của quân Cần Vương với Trung Hoa làm cạn nguồn khí giới của họ. Quen thuộc rừng núi, họ cũng giúp quân Pháp chiến tranh phản du kích đầy hiệu quả, (Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các triều vua nhà Nguyễn).

Đứng trước cái thực trạng của một phong trào bi thảm đó Hoàng Kế Viêm đã chọn hai chữ YÊN DÂN. Vậy ai là anh hùng yêu nước thương nòi đích thực đã hiện lên rõ ràng!

(còn tiếp)

Liên kết nội[sửa]

Tác giả[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này